Tư tưởng chỉ đạo chung về giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên nói chung và học sinh phổ thông nói riêng trong giai đoạn hiện nay được quy định trong Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 7/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay khẳng định: “Phải xác định rõ pháp luật là môn học chính khoá trong mỗi cấp học, bậc học; phải có kiểm tra, tiến tới thi hết môn. Kết quả học tập môn học này là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá việc rèn luyện tư cách đạo đức của học sinh, sinh viên”.
Để có thể thực hiện được nhiệm vụ này, trước hết cần phải tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm túc chương trình nội dung giáo dục pháp luật trong trường phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải phối hợp với các ngành hữu quan biên soạn, hướng dẫn các nội dung hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khoá, vừa bổ trợ cho chương trình nội dung chính khoá, vừa tạo điều kiện, môi trường rèn luyện thực tế của học sinh, gắn chương trình, nội dung giáo dục trong nhà trường với chương trình mục tiêu chung về phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh và mỗi huyện, thành phố. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả, chất lượng việc dạy và học pháp luật, tổng kết thực tiễn, chấn chỉnh, bổ sung kịp thời, tiến tới đưa bộ môn giáo dục công dân vào diện thi chính thức.
Bên cạnh đó chúng ta phải chủ động tích cực bồi dưỡng, đào tạo từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, giảng dạy pháp luật. Để thực hiện tốt chương trình nội dung giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông nhất thiết phải có một đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn, được đào tạo, huấn luyện về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu cơ bản đội ngũ làm nhiệm vụ giáo dục pháp luật trong trường phổ thông hiện nay, ngành giáo dục đào tạo cần phải tính toán, sắp xếp lại, từng bước chấm dứt việc sử dụng giáo viên kiêm nhiệm, kết hợp giữa giải pháp tình thế và các giải pháp cơ bản, lâu dài để tổ chức thực hiện có hiệu quả, từng bước chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Để có thể nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường còn phải không ngừng cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường, kết hợp giữa học lý thuyết với hoạt động rèn luyện, tu dưỡng trong thực tế. Có thể nói cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật là một yêu cầu thường xuyên, đồng thời có tính cấp bách hiện nay nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác dạy và học pháp luật trong nhà trường, phương pháp tiên tiến, sáng tạo, hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, xác định lấy học sinh là trung tâm của quá trình dạy, học sẽ là cơ sở đảm bảo cho công tác giáo dục pháp luật đúng hướng, đạt tới mục tiêu giáo dục pháp luật đặt ra.
Ngoài ra cần phải phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong nhà trường và trên địa bàn dân cư; phối hợp với các lực lượng xã hội khác nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục pháp luật cho học sinh. Đồng thời đảm bảo các điều kiện tối cần thiết cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường như việc cung cấp, trang bị cho học sinh đầy đủ sách giáo khoa môn học, các loại tài liệu, sách báo liên quan và các phương tiện khác; tăng thêm thời gian giảng dạy, cải tiến chương trình môn học…
Hy vọng rằng một vài ý kiến trên sẽ góp ích trong việc nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay./.
Trần Hồng Nhung - Sở Tư pháp Nam Định