Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

27/11/2008
Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được lấy ý kiến nhân dân. Sau khi Luật này được ban hành và có hiệu lực, nó sẽ thay thế Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Để phục vụ cho việc đóng góp ý kiến, trong bài viết này, tác giả giới thiệu đến bạn đọc về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 49 Điều quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng dân dụng, giao thông vận tải, trang thiết bị sử dụng năng lượng, sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo và các biện pháp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo dự thảo Luật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc tăng cường quản lý và áp dụng các giải pháp công nghệ và biện pháp kinh tế thích hợp, nhằm giảm tổn thất và giảm lãng phí năng lượng; sử dụng năng lượng hợp lý với hiệu suất cao để giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí cho hoạt động của các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho các quá trình sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt đời sống của nhân dân và bảo vệ tốt môi trường.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của đất nước vì mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia; Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng phục vụ mục tiêu sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm thay thế nguồn năng lượng không tái tạo, đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không bao gồm các biện pháp cắt giảm nhu cầu năng lượng gây ảnh hưởng xấu cho các quá trình sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt đời sống của nhân dân; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hoạt động thường xuyên và của toàn xã hội, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

- Quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp

Cơ sở sản xuất công nghiệp là các cơ sở sử dụng năng lượng cho hoạt động chế biến, gia công, sản xuất sản phẩm hàng hoá; sửa chữa máy móc, thiết bị; khai thác mỏ; sản xuất điện năng; sản xuất, cung cấp nhiệt năng.  

Cơ sở sản xuất công nghiệp phải áp dụng các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đó là: Áp dụng các quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến đã được công nhận rộng rãi ở trong và ngoài nước; Cải tiến, hợp lý hoá quá trình đốt nhiên liệu; Cải tiến, hợp lý hoá quá trình gia nhiệt, làm lạnh; Giảm tổn thất truyền nhiệt; Sử dụng lại nhiệt thải; Cải tiến hợp lý hoá quá trình chuyển hoá nhiệt năng thành cơ năng; Cải tiến, hợp lý hoá quá trình chuyển hoá nhiệt năng thành điện năng; Giảm tổn thất điện năng trong hệ thống cung cấp điện của cơ sở sản xuất công nghiệp; Cải tiến, hợp lý hoá quá trình chuyển hoá từ điện năng thành cơ năng và nhiệt năng; Lựa chọn, thay thế hợp lý nguồn năng lượng sử dụng nhằm đạt hiệu quả năng lượng cao hơn; Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế các nguồn năng lượng không tái tạo; Tổ chức kiểm toán năng lượng để đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Hằng năm, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải lập số liệu thống kê về tổng mức sử dụng nhiên liệu, điện năng và nhiệt năng theo quy định của Tổng Cục Thống kê.  

 Cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm là cơ sở sản xuất công nghiệp có mức sử dụng năng lượng trong một năm lớn hơn mức quy định.

Ngoài các quy định trên, các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm phải căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, xây dựng kế hoạch 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trình Sở Công Thương tại địa phương để phê duyệt; Tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được phê duyệt; Hàng năm và 5 năm phải báo cáo Sở Công Thương tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của đơn vị. Các số liệu thống kê tổng mức sử dụng năng lượng, tình hình cải tiến, lắp đặt mới các máy móc, thiết bị cho mục đích  tiết kiệm năng lượng và kết quả đầu tư cho hoạt động tiết kiệm năng lượng phải được trình bày trong báo cáo; Thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần…

- Quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng dân dụng

Công trình xây dựng dân dụng là các công trình xây dựng phục vụ cho mục đích thương mại, dịch vụ, khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà ở chung cư, trụ sở cơ quan và các mục đích khác theo quy định Luật Xây dựng.

Tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng, sở hữu các công trình xây dựng dân dụng có trách nhiệm lựa chọn và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu sau đây: Áp dụng các giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên nhằm giảm tiêu hao năng lượng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát và sưởi ấm; Sử dụng các vật liệu cách nhiệt được sản xuất và thử nghiệm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương về mức  tổn thất năng lượng nhằm hạn chế truyền nhiệt qua tường, mái nhà, cửa ra vào và cửa sổ; Sử dụng và lắp đặt các trang, thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, mức tiêu thụ năng lượng thấp được thiết kế, chế tạo, sản xuất và thử nghiệm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương về mức hiệu suất năng lượng; Sử dụng hệ thống điều khiển tự động để vận hành các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Duy trì chế độ nhiệt độ tại các vị trí trong toà nhà phù hợp với  điều kiện thời tiết và mục đích sử dụng; Bố trí các trang thiết bị hợp lý nhằm đạt hiệu quả cao theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Các chủ đầu tư, nhà thầu khi xây dựng mới, cải tạo hoặc mở rộng các công trình xây dựng dân dụng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và tham khảo, áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với kết cấu kiến trúc, vật liệu xây dựng, chiếu sáng, sưởi ấm, làm mát và mức cung cấp năng lượng cho các khu vực chủ yếu trong công trình.

Công trình xây dựng dân dụng trọng điểm là công trình xây dựng có diện tích sàn hoặc mức sử dụng năng lượng trong một năm lớn hơn mức quy định.

Tổ chức, cá nhân khi lập đồ án quy hoạch và thiết kế các công trình xây dựng dân dụng trọng điểm ngoài việc tuân thủ các quy định trên phải chú ý đến các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các giải pháp kiến trúc như việc phân chia các khu vực chức năng, sắp xếp hợp lý vị trí công trình để tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên, năng lượng mặt trời, thông gió tự nhiên cho công trình.

Tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng công trình xây dựng dân dụng trọng điểm phải xây dựng kế hoạch 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trình Sở Xây dựng tại địa phương để phê duyệt. Sau khi kế hoạch 5 năm được phê duyệt, các công trình xây dựng dân dụng trọng điểm có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt. Hàng năm và 5 năm phải báo cáo Sở Xây dựng tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của đơn vị. Các số liệu thống kê tổng mức sử dụng năng lượng, tình hình cải tiến, lắp đặt mới các máy móc, thiết bị cho mục đích  tiết kiệm năng lượng và kết quả đầu tư cho hoạt động tiết kiệm năng lượng phải được trình bày trong báo cáo. Thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải 

Tổ chức, cá nhân tham gia nhập khẩu, chế tạo, sửa chữa và sử dụng các phương tiện vận tải có trách nhiệm lựa chọn và thực hiện các giải pháp phù hợp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu sau đây: Sử dụng các phương tiện vận tải có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, hiệu suất tiêu hao nhiên liệu thấp; Sử dụng nhiên liệu sạch và các dạng nhiên liệu thay thế dầu mỏ sử dụng cho các phương tiện vận tải thích hợp; Không sử dụng các phương tiện vận tải cũ, quá niên hạn sử dụng có hiệu suất tiêu hao nhiên liệu cao.

 Cơ sở vận tải trọng điểm là cơ sở vận tải có tổng số phương tiện vận tải đang lưu thông hoặc khối lượng hàng hoá luân chuyển (sản lượng vận tải) đã thực hiện trong một năm lớn hơn mức theo quy định.

Ngoài các quy định trên, cơ sở vận tải trọng điểm phải xây dựng kế hoạch trung hạn và ngắn hạn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trình Sở Giao thông Vận tải địa phương phê duyệt; Báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch hằng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của đơn vị theo mẫu quy định.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với trang thiết bị sử dụng năng lượng

Nhà sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị phải áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu chế tạo và đưa ra thị trường các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; Cung cấp đầy đủ cho khách hàng các thông tin cần thiết liên quan đến hiệu suất, mức tiêu thụ năng lượng của trang thiết bị sử dụng năng lượng trên nhãn sản phẩm và các tài liệu kỹ thuật kèm theo thiết bị; Không nhập khẩu các phương tiện, thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp đã có quy định phải thải loại; Tuân thủ các yêu cầu về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; Tuân thủ các quy định về dán nhãn năng lượng đối với các trang thiết bị phải dán nhãn.

Các trang, thiết bị sử dụng năng lượng trong danh mục được các phòng thử nghiệm quy định kiểm tra và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng sẽ được cấp Giấy chứng nhận để dán nhãn năng lượng. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu trang, thiết bị sử dụng năng lượng có mức hiệu suất đạt hoặc vượt tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng có quyền đề nghị Bộ Công Thương chứng nhận để dán nhãn năng lượng

Các trang thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng so với mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đã được ban hành sẽ không được phép mua bán để sử dụng, phải bị thay thế dần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo

Các dạng năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển và khuyến khích sử dụng bao gồm: Các nguồn thuỷ điện nhỏ; Các nguồn năng lượng gió; Các nguồn năng lượng mặt trời; Các nguồn khí sinh học quy mô gia đình và quy mô trang trại; Các nguồn sinh khối phế thải trong nông, lâm nghiệp và quá trình chế biến; Ethanol và các loại nhiên liệu sinh học khác cung cấp cho các phương tiện giao thông vận tải; Các sản phẩm tái chế từ chất thải, năng lượng thu được từ việc tiêu huỷ chất thải, các sản phẩm thay thế nguyên liệu tự nhiên có lợi cho môi trường.

Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dự án khai thác sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Các dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch cần trình cấp có thẩm quyền để bổ sung vào quy hoạch trước khi thực hiện.

- Các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

 Các phương tiện, thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu cho mục đích tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm thuộc danh mục các sản phẩm tiết kiệm năng lượng khuyến khích sản xuất hay nhập khẩu được hưởng các ưu đãi thuế, vốn đầu tư... theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng các chương trình, dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bố trí phần kinh phí thích đáng cho nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của cộng đồng, động viên sự tham gia của nhân dân trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các kế hoạch 5-10 năm, với các nội dung chính đó là: Hoàn thiện khung thể chế, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; Phát triển các hình thức giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng; Nghiên cứu, phát triển các dự án ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, xây dựng, giao thông vận tải.

Thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.

Quỹ tiết kiệm năng lượng được dùng để trợ cấp một phần hay toàn bộ, cho vay ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng năng lượng thương mại trong giai đoạn 2001-2025 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 8,6-9%/năm.

Bộ Công Thương đánh giá, năng lượng tiêu hao cho các ngành công nghiệp chính của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển, vì thế có thể tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vào khoảng 20-25%; trong các lĩnh vực sinh hoạt, hoạt động dịch vụ và trong các tòa nhà cao tầng cũng khoảng 30-35%. 

Theo kế hoạch, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được trình Quốc hội thông qua vào năm 2009./.

Đình Tuyên