Trong chương trình làm việc tại phiên họp thứ 17, chiều qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở. Đây là vấn đề được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài khi mà mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 19 thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2009.
Luật Nhà ở năm 2005 lần đầu tiên cho phép một số đối tượng là người Việt Nam (VN) định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, sau hơn 2 năm thực hiện Luật Nhà ở chỉ có hơn 140 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại VN, trong đó chủ yếu là những đối tượng thuộc diện về đầu tư lâu dài theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật nhà ở. Con số này so với nhu cầu thực tế là quá ít ỏi. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, đó là các đối tượng người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở VN theo Luật Nhà ở quá hẹp. Mặt khác, một số quy định của Luật này không rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng thực hiện.
Trong khi đó, Nghị quyết số 19 của Quốc hội thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở VN đã mở rộng hơn về đối tượng so với Luật Nhà ở nên việc sửa đổi Điều 126 là cần thiết.
Phải có cống hiến thực sự mới được mua nhà.
Theo Dự thảo, đối tượng được sở hữu nhà đã mở rộng hơn với Luật hiện hành. Theo đó, người VN định cư ở nước ngoài đang tạm trú hợp pháp ở VN thì có quyền sở hữu nhà ở tại VN bao gồm: người có quốc tịch VN; người gốc VN, bao gồm: người về đầu tư trực tiếp tại VN; người có công đóng góp cho đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học; người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu; người kết hôn với công dân VN ở trong nước.
Ông Trần Thế Vượng Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội đặt vấn đề: các nhà văn hóa, nhà khoa học, người có kỹ năng đặc biệt thì VN cần thật, nhưng họ có vào VN để làm việc thực sự hay không, Cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực cho họ trong 3 tháng nhưng thực tế họ chỉ ở VN có 1,2 tuần. Có khi họ vào VN lại vì mục đích du lịch mà không phải làm việc. Cứ theo Luật thì chỉ cần họ xuất trình giấy của cơ quan có thẩm quyền là được sở hữu nhà trong khi không có cống hiến gì cho đất nước. Như vậy là không ổn.
Cũng vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội lưu ý: các khái niệm đưa ra cần phải tương thích với Luật quốc tịch VN vừa được thông qua để đảm bảo nhất quán về chính sách.
Được sở hữu bao nhiêu nhà?
Về vấn đề số lượng nhà mà người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu tại VN, có hai ý kiến khác nhau. Một loại quan điểm cho rằng nên hạn chế tất cả các nhóm đối tượng là người VN định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại VN. Bởi, mục đích của việc cho phép mua nhà là tạo điều kiện về chỗ ở cho họ khi về VN. Việc quy định chỉ được sở hữu một nhà sẽ hạn chế việc lợi dụng chính sách để kinh doanh, mua đi bán lại. Hạn chế về số lượng cũng góp phần làm giảm tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản VN.
Tuy nhiên, Dự thảo luật hiện nay đang quy định theo hướng, không quy định số lượng nhà ở được sở hữu với các nhóm đối tượng thuộc khoản 1 (xem Box bài). Còn nhóm đối tượng thuộc khoản 2 thì chỉ được quyền sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại VN. Bởi, theo Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện hành thì nhóm đối tượng này không bị hạn chế về số lượng. Đây là nhóm đối tượng thuộc diện được ưu tiên, khuyến khích về đầu tư, đóng góp cho quê hương nên về chính sách có sự khác biệt với nhóm đối tượng quy định tại khoản 2. Để hạn chế việc sử dụng nhà sai mục đích hoặc đầu cơ mua đi bán lại, thì có thể áp dụng các quy định khác để điều chỉnh như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật kinh doanh bất động sản…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý: nếu chia ra các nhóm đối tượng để có sự phân biệt về chính sách thì cần có quy định cụ thể. Ngoài ra cần làm rõ và thống nhất cách hiểu về thời gian cư trú để tránh lúng túng khi áp dụng.
Liên quan đến quyền sở hữu nhà của người VN định cư ở nước ngoài, trong chiều qua Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về việc sửa đổi Điều 121 Luật Đất đai để đảm bảo sự tương thích trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Bình An
1. Người VN định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây đang tạm trú hợp pháp ở VN thì có quyền sở hữu nhà ở tại VN: a, người có quốc tịch VN; b, người gốc VN, bao gồm: người về đầu tư trực tiếp tại VN; người có công đóng góp cho đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học; người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu; người kết hôn với công dân VN ở trong nước. 2. Người gốc VN không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của VN cấp Giấy miễn thị thực và đang tạm trú hợp pháp tại VN thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại VN. (Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở) |