Triển khai thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường: Phải lựa chọn được người đứng đầu

27/02/2009
Thực hiện Nghị quyết 26/2008/QH12 (15/11/2008) của Quốc hội và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26, ngày 26/2, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Khâu đột phá trong cải cách hành chính

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là một khâu đột phá trong tiến trình thực hiện cải cách hành chính của Nhà nước ta. Mục tiêu cơ bản của việc thí điểm là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. Đây cũng là một vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị. Do đó, phải tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp trên cơ sở xây dựng các qui định pháp lý đầy đủ.

Chuẩn bị cho việc triển khai Nghị quyết 26 của Quốc hội, Bộ Nội vụ đã dự thảo 2 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND. Đồng thời, TANDTC cũng dự thảo thông tư hướng dẫn việc giới thiệu, bầu và đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm TAND huyện, quận, phương nơi không tổ chức HĐND, Bộ Tài chính dự thảo thông tư qui định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND. Sau khi trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định, các thông tư này sẽ có hiệu lực từ 01/4/2009.

Như vậy, chỉ còn một thời gian rất ngắn để chuẩn bị các bước cần thiết đảm bảo đến ngày 25/4 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Theo luật, UBND đương nhiệm sẽ làm việc đến 25/5 nên các địa phương được chọn thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường chỉ có 1 tháng để chuẩn bị và bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên UBND mới – sẽ đi vào hoạt động chính thức từ 26/5.

Đề cao vai trò người đứng đầu

Một điểm đáng lưu ý trong việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là có sự kết hợp với chủ trương của các đề án xây dựng chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn, đề cao vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, nhất là chủ trương Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Đảng ủy. Vì thế, yêu cầu đối với người đứng đầu (Chủ tịch) tại những nơi không tổ chức HĐND là rất cao. Ông Nguyễn Đức Hạt (Phó Chủ nhiệm Ban Tổ chức TƯ) nhấn mạnh, phải lựa chọn được người có năng lực quản lý nhà nước, có khả năng làm công tác Đảng, cùng những điều kiện khác của một cán bộ, công chức Nhà nước, Đảng viên để bổ nhiệm là Chủ tịch kiêm bầu làm Bí thư tại những nơi không tổ chức HĐND. Đồng thời phải có qui chế làm việc, qui định rõ mối quan hệ giữa hai chức danh trong hoạt động. Chọn đúng người đứng đầu sẽ giúp cho việc thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả và mục tiêu.

Ngoài ra, để không xảy ra tình trạng một người có thể giữ chức danh Bí thư – Chỉ tịch quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở 1 địa phương, ông Hạt đề nghị thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ. Theo đó, nếu người đó đã hết 2 nhiệm kỳ ở địa phương, vẫn có khả năng làm tiếp thì có thể luân chuyển sang địa phương khác để bổ nhiệm và bầu mới. Đây cũng là cơ sở để phấn đấu thực hiện chủ trương bí thư, chủ tịch không phải là người địa phương.

Tăng số lượng phó chủ tịch, phó bí thư cấp huyện

Ở những nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, gánh nặng công việc đương nhiên sẽ trao cho Chủ tịch. Vì vậy, ông Văn Hà Phong (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) cho rằng, tăng số lượng Phó Chủ tịch (có thể không quá 3 Phó Chủ tịch/huyện), nhất là đối với những huyện có cơ cấu ngành nghề đa dạng để “gánh vác” và hỗ trợ Chủ tịch trong công tác quản lý sau khi không có HĐND. Đồng quan điểm với ông Phong, Phó ban tổ chức tỉnh ủy Quảng Trị thấy cần tăng số lượng Phó Chủ tịch, Phó Bí thư tại 100% địa phương được chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong thời gian thí điểm. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác luân chuyển cán bộ từ các Sở xuống chính quyền cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cũng đề xuất tăng thành viên trong thường trực cấp ủy (không quá 3 Phó Bí thư).

Khi triển khai thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, đại diện các địa phương quan tâm rất nhiều đến chính sách đối với những cán bộ HĐND cũ chưa được bố trí công việc mới sau khi HĐND không được tổ chức. Theo đó, các đại biểu đề xuất kéo dài phụ cấp cho cán bộ HĐND ở nơi không tổ chức HĐND đến 2011 (vì nếu không thí điểm thì nhiệm kỳ của HĐND cũng kéo dài đến 2011) để động viên, khuyến khích cho cán bộ vì như ông Văn Hà Phong nhận định “họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc thí điểm”./.

Huy Long

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là nhằm cải cách bộ máy hành chính, đảm bảo sự thông suốt, hiệu lực và hiệu quả quản lý. Vì thời gian chuẩn bị rất ngắn, lại đồng thời làm nhiều việc nên những địa phương được lựa chọn thí điểm phải có nội bộ đoàn kết, chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất. Không tổ chức HĐND quận, huyện, phường phải thí điểm vì đây là vấn đề quan trọng, phải thận trọng. Sau 1 thời gian thí điểm sẽ đánh giá tính hiệu quả so với cách làm cũ để xem xóa gì cần sửa đổi, bổ sung, có cách làm khác tốt hơn hay không, đề xuất tổ chức bộ máy nhân sự. Nếu mọi việc có kết quả tốt thì có thể đề xuất đề triển khai trên cả nước. Văn bản chỉ đạo thí điểm phải được coi là các văn bản pháp luật, các địa phương phải thực hiện đúng. Việc thành lập ban chỉ đạo hay không là tùy thuộc từng địa phương nhưng không được vì tập trung thí điểm không tổ chức HĐND mà xao nhãng các công việc khác của địa phương. Đặc biệt, phải tổ chức làm sao để cấp tỉnh không làm những công việc của cấp huyện”./.

 

Các tỉnh, thành phố trực TƯ tham gia thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường: Lào Cai (8 huyện, 12 phường); Vĩnh Phúc (7 huyện, 13 phường); Hải Phòng (7 huyện, 7 quận, 70 phường); Nam Định (9 huyện, 20 phường); Quảng Trị (7 huyện. 13 phường); TP.Đà Nẵng (1 huyện. 6 quận, 45 phường); Phú Yên (7 huyện, 12 phường); TP.HCM (5 huyện, 19 quận, 259 phường); BR-VT (5 huyện, 24 phường); Kiên Giang (11 huyện, 15 phường)