Nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ và người bị thiệt hại trong công tác bồi thường nhà nước

17/04/2024
Đặt vấn đề
Trong các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, quy định về hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước cho các cơ quan giải quyết bồi thường và hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường là những quy định then chốt, cơ bản, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò quản lý, điều hành đất nước cũng như bảo đảm quyền Hiến định về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và quan trọng nhất là bảo đảm tính khả thi của các quy định này trên thực tiễn thông qua quá trình tổ chức thi hành pháp luật về TNBTCNN.
Qua kết quả 5 năm thực hiện các nhiệm vụ này theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 cho thấy, cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 103 vụ việc (đạt tỷ lệ 61,3 %), với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trong các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 76 tỷ 985 triệu 530 nghìn đồng, 22 vụ việc đã đình chỉ, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.[1] Để giải quyết được số lượng vụ việc trên, thì công tác hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước và hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường có vai trò rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại Trung ương và các địa phương.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ này còn chưa được toàn diện và đồng bộ trên phạm vi cả nước, chủ yếu tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở trung ương và được đánh giá tại Báo cáo về 5 năm tổ chức thi hành Luật: Công tác hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, một số Sở Tư pháp chưa chủ động nghiên cứu mà phải xin ý kiến trao đổi hướng dẫn từ Bộ Tư pháp để trả lời cá nhân, tổ chức, cơ quan giải quyết bồi thường nên còn một số việc chưa được hướng dẫn kịp thời làm ảnh hưởng đến hoạt động yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường.
Bên  cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước. Số lượng các lớp tập huấn, bồi dưỡng còn hạn chế.[2]
Để tiếp tục đưa việc thực hiện các nhiệm vụ này đi vào nền nếp và hiệu quả, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn, tác giả bài viết sẽ nêu ra những giải pháp chủ yếu để làm cơ sở cho các đồng nghiệp cùng trao đổi, bổ sung nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện Luật TNBTCNN năm 2017 nói chung và nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại các địa phương nói riêng.
1. Quy định của pháp luật về công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường và hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường
Theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2027, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước[3]; hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình[4]. Để thực hiện nhiệm vụ này, Luật cũng đã quy định Sở Tư pháp là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương[5] nói chung và thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước và hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nói riêng.
Để hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nói chung và hướng dẫ thực hiện các nhiệm vụ thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước và hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nói riêng, Bộ Tư pháp đã ban hành 02 Thông tư (Thông tư số 08/2019/TT-BTP và Thông tư số 09/2019/TT-BTP) quy định các biện pháp thi hành các nhiệm nêu trên[6]. Cụ thể như sau:
1.1. Nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường
1.1.1. Về nội dung hướng dẫn nghiệp vụ
Hướng dẫn nghiệp vụ là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trả lời những đề xuất, kiến nghị của cơ quan giải quyết bồi thường hoặc cơ quan khác có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước.
- Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì nội dung hướng dẫn nghiệp vụ bao gồm: giải quyết yêu cầu bồi thường; đề nghị cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
- Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng thì nội dung hướng dẫn nghiệp vụ bao gồm: xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại và giá trị thiệt hại được bồi thường.[7]
1.1.2. Về thẩm quyền hướng dẫn nghiệp vụ của UBND cấp tỉnh
UBND cấp tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ trong các trường hợp sau đây:
- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại địa phương;
- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án cấp tỉnh và tương đương, Tòa án cấp huyện và tương đương có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có yêu cầu bồi thường.
Sở Tư pháp là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.[8]
1.1.3. Về hình thức hướng dẫn nghiệp vụ
Việc hướng dẫn nghiệp vụ được thực hiện bằng văn bản trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của cơ quan đề nghị hướng dẫn hoặc được thực hiện trực tiếp tại cơ quan giải quyết bồi thường hoặc tại cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương nơi phát sinh vụ việc. Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ phải nêu rõ căn cứ pháp luật và các nội dung hướng dẫn.
Trường hợp hướng dẫn nghiệp vụ được thực hiện trực tiếp tại cơ quan giải quyết bồi thường hoặc tại cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thì việc hướng dẫn nghiệp vụ được thực hiện theo trình tự như sau:
- Cử nhóm công tác thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ;
- Chuẩn bị nội dung, tài liệu để thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ;
- Thông báo cho cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương về thời gian, địa điểm tổ chức thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ;
- Thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan đề nghị hướng dẫn;
- Lập biên bản nội dung hướng dẫn nghiệp vụ. Biên bản phải có chữ ký của cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ, cơ quan được hướng dẫn nghiệp vụ và giao cho mỗi cơ quan 01 bản tại buổi hướng dẫn;
- Ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.[9]
1.1.4. Về hình thức, trình tự phối hợp thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn
Việc phối hợp được thực hiện thông qua trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc họp liên ngành để thống nhất nội dung trước khi hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc.
Việc phối hợp thông qua trao đổi ý kiến bằng văn bản được thực hiện như sau:
- Đối với phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ thì cơ quan đề nghị phối hợp phải có tài liệu tóm tắt nội dung vụ việc, trong đó, nêu rõ vấn đề cần hướng dẫn nghiệp vụ, quan điểm của mình đối với vụ việc và gửi các tài liệu, giấy tờ liên quan đến vụ việc cho cơ quan được đề nghị. Cơ quan được đề nghị có trách nhiệm trả lời theo đúng yêu cầu của cơ quan đề nghị phối hợp;
Việc phối hợp thông qua họp liên ngành được thực hiện như sau:
- Cơ quan tổ chức cuộc họp phải chuẩn bị tài liệu cuộc họp và gửi trước cho các cơ quan được mời tham gia cuộc họp. Cơ quan được mời có trách nhiệm cử đại diện theo đúng yêu cầu. Đại diện được cử có trách nhiệm chuẩn bị ý kiến và tài liệu theo yêu cầu của cơ quan tổ chức cuộc họp. Kết thúc cuộc họp, cơ quan tổ chức cuộc họp xây dựng, công bố và gửi biên bản cuộc họp cho các cơ quan tham gia cuộc họp;
- Ngoài các quy định tại điểm a khoản này, đối với phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ thì tài liệu cuộc họp còn phải có tóm tắt nội dung vụ việc, trong đó, nêu rõ vấn đề cần hướng dẫn nghiệp vụ, quan điểm của cơ quan đề nghị phối hợp đối với vụ việc.
Trên cơ sở nội dung trao đổi bằng văn bản hoặc ý kiến trao đổi tại cuộc họp liên ngành, cơ quan đề nghị phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc. Văn bản này được gửi cho cơ quan đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc và các cơ quan có liên quan.[10]
1.2. Nhiệm vụ hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường
1.2.1. Nội dung hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước
Việc hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước được thực hiện đối với vụ việc đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nội dung hướng dẫn bao gồm:
- Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại;
- Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường;
- Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Phục hồi danh dự;
- Việc chi trả tiền bồi thường.[11]
1.2.2. Về thẩm quyền thực hiện hướng dẫn
UBND cấp tỉnh hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 09/2019/TT-BTP trong phạm vi địa phương mình Và Sở Tư pháp là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.[12]
1.2.3. Về trách nhiệm phối hợp thực hiện hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước của Sở Tư pháp
Trong trường hợp cần thống nhất nội dung hướng dẫn thì UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 của Điều 8 Thông tư số 09/2019/TT-BTP.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước như sau:
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có liên quan hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự;
- Phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan công an cấp tỉnh hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng và thi hành án hình sự.[13]
2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
2.1. Thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường
Qua báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 cho thấy, với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nói chung và trong thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương, các Sở Tư pháp đã thực hiện các hoạt động chủ yếu như:
- Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ gửi qua thư điện tử và đăng tải trên hệ thống văn bản điều hành của Sở Tư pháp để các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tham khảo và áp dụng thực hiện hoặc hướng dẫn nghiệp vụ thông qua tư vấn, trao đổi trực tiếp, thông qua lồng ghép tập huấn, họp; hướng dẫn, giải đáp đơn thư người dân liên quan đến pháp luật về TNBTCNN[14].
- Ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hoặc trao đổi với Cục Bồi thường nhà nước để thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường theo thẩm quyền đối với 31 vụ việc[15].
Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường của các Sở Tư pháp, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
2.2. Thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường
Qua 5 năm triển khai nhiệm vụ, mặc dù số lượng vụ việc yêu cầu của người bị thiệt hại đề nghị hướng dẫn thủ tục thực hiện quyền yêu cầu bồi thường chưa nhiều[16], một số Sở Tư pháp nơi phát sinh yêu cầu hướng dẫn đã chủ động vừa thực hiện công tác hướng dẫn các cơ quan giải quyết bồi thường cũng như phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương vừa thực hiện hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình theo quy định của Luật TNBTCNN[17], góp phần thúc đẩy việc giải quyết yêu cầu bồi thường đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như lợi ích của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều Sở Tư pháp cũng chưa chủ động nghiên cứu hồ sơ để hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo thẩm quyền mà gửi ngay hồ sơ xin ý kiến của Cục Bồi thường nhà nước để làm căn cứ hướng dẫn người bị thiệt hại, nên không phát huy được vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ này và làm kéo dài thời gian thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân chủ quan
- Một số địa phương có phát sinh vụ việc nhưng sự chỉ đạo của lãnh đạo   còn chưa quyết liệt, còn ngại giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường do sợ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh, chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường nhà nước đối với hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp liên ngành;[18]
- Đội ngũ công chức thực hiện tham mưu công tác bồi thường nhà nước còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về các lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước (nhất là trong hoạt động tố tụng và thi hành án) nên thiếu tự tin khi hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường và hướng dẫn người thị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
3.2. Nguyên nhân khách quan
- Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bồi thường nhà nước mang tính chuyên sâu cao, trong khi đó đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu là kiêm nhiệm;
- Sự phối hợp của các Sở, ngành trong thực hiện công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ để Sở Tư pháp làm cơ sở hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.
- Nhận thức pháp luật về TNBTCNN của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, thái độ thiếu hợp tác, nên thực hiện quyền yêu cầu bồi thường không đúng quy định, gây khó khăn cho Sở Tư pháp khi thực hiện hướng dẫn.
4. Đề xuất một số giải pháp 
Để nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường và hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại địa phương trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:
4.1. Tăng cường nhận thức, sự quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy và UBND cấp tỉnh về công tác bồi thường nhà nước, theo đó, xác định rõ việc chỉ đạo, triển khai công tác bồi thường nhà nước là hoạt động giúp cho việc phòng, ngừa vi phạm pháp luật phát sinh trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong tỉnh, vừa có tác dụng phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng thúc đẩy cải cách hành chính và trên hết là góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư của tỉnh phát triển, tiếp tục tạo niềm tin của tổ chức, cá nhân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên phạm vi cả nước nói chung và trong phạm vi trong từng tỉnh, thành phố nói riêng.
4.2. Thường xuyên bố trí kinh phí và tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ công chức được giao làm công tác bồi thường nhà nước nhằm cập nhật thường xuyên kiến thức và kỹ năng về công tác bồi thường, nhằm tạo sự chủ động trong tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường cũng như hướng dẫn các vụ việc phát sinh yêu cầu bồi thường, bảo đảm việc giải quyết bồi thường kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.
4.3. Sở Tư pháp cần chủ động trong trao đổi nghiệp vụ với các Sở, ban, ngành liên quan khi phát sinh các vụ việc cần trao đổi, như vậy vừa phát huy được vị trí, vao trò của Sở Tư pháp, vừa phát huy trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan trong công tác bồi thường nhà nước nói chung và hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nói riêng.
4.4. Đổi mới hình thức hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường như: hướng dẫn trực tiếp tại nơi cư trú của người bị thiệt hại khi có yêu cầu hoặc chủ động gặp và hướng dẫn khi có phan ránh của cơ quan báo chí, người, cơ quan có thẩm quyền, giúp giảm đơn thư, kiến nghị vượt cấp.
4.5. Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, làm đầu mối một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước tại địa phương, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
4.6. Các địa phương cần bảo đảm sự ổn định trong công tác bố trí công chức làm công tác bồi thường nhà nước, tránh làm mất ổn định gây khó khăn cho công chức trong việc tiếp cận, tham mưu thực hiện công tác bồi thường nhà nước không bảo đảm tính kịp thời, đúng pháp luật và hiệu quả.
Trên đây là ý kiến của tác giả trong việc đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường và hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại địa phương, rất mong sự tham gia trao đổi của các đồng nghiệp và độc giả có cùng quan tâm./.
 
Trần Việt Hưng – Phó Cục trưởng 
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14 tháng 3 năm 2024 của Bộ Tư pháp Đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017.
[2] Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14/3/2023 của Bộ Tư pháp Đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017.
[3] Điểm a khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017.
[4] Điểm c khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017.
[5] Khoản 4 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017.
[6] Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biên pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
[7] Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[8] Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[9] Khoản 1, 2 Điều 5 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[10] Điều 7 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[11] Điều 6 Thông tư số 09/2017/TT-BTP.
[12] Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 09/2017/TT-BTP.
[13] Khoản 1, 3 Điều 8 Thông tư số 09/2017/TT-BTP.
[14] Sở Tư pháp tỉnh An Giang và Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh.
[15] Sở Tư pháp các tỉnh: Trà Vinh, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lào Cai, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Hòa Bình, Gia Lai, Đăk Lăk, Cao Bằng, Bình Thuận, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tầu.
[16] Có 18 trường hợp phát sinh yêu cầu hướng dẫn thủ tục thực hiện quyền yêu cầu bồi thường tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
[17] Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14/3/2024 của Bộ Tư pháp Đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017.
[18] Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14/3/2024 của Bộ Tư pháp đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017.