Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã là hợp lý”

22/08/2008
Chính phủ vừa giao Bộ Nội vụ hoàn chỉnh Đề án về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Nếu Đề án này được thông qua và được Quốc hội ra Nghị quyết cho phép thí điểm, sẽ có 4 thành phố trực thuộc trung ương và 6 tỉnh được lựa chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và 500 xã thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND. Ngày 22/8, phóng viên Báo Pháp luật VN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu về vấn đề này.

Vì trái Luật, nhất thiết phải có Nghị quyết của Quốc hội

PV: Thưa Phó Chủ tịch, Luật Tổ chức HĐND và UBND chưa quy định nhân dân được trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã, nếu bây giờ Chính phủ muốn thực hiện, nhất thiết Quốc hội phải có Nghị quyết cho phép thí điểm?

*. Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khoá X đề cập tới. Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành, chủ tịch, các phó chủ tịch và uỷ viên UBND do HĐND cùng cấp bầu và được UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Hiến pháp và Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng quy định HĐND được tổ chức ở các đơn vị hành chính các cấp: tỉnh, huyện, xã. Do có những điểm trái với Hiến pháp và pháp luật nên bây giờ muốn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã trong khi chưa sửa Luật, chắc chắn Quốc hội phải có một Nghị quyết cho phép thí điểm, đảm bảo tính pháp lý thì Chính phủ mới có cơ sở để triển khai. Theo tôi được biết thì tinh thần của Nghị quyết Trung ương là phải làm thí điểm ở một số địa phương, một số tỉnh, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá lại, nếu hợp lý thì mới sửa Luật.

PV: Quan điểm của Phó Chủ tịch về chủ trương này thế nào?

*. Tôi nghĩ chủ trương này là hoàn toàn hợp lý vì vấn đề tổ chức HĐND, UBND và vấn đề dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện đã từng được bàn ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Bây giờ Trung ương có chủ trương như thế thì chúng ta tổ chức thí điểm thực hiện, sau đó một vài năm, chúng ta đánh giá, tổng kết, xem hiệu quả và tính hợp lý của nó như thế nào rồi sẽ tính đến việc sửa Luật.

PV: Lâu nay việc bầu các chức danh của UBND do HĐND thực hiện, nếu bây giờ không tổ chức HĐND, trong khi nhân dân chỉ trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã thì các chức danh khác như Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND sẽ do nơi nào quyết định, thưa Phó Chủ tịch?

*. Tất nhiên Đề án của Chính phủ phải tính đến vấn đề này. Chẳng hạn, ở những nơi không có HĐND nữa thì các chức danh của UBND có thể giao cho HĐND cấp trên  quyết định hoặc có thể do Chủ tịch UBND cấp trên có quyền bổ nhiệm.

PV: Thưa Phó Chủ tịch, tại sao trước kia, khi xây dựng Luật Tổ chức HĐND và UBND, Chính phủ và Quốc hội không đặt ra vấn đề này mà tới giờ lại có chủ trương cho thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã?

*. Đây là một quá trình đổi mới, cải cách. Khi xây dựng Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng đã có ý kiến đề xuất nội dung này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, việc thực hiện chưa đủ chín muồi. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính, muốn đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của một số vị trí trong các cơ quan hành chính như Chủ tịch UBND cấp xã chẳng hạn …và Trung ương đã bàn tới chủ trương cho thí điểm nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.

Thí điểm để tránh lạm dụng

PV: Giả sử người được nhân dân bầu vào vị trí Chủ tịch UBND xã không phải là đảng viên thì liệu có làm giảm vai trò  lãnh đạo của Đảng ở chính quyền cơ sở không, thưa Phó Chủ tịch?  

*. Tất nhiên trong Luật và trong Đề án sẽ quy định rõ người được giới thiệu vào vị trí đó là đảng viên hay không đảng viên, nhưng rõ ràng chúng ta thấy rằng những người giữ vị trí chủ chốt như vậy ở cơ sở thường phải là người ở trong cấp uỷ, trong thường vụ mới có thể nắm vững được tất cả các chủ trương, chính sách để triển khai, quán triệt ở địa phương mình.

PV: Người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã thì người dân cũng có thể tự ứng cử vào vị trí đó, ông hình dung việc này thế nào?

*. Quyền đề cử, ứng cử, tự ứng cử là quyền được luật định rồi. Không ai hạn chế quyền tự ứng cử của nhân dân nhưng ứng cử phải có thủ tục, phải theo quy định của pháp luật.

PV: Ông có cho rằng khi người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã thì sẽ tránh được bệnh hình thức trong bầu cử mà lâu nay dư luận vẫn nói tới?

*. Bầu cử trực tiếp là một cách để người dân thể hiện ý chí của mình. Trên cơ sở các điều kiện của chức danh Chủ tịch xã, bằng lá phiếu của mình, người dân sẽ lựa chọn ra người đại diện cho mình để quản lý, điều hành ở xã. Tôi nghĩ đó cũng là một việc tốt.

PV: Ở xã, phường hiện nay tồn tại rất nhiều dòng họ lớn, có dòng họ chiếm tới 70 – 90% dân số xã, ông có cho rằng sẽ có tình trạng người dân vì lợi ích của dòng họ mà chỉ bầu Chủ tịch xã là người của họ mình không?

*.Đó là điều mà tôi nghĩ chúng ta cần quan tâm. Chính vì vậy, Chính phủ mới đặt vấn đề làm thí điểm để tránh trường hợp ở một số địa phương, không loại trừ  trường hợp đa phần dân cư ở xã đó thuộc một dòng họ, thuộc một gia tộc và nếu như người ta không công tâm, không vì lợi ích chung, người ta chỉ bỏ phiếu cho người trong dòng họ.

*. Lâu nay, Quốc hội rất lo tình trạng “phình biên chế”, nhất là ở cấp cơ sở, sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội từng cho biết có xã ở Tây Nguyên, nhân dân tự “trả lương” cho cán bộ xã và hiệu quả rất tốt. Theo Phó Chủ tịch, khi cho nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã, có nên cho thí điểm luôn để nhân dân trực tiếp trả lương cho Chủ tịch xã?

*.  Lương thì vẫn phải theo chế định chung của cán bộ, công chức rồi!

PV: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Hồng Thuý