Những vấn đề rút ra trong thực thi pháp luật của Lực lượng Cảnh sát biển trên biển

15/01/2009

Trong 10 năm qua, với chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển đã chủ trì thực hiện, thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, tham gia quản lý, giám sát hoạt động nghề cá trong các vùng nước Hiệp định ở Vịnh Bắc Bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần duy trì nghiêm trật tự, an toàn, an ninh trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn sinh sống và hoạt động trên biển, thềm lục địa của Tổ quốc đạt hiệu quả nhất.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Cảnh sát  biển, là lực lượng ra đời trong bối cảnh Việt Nam chưa có tiền lệ và sau khi có Pháp lệnh thì lực lượng mới được thành lập; đây là đặc điểm riêng so với một số lực lượng chuyên ngành khác của nhà nước ta. Do đó, quá trình hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển đã gặp phải không ít khó khăn, thử thách cả về biên chế, tổ chức và công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự TW và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát biển, đến nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trong duy trì an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm, sao cho sát với tình hình thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy trình hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phù hợp với Luật biển quốc tế và pháp luật Việt Nam. Trong những năm qua, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì an ninh trên các vùng biển và thềm lục địa đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm chủ quyền…Thông qua việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển đồng thời làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển cho bà con ngư dân làm ăn sinh sống, hoạt động trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã và đang góp phần đảm bảo cho hoạt động nghề cá của ngư dân, chấn chỉnh những vi phạm về hàng hải của tàu thuyền hoạt động trên biển. Khi làm nhiệm vụ trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm an toàn, góp phần thực hiện tốt các quy định tại Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính đến nay, các đơn vị tàu Cảnh sát biển đã trực tiếp tuần tra, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng hoạt động được hàng trăm lần chuyến tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển và thềm lục địa nước ta. Trong đó đã trực tiếp kiểm tra 6.241  tàu thuyền các loại của Việt Nam và nước ngoài, xử lý 2.658 tàu, thu từ xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ đồng, tiến hành bàn giao gần 100 tàu thuyền vi phạm cho các lực lượng Thuế, Hải quan, Biên phòng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình… xử lý theo quy định của pháp luật; xua đuổi hàng trăm lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển nước ta; kiểm tra và giám sát hoạt động nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ đạt hiệu quả cao.

Tình hình đánh bắt trộm hải sản của tàu thuyền nước ngoài trên các vùng biển nhất là vùng biển Tây Nam và Vịnh Bắc Bộ được kiểm soát, số lượng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép chủ quyền đánh bắt trộm hải sản ngày càng giảm. Việc giải quyết tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam giảm bớt căng thẳng, tránh được các đụng độ giữa tàu quân sự với tàu nghiên cứu khoa học trên biển, trong chừng mực nào đó lực lượng Cảnh sát biển đã làm mềm hoá giải quyết các tranh chấp trên biển.

Ngay khi Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực (30/6/2004), Cục Cảnh sát biển đã tiến hành tập huấn cho các đối tượng liên quan trong toàn Cục, phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị để chủ trì, giám sát việc thực hiện Hiệp định có hiệu quả nhất. Phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng và xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trong Vùng nước hiệp định, nhằm khẳng định chủ quyền, tạo dựng niềm tin cho ngư dân, khuyến khích ngư dân Việt Nam ra đánh bắt hải sản trong các vùng nước Hiệp định.

Trong nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng chính của nước CHXHCN Việt Nam trong hợp tác quốc tế chống cướp biển theo Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á.

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý trên biển trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã bước đầu khẳng định được vị trí vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị trong Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan thông qua các quy chế phối hợp với các lực lượng thuộc Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thuế… tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận chống buôn lậu, ma tuý. Gắn chặt đấu tranh chống buôn lậu với đấu tranh tiêu cực, nhanh chóng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ án lớn, điển hình, ví dụ như vụ lực lượng Phòng, chống tội phạm ma tuý Cục Cảnh sát biển phối hợp với Cục điều tra tội phạm ma tuý (C17), Hải quan và công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, bắt giữ lô hàng 2 công-ten-nơ chở 400 kiện hàng bên trong có chứa các bánh chất dẻo xác định là 8.8 tấn nhựa cần sa bỏ lẫn với các kiện quần bò vào ngày 12/5/2008 vừa qua; góp phần đẩy lùi, hạn chế các hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển ma tuý nói chung và trên tuyến biển nói riêng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên biển và các địa phương ven biển.

Quá trình hoạt động, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từng bước thiết lập được các cơ quan nghiệp vụ chuyên môn theo chức năng của mình như Trinh sát, Ma tuý; kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn lậu, trốn thuế, cướp biển và các hoạt động trái phép trên các vùng biển, đảo nước ta; cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước duy trì quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển đạt hiệu quả.

Lực lượng Cảnh sát biển đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển cho cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP và nhân dân các tỉnh ven biển. Từ cơ quan đến các đơn vị trong Cục đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tổ chức học tập, hội thảo hệ thống pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển, tiến hành in ấn và phân công cán bộ trực tiếp đi cấp phát hơn 12.000 tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân các tỉnh ven biển và ngư­ dân làm ăn trên biển của các vùng biển Việt Nam. Kết hợp với việc viết, gửi tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền về hoạt động, công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát biển trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ­­ương đến các địa phương. Những năm qua công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của lực l­ượng CSB Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định Phân định VBB và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tham gia cùng đoàn của Quân chủng Hải Quân và các địa phương tổ chức tuyên truyền về biển, đảo cho nhân dân các tỉnh ven biển trong năm 2006 và 2007. Đã phối hợp với Đài truyền hình Tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh để đưa tin tuyên truyền trên báo hình tại các địa phương trên.

Một số hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật trên biển

Trong quá trình hoạt động trên biển của lực lượng Cảnh sát biển thấy rằng, hành vi vi phạm của tàu thuyền trong nước chủ yếu là về lĩnh vực an toàn hàng hải, trong đó phần lớn các phương tiện vi phạm là tàu vận tải thủy nội địa, với các lỗi vi phạm chủ yếu là: thiếu bằng thuyền trưởng, máy trưởng và chở hàng quá trọng tải cho phép. Tình hình vi phạm các quy định về an toàn hàng hải, trật tự, an toàn giao thông thủy nội địa không giảm, có chiều hướng gia tăng. Hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hoá trái phép vẫn diễn ra, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và xử lý hơn 130 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, nhiều người chưa có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cũng tham gia điều khiển phương tiện; có những trường hợp thuê chứng chỉ chuyên môn, mượn người làm thủ tục, cố tình chở hàng quá trọng tải trước khi rời cảng vẫn còn xảy ra. Công tác quản lý tàu thuyền rời cảng biển hoặc bến thủy nội địa của cảng vụ còn buông lỏng, chưa chặt chẽ nên đã tạo sơ hở để người điều khiển phương tiện lợi dụng dẫn đến trường hợp tàu thuyền vi phạm các quy định trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường thủy nội địa vẫn được phép rời cảng, bến tiếp tục hoạt động và chưa bị xử lý.

Đối với tàu thuyền nước ngoài, nổi lên là hành vi tàu cá không có Giấy phép đánh bắt, xâm phạm vùng biển Việt nam khai thác hải sản trái phép. Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã tiến hành xua đuổi hàng trăm lần chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác hải sản trái phép, xử phạt 40 lần chiếc tàu nước ngoài vi phạm nghiêm trọng. Vi phạm này diễn ra rất phức tạp nổi lên ở khu vực Vnh Bắc Bộ, khu vực biển miền Trung với các tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc, ở khu vực biển Tây Nam là các tàu đánh cá của Thái Lan. Đối với khu vực Vịnh Bắc Bộ, thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự nói chung dần đi vào ổn định, tuy nhiên có một số hành vi vi phạm nổi lên đó là tranh chấp ngư trường, trộm cắp ngư lưới cụ của ngư dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc đã để lại dư luận xấu trong quan hệ 2 nước. Việc xử lý đối với các loại tàu thuyền vi phạm này nhiều khi bị ảnh hưởng bởi đối sách ngoại giao trên biển trong từng thời kỳ nhất định.

Hoạt động thăm dò trái phép tài nguyên khoáng sản của tàu nước ngoài trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là vi phạm mang tính chất hết sức phức tạp và nhạy cảm. Hoạt động của tàu thuyền nước ngoài vừa vi phạm về quyền tài phán trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, vừa ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việc đấu tranh và xử lý đối với loại vi phạm này là hết sức khó khăn.

Sự phối kết hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan trong và ngoài quân đội trong công tác chống buôn lậu trên biển có thời gian qua chưa được thường xuyên, chuyên sâu.

Những vấn đề rút ra trong thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển

Qua qúa trình hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển trên biển thời gian qua đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi ngành, mọi cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là trong Quân chủng Hải Quân và Cục Cảnh sát biển. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển đã có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nội bộ đoàn kết trên dưới, xác định tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Trong quá trình làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn, kể cả việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vi phạm. Nhanh chóng hình thành và thực hiện tốt quy trình kiểm tra, kiểm soát, vây bắt dẫn giải các đối tượng vi phạm, trình độ nghiệp vụ đã được nâng lên, qua thực tiễn công tác đã phát hiện được nhiều thủ đoạn che dấu hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với ngư dân làm ăn trên biển đã khắc phục được tình trạng thiếu bằng cấp và các chứng chỉ chuyên môn, đặc biệt là đối với thuyền viên làm việc trên tàu cá. Ý thức chấp hành của người dân về sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển tương đối tốt, khi vi phạm thì chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát biển.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên biển của lực lượng Cảnh sát biển có một số vấn đề rút ra cần hoàn thiện hơn trong thời gian tới, đó là:

Cần coi trọng hơn nữa hoàn thiện pháp luật về biển trong mối quan hệ không tách rời pháp luật quốc tế. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về biển đặc biệt là quy định thống nhất, cụ thể quy chế pháp lý của từng vùng biển Việt Nam phù hợp với Công ước luật biển năm 1982. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong đó xây dựng những chế định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trên biển.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam và pháp luật quốc tế cho ngư dân làm ăn trên biển, mà đối tượng cụ thể là các thuyền trưởng, chủ tàu làm nghề vận tải, khai thác hải sản, nhất là các tàu khai thác xa bờ thông qua quá trình hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và các đợt tuyên truyền biển đảo, nhất là pháp luật quốc tế để cho ngư dân biết thực hiện.

Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong phân định biển và kiểm soát hoạt động của ngư dân và các tàu thăm dò, nghiên cứu khoa học và khai thác hải sản giữa Việt Nam và các nước giáp ranh như Indonesia, Malaysia tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi, kịp thời xử lý các trường hợp ngư dân ta bị bắt, giam giữ.

Tăng cường mật độ tuần tra, kiểm soát, giám sát của các lực lượng chức năng trên các vùng biển, tập trung vào những vùng biển có nhiều khả năng xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, những vùng biển có mật độ tàu thuyền vận chuyển hàng hóa lớn, những luồng, tuyến hàng hải mà lượng tàu bè giao thương giữa Việt Nam với các nước lớn và những khu vực có nhiều tàu cá nước ngoài hoạt động như khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có như vậy mới bảo đảm không có kẽ hở cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác hải hải sản trái phép diễn ra.

Trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại phải lấy lực lượng Cảnh sát biển làm lực lượng nòng cốt, phối hợp với lực lượng khác như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Thuế vụ... và chính quyền địa phương các tỉnh ven biển. Ðặc biệt là chống buôn lậu dầu, gỗ quý, vận chuyển quặng, than từ Việt Nam đi các nước qua đường biển. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, với mô hình quản lý Nhà nước tổng hợp trên biển hiện nay, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quản lý Nhà nước trên biển, vì vậy, cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian  lận, thương mại, hàng giả, tội phạm buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy trên biển như Biên phòng và Cảnh sát biển. Đầu tư trang bị về phương tiện và các trang bị nghiệp vụ khác nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trong thời kỳ hội nhập. Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ nghiệp vụ điều tra, năng lực kiểm soát hàng giả, hàng nhái, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời kỳ Việt Nam hội nhập.

Xây dựng lực lượng đủ mạnh để thực hiện chức năng quyền hạn đặc biệt là thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực. Cần củng cố và tăng cường sức mạnh về tổ chức và trang bi của lực lượng quản lý trên biển đáp ứng nhu cầu kiểm soát, quản lý các vùng biển và thềm lục địa Viêt Nam.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho tất cả các lực lượng đều ra biển để xử phạt vi phạm là điều hết sức tốn kém mà không hiệu quả. Do vậy cần đầu tư xây dựng cho một lực lượng cảnh sát đa chức năng, xử phạt hành chính trong mọi lĩnh vực trên tất cả các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. 

Nguyễn Giang Đông - Phòng Pháp luật - Cục Cảnh sát biển