Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 đã quy định một cách tương đối đầy đủ, , toàn diện (toàn bộ Phần II với 117 Điều) các vấn đề về quyền sở hữu. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống cũng như trong mối tương quan với các đạo luật khác của hệ thống quốc luật, những quy định về quyền sở hữu trong BLDS năm 2005 cũng bắt đầu cho thấy không ít bất cập. Trong buổi “Tọa đàm về sở hữu trong pháp luật dân sự của một số nước Châu Âu – Sửa đổi BLDS Việt Nam năm 2005” diễn ra mới đây, các chuyên gia pháp lý đã dành khá nhiều thời lượng để “điểm mặt, chỉ tên” những bất cập này, cũng như cách thức để hóa giải chúng.
Quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản – có cần cụ thể hơn?
Chế định về quyền sở hữu không chỉ tập trung ở địa vị pháp lý và các quyền chủ thể của chủ sở hữu vì như vậy quyền sở hữu chỉ được nhìn nhận ở phạm vi hẹp. Do đó, trong chế định về quyền sở hữu còn có cả các quy định về quyền của người không phải chủ sở hữu đối với tài sản trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Trong BLDS Việt Nam năm 2005, quyền này đã được thể hiện qua nội dung Điều 173. Theo đó, người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật. Và, các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề và các quyền khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đã cho thấy BLDS năm 2005 đã có sự hoàn thiện nhất định so với BLDS năm 1995, tương đồng với các vật quyền theo quy định của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi một số bật cập như: tính chưa cụ thể (ví dụ BLDS năm 2005 mới chỉ liệt kê về quyền sử dụng đất mà chưa phân chia nhỏ quyền này thành các loại quyền cụ thể như quyền sử dụng đất bề mặt, quyền sử dụng đất để xây công trình ngầm...); tính chưa đầy đủ (hiện nay trong pháp luật tuy có quy định về việc sử dụng đất để xây công trình ngầm, nhưng khái niệm thế nào là công trình ngầm và việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, cũng như mối quan hệ giữa quyền đối với công trình trên mặt đất với quyền đối với công trình ngầm chưa được luật điều chỉnh)... Từ việc chỉ ra bất cập, các chuyên gia pháp lý đề xuất khi tiến hành sửa đổi, trong phần quy định về quyền của người không phải chủ sở hữu đối với tài sản, bên cạnh những quy định đã có, BLDS cần bổ sung thêm những quy định cụ thể các loại vật quyền như: quyền sở hữu, quyền sử dụng đất (đã phân chia cụ thể thành các loại cụ thể quyền sử dụng đất bề mặt để xây nhà, trồng trọt, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm...), quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng suối nước nóng... Mặt khác, các loại quyền của DNNN và cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp khi các cơ quan này được Nhà nước giao tài sản để quản lý, sử dụng cũng là đối tượng cần được nghiên cứu để có những quy định phù hợp.
Phân loại hình thức sở hữu –dựa vào tiêu chí gì?
Điều 15 Hiến pháp năm 1992 đã quy định 3 chế độ sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Trên cơ sở này, BLDS Việt Nam năm 2005 đã quy định có 6 hình thức sở hữu. Đó là: sở hữu Nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Tham dự buổi Tọa đàm, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng phân loại hình thức sở hữu theo kiểu liệt kê như vậy là chưa hợp lý. Ở chỗ, nếu căn cứ vào việc liệt kê một số loại pháp nhân cụ thể như quy định của BLDS thì có thể thấy sự liệt kê đó sẽ là không đầy đủ vì trong tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều loại hình tổ chức phát sinh, hoặc một thành phần kinh tế mới xuất hiện. Và khi đó, để điều chỉnh thì pháp luật nói chung và BLDS nói riêng lại phải sửa đổi cho phù hợp, làm ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Từ phân tích trên, nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm đã nhất trí với ý kiến nên dựa vào tiêu chí là sự khác biệt trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản để khẳn định hình thức sở hữu cho phù hợp, thay vì phân loại hình thức sở hữu theo kiểu liệt kê như hiện nay. Cụ thể, nếu tài sản thuộc về một chủ thể thì gọi là hình thức sở hữu tư nhân. Nếu tài sản thuộc sở hữu của từ hai chủ thể trở lên thì gọi là hình thức sở hữu chung. Cuối cùng, nếu tài sản thuộc về Nhà nước thì gọi là hình thức sở hữu Nhà nước. Tất nhiên, với cả 3 hình thức sở hữu này những đặc thù riêng trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của từng hình thức sẽ được pháp luật quy định phù hợp.
Minh Dương
Việc chuyển quyền sở hữu đối với nhà ở phát sinh từ thời điểm nào? Theo quy định tại Điều 168 BLDS năm 2005 và một số văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đất đai, hàng không, hàng hải thì đối với bất động sản, đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của sự chuyển quyền sở hữu. Nhưng cũng theo quy định tại Điều 168, nguyên tắc này sẽ bị loại trừ nếu trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, có thể hiểu nhà ở là một trong những loại tài sản thuộc sự loại trừ này vì theo quy định của Luật Nhà ở (Điều 93 Khoản 5) quyền sở hữu đối với nhà ở được chuyển kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng |