Hoạt động phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước hiện nay

17/05/2023
Đặt vấn đề
Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước đã được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN năm 2017) quy định tại chương VIII gồm: Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (công tác BTNN) của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh[1]; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao[2] và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ[3]. Để quy định chi tiết và biện pháp thi hành, ngày 15 tháng 5 năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 (Nghị định số 68/2018/NĐ-CP). Bộ Tư pháp cũng đã ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư quy định về: một số biểu mẫu trong công tác BTNN, biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác BTNN và quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước[4].
Tuy nhiên, để các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về công tác BTNN đạt hiệu quả trên thực tiễn, thì đòi hỏi việc tổ chức thực hiện công tác BTNN trong mỗi Bộ, ngành, địa phương phải được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và kịp thời. Bên cạnh đó, để giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước cũng như giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND cấp tỉnh) tại mỗi địa phương thì vai trò của cơ quan đầu mối trong tham mưu, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Bộ Tư pháp (ở trung ương) và Sở Tư pháp (ở địa phương) là rất quan trọng, nó quyết định đến việc tổ chức thực hiện công tác BTNN trên phạm vi toàn quốc hay ở mỗi địa phương có thành công, có phát huy được hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn hay không? chính là nhờ vào sự chủ động, sáng tạo trong chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN của Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về công tác BTNN và các biện pháp thi hành, tác giả tập trung trao đổi loạt bài để làm rõ những nội dung, hình thức, cách thức và trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác BTNN tại địa phương với vai trò đầu mối tham mưu, phối hợp của Sở Tư pháp. Với mong muốn tạo một kênh thông tin giúp các đồng nghiệp có cùng quan tâm trao đổi, chia sẻ về công tác này.
I. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
1. Trách nhiệm của Chính phủ theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 thì Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi toàn quốc[5].
2. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
Theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật TNBTCNN năm 2017 thì Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xây dựng chiến lược, chính sách về công tác BTNN;
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN; ban hành biểu mẫu, sổ sách về công tác BTNN;
- Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác BTNN; giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật TNBTCNN năm 2017;
- Hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường;
- Theo dõi, đôn đốc công tác BTNN; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra công tác BTNN; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác BTNN theo quy định của pháp luật;
- Hằng năm, thống kê việc thực hiện công tác BTNN báo cáo Chính phủ theo quy định;
- Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;
- Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong công tác BTNN;
- Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về công tác BTNN;
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật;
- Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN mà không ra quyết định hủy;
- Giúp Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quản lý công tác BTNN trong lĩnh vực tố tụng;
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.[6]
3. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
Theo quy định tại khoản 3 Luật TNBTCNN năm 2017 thì UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác BTNN;
- Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này;
- Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình;
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác BTNN; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác BTNN;
- Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thống kê việc thực hiện công tác BTNN báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định;
- Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý;
- Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN mà không ra quyết định hủy;
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.[7]
4. Trách nhiệm của Sở Tư pháp theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
Theo quy định tại khoản 4 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 thì Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN tại địa phương.[8]
Như vậy, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định 02 cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác BTNN là Chính phủ và Ủy ban nhân cấp tỉnh. Đồng thời, quy định 02 cơ quan có nhiệm vụ tham mưu thực hiện nhiệm vụ này là Bộ Tư pháp (tham mưu giúp Chính phủ) và Sở Tư pháp (tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
5. Trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Để phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như sau:
5.1. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
Theo quy định tại Điều 74 Luật TNBTCNN năm 2017 thì Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Phối hợp với Chính phủ thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác BTNN quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật TNBTCNN năm 2017;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác BTNN theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện công tác giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả, thực hiện xử lý kỷ luật theo thẩm quyền;
- Xử lý và chỉ đạo xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả;
- Hằng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN, thống kê, báo cáo Chính phủ việc thực hiện công tác BTNN;
- Chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước thực hiện công tác BTNN;
- Trả lời, thực hiện kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.[9]
5.2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
Theo quy định tại Điều 75 Luật TNBTCNN năm 2017 thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác BTNN theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật TNBTCNN năm 2017;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác BTNN theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện công tác giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả, thực hiện xử lý kỷ luật theo thẩm quyền;
- Xử lý và chỉ đạo xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả;
- Hằng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN, thống kê, báo cáo việc thực hiện công tác BTNN;
- Trả lời, thực hiện kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.[10]
Như vậy, khác với quy định về trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình còn có trách nhiệm chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước (UBND cấp tỉnh) thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Do đó, việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cơ quan điều tra của Công an tỉnh trong hoạt động tố tụng có những đặc thù riêng, khi phối hợp Sở Tư pháp cần lưu ý, tránh thực hiện phối hợp không đúng quy định.
II. Nội dung phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
1. Nội dung phối hợp ở trung ương
Căn cứ vào các quy định tại khoản 2 Điều 73, khoản 1 Điều 74 và khoản 1 Điều 75 Luật TNBTCNN năm 2017, nội dung phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được xác định cụ thể tại khoản 2 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp với nhiệm vụ là đầu mối phối hợp thực hiện công tác này.
2. Nội dung phối hợp ở địa phương
Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN được quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 và giao cho Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, Luật TNBTCNN năm 2017 không quy định trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự (chỉ giao Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước thực hiện công tác bồi thường nhà nước[11]) và với các Sở, Ban, ngành thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Tại Nghị định số 68/2018/NĐ-CP cũng có quy định cụ thể một số nội dung phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan có liên quan trong việc: (1) Xác định cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 Luật TNBTCNN năm 2017[12]; (2) Xác định cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật TNBTCNN năm 2017[13] và (3) Thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước[14].
Tại Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác BTNN (Thông tư số 08/2019/TT-BTP) và Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước (Thông tư số 09/2019/TT-BTP) cũng chỉ giao Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ như: hướng dẫn nghiệp vụ công tác BTNN; theo dõi, đôn đốc công tác BTNN; kiểm tra công tác BTNN; thống kê, báo cáo công tác BTNN; kiến nghị, yêu cầu người có thẩm quyền thực hiện công tác BTNN trong một số trường hợp cụ thể và thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước mà không quy định việc phối hợp giữa Sở Tư pháp với các Sở, Ban, ngành liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN.
Có thể thấy, Luật TNBTCNN năm 2017, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP, Thông tư số 08/2019/TT-BTP và Thông tư số 09/2019/TT-BTP đều có quy định nhưng chưa cụ thể cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở địa phương. Đến nay (30/4/2023), mặc dù đã có 27/63 UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác BTNN trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều Sở Tư pháp vẫn lúng túng trong việc xác định các nhiệm vụ phải phối hợp và cách thức phối hợp khi thực hiện tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN tại địa phương.
Do đó, căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017 về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở địa phương, để thuận tiện trong việc giúp Sở Tư pháp nắm bắt các nội dung về hoạt động phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN, tác giả chia hoạt động phối hợp thành 02 nhóm:
Nhóm thứ nhất: phối hợp chung về công tác BTNN: (1) phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác BTNN; (2) phối hợp thực hiện công tác dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và (3) phối hợp trong lập dự toán đề xuất kinh phí chi cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác BTNN và (4) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN năm 2017 mà không ra quyết định hủy.
Nhóm thứ hai: phối hợp trong hoạt động hướng dẫn giải quyết yêu cầu bồi thường: (1) phối hợp thực hiện nhiệm vụ xác định cơ quan giải quyết bồi thường; (2) phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước và (3) phối hợp hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
3. Nguyên tắc trong phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Mặc dù Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không quy định nguyên tắc trong phối hợp quản lý nhà nước về công tác BTNN, tuy nhiên, căn cứ vào các quy định có liên quan trong Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, có thể xác định hoạt động phối hợp quản lý nhà nước về công tác BTNN cần bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
(1) Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong các hoạt động phối hợp:
Theo nguyên tắc này, hoạt động phối chỉ tập trung vào các quy định của pháp luật về thực hiện công tác BTNN trong từng ngành, lĩnh vực (ví dụ: thực hiện công tác BTNN trong hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, cơ quan điều tra của Công an tỉnh và Cục Thi hành án dân sự) mà không can thiệp vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan này.
(2) Bảo đảm tính chủ động, hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động phối hợp:
Theo nguyên tắc này, Sở Tư pháp với là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan thực hiện công tác BTNN tại địa phương nhưng trong chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác BTNN, các cơ quan cũng chủ động thực hiện việc phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác BTNN (chủ động trong trao đổi thông tin về các hoạt động thực hiện công tác BTNN trong nội bộ ngành, trao đổi thông tin để phục vụ hoạt động dự báo tình hình có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong ngành, trao đổi nghiệp vụ về giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả và gửi văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường …) cho Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.
(3) Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp khi tham gia hoạt động phối hợp:
Theo quy định của pháp luật về trách nhiệm TNBTCNN thì việc phát huy trách nhiệm, vai trò của thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án quyết định rất lớn đến hiệu quả của hoạt phối hợp thực hiện công tác BTNN.
Để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về TNBTCNN, các cơ quan chức năng có liên quan cần thực hiện nghiêm túc theo các nguyên tắc này.
4. Hình thức phối hợp
Hiện nay, hình thức phối hợp quản lý nhà nước về công tác BTNN được quy định với 2 hình thức là bằng văn bản và tổ chức cuộc họp, tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác trong thời gian qua, việc phối hợp còn được thực hiện thông qua các hình thức khác như:
(1) Phối hợp thông qua việc thành lập các tổ, đoàn công tác (hoặc đoàn kiểm tra) liên ngành;
(2) Trao đổi qua điện thoại, hòm thư điện tử.
Trong đó, tùy thuộc vào yêu cầu của từng nội dung cần phối hợp mà sử dụng một hoặc nhiều hình thức phối hợp cho phù hợp và hiệu quả.
Có thể thấy, để hoạt động phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước tại địa phương thì cần làm rõ và những nội dung, nguyên tắc, hình thức phối hợp, thẩm quyền phối hợp làm cơ sở trình bày các hoạt động phối hợp cụ thể trong các bài viết sau này.
Bài tiếp theo: “Phối hợp theo dõi, đôn đốc và kiểm tra công tác bồi thường nhà nước”. Rất mong các đồng nghiệp tiếp tục theo dõi và trao đổi với tác giả trong các bài viết sau này./.
 
Trần Việt Hưng – Phó Cục trưởng 
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp

[1] Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017.
[2] Điều 74 Luật TNBTCNN năm 2017.
[3] Điều 75 Luật TNBTCNN năm 2017.
[4] Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018 Ban hành một số Biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước; Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 Quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 Quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước.
[5] Khoản 1 Điều 73 luật TNBTCN năm 2017.
[6] Khoản 2 Điều 73 luật TNBTCN năm 2017.
[7] Khoản 3 Điều 73 luật TNBTCN năm 2017.
[8] Khoản 4 Điều 73 luật TNBTCN năm 2017.
 [9] Điều 74 luật TNBTCN năm 2017.
[10] Điều 75 Luật TNBTCN năm 2017.
[11] Khoản 6 Điều 74 Luật TNBTCN năm 2017.
[12] Khoản 2 và 3 Điều 32 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
[13] Điều 33 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
[14] Khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 34 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.