Vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

15/01/2009
Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội, hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp.
 

Trên thực tế, hiện nay chưa có một con số thống kê chính thức và chính xác nào về số lượng các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, con số thường được nhắc đến trong các báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan được Chính phủ giao về quản lý các hiệp hội nói chung) là trên 300 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc và hơn 2000 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương [1], trong đó, theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (viết tắt là VCCI) năm 2005 thì số lượng tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên cả nước có khoảng trên 300 tổ chức, trong đó chủ yếu tập trung tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Chỉ riêng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã chiếm hơn 42% trên tổng số các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chỉ có hơn 30% tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đang hoạt động tốt, số còn lại đang hoạt động cầm chừng và thực sự chưa phát huy hết vai trò của mình trong các hoạt động đại diện cho các doanh nghiệp thành viên [2].

Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có nhiều loại khác nhau. Nếu theo ngành nghề kinh doanh thì có thể được phân thành 2 loại: (1) các tổ chức đa ngành như VCCI, Hiệp hội công thương... và (2) các tổ chức cùng một ngành hàng, lĩnh vực, phạm vi hoạt động như Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, Hiệp hội ngân hàng; nếu theo địa bàn hoạt động thì có (1) các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp cấp quốc gia (cấp trung ương) và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp ở địa phương. Ngoài ra, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được hình thành theo các đặc điểm về quy mô như doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc điểm về giới tính như Câu lạc bộ Doanh nhân Nữ Hà Nội, đặc điểm về tuổi tác như Hội doanh nghiệp trẻ hoặc đặc điểm chung nào đấy của chủ doanh nghiệp như Hiệp hội doanh nghiệp Việt - Đức (dành cho chủ doanh nghiệp từng học và công tác tại Đức).

Hiện nay, có trên 30% các doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm thành viên của một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nào đó[3] hoặc một doanh nghiệp tham gia cùng một lúc nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP (ngày 30/7/2003) quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Ngày 15/1/2004, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2004/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88 và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 123/2003/TT-BTC ngày 16/12/2003 hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức chính trị,  xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước. Dự thảo Luật về Hội hiện đang được gấp rút xây dựng.

Vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay đang ngày càng được khẳng định. Trong các Văn kiện của Đảng [4], các Luật, văn bản quan trọng của Nhà nước, Chính phủ và gần đây nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội, hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức này trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Thực tế, từ trước đến nay, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp (đơn vị dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp) cũng đã thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp các thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, tư vấn pháp luật cho các hội viên và đóng góp ý kiến vào quá trình vận động xây dựng và hoàn thiện chính sách của nhà nước, điều đó đã khẳng định ngày một rõ hơn vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp. Với chức năng của mình, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ các doanh nghiệp) có thể tổ chức thực hiện tốt chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ vì:

Thứ nhất, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp sẽ là nơi giao lưu, tập hợp các doanh nghiệp, là nơi mà các doanh nghiệp phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật. Việc nhà nước thông qua các tổ chức này hỗ trợ pháp luật sẽ đảm bảo tính hiệu quả, thống nhất, tránh chồng chéo, lãng phí.

Thứ hai, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thường có nhiều thông tin trong lĩnh vực hoạt động của mình, do vậy, các cơ quan nhà nước có thể tìm hiểu, nắm bắt các thông tin để phục vụ cho công tác xây dựng và triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ ba, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thường có đội ngũ cán bộ, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm (những cán bộ này có thể là những người đã từng giữa những chức vụ quản lý trong các cơ quan nhà nước hoặc đang kiêm nhiệm ở các cơ quan, tổ chức có hoạt động liên quan đến doanh nghiệp) có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp. Do vậy, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Trong khi đó, tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ đã quy định:

- Việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp.

- Trách nhiệm của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý: chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp là thành viên tổ chức mình gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Vì vậy, để phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì trong thời gian tới:

Thứ nhất, cần phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (như Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp...) trong quá trình triển khai Nghị định số 66 và xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp;

Thứ hai, Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và các Bộ, ngành liên quan trực tiếp như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cần tổ chức khảo sát, điều tra ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của những đối tượng được hưởng sự hỗ trợ pháp lý của nhà nước.

Thứ ba, về phía các tổ chức đại diện của doanh nghiệp cần chuyển tải nhanh, có hiệu quả các ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý tới các cơ quan nhà nước, chính điều này cũng sẽ góp phần gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp hội viên với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.[5]

Trần Minh Sơn
 


[1] Báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị tổng kếtơnong tác hội năm 2007.

[2] Theo Báo cáo của Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI và thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội thảo: “Hiện trạng các định chế pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam” do chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tổ chức ngày 12/6/2006 tại TP. Hồ Chí Minh.

[3] Theo Kết quả điều tra 6.319 doanh nghiệp của khảo sát về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006 của VCCI và VNCI.
[4] Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX năm 2002 về đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân đã ghi nhận: “phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp”.

[5] Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là một dẫn chứng cụ thể, tính đến hết năm 2005, Hiệp hội chỉ có 21 thành viên  nhưng cơ quan thường trực của Hiệp hội một năm được phép chi tới 1 tỷ đồng (Báo cáo thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – tháng 6/2006).

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam hỗ trợ 35 tỷ đồng cho công tác phòng chống thuốc lá lậu (kinh phí do các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đóng góp). Theo đó, Hiệp hội sẽ chi trực tiếp từ 500đồng đến 1000đồng/gói cho các thành viên tham gia phóng chống thuốc lá lậu, kể cả người dân có công tố giác phòng chống thuốc lá lậu. (Nguồn Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số ngày 27/9/2006).