Triển khai Luật Giao thông đường bộ: Hướng dẫn nhanh – tuyên truyền rộng

25/02/2009
Điều chỉnh các hoạt động liên quan đến giao thông đường bộ nên từ trước tới nay Luật Giao thông đường bộ luôn “được” nằm trong danh sách những đạo luật được quan tâm nhất và cũng bị nhiều người vi phạm nhất. Nắm được quy luật đó cùng với việc Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung, nên tiếp ngay sau quá trình xây dựng ban hành luật, các nhà làm luật đang cố gắng đến mức cao nhất để bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành trước khi Luật có hiệu lực thi hành mùng 1/7/ 2009.

Có nhiều quy định mới...

      Sở dĩ nói Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (gọi tắt là Luật GTĐB) vì trong số 89 Điều của Luật chỉ có 03 Điều được giữ nguyên cả nội dung và kết cấu (chiếm 3,37%), có 68 Điều bổ sung, sửa đổi (chiếm 76,40%) và 18 Điều mới (chiếm 20,23%), và sự đổi mới này đã thể hiện ngay ở chương đầu tiên của đạo luật.

Một số thay đổi cơ bản ở chương này là nhiều từ ngữ mới được giải thích tại Điều 3, đặc biệt khái niệm “đất của đường bộ” có sự thay đổi về cơ bản, không chỉ phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng” như quy định tại Luật GTĐB năm 2001, mà còn thêm “phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ”, như vậy đã mở rộng hơn so với quy định của Luật GTĐB năm 2001. Đặc biệt, đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), Luật cũng có quy định chặt chẽ hơn đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cụ thể: nghiêm cấm người “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở không được “vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở . Như vậy, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường, tuy Luật không cấm nhưng quy định nồng độ cồn thấp hơn so với quy định của Luật năm 2001 và là mức 35 nước trên thế giới áp dụng.

Ở các chương tiếp theo, sự đổi mới của đạo luật tiếp tục được thể hiện qua các quy định yêu cầu người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy bên cạnh việc đội mũ bảo hiểm còn phải cài quai đúng quy cách; bổ sung quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy để bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông; nâng độ tuổi tối thiểu của người lái xe ô tô chở người từ 10-30 chỗ ngồi tăng từ 21 tuổi (theo Luật năm 2001) lên là 24 tuổi, tuổi tối thiểu của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi tăng từ 25 tuổi (theo Luật năm 2001) lên là 27 tuổi...;  quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (vẫn được gọi theo cách thông thường là hộp đen). Đây được đánh giá là quy định mang tính đột phá trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.

Điểm mới đáng lưu ý trong phần kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là so với Luật GTĐB năm 2001, Luật GTĐB năm đã quy định rõ thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ của Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) và của UBND (đối với đường địa phương). Mặt khác, Luật cũng quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26% để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của giao thông đô thị, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực...

Nên không được chậm trễ việc hướng dẫn

Điều chỉnh các hoạt động liên quan đến giao thông đường bộ nên từ trước tới nay Luật Giao thông đường bộ luôn “được” nằm trong danh sách những đạo luật được quan tâm nhất và cũng bị nhiều người vi phạm nhất. Nắm được quy luật đó cùng với việc Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung, nên tiếp ngay sau quá trình xây dựng ban hành luật, các nhà làm luật đang cố gắng đến mức cao nhất để bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành trước khi Luật có hiệu lực thi hành mùng 1/7/ 2009.

Thông tin về vấn đề này, bà Trịnh Minh Hiền – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải cho biết, để triển khai thực hiện Luật GTĐB năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành rà soát, lập Danh mục văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, có 48 văn bản, gồm10 Nghị định của Chính phủ, 32 Thông tư của Bộ trưởng và 06 văn bản do UBND cấp tỉnh ban hành. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng 27 văn bản (8 Nghị định của Chính phủ, 19 Thông tư của Bộ trưởng). Cho đến giờ phút này, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-BGTVT ngày 21/1/2009 ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ trì xây dựng cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ có văn bản đề nghị các Bộ khác như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính xây dựng hoặc ban hành theo thẩm quyền  các văn bản.

Đặc biệt, theo bà Hiền do tính chất là đạo luật được xã hội quan tâm nhất và cũng bị vi phạm nhiều nhất nên đồng thời với việc xúc tiến xây dựng văn bản hướng dẫn, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-BGTVT về Chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB của Bộ năm 2009. Đây là một trong những công tác trọng tâm trong năm nay với mục tiêu tuyên truyền kịp thời, thường xuyên với nhiều hình thức các quy định của Luật Giao thông đường bộ đến từng người dân, đặc biệt là các quy định mới, bảo đảm về cơ bản, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân được tiếp cận để có cách hiểu đúng và thống nhất các quy định trước khi Luật có hiệu lực thi hành, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Luật.

Xuân Hoa