Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xử lý VPHC được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022) đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC. Thông qua đó khẳng định một tiến trình phát triển mới về cơ chế pháp lý bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta phù hợp với Hiến pháp năm 2013, và là một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của Nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm.
Thời gian qua, việc xử lý VPHC về cơ bản được thực hiện nghiêm minh, tuân thủ đúng pháp luật; qua đó đã xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức vi phạm, góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, quá trình triển khai áp dụng, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020 vẫn chưa giải quyết triệt để mà đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn đấu tranh, xử lý VPHC hiện nay. Một trong những hạn chế, bất cập đó là người có thẩm quyền gặp một số vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ (TTGN) khi xử phạt VPHC do các quy định của Luật không cụ thể, rõ ràng, chỉ có tính chất định tính và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng pháp luật trên thực tế.
Chúng ta đều biết rằng, việc xử phạt VPHC bên cạnh mục đích trừng trị người vi phạm còn hướng đến mục tiêu giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho họ và thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Vì vậy, Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định một trong những nguyên tắc xử phạt là: “Việc xử phạt VPHC phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng” (điểm c Khoản 1 Điều 3). Việc Luật quy định khi xử phạt người có thẩm quyền áp dụng TTGN là nhằm bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn và khuyến khích người vi phạm tự giác hợp tác tích cực trong khắc phục hậu quả hoặc thành thật khai báo. Trong khi đó, các tình tiết tăng nặng nhằm trừng trị nghiêm khắc đối với những đối tượng nguy hiểm hơn, hành vi nguy hại cho xã hội cao hơn.
Theo Điều 9 Luật Xử lý VPHC năm 2012 các TTGN bao gồm: “Người VPHC đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại; Người VPHC đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, xử lý VPHC; VPHC trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; VPHC do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; Người VPHC là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; VPHC vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra; VPHC do trình độ lạc hậu và những TTGN khác do Chính phủ quy định”. Hướng dẫn thi hành việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trong việc Áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC quy định: “1. Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây: (a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng; (b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt”. Những quy định này về mặt lý luận thì tưởng chừng như rất chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các TTGN này, người có thẩm quyền thường gặp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật trên một số trường hợp như sau:
Thứ nhất: Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Người VPHC đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, xử lý VPHC” do khi áp dụng chưa rõ là có bao nhiêu tình tiết trong một quy định của cấu trúc một khoản. Cụ thể như tình huống thực tiễn sau đây:
Trên cơ sở phản ảnh của báo chí về việc đã xảy ra tình trạng chặt chém giá cả trong hoạt động cung cấp dịch vụ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, ngày 06/5/2022 Tổ kiểm tra liên ngành huyện A tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q. Qua kết quả kiểm tra, Tổ kiểm tra liên ngành đã phát hiện Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q đã có một số vi phạm và đã tiến hành lập biên bản VPHC với các hành vi như sau:
- Hành vi thứ nhất: Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
- Hành vi thứ hai: Kinh doanh ngành, nghề không được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 65 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc, Tổ kiểm tra liên ngành huyện A xác định Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q đã có tình tiết giảm nhẹ là: “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính” theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, Tổ kiểm tra liên ngành đã đề xuất Chủ tịch UBND huyện A ra quyết định xử phạt đối với Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q với tổng số tiền phạt là 31.000.000đ (Ba mươi mốt triệu đồng) cho cả hai hành vi bao gồm:
- Hành vi thứ nhất: Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hang theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP mức phạt là 1.000.000 (Một triệu đồng) mức phạt trung bình khung tại khoản này là 1.500.000 (Một triệu năm trăm nghìn đồng) nhưng có 2 tình tiết giảm nhẹ nên được giảm dưới mức trung bình khung và bằng mức tối thiểu.
- Hành vi thứ hai: Kinh doanh ngành, nghề không được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 65 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP với mức phạt là 30.000.000đ (Ba mươi lăm triệu đồng) mức phạt trung bình khung tại khoản này là 40.000.000 (Bốn mươi triệu đồng) nhưng có 2 tình tiết giảm nhẹ nên được giảm dưới mức trung bình khung và bằng mức tối thiểu.
Tuy nhiên, khi Tổ Kiểm tra liên ngành của huyện A tham mưu đề xuất mức xử phạt nêu trên đối với Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q thì có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều với nhau trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp này Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q không được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ vì chỉ có 1 tình tiết được quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Luật. Về mặt kỹ thuật lập pháp thì Điều 9 quy định có 7 tình tiết giảm nhẹ cụ thể được thiết kế thành 7 khoản và 1 tình tiết giảm nhẹ tùy nghi (Những TTGN khác do Chính phủ quy định). Do đó, trường hợp này không thể áp dụng mức xử phạt bằng mức tối thiểu mà phải áp dụng mức xử phạt trung bình khung, nếu có giảm thì chỉ giảm ở mức trên mức tối thiểu vì chỉ có một TTGN.
Còn quan điểm thứ hai cho rằng Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp Q đủ điều kiện được hưởng TTGN và chịu mức phạt tối thiểu vì có hơn hai TTGN. Bởi vì, theo quy định tại Khoản 2 của Luật Xử lý VPHC thì có thể nhận thấy rằng đối với TTGN này tuy được thiết kế một khoản về kỹ thuật lập pháp nhưng bao gồm 3 hành vi độc lập với nhau gồm “tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi và tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, xử phạt VPHC” là 3 khái niệm có nội dung, bản chất hoàn toàn khác nhau.
Theo tinh thần của Luật và thực tiễn thi hành, đối với hành vi người vi phạm “tự nguyện khai báo” được hiểu là người vi phạm khai báo trung thực, đúng nội dung, không khai báo gian dối bất cứ một điều gì liên quan đến hành vi vi phạm của mình cũng như của người khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ việc. Đối với hành vi người vi phạm “thành thật hối lỗi” được hiểu là trường hợp sau khi vi phạm, người vi phạm cảm thấy bị cắn rứt, giày vò lương tâm về những việc làm của mình; hối hận và muốn sửa chữa lỗi lầm. Người vi phạm thành thật hối lỗi không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà có thể bằng những hành động tích cực như chấp hành pháp luật, gương mẫu trong mọi lĩnh vực của đời sống, hối hận với hành vi vi phạm của mình, có thái độ tích cực, tự giác trong việc khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra mà không nhất thiết phải có sự tác động của cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm. Còn đối với hành vi “tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, xử phạt VPHC” thì cũng có yếu tố tương đồng như hành vi tự nguyện khai báo nhưng ở mức độ cao hơn là có thể thực hiện một hành động hoặc không hành động ngoài những nội dung yêu cầu của vụ việc, người có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền khi giải quyết vụ việc vi phạm.
Từ nội dung phân tích nêu trên thì khi áp dụng TTGN theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Luật gặp phải vướng mắc vì người có thẩm quyền không xác định được đây là một tình tiết hay 3 TTGN nhẹ vì lý do nội dung quy định gồm có 3 hành vi độc lập với nhau nhưng về mặt hình thức kỹ thuật lập pháp thì Luật chỉ quy định là một TTGN. Mặt khác, khi xác định đây là một TTGN thì cần phải hội tụ đầy đủ 3 hành vi nêu trên hay chỉ cần có một trong 3 hành vi thì được xem là có đủ cơ sở pháp lý theo quy định. Vướng mắc này dẫn đến tình trạng lúng túng, tùy tiện và áp dụng không thống nhất trong việc áp dụng mức xử phạt theo quy định.
Thứ hai: Vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết “người già yếu” do không xác định được độ tuổi cụ thể.
Tình huống thực tiễn:
Vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 01/01/2023, tại nhà của Đặng Văn C tại thôn S, xã V, huyện T, Đội Cảnh sát điều tra hình sự Công an huyện đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang các đối tượng gồm: Đặng Văn C, Nguyễn Tiến T, Hồ Hoàng L và Trần Quốc Đ có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức chơi đánh tá lả (phỏm) được thua bằng tiền. Sau khi bị bắt quả tang Đặng Văn C thừa nhận đã chuẩn bị công cụ, phương tiện dùng vào việc đánh bạc, tổ chức và rủ 3 người khác đánh bạc được thua bằng tiền tại nhà của mình với mức ăn thua rất nhỏ là mỗi ván người thắng được 60.000đ, người thua út chung 30.000đ, thua kề út chung 20.000đ, thua kề cái chung 10.000đ và mỗi ván ù thì mỗi nhà chung 50.000đ. Tổng số tiền Đội Cảnh sát hình sự thu được tại chiếu bạc để dùng vào việc đánh bạc là 7.500.000đ (Bảy triệu năm trăm nghìn đồng chủ yếu là tiền có mệnh giá 10, 20 và 50.000 nghìn). Quá trình điều tra Đặng Văn C, Nguyễn Tiến T, Hồ Hoàng L và Trần Quốc Đ đều thừa nhận là có hành vi đánh bạc nhưng chỉ ăn thua nhỏ mang tính chất giải trí trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch. Riêng Đặng Văn C thừa nhận là người đứng ra tổ chức, rủ 3 người khác tham gia và dùng nhà riêng của mình để làm nơi ăn nhậu xong rồi đánh bài.
Kết quả điều tra, xét thấy hành vi đánh bạc của các đối tượng nêu trên chưa đến mức phải xử lý hình sự nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công anh huyện T đã chuyển hồ sơ và đề nghị Chủ tịch UBND huyện T xử lý hành chính về hành vi đánh bạc theo quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Căn cứ điểm a, Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, Công an đề nghị Chủ tịch UBND huyện T đã ra Quyết định định xử phạt Nguyễn Tiến T, Hồ Hoàng L và Trần Quốc Đ mỗi người 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng). Đối với Đặng Văn C thì ngoài mức phạt về hành vi đánh bạc là 1.500.000đ còn bị xử phạt 15.000.000 đối với 2 hành vi “Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép” và “Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc” (mỗi hành vi 7.500.000đ) theo quy định tại điểm a, điển b Khoản 4 Điều 28. Trường hợp này Cơ quan Công an xác định Đặng Văn C có tình tiết tăng nặng nhưng cũng có tình tiết giảm nhẹ là người già yếu theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Xử lý VPHC vì Đặng văn C đã trên 63 tuổi. Tuy nhiên, một số cơ quan có ý kiến không thống nhất trường hợp ông C Được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người VPHC là người già yếu” như đề nghị. Bởi vì:
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta chỉ đề cập đến khái niệm “người cao tuổi”. Tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”, Luật Lao động năm 2012 có quy định một chế định riêng đối với người lao động cao tuổi. Riêng về “người già, người già yếu, người quá già yếu” chỉ có Bộ luật Hình sự đề cập đến nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 tại điểm o khoản 1 Điều 51 và điểm i khoản 1 Điều 52 đã loại bỏ quy định “người già” và quy định cụ thể về độ tuối là “người từ 70 tuổi trở lên”. Đối với chính sách an sinh xã hội, khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ cũng có quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau: “5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây: (a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; (b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; (c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;”. Đối với lĩnh vực bảo hiểm dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất theo hướng quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Như vậy, tùy theo từng lĩnh vực khác nhau mà pháp luật có quy định riêng về độ tuổi để áp dụng. Chính vì giữa các quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật còn có quy định chưa thống nhất, các hướng dẫn cũng chưa thật sự đầy đủ và có sức thuyết phục nên khi áp dụng tình tiết này là chưa có căn cứ khoa học vững chắc và phát sinh tình trạng áp dụng tùy tiện vì chưa xác định được người già yếu thì phải có độ tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi hay xác định theo lĩnh vực nào. Nên chăng, dưới góc độ khoa học lập pháp, về lâu dài, để có sự thống nhất trong nhận thức và trong thực tiễn thi hành, cần phải có văn bản hướng dẫn các tiêu chí khoa học làm căn cứ để xác định rạch ròi các khái niệm trước khi luật hóa.
Thứ ba: Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu”
Tình huống thực tiễn: Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, ngày 18/8/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Q đã phát hiện ông Đinh Ya Plinh trú tại làng Kon Giọt xã P huyện Q đã phát rừng làm nương rẫy tại thửa số 13, tờ bản đồ số 29, thuộc diện tích rừng phòng hộ của Tiểu khu 54. Diện tích đất rừng bị chặt phá thuộc loại đất rừng Phòng hộ do nhà nước quản lý. Kết quả điều tra, xác minh, Hạt Kiểm lâm huyện Q xác định với diện tích bị chặt phá là 7.500m2; 78 cây Sao đen bị đốn hạ, cắt khúc đẽo vỏ, 4 cây đốt cháy còn đứng nguyên tại hiện trường. Kết thúc xác minh, Hạt Kiểm lâm xác định ông T đã thực hiện hành vi khai thác trái phép 78 cây Sao đen với khối lượng 2,803 m3 và phá rừng với diện tích 7.500m2. Trong quá trình làm việc với Cơ quan Kiểm lâm ông Đinh Ya Plinh đã thừa nhận chính mình đã đốn hạ các cây Sao đen và chặt phá khoảnh rừng đó. Tuy nhiên, ông khai rằng, theo phong tục của người dân tộc ít người của ông thì mỗi năm phải phát một khoảng nương rẫy để tính tuổi. Nếu như không phát rẫy thì sẽ không nhớ là mình được bao nhiêu tuổi. Do đó, ông chỉ phát một khoảnh rẫy nhỏ để tính tuổi chứ không biết làm như vậy là vi phạm pháp luật về hành vi phá rừng và xin giảm nhẹ mức xử phạt. Khi nghe ông Đinh Ya Plinh trình bày thì Hạt Kiểm lâm huyện Q cũng lúng túng không biết có áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Khoản 7 là “Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu” đối với ông hay không nên đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp trên hướng dẫn. Tuy nhiên Chi cục Kiểm lâm tỉnh B cũng lúng túng chưa biết phải căn cứ vào đâu để hướng dẫn và hướng dẫn như thế nào cho đúng với nội hàm của khái niệm “lạc hậu”.
Theo từ điển Tiếng Việt, thì lạc hậu “là bị tụt lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung”. Theo đó, ta có thể hiểu “vi phạm do trình độ lạc hậu” là trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do đời sống sinh hoạt xã hội, không (hoặc thiếu) hiểu biết về pháp luật, mọi xử sự trong xã hội đều theo thói quen phong tục, tập quán, tín ngưỡng (cổ hủ, lạc hậu). Họ có hành vi trái với pháp luật mà không hiểu biết mình vi phạm lại cho rằng phù hợp với lợi ích cộng đồng. Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm họ nhận thức rất kém về tính trái pháp luật của hành vi đó do khách quan.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu như yếu tố địa lý (sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh), yếu tố dân tộc (người dân tộc thiểu số), yếu tố văn hóa tín ngưỡng (mê tín, hủ tục)… và nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu của người vi phạm phải là khách quan như do không có điều kiện để được học tập, tiếp cận, cập nhật thông tin hoặc do tín ngưỡng, tôn giáo,... không có những điều kiện thực tế để họ nhận biết được giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu.
Về ý thức chủ quan người vi phạm không muốn như vậy nhưng do đặc thù cộng đồng, vùng miền đã có những nếp sống theo tập quán, phong tục từ xa xưa nên không theo kịp sự phát triển của xã hội, trong đó có tri thức của nhân loại, không nhận thức được cái nào là đúng, cái nào là sai. Tuy nhiên, TTGN “vi phạm do trình độ lạc hậu” có ý nghĩa phạm vi rộng cần phải xác định được nhiều yếu tố, điều kiện như thế nào là lạc hậu để đưa ra quyết định chính xác khi áp dụng TTGN này, thực tiễn xử phạt cho thấy còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng TTGN này còn mang tính chất tùy nghi, thiếu thuyết phục. Vì vậy, cần phải có sự đánh giá một cách toàn diện, để vận dụng một cách chính xác và nhằm đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, nhưng hiện tại các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn vi phạm do trình độ lạc hậu là như thế nào.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các TTGN tại Điều 9 của Luật Xử lý VPHC theo hướng định lượng, cụ thể, rõ ràng nhằm tránh tâm lý "sợ sai" khi áp dụng của cán bộ thực thi pháp luật hoặc tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất. Về thực tiễn thi hành, khi áp dụng TTGN theo quy định người xử lý vụ việc cần phải có sự cân nhắc nhằm đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; mục đích phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi VPHC, thể hiện tính khách quan, mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết các vụ việc xử phạt VPHC.
Lê Kim Chinh – Sở Tư pháp Bình Định