Làm thế nào để xác định đúng giá trị tang vật, phương tiện trong xử lý VPHC trong lĩnh vực khoáng sản?

11/05/2023
Thời gian qua, thực tiễn công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với việc xử phạt vi phạm hành chính về khoáng sản (cát, đất, đá chẻ…) phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật. Do Luật và văn bản hướng dẫn thi hành quy định chưa rõ nên vẫn còn có cách hiểu khác nhau, từ đó dẫn đến lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể vấn đề xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt như sau:
1. Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.
2. Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây: a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; b) Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính; c) Giá thành của tang vật, phương tiện nếu là hàng hóa chưa xuất bán; d) Đối với tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.
3. Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên
Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu: “ Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm để xác định khoản tiền tương đương mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước dựa trên một trong các căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có trách nhiệm xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm.
Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải thành lập Hội đồng định giá. Việc thành lập Hội đồng định giá được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Các quy định trên được hiểu: trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; xác định khoản tiền tương đương mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm. Việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.
Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định, khi không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì thành lập Hội đồng định giá.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 23 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể, Hội đồng định giá tuy được thành lập đúng quy định nhưng có nhiều lý do khác nhau như có thành viên mới đảm nhận chức vụ do mới được luân chuyển, lần đầu tham gia nên chưa có kinh nghiệm, đi học tập trung xa cơ quan mà không có người thay… do vậy, đôi lúc Hội đồng định giá không thể tự mình xác định được giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ không quy định, hướng dẫn cách thức xử lý khi Hội đồng định giá không thể tự mình xác định được giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Điều này đã gây lúng túng cho cơ quan, địa phương khi xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Qua tham khảo, có hai quan điểm được nêu ra.
Quan điểm thứ nhất, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng quy định rõ đối với một số loại hàng hóa có tính đặc biệt (khó xác định giá, ít thông dụng…) thì giao quyền cho Chủ tịch Hội đồng định giá quyết định sau khi tham khảo báo giá hàng hóa, phương tiện cùng loại ở địa phương nơi xảy ra vi phạm hành chính và 3 địa bàn cấp huyện lân cận trong cùng tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp các huyện lân cận không lưu thông hàng hóa tương tự thì lấy báo giá ở địa bàn cấp huyện của địa phương cấp tỉnh lân cận. Thời điểm lấy báo giá hàng hóa trong khoản 30 ngày trước lúc xảy ra hành vi vi phạm hành chính.
Quan điểm thứ hai, Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc xác định giá đối với một số loại hàng hóa có tính đặc biệt (khó xác định giá, ít thông dụng…), quy định rõ bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng định giá được tham khảo ý kiến của đơn vị tư vấn thẩm định giá thông qua ký hợp đồng dịch vụ xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, ấn định một khoảng thời gian cụ thể tính từ ngày ký hợp đồng (từ 5 đến 10 ngày), đơn vị tư vấn thẩm định giá phải hoàn thành việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ý kiến của đơn vị tư vấn thẩm định giá là căn cứ quan trọng để Hội đồng định giá xem xét, đánh giá tổng thể với các yếu tố khác có liên quan trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trên đây là vướng mắc trong xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản và các đề xuất tháo gỡ. Tác giả rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của bạn đọc về vấn đề trên.
Đặng Hữu