Một số tồn tại, vướng mắc cần khắc phục trong hoạt động giám định tư pháp

26/11/2008
Hoạt động giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

. Do đó, công tác giám định tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết các vụ án, tranh chấp được đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội. Mặc dù, ngày 29/9/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp và Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này nhưng việc triển khai hoạt động giám định tư pháp trên thực tế vẫn còn những bất cập, vướng mắc sau đây:

- Nghị định số 67/2005/NĐ-CP quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước một số công việc trong lĩnh vực giám định tư pháp nhưng chưa quy định rõ ràng về cơ chế, đầu mối quản lý, trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hoạt động giám định tư pháp. Bởi vì, các tổ chức giám định và người giám định không thuộc quyền quản lý của Sở Tư pháp, trong khi đó, Bộ Tư pháp chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc phối hợp tham mưu trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, không sâu sát và thực hiện không kịp thời, nhất là các quy định về việc trình bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc. Hiện nay, chỉ có Bộ Y tế là đã ban hành Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần, các bộ, ngành khác chưa có hướng dẫn cụ thể.

- Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp; kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; báo cáo hoạt động giám định cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp chưa được quy định cụ thể, chi tiết đối với trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn liên quan trong việc phối hợp với Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan giúp UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương.

 - Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định Chính phủ có trách nhiệm quy định về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao đối với người giám định tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, theo Quyết định 160/TTg ngày 15/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp thì mức bồi dưỡng cao nhất cho 01 vụ việc là 150.000 đồng, thấp nhất là 10.000 đồng; đối với việc giám định theo ngày công thì mức bồi dưỡng cho một ngày công là 12.000 đồng, mức chi này không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đối với những người làm công tác giám định tư pháp theo vụ việc nên chưa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp, nhất là đội ngũ giám định pháp y, giám định tâm thần dẫn đến kết quả hoạt động giám định bị hạn chế.

- Một số cơ quan không muốn cử người làm giám định viên tư pháp theo vụ việc, ngoài ra người được cử cũng không mấy tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ; một số lĩnh vực giám định tư pháp lại chưa có người để thực hiện việc giám định như thương mại, ngân hàng, thuế... Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm, mối quan hệ công tác của giám định viên vụ việc đối với thủ trưởng đơn vị và thủ trưởng của cơ quan tư pháp nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều trường hợp trưng cầu giám định nhưng cơ quan có giám định viên tư pháp từ chối tham gia với các lý do chưa chính đáng chủ yếu là do sợ trách nhiệm, nhất là trong giám định tang vật vụ án hình sự nhưng chưa có cơ chế để xử lý trách nhiệm một cách triệt để, nghiêm khắc.

- Nhiều trường hợp cơ quan tố tụng trưng cầu giám định nhưng các tổ chức giám định và giám định viên không thể thực hiện nhiệm vụ do trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giám định đối với các lĩnh vực phức tạp như môi trường, xác định giá trị tang vật trong các vụ án hình sự... Do đó, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ xác minh xử lý án, tốn kém trong vận chuyển, chi phí trưng cầu giám định ở các tổ chức giám định trung ương.

- Các văn bản về hoạt động giám định như Pháp lệnh Giám định tư pháp, Nghị định số 67/2005/NĐ-CP chưa quy định rõ cơ chế, biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp nên cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức giám định còn thiếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Mặt khác, Sở Tư pháp lại không phải là cơ quan quản lý trực tiếp đối với các tổ chức giám định nên không có cơ sở để tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức này, trong khi các tổ chức quản lý trực tiếp lại thiếu quan tâm, hỗ trợ.

Thiết nghĩ, để công tác giám định tư pháp đi vào thực tế cuộc sống, góp phần phục vụ cho việc giải quyết các vụ án một cách đúng đắn và khách quan, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm khắc phục các tồn tại, vướng mắc trên trong thời gian sớm nhất./.

Vĩnh Linh