Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào thăm và làm việc tại Khánh Hoà: Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác

01/12/2008
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào thăm và làm việc tại Khánh Hoà: Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Tư pháp nước Cộng hoà DCND Lào do Tiến sĩ Chaleune YIAPAOHEU - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại nước ta từ ngày 24 đến 29/11/2008.

Sáng 27/11/2008, Đoàn đã đến thăm và làm việc với công chức, viên chức Sở Tư pháp Khánh Hoà. Thay mặt Ban Giám đốc và toàn thể công chức, viên chức, bà Lê Minh Hiền-Quyền Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hoà đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi có đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Tư pháp nước Cộng hoà DCND Lào đến thăm và làm việc tại Sở Tư pháp. Sau khi ôn lại truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt - Lào trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trước kia cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay, bà Lê Minh Hiền đã báo cáo với đoàn về kết quả các mặt hoạt động của ngành Tư pháp Khánh Hoà trong năm 2008. Bà Lê Minh Hiền nhận xét: “Tuy còn nhiều khó khăn về biên chế, tổ chức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, toàn thể công chức, viên chức ngành Tư pháp Khánh Hoà đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà địa phương và ngành giao, góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh -trật tự của tỉnh”. Tiếp đến, ông Trương Minh Hưng - Quyền Trưởng Thi hành án (THA) Dân sự tỉnh đã báo cáo một số kết quả công tác năm 2008 của ngành THA địa phương.

Thay mặt đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào, TS Chaleune YIAPAOHEU - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã cảm ơn sự đón tiếp chân tình, nồng ấm của Lãnh đạo Sở Tư pháp Khánh Hoà. Bộ trưởng bày tỏ sự khâm phục về truyền thống lịch sử vẻ vang của tỉnh Khánh Hoà trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước. Đoàn rất ấn tượng về kết quả công tác Tư pháp và công tác THA đối với sự phát triển mọi mặt của địa phương. Qua trao đổi, có nhiều vấn đề đoàn rất quan tâm, tìm hiểu và học tập. Không riêng Bộ trưởng, trong đoàn cũng có nhiều người tuy đã sống và học tập ở Việt Nam nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên đến Nha Trang, đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền và ngành Tư pháp đón tiếp như anh em trong một nhà. Tình cảm này mãi mãi không bao giờ quên đối với các thành viên trong đoàn. Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào - Việt không chỉ chung con sông, ngọn núi mà tình cảm đặc biệt giữa những người đồng chí đã cùng chiến đấu chung một chiến hào qua hai cuộc kháng chiến mà còn trong phát triển kinh tế, tình cảm này được ví như “môi với răng, da với thịt”. “Từ giờ phút này trở đi, chúng tôi có thêm những người anh em đó là các đồng chí ở Sở Tư pháp Khánh Hoà. Mong rằng thời gian tới, giữa hai nước Lào - Việt nói chung và Sở Tư pháp Khánh Hoà nói riêng sẽ có những cuộc trao đổi, giao lưu học tập lẫn nhau.” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giới thiệu về đất nước, con người nước CHDCND Lào, Bộ trưởng cho biết thêm: Ở đất nước Lào, đơn vị hành chính gồm 3 cấp: Thủ đô, tỉnh - cấp quận, huyện và bản làng (không có đơn vị hành chính cấp xã). Do vậy, công việc của cán bộ cấp quận huyện rất vất vả, mỗi tháng có ít nhất là 10 ngày đi xuống bản. Cơ cấu ngành Tư pháp tương đối giống Việt Nam, riêng công tác THA có điểm khác. Ở Bộ có Vụ THA, cấp Sở có Phòng THA và ở cấp huyện có Tổ THA, cơ quan Tư pháp quản lý luôn công tác THA. Qua trao đổi, đoàn sẽ học tập các bạn về tính độc lập của cơ quan THA trong hoạt động nghiệp vụ. Do thiếu nhân sự nên có một số nơi ở Lào một người làm cả hai việc: cả công tác tư pháp lẫn THA. Về công tác Hoà giải ở cơ sở, ngành Tư pháp Lào đang triển khai thí điểm việc xây dựng phong trào “bản làng không có án”. Toàn quốc có khoảng 9000 bản thì đã xây dựng phong trào được ở gần 7800 bản. Bộ Tư pháp có chương trình đào tạo trình độ nghiệp vụ hoà giải cho 5055 Tổ hoà giải cấp bản. Việc xây dựng mô hình “bản làng không có án” có hai loại. Một loại là xây dựng theo điều kiện thực tế của địa phương, một loại xây dựng theo truyền thống nề nếp từ trước đến nay của bản làng. Ở Việt Nam dân tộc Kinh chiếm đa số, còn đất nước Lào có 49 dân tộc thì tất cả các dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết và phong tục tập quá riêng. Dân số của từng dân tộc không có sự chênh lệnh là bao. Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì rất dễ dẫn đến bất ổn do vấn đề phân chia lợi nhuận kinh tế. Do vậy, phong trào xây dựng “bản làng không có án” nhằm mục đích giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nhưng vẫn phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.  Bên cạnh đó, thời gian tới Bộ Tư pháp Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu, học tập công tác đấu giá của Việt Nam vì ở Lào hiện chưa có công tác này. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã phấn khởi cho biết: công tác Tư pháp của nước CHDCND Lào những năm gần đây có nhiều thành tích, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Dù vậy, vẫn còn nhiều điểm cần phấn đấu để đi lên. Theo chương trình thì đến năm 2010, cán bộ Tư pháp trong toàn quốc phải đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, đặc biệt là lập trường quan điểm phải vững vàng. Để làm được điều này, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp Lào sẽ tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam. Bộ trưởng cũng nhắc lại Hiệp định hợp tác giữa ngành Tư pháp hai nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường  ký kết năm 2007. Theo đó, giữa hai Bộ sẽ có sự hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện tổ chức các đoàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau từ cấp Bộ đến địa phương của hai nước.

Trước đó, chiều ngày 26/11/2008, đoàn đã đến chào xã giao lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà. Được biết, trước khi kết thúc chuyến thăm, đoàn sẽ tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp và một số cơ quan trung ương trong hai ngày 28 và 29/11/2008.

Hải Dương