Trên 80 % khiếu nại của công dân liên quan đến vấn đề đất đai

22/08/2008
Bước sang ngày làm việc thứ hai (ngày 22/8) của phiên họp thứ 11, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung nghe và thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, một vấn đề đang xảy ra phổ biến và càng ngày càng diễn biến phức tạp.

Rất nhiều khiếu nại, tố cáo có nội dung đúng.

Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, trong 3 năm qua, tình hình khiếu nại của công dân diễn biến phức tạp và có xu hướng vượt cấp lên các cơ quan trung ương. Khiếu nại xảy ra khá phổ biến, nhất là ở các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hoá cao, đã và đang thực hiện nhiều dự án về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, sân gôn… “Điều đáng quan tâm là công dân khiếu nại đến cơ quan hành chính là chủ yếu và rất ít khởi kiện vụ án hành chính ra Toà án. Nhiều trường hợp khiếu nại đã được các cấp chính quyền xem xét nhiều lần và đưa ra các phương án giải quyết hợp lý nhưng công dân vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu nại gay gắt” – Ông Vượng băn khoăn.

 Cũng theo kết quả giám sát, nội dung khiếu nại của công dân xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như : khiếu nại về thực hiện chính sách xã hội, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, về kỷ luật cán bộ, công chức, đòi lại nhà trước đây đã cho nhà nước thuê, mượn… nhưng tập trung chủ yếu là lĩnh vực đất đai, chiếm tỷ lệ hơn 80%, cá biệt có địa phương chiếm trên 90%, trong đó, phần lớn là khiếu nại về giá bồi thường đối với đất bị thu hồi giá thấp, giá đất tái định cư quá cao. Điều đáng quan tâm hơn, theo Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: “Kết quả giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính cho thấy, khiếu nại của công dân có nội dung và đúng một phần chiếm tỷ lệ khá cao”.

Tương tự như vậy là tình trạng xảy ra ở nội dung tố cáo của công dân. Báo cáo giám sát khẳng định: “Qua kết quả giải quyết đơn tố cáo của các cơ quan hành chính cho thấy, tố cáo của công dân có nội dung đúng và đúng một phần chiếm tỷ lệ khá cao”. Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ không thực hiện đúng chức trách được giao, mất dân chủ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng trong việc quản lý đất đai, bồi thường, giải toả khi nhà nước thu hồi đất, tố cáo cán bộ sai phạm trong quản lý, thu chi tài chính ngân sách.

Cần một giải pháp tổng thể

Vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân càng ngày càng diễn biến phức tạp, có xu hướng vượt cấp lên các cơ quan trung ương và người dân ít khởi kiện vụ án ra toà hành chính? Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và làm hạn chế hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là pháp luật về nội dung làm căn cứ giải quyết khiếu nại được quy định trong các luật, pháp lệnh chuyên ngành, nhất là Luật Đất đai còn bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, tính khả thi thấp, chưa đầy đủ lại thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn nhiều yếu kém, nhất là trong lĩnh vực đất đai, do bị buông lỏng trong một thời gian dài nên đã xảy ra nhiều sai phạm. Quá trình thu hút đầu tư, thực hiện dự án chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích nhà nước, của chủ đầu tư với lợi ích của người có đất bị thu hồi.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, một số quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động tư pháp hiện nay còn chưa hoàn thiện làm hạn chế chất lượng hoạt động tư pháp. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm phát sinh khiếu nại tố cáo là do chất lượng công tác truy tố, điều tra, xét xử và thi hành còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bởi vậy, chỉ có các giải pháp tổng thể mới có thể cải thiện được tình hình.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phối hợp với TANDTC sớm tiến hành tổng kết toàn diện việc thi hành Luật khiếu nại, tố cáo và tổng kết về tổ chức, hoạt động của Toà hành chính, đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện Đề án cơ quan tài phán hành chính theo Thông báo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. Các ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh chuyên ngành làm căn cứ để giải quyết về nội dung của khiếu nại nhằm khắc phục những bất cập, trong đó chú trọng việc đánh giá những quy định về thu hồi đất, về giá đất, về bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi trong Luật Đất đai. Ngoài ra, Chính phủ phải có kế hoạch sớm ban hành văn bản hướng dẫn về những vấn đề còn thiếu; sửa đổi, bổ sung những văn bản có quy định chưa phù hợp với Luật khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, chỉ đạo tổng kết, đánh giá về việc giải quyết khiếu kiện đông người trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp giải quyết tổng thể nhằm bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm công bằng xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hồng Thúy

Theo báo cáo của các cơ quan thì còn nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, thời hạn giải quyết kéo dài, thậm chí có vụ kéo dài tới hàng chục năm. Điều đáng lưu ý là mặc dù Luật Khiếu nại, tố cáo cũng như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đều đã quy định chặt chẽ về thời hiệu khởi kiện, thời hạn giải quyết, giá trị pháp lý của quyết định giải quyết hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng trên thực tế, trong lĩnh vực tư pháp khi đã hết thời hiệu, thời hạn này thì tòa án không thụ lý giải quyết. “Đoàn giám sát cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người khiếu nại rất ít khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án mà thường kiên trì yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết” – Ông Trần Thế Vượng cho biết.