Tiếp theo bài “Hoạt động phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước hiện nay”, trong bài viết này, tác giả tập trung trao đổi về những hoạt động trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra công tác bồi thường nhà nước (BTNN), nhằm trao đổi nghiệp vụ và Sở Tư pháp có thể tham khảo khi tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các công tác này tại địa phương.
I. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác bồi thường nhà nước
1. Nội dung theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Nội dung theo dõi công tác BTNN gồm:
- Hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Tham gia tố tụng của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong vụ án dân sự về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vụ án hình sự hoặc vụ án hành chính có nội dung giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Xác định và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
[1]
2. Căn cứ theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Căn cứ theo dõi, hình thức theo dõi công tác BTNN gồm:
- Báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và việc xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Báo cáo việc thực hiện công tác BTNN.
- Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có nội dung giải quyết bồi thường.
- Quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc hoặc đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
- Kết quả hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác BTNN.
- Thông tin báo chí về công tác BTNN.
- Khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác BTNN.
- Căn cứ khác có thông tin liên quan đến công tác BTNN.
3. Hình thức thực hiện theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Hình thức thực hiện theo dõi công tác BTNN gồm:
- Lập danh mục vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường.
- Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ.
[2]
4. Đối tượng được theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Trên cơ sở nội dung theo dõi công tác BTNN, có thể xác định đối tượng được theo dõi thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh gồm các cơ quan sau đây:
- Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường nhà nước.
5. Cơ quan chủ trì phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác bồi thường nhà nước
- Cơ quan chỉ trì: Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác BTNN tại địa phương.
[3]
- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Cục Thi hánh án dân sự, các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện là cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này.
6. Phân loại việc thực hiện nhiệm theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Theo tác giả, có thể phân việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác bồi thường nhà nước thông qua 02 hình thức:
(1) Theo dõi công tác BTNN trực tiếp
[4];
(2) Theo dõi công tác BTNN thường xuyên.
Trong bài viết này, tác giả trình bày quy trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác BTNN thường xuyên nêu tại mục (2).
7. Trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện phối hợp theo dõi công tác bồi thường nhà nước
7.1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
- Rà soát và lập danh mục các vụ việc đã thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh;
- Gửi văn bản đề nghị phối hợp đến các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực có vụ việc cần theo dõi.
7.2. Trách nhiệm của cơ quan phối hợp
Cơ quan tham gia phối hợp là cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước theo thủ tục tố tụng; Cơ quan Tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo văn bản đề nghị theo dõi của Sở Tư pháp hoặc thực hiện theo dõi cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp dưới trực tiếp của mình.
8. Quy trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác bồi thường nhà nước thường xuyên
8.1. Lập danh mục vụ việc đã thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án
a) Mục đích của việc lập danh mục
Mục đích của việc lập danh mục vụ việc là giúp cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN tại địa phương:
(1) Nắm chắc số liệu và diễn biến tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường đã thụ lý;
(2) Căn cứ vào diễn biến của từng vụ việc để thực hiện các nghiệp vụ về: hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường, đôn đốc việc giải quyết yêu cầu bồi thường, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường, hướng dẫn việc xem xét trách nhiệm hoàn trả, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xem xét xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại, yêu cầu cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường gửi các văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định;
(3) Thực hiện công tác thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất đầy đủ, chính xác, kịp thời.
b) Các bước thực hiện
Bước 1:
Định kỳ vào quý I hằng năm, trên cơ sở báo cáo về công tác BTNN trong năm liền kề trước đó của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các Sở, Ban, Ngành và Ủy nhân dân cấp huyện, Sở Tư pháp thực hiện việc thống kê và lập danh mục các vụ việc đã thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh.
Danh mục các vụ việc đã thụ lý cần có các thông tin cơ bản sau đây:
- Họ tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường;
- Cơ quan giải quyết bồi thường;
- Hoạt động phát sinh yêu cầu bồi thường;
- Tóm tắt nội dung vụ việc yêu cầu bồi thường (ngày tháng năm yêu cầu bồi thường; ngày tháng năm thụ lý; văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; các thiệt hại yêu cầu bồi thường; các chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường…);
- Tình hình giải quyết bồi thường (đã thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường nào sau đây: cử người giải quyết; xem xét các thiệt hại yêu cầu bồi thường tại văn bản yêu cầu bồi thường, các chứng cứ liên quan; các bước tiến hành xác minh thiệt hại; thực hiện thủ tục thương lượng; ra quyết định và trao (hoặc gửi) quyết định giải quyết bồi thường …);
- Trong quá trình giải quyết bồi thường, đã thực hiện xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN có thẩm quyền chưa? Hoạt động phối hợp giải quyết bồi thường của các cơ quan có liên quan?
- Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc khó khăn trong thực hiện giải quyết bồi thường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN;
- Đề xuất, kiến nghị của cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường.
Bước 2:
Sau khi hoàn thành danh mục nêu tại
Bước 1, trong thời gian tiếp theo nếu có phát sinh các vụ việc yêu cầu bồi thường mới hoặc có thông tin mới đối với các vụ việc đã nằm trong danh mục được lập nêu tại
Bước 1 theo các nguồn thông tin phục vụ theo dõi như nêu trên tại căn cứ thực hiện theo dõi, Sở Tư pháp tiến hành cập nhật, bổ sung thường xuyên để tạo cơ sở cho việc theo dõi.
Lưu ý: Sở Tư pháp cần lập danh mục vụ việc riêng cho từng hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án để thuận tiện cho việc theo dõi.
8.2. Cách thức phối hợp thực hiện theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Trên cơ sở danh mục vụ việc đã được lập, căn cứ vào từng hoạt động phát sinh TNBTCNN, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập xong danh mục vụ việc hoặc vụ việc được cấp nhật vào danh mục, Sở Tư pháp xác định những vụ việc cần phải phối hợp theo dõi để gửi văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền phối hợp theo dõi. Căn cứ nào thời hạn quy định về thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường của Luật TNBTCNN, cơ quan được theo dõi báo cáo kết quả và gửi các văn bản giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định cho Sở Tư pháp và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định.
Ví dụ 1: Theo dõi hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường
Danh sách có vụ việc phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân huyện A, tỉnh B.
Sở Tư pháp căn cứ vào thời điểm thụ lý hồ sơ, quy định về thời hạn thực hiện trong từng trình tự, thủ tục giải quyết … để xác định Viện kiểm sát nhân dân huyện A thực hiện đúng hay chưa đúng, xác định nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải quyết… trường hợp chậm giải quyết do nguyên nhân chủ quan mà không do nguyên nhân là khó khăn trong áp dụng quy định hay khó khăn trong xác định, xác minh thiệt hại, thì Sở Tư pháp gửi văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đề nghị thực hiện việc đôn đốc Viện kiểm sát nhân dân huyện A tiến hành đúng quy định về giải quyết yêu cầu bồi thường và thông báo kết quả giải quyết cho Sở Tư pháp.
Ví dụ 2: Theo dõi việc tham gia tố tụng của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong vụ án dân sự về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Trong danh sách có vụ việc đã được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, nhưng người yêu cầu bồi thường không đồng ý với kết quả thương lượng và khởi kiện tại Tòa án.
Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thường xuyên thông báo về tình hình giải quyết khi tham gia tố tụng với vai trò là bị đơn dân sự, đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ việc gửi quyết định hoặc bản án về giải quyết yêu cầu bồi thường cho Sở Tư pháp để làm căn cứ theo dõi việc lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí của cơ quan quản lý trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, cũng như theo dõi việc xét duyệt, cấp kinh phí bồi thường của cơ quan Tài chính có thẩm quyền.
Ví dụ 3: Theo dõi việc cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại
Trên cơ sở bản án, quyết định giải quyết yêu cầu bồi thường đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan giải yêu cầu quyết bồi thường gửi, Sở Tư pháp căn cứ vào thời hạn quy định việc lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường
[5], chi trả tiền bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
[6] việc xem xét, cấp kinh phí của cơ quan Tài chính có thẩm quyền
[7] để theo dõi việc lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí, xét, cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường.
Trường hợp quá thời hạn quy định về việc xét, cấp kinh phí hoặc chi trả tiền bồi thường (hoặc trường hợp có khiếu nại của người bị thiệt hại hoặc chỉ đạo của cơ quan, người có thảm quyền), Sở Tư pháp gửi văn bản cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (nếu chậm lập hồ sơ và chậm chi trả tiền bồi thường) hoặc gửi cơ quan Tài chính có thẩm quyền (nếu chậm xem xét, cấp kinh phí) để đề nghị các đơn vị này thực hiện đúng quy định của pháp luật, văn bản cũng đồng thời được gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường ở trung ương (Bộ Tư pháp) để theo dõi chung.
Ví dụ 4: Xác định và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại
Sở Tư pháp căn cứ vào thời hạn quy định về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả
[8] và việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả quy định tại Chương IV Nghị định số 68/2018/NĐ-CP, Sở Tư pháp theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và đề nghị cơ quan này gửi Quyết định hoàn trả cho Sở Tư pháp và các các cơ quan có liên quan sau khi thực hiện xong nhiệm vụ
[9].
Quá thời hạn quy định, nếu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại chưa gửi Quyết định hoàn trả thì Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị thực hiện. Trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại gặp khó khăn về áp dụng pháp luật khi thực hiện thì Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ và tiếp tục theo dõi đến khi nhận được Quyết định hoàn trả do cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại gửi đến.
8.3. Lưu trữ hồ sơ theo dõi
Sau khi hoàn thành việc theo dõi, Sở Tư pháp cần thực hiện lập hồ sơ để lưu trữ theo quy định. Hồ sơ theo dõi phải được đánh bút lục và lập danh mục cho từng hồ sơ kiểm tra.
Việc lập danh mục hồ sơ và đưa vào lưu trữ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về quy chế về văn thư, lưu trữ.
II. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Đôn đốc là việc cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu một hoặc một số cơ quan thực hiện công tác bồi thường nhà nước đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
[10]
1. Nội dung đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Việc thực hiện đôn đốc công tác BTNN gồm các nội dung sau:
- Giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Phục hồi danh dự.
- Cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường.
- Xác định và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
[11]
2. Căn cứ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Căn cứ thực hiện đôn đốc công tác BTNN gồm:
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người yêu cầu bồi thường, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường, cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường hoặc xác định trách nhiệm hoàn trả.
- Kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước, kiến nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Kết quả hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, theo dõi, kiểm tra, thanh tra công tác bồi thường nhà nước, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
- Quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật.
- Quyết định có liên quan về trách nhiệm hoàn trả.
- Báo cáo việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại của cơ quan giải quyết bồi thường.
[12]
3. Đối tượng đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Căn cứ nội dung đôn đốc công tác BTNN, có thể xác định đối tượng đôn đốc thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh gồm các cơ quan sau đây:
- Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường;
- Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc diện bị xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động tố tụng hình sự nhưng không phải là cơ quan giải quyết bồi thường;
- Cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường nhà nước.
4. Cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
(1) Cơ quan chủ trì, tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ phối hợp đôn đốc công tác BTNN tại địa phương là Sở Tư pháp.
[13]
(2) Cơ quan phối hợp bao gồm: Cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh (TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cơ quan Công an cấp tỉnh); cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện là cơ quan phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
5. Hình thức phối hợp thực hiện nhiệm vụ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Việc thực hiện nhiệm vụ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước thông qua 02 hình thức:
(1) Đôn đốc công tác BTNN bằng văn bản;
(2) Đôn đốc công tác BTNN thông qua tổ chức cuộc họp liên ngành.
[14]
6. Trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
6.1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
- Gửi văn bản đề nghị phối hợp đến các cơ quan trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án có vụ việc cần đôn đốc;
- Tổ chức cuộc họp liên ngành để thống nhất nội dung trước khi đôn đốc.
6.2. Trách nhiệm của các cơ quan tham gia phối hợp
a) Trường hợp phối hợp đôn đốc bằng văn bản
Cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo nội dung văn bản đôn đốc của Sở Tư pháp hoặc thực hiện đôn đốc cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp dưới trực tiếp của mình và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
Trường hợp không thống nhất với đề nghị đôn đốc của Sở Tư pháp, cơ quan được phối hợp đôn đốc phải có văn bản trả lời Sở Tư pháp, trong đó nêu quan điểm của mình và rõ lý do không nhất trí với đề nghị đôn đốc.
b) Trường hợp việc phối hợp thực hiện đôn đốc được thực hiện thông qua họp liên ngành
Sở Tư pháp phải chuẩn bị tài liệu cuộc họp và gửi trước cho các cơ quan được mời tham gia cuộc họp. Tài liệu cuộc họp phải có tóm tắt nội dung vụ việc, trong đó, nêu rõ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, nội dung công tác bồi thường nhà nước cần đôn đốc và kiến nghị cụ thể của mình.
Các cơ quan được mời tham gia cuộc họp có trách nhiệm cử đại diện theo đúng yêu cầu. Đại diện được cử tham gia cuộc họp có trách nhiệm chuẩn bị ý kiến và tài liệu theo yêu cầu của cơ quan tổ chức cuộc họp. Kết thúc cuộc họp, Sở Tư pháp phải xây dựng, công bố và gửi biên bản cuộc họp cho các cơ quan tham gia cuộc họp.
Trong trường hợp thống nhất được nội dung đôn đốc, Sở Tư pháp ra văn bản đề nghị đôn đốc và gửi cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Trên cơ sở văn bản đề nghị đôn đốc, cơ quan có thẩm quyền ra văn bản đôn đốc theo quy định .
7. Quy trình phối hợp thực hiện đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
7.1. Gửi văn bản phối hợp đôn đốc
Để bảo đảm hiệu quả trong hoạt động đôn đốc, tác giả khuyến nghị nên có thời hạn thực hiện, theo đó trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập danh mục vụ việc hoặc có kết quả của hoạt động theo dõi, Sở Tư pháp xác định những vụ việc có đủ căn cứ đôn đốc theo quy định để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện phối hợp đôn đốc đối với các vụ việc đang giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiêt hại, phục hồi danh dự, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Cơ quan phối hợp đôn đốc có trách nhiệm thực hiện đôn đốc và thông báo kết quả đôn đốc cho UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp)
[15].
Ví dụ 1: Phối hợp đôn đốc cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Qua theo dõi vụ việc, Sở Tư pháp xác định nguyên nhân chậm thực hiện các thủ tục về xác minh thiệt hại là do Viện kiểm sát nhân dân huyện A tỉnh B là cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường chưa tích cực thực hiện. Sở Tư pháp tham mưu cho UNBD tỉnh B có văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đề nghị phối hợp đôn đốc Viện kiểm sát nhân dân huyện A thực hiện việc tiến hành xác minh thiệt hại để giải quyết vụ việc, kết quả thực hiện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B thông báo cho UBND tỉnh B (qua Sở Tư pháp) biết để tổng hợp chung theo quy định. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân huyện A có trách nhiệm gửi ngay các văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường cho UBND tỉnh B (qua Sở Tư pháp) theo quy định.
Ví dụ 2:
Thực hiện phối hợp đôn đốc đối với cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường là cơ quan trong hoạt động quản lý hành chính
Trường hợp phát sinh vụ việc có căn cứ để đôn đốc do UBND huyện A, tỉnh B là cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường chậm thực hiện việc thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp gửi văn bản đôn đốc cho UBND huyện A và đồng thời gửi văn bản đó cho UBND tỉnh B để báo cáo.
Trường hợp cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường là UBND xã A thuộc huyện B, thì Sở Tư pháp gửi văn bản đôn đốc cho UBND xã A và đồng gửi cho UBND huyện B để phối hợp đôn đốc.
Ví dụ 3: Phối hợp đôn đốc thực hiện phục hồi danh dự; cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; xác định và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại
Trường hợp 1: Sau khi nhận được khiếu nại của người bị thiệt hại về việc UBND huyện A, tỉnh B chậm thực hiện phục hồi danh dự cho ông C là công chức Tư pháp – Hộ tịch xã D bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc trái pháp luật. Sở Tư pháp gửi văn bản đôn đốc UBND huyện A để thực hiện và đồng thời gửi Sở Nội vụ tỉnh B để phối hợp theo dõi, đôn đốc.
Ủy ban nhân dân huyện A có trách nhiệm gửi ngay các văn bản trong quá trình phục hồi danh dự cho UBND tỉnh B (qua Sở Tư pháp) theo quy định.
Trường hợp 2: Trên cơ sở theo dõi việc chi trả tiền bồi thường cho người thiệt hại của Chi cục Thuế huyện A, tỉnh B, Sở Tư pháp nhận được báo cáo Chi cục Thuế huyện A chưa thực hiện việc xác định và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, Sở Tư pháp gửi văn bản đôn đốc cho Chi cục thuế huyện A và đồng gửi cho Cục thuế tỉnh B để phối phợp đôn đốc và thông báo kết qua thực hiện cho Sở Tư pháp để tổng hợp chung theo quy định.
Chi cục Thuế huyện A có trách nhiệm gửi ngay các văn bản trong quá trình xác định và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại cho UBND tỉnh B (qua Sở Tư pháp) theo quy định.
7.2. Tổ chức họp liên ngành để thống nhất nội dung trước khi đôn đốc
a) Căn cứ xác định vụ việc phải tổ chức họp liên ngành trước khi đôn đốc
Mặc dù hiện nay pháp luật chưa quy định tiêu chí xác định các vụ việc phải tổ chức họp liên ngành trước khi đôn đốc, tuy nhiên, căn cứ vào các quy định khác có liên quan của pháp luật về TNBTCNN thì có thể xác định được. Đơn cử, việc tổ chức họp liên ngành có thể được thực hiện đối với những vụ việc phức tạp (ví dụ: vụ việc có thiệt hại xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau; mức yêu cầu trong văn bản yêu cầu bồi thường trên 05 tỷ đồng; có ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương
[16] hoặc trường hợp các cơ quan có quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết yêu cầu bồi thường).
b) Tổ chức cuộc họp liên ngành, ban hành văn bản đôn đốc
Ngay sau khi có căn cứ phải họp liên ngành để thống nhất nội dung trước khi đôn đốc, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị họp liên hành cho các cơ quan liên quan đến vụ việc. Văn bản đề nghị cần nêu cụ thể nội dung vụ việc, những vấn đề đang vướng mắc, xác định nguyên nhân của những vướng mắc và dự kiến các giải pháp xử lý để làm cơ sở cho các bên trao đổi, thống nhất. Trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp sao hồ sơ vụ việc gửi kèm văn bản đề nghị họp liên ngành.
Kết thúc cuộc họp Sở Tư pháp lập biên bản, các cơ quan dự họp ký xác nhận vào biên bản. Trên cơ sở thống nhất tại biên bản cuộc họp, hiệu quả nhất là trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp, Sở Tư pháp gửi văn bản đôn đốc hoặc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc gửi cho cơ quan được đôn đốc theo quy định.
7.3. Lưu trữ hồ sơ đôn đốc
Sau khi hoàn thành việc đôn đốc, Sở Tư pháp cần thực hiện lập hồ sơ để lưu trữ theo quy định. Hồ sơ đôn đốc phải được đánh bút lục và lập danh mục cho từng hồ sơ kiểm tra.
Việc lập danh mục hồ sơ và đưa vào lưu trữ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về quy chế về văn thư, lưu trữ.
III. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
Kiểm tra là việc xem xét, đánh giá tính hợp pháp trong việc thực hiện công tác BTNN.
[17]
1. Nội dung kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
Tập trung vào 4 nội dung chính như sau:
- Giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Xác định trách nhiệm hoàn trả và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Quản lý nhà nước về công tác BTNN.
Lưu ý: nội dung này chỉ do cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN cấp trên kiểm tra cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN cấp dưới.
- Tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
[18]
2. Căn cứ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
- Kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức về công tác BTNN.
- Kết quả của hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ; theo dõi, đôn đốc; hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
- Kết quả thống kê việc thực hiện công tác BTNN hằng năm.
- Theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương.
[19]
3. Hình thức kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
3.1. Kiểm tra định kỳ
- Hằng năm, trên cơ sở một hoặc một số căn cứ quy định tại Điều 17 của Thông tư số 18/2019/TT-BTP, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.
- Việc kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với nội dung quy định tại Điều 16 của Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
3.2. Kiểm tra đột xuất
Trường hợp có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả có khó khăn, vướng mắc, thời hạn giải quyết kéo dài, không thụ lý vụ việc khi có đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra đột xuất đối với trường hợp đó.
[20]
4. Ban hành kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
4.1. Trên cơ sở căn cứ quy định tại Điều 17 của Thông tư số 08/2019/TT-BTP, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng dự thảo kế hoạch kiểm tra và gửi dự thảo kế hoạch kiểm tra xin ý kiến các cơ quan có liên quan đến nội dung kiểm tra. Dự thảo kế hoạch kiểm tra phải có những nội dung chính sau đây:
- Mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra;
- Nội dung kiểm tra;
- Phạm vi kiểm tra;
- Thời gian và địa điểm tiến hành kiểm tra;
- Cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra;
- Thành phần tham gia đoàn kiểm tra và trách nhiệm của các thành viên tham gia đoàn kiểm tra.
4.2. Cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm góp ý vào dự thảo kế hoạch kiểm tra và cử người tham gia đoàn kiểm tra theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
4.3. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến góp ý, chỉnh lý, hoàn thiện và ban hành kế hoạch kiểm tra.
4.4. Kế hoạch kiểm tra định kỳ phải được ban hành trước ngày 31/3 hằng năm. Kế hoạch kiểm tra định kỳ và kế hoạch kiểm tra đột xuất phải được gửi cho các thành phần tham gia đoàn kiểm tra và cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra 15 ngày.
[21]
5. Thành phần Đoàn kiểm tra, trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm tra
5.1. Đoàn kiểm tra gồm có Trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng đoàn kiểm tra là đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì kiểm tra. Các thành viên đoàn kiểm tra bao gồm đại diện cơ quan kiểm tra, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung kiểm tra.
5.2. Trưởng đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm về các hoạt động sau đây
- Thực hiện đúng nội dung, thời hạn trong kế hoạch kiểm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đoàn kiểm tra;
- Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra;
- Lập biên bản kiểm tra, xây dựng dự thảo kết luận kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết luận đó;
- Lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật nếu phát hiện có sai phạm trong quá trình kiểm tra.
c) Các thành viên trong đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn kiểm tra về nhiệm vụ được phân công.
[22]
6. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra
6.1. Cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra có quyền sau đây
- Được thông báo và nhận kế hoạch kiểm tra chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức kiểm tra;
- Được nhận kết luận kiểm tra;
- Giải trình về các vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.
6.2. Cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra có nghĩa vụ sau đây
- Chấp hành kế hoạch kiểm tra;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
- Chấp hành kết luận kiểm tra:
- Báo cáo về tình hình thực hiện các nội dung trong kết luận kiểm tra theo yêu cầu.
[23]
7. Kết luận kiểm tra
7.1. Kết thúc hoạt động kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra.
7.2. Kết luận kiểm tra định kỳ phải có các nội dung chính sau đây
- Đánh giá về kết quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Đánh giá về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và dự báo khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (nếu có);
- Đánh giá về kết quả giải quyết bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với từng vụ việc cụ thể (nếu có);
- Nắm bắt tình hình xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại (nếu có);
- Những việc mà cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của việc tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo chỉ đạo, hướng dẫn của người có thẩm quyền;
- Các vấn đề khác mà đoàn kiểm tra phát hiện trong quá trình thực hiện kiểm tra.
[24]
7.3. Kết luận kiểm tra đột xuất phải có các nội dung chính sau đây
- Đánh giá về kết quả giải quyết bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với từng vụ việc cụ thể;
- Nắm bắt tình hình xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại (nếu có);
- Những việc mà cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại;
- Các vấn đề khác mà đoàn kiểm tra phát hiện trong quá trình thực hiện kiểm tra.
[25]
8. Biện pháp xử lý sau kiểm tra
8.1. Chậm nhất trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra gửi kết luận kiểm tra cho cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra, cơ quan đã ra quyết định kiểm tra.
Trường hợp Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, Sở Tư pháp phải gửi kết luận kiểm tra cho Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước) để phục vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
8.2. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
[26]
9. Cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
- Cơ quan chủ trì, tham mưu giúp UBND cấp tỉnh phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước tại địa phương là Sở Tư pháp.
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, các Sở, Ban, Ngành là cơ quan phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
10. Trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp thực hiện nhiêm vụ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
10.1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
- Xây dựng dự thảo kế hoạch kiểm tra gửi đến các cơ quan trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án để xin ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan liên quan Sở Tư pháp hoàn thiện kế hoạch kiểm tra;
- Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành phù hợp với nội dung, yêu cầu của Kế hoạch kiểm tra.
- Tổ chức cuộc kiểm tra theo nội dung, thời gian của Kế hoạch.
10.2. Trách nhiệm của các cơ quan tham gia phối hợp
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, các Sở, Ban, Ngành theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia đúng thành phần vào thực hiện các nội dung của Kế hoạch kiểm tra, Đoàn kiểm tra.
- Chỉ đạo các cơ quan cấp dưới thuộc quyền quản lý của mình thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của Kế hoạch kiểm tra.
11. Quy trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
11.1. Một số lưu ý trong thực hiện phối hợp kiểm tra
- Cách thức tiến hành từ việc xây dựng Kế hoạch, thành lập đoàn, tổ chức kiểm tra, kết luận kiểm tra và xử lý sau kiểm tra được thực hiện theo các quy định tại mục 4 chương II Thông tư số 08/2019/TT-BTP (từ điều 16 đến Điều 23)
.
- Thời điểm tổ chức kiểm tra:
+ Đối với Kiểm tra định kỳ: do yêu cầu là thực hiện thường xuyên hằng năm sau khi kế hoạch kiểm tra được ban hành trước ngày 31/3 hằng năm, do đó, việc phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra phải được tiến hành trước một khoảng thời gian đủ để bảo đảm hoàn thiện kế hoạch kiểm tra trước khi ban hành theo yêu cầu là phải trước 31/3;
+ Đối với Kiểm tra đột xuất: thực hiện khi có phản ánh, kiến nghị hoặc có căn cứ theo quy định thì xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra.
- Thẩm quyền kiểm tra: UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác bồi thường nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình.
Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, trình UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, kết luận kiểm tra, thực hiện các biện pháp xử lý sau kiểm tra.
Lưu ý: Trường hợp Sở Tư pháp được UBND tỉnh phân cấp trong Quy chế phối hợp thì Sở Tư pháp có thể ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo phân cấp.
11.2. Quy trình phối hợp thực hiện kiểm tra định kỳ công tác bồi thường nhà nước
a) Phối hợp kiểm tra liên ngành trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Khi có căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 08/2019/TT-BTP (Ví dụ: Có chỉ đạo của Bộ Tư pháp về sơ kết, tổng công tác bồi thường nhà nước), đồng thời, trên địa bàn tỉnh có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường tại một hoặc nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, Sở Tư pháp sẽ thực hiện các hoạt động sau đây:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành
- Báo cáo, đề xuất với UBND cấp tỉnh về việc tổ chức kiểm tra liên ngành hoạt động yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trên bàn tỉnh.
- Căn cứ vào chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp dự thảo Kế hoạch gửi xin ý kiến Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh và Cục Thi hành án dân sự, đồng thời, đề nghị các cơ quan này cử thành viên để thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.
Lưu ý: Đối với cơ quan được kiểm tra trong hoạt động tố tụng, thi hành án, nội dung kiểm tra chủ yếu về: tổ chức quán triệt và thực hiện các chỉ đạo của ngành, của tỉnh về công tác bồi thường nhà nước trong đơn vị; việc giải quyết yêu cầu bồi thường, tham gia phiên tòa với tư cách là bị đơn dân sự, lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả, thực hiện trách nhiệm hoàn trả, thực hiện trách nhiệm báo cáo và gửi văn bản án trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và xử lý kỷ luật người thi công vụ gây thiệt hại (nếu có), bố trí công chức thực hiện tham mưu công tác bồi thường nhà nước.
- Trên cơ sở ý kiến và thành viên được cử, Sở Tư pháp hoàn thiện Kế hoạch và dự thảo Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trình UBND cấp tỉnh ban hành (Để hoạt động kiểm tra đạt hiệu quả, thành phần Đoàn kiểm tra nên là đại diện lãnh đạo các cơ quan liên ngành).
- Yêu cầu cơ quan được kiểm tra báo cáo theo nội dung của Kế hoạch kiểm tra và gửi về cho Sở Tư pháp trước ngày tổ chức kiểm tra ít nhất 15 ngày.
- Họp Đoàn kiểm tra để thông báo tình hình của đơn vị được kiểm tra và phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Bước 2: Tổ chức kiểm tra, kết luận kiểm tra
- Thông báo cho cơ quan được kiểm tra;
- Tổ chức buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra và đơn vị được kiểm tra.
- Trưởng đoàn kiểm tra thông qua mục đích, yêu cầu, nội dung và chương trình kiểm tra.
- Cơ quan được kiểm tra báo cáo các nội dung theo yêu cầu và nêu những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất (nếu có).
- Đoàn kiểm tra tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và tiến hành kiểm tra hồ sơ công việc, vụ việc, đánh giá việc thực hiện phù hợp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật.
- Đoàn kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ hoặc chấn chỉnh, đưa phương án khắc phục những sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ hoặc trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan được kiểm tra.
- Trưởng đoàn kết luận các nội dung kiểm tra.
- Đoàn kiểm tra bàn giao lại hồ sơ, tài liệu cho cơ quan được kiểm tra.
- Thông qua biên bản cuộc kiểm tra.
Bước 3:
Ban hành kết luận kiểm tra và biện pháp xử lý sau kiểm tra
- Sở Tư pháp xây dựng Báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo Kết luận kiểm tra của UBND tỉnh để xin ý kiến các thành viên đại diện các ngành trong Đoàn kiểm tra.
- Trình UBND tỉnh Báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo Kết luận kiểm tra của UBND tỉnh để Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách xem xét, ký kết luận kiểm tra.
- Gửi Kết luận kiểm tra cho cơ quan được kiểm tra và cơ quan cử người tham gia Đoàn kiểm tra.
- Dự kiến các biện pháp theo dõi cơ quan được kiểm tra thực hiện Kết luận kiểm tra hoặc theo dõi việc khắc phục những sai phạm của cơ quan được kiểm tra (nếu có).
Bước 4:
Lưu trữ hồ sơ kiểm tra
Kết thúc từng cuộc kiểm tra, Sở Tư pháp cần thực hiện lập hồ sơ để lưu trữ theo quy định. Hồ sơ kiểm tra phải được đánh bút lục và lập danh mục cho từng hồ sơ kiểm tra.
Việc lập danh mục hồ sơ và đưa vào lưu trữ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về quy chế về văn thư, lưu trữ.
Lưu ý: Khi kiểm tra liên ngành trong hoạt động tố tụng và thi hành án, Đoàn kiểm tra có thể kết hợp kiểm tra việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong quản lý hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng và thi hành án có có phát sinh vụ việc yêu càu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường (lý do là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hoặc Chấp hành viên đang thi hành công vụ… đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, là một trong những trường hợp được nhà nước bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại Điều 17 Luật TNBTCNN năm 2017).
b) Phối hợp kiểm tra liên ngành trong hoạt động quản lý hành chính
Căn cứ vào các trường hợp được nhà nước bồi thường tại Điều 17 Luật TNBTCNN năm 2017, khi có căn có để kiểm tra, Sở Tư pháp việc phối hợp kiểm tra liên ngành trong hoạt động quản lý hành chính ở địa phương được áp dụng cho các lĩnh vực sau:
- Nhóm các lĩnh vực được quản lý theo hệ thống ngành dọc như: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Thuế, quản lý thị trường, Hải quan, Thi hành án hình sự, thi hành án dân sự …
- Nhóm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo lãnh thổ của UBND cấp tỉnh như: Tài nguyên và môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Thanh tra, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng …
Đây là những nhóm lĩnh vực thường phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong những năm qua.
Khi tiến hành thực hiện kiểm tra liên ngành trong họat động quản lý hành chính, Sở Tư pháp cũng áp dụng quy trình 4 bước như đã nêu ở điểm a mục 11.2 phần III của bài viết này.
11.3. Quy trình phối hợp thực hiện kiểm tra đột xuất công tác bồi thường nhà nước
a) Xác định thẩm quyền trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đột xuất công tác bồi thường nhà nước
Theo quy định, có 02 trường hợp làm phát sinh căn cứ để tổ chức kiểm tra đột xuất là (1) có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả có khó khăn, vướng mắc, thời hạn giải quyết kéo dài, không thụ lý vụ việc khi có đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và (2) khi có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước, thì Sở Tư pháp ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra đột xuất đối với trường hợp đó.
[27]
Như vậy có thể hiểu, việc tổ chức kiểm tra đột xuất là hoạt động không xác định được trước thời gian, sự việc để kiểm tra, hoạt động này chỉ thực hiện khi phát sinh vụ việc hoặc có khi có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 08/2019/TT-BTP thì trong trường hợp này ở địa phương Sở Tư pháp sẽ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, trường hợp phát sinh vụ việc hoặc có khiếu nại trong hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tổ chức thực hiện của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự…
Có ý kiến cho rằng Sở Tư pháp nên chủ động phối hợp với các cơ quan này để kiểm tra đột xuất mà không thực hiện quy trình báo cáo UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra đột xuất.
Quan điểm của tác giả về nội dung này là để bảo đảm thống nhất quy định của Luật TNBTCN năm 2017 về trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Các Bộ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì ở địa phương, Sở Tư pháp cần thực hiện quy trình báo cáo UBND cấp tỉnh để thực hiện việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đột xuất như với phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra định kỳ.
b) Phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đột xuất công tác bồi thường nhà nước
Khi tiến hành thực hiện kiểm tra đột xuất liên ngành trong họat động quản lý hành chính, tố tụng và thi hanh án, Sở Tư pháp cũng áp dụng quy trình 4 bước như đã nêu ở điểm a mục 11.2 phần III của bài viết này.
Tuy nhiên, cần phân biệt điểm giống và khác nhau giữa kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất để thực hiện đúng quy định và phát huy hiệu quả của 02 loại hình kiểm tra này:
* Giống nhau:
- Về thẩm quyền: Đều thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và do Sở Tư pháp tham mưu thực hiện;
- Về mục đích, yêu cầu: Đều hướng đến mục tiêu nắm chắc tình hình thực hiện công tác bồi thường nhà nước nói chung, phát hiện nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục hoặc xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
- Về hoạt động kiểm tra: Đều tập trung vào phạm vi hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
- Về quy trình thực hiện: Đều được tổ chức và thực hiện theo một quy trình thống nhất về công tác kiểm tra.
* Khác nhau:
- Về nội dung:
+ Hoạt động kiểm tra định kỳ hướng đến việc kiểm tra toàn diện việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
+ Hoạt động kiểm tra đột xuất chỉ hướng đến một vụ việc cụ thể, hoặc khiếu nại, phản ánh về một hoạt động cụ thể.
- Về niên độ kiểm tra:
+ Hoạt động kiểm tra định kỳ có niên độ là 01 năm kế hoạch.
+ Hoạt động kiểm tra đột xuất chỉ phát sinh vào một thời điểm nhất định trong năm kế hoạch.
Tóm lại: Trên đây là những quan điểm của tác giả về phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra công tác bồi thường nhà nước tại địa phương, thuộc trách nhiệm tham mưu của Sở Tư pháp, hy vọng các đồng nghiệp và nghững người quan tâm cùng trao đổi, góp ý để hoàn thiện các quy trình thực hiện và tiếp tục đưa công tác bồi thường nhà nước tại địa phương và trên phạm vi toàn quốc đạt hiệu quả.
Bài tiếp theo về “
Phối hợp thực hiện dự báo tình hình phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo đảm hiệu quả theo dõi công tác bồi thường nhà nước ”./.
Trần Việt Hưng – Phó Cục trưởng, Cục Bồi thường nhà nước
[1] Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[2] Điều 9 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[3] Điểm d khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN; khoản 1 Điều 8 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[4] Tham khảo thêm bài:
Cần ban hành quy trình thực hiện công tác theo dõi công tác bồi thường nhà nước - Mục trao đổi nghiệp vụ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 5/4/2023.
[5] Khoản 1 Điều 62 Luật TNBTCNN năm 2017.
[6] Khoản 5 Điều 62 Luật TNBTCNN năm 2017.
[7] Khoản 4 Điều 62 Luật TNBTCNN năm 2017.
[8] Khoản 1 và 2 Điều 66 Luật TNBTCNN năm 2017.
[9] Khoản 4 Điều 66 Luật TNBTCNN năm 2017.
[10] Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[11] Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[12] Điều 14 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[13] Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[14] Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[15] Khoản 7 Điều 15 Luật TNBTCNN năm 2017.
[16] Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
[17] Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[18] Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[19] Điều 17 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[20] Điều 18 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[21] Điều 19 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[22] Điều 20 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[23] Điều 21 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[24] Khoản 2 Điều 22 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[25] Khoản 3 Điều 22 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[26] Điều 23 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.
[27] Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.