Công tác bổ trợ tư pháp: Con đường tăng cường tiếp cận công lý

01/12/2008
Công tác bổ trợ tư pháp bao gồm hoạt động luật sư, TGPL, công chứng, giám định tư pháp… không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích khách hàng mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, các luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên, giám định viên… có thể gây ảnh hưởng đến công lý, tác động đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một số hoạt động bổ trợ tư pháp nêu trên của người dân đã góp phần cho họ có thể tiếp cận công lý dễ dàng hơn.

Trong lĩnh vực luật sư

Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp. Việc tham gia tố tụng của luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN.

Hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác của luật sư là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng pháp luật, đồng thời hỗ trợ tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường dịch vụ, giải quyết việc làm. Sự tham gia tích cực của các luật sư trong các dự án đầu tư, các giao dịch kinh doanh, thương mại không chỉ góp phần huy động nội lực mà còn thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực TGPL

Sau gần 2 năm triển khai Luật TGPL đã có khoảng 30 Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là các tổ chức, đoàn thể) và hơn 100 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL. Để huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể vào công tác TGPL, Bộ Tư pháp còn hướng dẫn TƯ của các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM, Hội Luật gia Việt Nam… thành lập thí điểm các Trung tâm (Văn phòng) TGPL trực thuộc. Các Trung tâm (Văn phòng) này đã thực hiện được trên 8.000 vụ việc TGPL, trong đó chủ yếu là các vụ việc tư vấn. Tính đến năm 2008, 63 Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp với khoảng 120 Chi nhánh, 886 Tổ TGPL, 845 Câu lạc bộ TGPL và 715 mô hình khác như Điểm TGPL, Hòm thư TGPL… đã tiến hành được hơn 1 triệu vụ việc cho gần 1,14 triệu lượt người được TGPL (người nghèo chiếm tỷ lệ 46,5%, người dân tộc và người có công với cách mạng lần lượt chiếm 14,9 và 14,8%).

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam, 2005 - 2009”, Cục TGPL đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh/ thành phố thành lập 5 Văn phòng TGPL cho phụ nữ. Trong 2 năm 2006 và 2007, các Văn phòng TGPL cho phụ nữ đã thực hiện 3.044 vụ việc, tổ chức được 130 đợt TGPL lưu động đến những nơi phụ nữ có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tổ chức 68 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho chị em phụ nữ.

Trong lĩnh vực công chứng

Với Luật Công chứng, tình trạng công chứng quá tải tồn tại nhiều năm qua đã giảm hẳn, hạn chế tâm lý “sính” công chứng bản sao giấy tờ, giải quyết một cách cơ bản hiện tượng “cò” công chứng… Mặt khác, việc phân cấp cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện chứng thực bản sao, chữ ký tạo điều kiện cho người có yêu cầu chứng thực tiết kiệm được thời gian, công sức. Thời gian giải quyết yêu cầu chứng thực được rút ngắn từ 1 ngày xuống còn trong buổi làm việc. Thay vì phải đến Phòng công chứng của tỉnh thành hoặc UBND cấp huyện để chứng thực bản sao giấy tờ, người dân nay chỉ phải đến UBND cấp xã trong trường hợp giấy tờ bằng tiếng Việt hoặc UBND cấp huyện nếu giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.

Sự phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan tài nguyên môi trường, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế… với cơ quan công chứng bước đầu được cải thiện; cơ chế liên thông trong việc giải quyết các yêu cầu liên quan đến chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế bất động sản… được hình thành ở một số địa phương tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí, đồng thời giúp cơ quan công chứng giải quyết nhanh chóng, chính xác yêu cầu của người dân.

Trong lĩnh vực giám định tư pháp

Triển khai thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, Viện Pháp y quốc gia trực thuộc Bộ Y tế đã được thành lập bằng Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 23/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thành lập được Trung tâm pháp y và 9 Phòng giám định pháp y; 11 tỉnh thành lập được Trung tâm giám định pháp y tâm thần. Riêng hoạt động giám định kỹ thuật hình sự đã được chuẩn hoá và thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Về trang thiết bị, cơ sở vật chất, các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự được đầu tư tương đối đầy đủ và Viện Pháp y quân đội, một số Trung tâm pháp y, Trung tâm pháp y tâm thần được đầu tư bước đầu. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song hoạt động giám định tư pháp đã hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, truy tố và xét xử.

Cẩm Vân

Bên cạnh các hoạt động nghề nghiệp, các luật sư cũng tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh. Nhờ đó, các quy định pháp luật bám sát nhu cầu thực tiễn hơn, bảo đảm cao hơn tính khả thi và hiệu quả áp dụng trong cuộc sống, nhất là ở các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại.

Nhiều địa phương đang tích cực xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng, trong đó Đề án của Hà Nội và TP. HCM đã được UBND thành phố phê duyệt. Đây là cơ sở thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xã hội hoá công chứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong điều kiện kinh tế thị trường.