Định hướng hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng...

26/11/2021
Định hướng hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng và giải pháp tổ chức thực hiện
I. KHÁI QUÁT VỀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Trong hơn 10 năm thực thi vừa qua (2011-2021), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân; tiếp đó, nhiều luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Dịch bệnh Covid 19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu trong hơn 02 năm vừa qua đã làm thay đổi cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh cũng như tạo ra nhiều thói quen, xu hướng kinh doanh tiêu dùng mới[1].
Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, một số cơ chế thực thi chưa được xây dựng và triển khai hiệu quả..., do đó cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo để có hướng giải quyết, khắc phục nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính.
1. Một số thành tựu, kết quả đạt được
1.1. Một số thành tựu, kết quả liên quan đến bản thân đạo luật
Bản thân sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã là một bước tiến của công tác xây dựng luật pháp tại Việt Nam khi pháp điển hóa ở mức cao đối với một trong những vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, những nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã được xây dựng cơ bản phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại thời điểm được ban hành.
Thứ nhất, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã ghi nhận những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trên nền tảng của pháp luật dân sự, pháp luật thương mại, cộng với việc tính toán, xem xét đến tính chất mối quan hệ của người tiêu dùng trong giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã đưa ra được 04 nguyên tắc cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[2], trong đó có những nguyên tắc rất quan trọng như “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” hay “Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác”. Bên cạnh những nguyên tắc được thể hiện rõ ràng bằng từ ngữ, có những nguyên tắc không được viết ra nhưng lại được thể hiện xuyên suốt trong cả đạo Luật như nguyên tắc “bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng”
Thứ hai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã ghi nhận các quyền cơ bản của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định và điều chỉnh về mối quan hệ giữa bốn chủ thể bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó, mối quan hệ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ là mối quan hệ trung tâm.
Vì vậy, việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định được về 08 quyền và 04 nghĩa vụ của người tiêu dùng là một điểm thành công của đạo luật.  Các quyền và nghĩa vụ này về cơ bản phù hợp với các quyền cơ bản của người tiêu dùng trong Bản hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng ban hành năm 1985 và sửa đổi lần cuối năm 2015[3] cũng như khá tương đồng với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng thể hiện một sự quan tâm rất lớn khi dành tới 14/51 điều khoản tại Chương II để quy định trực tiếp về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh, chưa kể đến việc còn quy định về các vấn đề liên quan tại hàng chục điều khoản khác.
Thứ ba, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã xây dựng được nhiều chế định quan trọng để tạo nền tảng cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trên nền tảng những quy định khá sơ khai của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã xây dựng, quy định được về hầu hết các chế định quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, có những quy định là rất mới và tiến bộ, thậm chí tiến bộ vượt qua cả điều kiện kinh tế xã hội, tại thời điểm Luật được ban hành. Có thể kể đến các quy định như: quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bảo hành, thu hồi hàng hóa có khuyết tật, kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…
Thứ tư, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã xây dựng được các cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh
Có thể nói, nếu không tồn tại những mâu thuẫn, tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh thì sẽ thiếu đi một trong những lý do quan trọng trong việc hình thành hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, một điểm thành công nữa của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 của Việt Nam chính là đã xây dựng được các cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, theo Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có bốn (4) phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh là thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Ngoài ra, Luật còn quy định về sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của UBND cấp huyện, như là phương thức thứ năm để giải quyết tranh chấp.
Thứ năm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã tạo tiền đề cho việc hình thành hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, bên cạnh cặp quan hệ trung tâm người tiêu dùng - doanh nghiệp, hệ thống cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội được quy định như hai động lực để thúc đẩy, điều chỉnh các mối quan hệ. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước được xác định là chủ thể có vai trò xây dựng và giám sát việc thực hiện các quy định, còn tổ chức xã hội được xác định với vai trò cầu nối, hỗ trợ người tiêu dùng trong mối quan hệ với các chủ thể khác.
Các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã đặt ra tiền đề cho việc hình thành cũng như cơ sở để giao các chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
1.2. Một số thành tựu, kết quả thực thi Luật
Về cơ bản, việc ban hành và thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 ở Việt Nam trong hơn 10 năm vừa qua đã góp phần tạo dựng một số kết quả nổi bật cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
Thứ nhất, đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành hàng loạt nghị định, thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ… để hình thành một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh để thực thi vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý có các nghị định hướng dẫn thi hành Luật[4], nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính[5] hay các quyết định của Thủ tướng Chính phủ han hành và điều chỉnh danh sách hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung[6].
Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật triển khai trực tiếp các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, trong giai đoạn vừa qua còn có một loạt các văn bản pháp luật chuyên ngành được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung với các nội dung có thể ảnh hưởng, tác động đến các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiêu biểu có thể kể đến như Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Quảng cáo năm 2012…
Thứ hai, bước đầu đã hình thành được một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và hệ thống các tổ chức xã hội trên cả nước
Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Bộ Công Thương là đơn vị được giao giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[7]. Tại các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương là đơn vị được giao tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này. Đến nay thì 63/63 Sở Công Thương các tỉnh thành phố đã ghi nhận chức năng, nhiệm vụ và đa số các sở hàng năm đều có các hoạt động để triển khai các chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cơ quan nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương chính là UBND cấp huyện (Phòng Kinh tế) và UBND cấp xã (cán bộ phụ trách kinh tế). 
Bên cạnh hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 còn quy định về việc tham gia của các tổ chức xã hội, với vai trò vừa là đại diện vừa là cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đến thời điểm tháng 9 năm 2021[8], trên cả nước đã thành lập được 01 hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - VICOPRO) và 53 hội cấp tỉnh[9]. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố còn xây dựng được hệ thống các hội bảo vệ người tiêu dùng xuống đến cấp huyện, xã thậm chí là thôn, ấp.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam dần thành điểm nhấn cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện đa dạng, phong phú với rất nhiều hình thức bao gồm: (i) hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn pháp luật; (ii) mít tinh, tuần hành; (iii) đài phát thanh truyền hình; (iv) tờ rơi; (v) băng rôn, khẩu hiệu, sách, báo và tài liệu tuyên truyền khác. Trong giai đoạn 2017-2020, bên cạnh các hình thức tuyên truyền có tính truyền thống, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng các phương thức mới, phong phú hơn như: facebook, youtube, các đoạn phim ngắn, tổ chức xe lưu động, các giải chạy, sự kiện ở nơi công cộng...
Tính riêng tại Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011-2021, Bộ đã tổ chức được hơn 200 hội thảo, hội nghị, khóa tập huấn, in và phát hành hàng chục ngàn ấn phẩm tuyên truyền, tổ chức hàng trăm các hoạt động tọa đàm trực tuyến trên sóng phát thanh, truyền hình… Trong cùng thời gian, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã thực hiện các hoạt động bao gồm:  (i) 8,375 buổi hội thảo và 8,628 buổi hội nghị với sự tham dự của hàng trăm nghìn người tham dự từ cộng đồng doanh nghiệp, đại diện người tiêu dùng, cơ quan báo chí, truyền thông; (ii) 13,540 buổi tập huấn, đối tượng tập trung chủ yếu là cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hội bảo vệ người tiêu dùng v.v…; (iii) 387,219 bản sách báo, tạp chí và tài liệu tuyên truyền khác; (vi) 643 cuộc mittinh, tuần hành với gần nửa triệu người tham dự; (v) 2,300,000 triệu tờ rơi nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các chủ khác nhau theo quy định của Luật; (vi) 116,045 buổi phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1035/QĐ-TTg về việc công nhận ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg nêu trên, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành Kế hoạch, tổ chức Lễ phát động và kêu gọi các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên cả nước có các hoạt động thiết thực và cụ thể để hưởng ứng. Sau một số năm được thực hiện, đến thời điểm hiện tại, hàng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội và dần trở thành điểm nhấn cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, hàng năm, có ít nhất trên 55 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cũng như có các hoạt động hưởng ứng.
Thứ tư, giải quyết được hàng chục ngàn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng
Căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng là Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Ngoài ra, các khiếu nại và yêu cầu của người tiêu dùng còn có thể được giải quyết, xử lý với sự tham gia của các cơ quan nhà nước (đặc biệt là UBND cấp huyện) và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong giai đoạn 2011-2020, hàng chục ngàn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng đã được giải quyết qua hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[10].
Đối với các cơ quan nhà nước, các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng chủ yếu được gửi tới Bộ Công Thương và Sở Công thương các tỉnh, thành phố. Tại Bộ Công Thương, nhờ sự mở rộng các phương thức tương tác (Tổng đài 1800 6838, email, hệ thống tiếp nhận trực tuyến…) với người dân, số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng tới Bộ Công Thương tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2021. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%. Trong khi đó, đối với các địa phương: Trong các năm 2011-2012, các địa phương chưa tập trung nhiều vào việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng. Do đó, số lượng vụ việc tại các tỉnh, thành phố chỉ khoảng 100 vụ việc mỗi năm. Đến giai đoạn 2013-2014, số lượng vụ việc tăng lên khoảng 300 vụ việc mỗi năm. Giai đoạn 2015-2021 ghi nhận số lượng vụ việc được tiếp nhận và giải quyết tại các Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tăng lên trên 500 vụ. Kết quả cho thấy, trên 85% vụ việc gửi tới các cơ quan nhà nước tại địa phương đã được giải quyết thành công[11].
Một trong những thành công rõ nét của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong giai đoạn 2011-2021 là đã tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các tranh chấp tiêu dùng. Cụ thể, trong giai đoạn này, các Hội bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước đã tư vấn, giải quyết khoảng 15000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng với số lượng năm sau tăng nhanh hơn năm trước. Giá trị hàng hóa được giải quyết thành công lên đến hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2015, lần đầu tiên, với sự tham gia hỗ trợ của Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, 190 người tiêu dùng đã thắng kiện tại phiên xét xử phúc thẩm trong vụ 190 người bị ngộ độc bánh mỳ kẹp thịt ở Bến Tre. Đây cũng là tiền đề để những năm sau đó, một số vụ việc tranh chấp người tiêu dùng tiếp tục được các Hội Bảo vệ người tiêu dùng hướng dẫn, hỗ trợ để được xem xét, xử lý tại Tòa.
2. Một số khó khăn, tồn tại
2.1. Những vấn đề chưa phù hợp trong nội dung các quy định của Luật
Có thể thấy, mặc dù được đánh giá là một trong những đạo luật tiến bộ, mang nhiều tư tưởng mới tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi, có thể thấy nội dung các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng tồn tại những vấn đề bất cập.
Thứ nhất, một số định nghĩa, khái niệm cơ bản không còn phù hợp.
Một số khái niệm cơ bản của Luật như “người tiêu dùng”, “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”, “hàng hóa có khuyết tật”… không còn phù hợp với các hoạt động kinh doanh tiêu dùng hiện tại. Ví dụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Định nghĩa này chưa rõ ràng khiến cho việc xác định tư cách người tiêu dùng trong các trường hợp không thống nhất giữa “người mua” và “người sử dụng” hàng hóa, dịch vụ…, hoặc trong trường hợp xác định mục đích tiêu dùng của các tổ chức có mục đích chủ yếu là kinh doanh…
Thứ hai, trách nhiệm và nghĩa vụ quan trọng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định đầy đủ.
Tuy đã dành một số lượng điều khoản đáng kể, nếu không nói là lớn nhất trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 để xây dựng chế định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, nhưng thực tế còn một số trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng vẫn chưa được quy định hoặc quy định khá sơ sài. Ví dụ một trong những vấn đề quan trọng nhất là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với chất lượng hàng hóa do mình cung cấp chưa được quy định đầy đủ…
Thứ ba, cơ chế giải quyết tranh chấp được thiết kế chưa phù hợp với thực tế.
Thực tế cho thấy trong 04 phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, trong thời gian qua, chỉ có phương thức “thương lượng” là được triển khai có hiệu quả. Các phương thức khác đều gặp những vấn đề vướng mắc trong đó có những vấn đề vướng mắc lớn. Ví dụ như việc quy định sử dụng trình tự, thủ tục trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh khiến cho phương thức này gần như bị đóng băng.
Thứ tư, những mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật dân sự và các pháp luật chuyên ngành khác.
Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 tồn tại nhiều quy định chưa phù hợp thậm chí có sự chồng chéo với pháp luật dân sự và các pháp luật chuyên ngành khác. Ví dụ quy định về vấn đề miễn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi đã thông báo trước về vấn đề khuyết tật của hàng hóa, hoặc sự thiếu kết nối giữa quy định về “thủ tục rút gọn” và “thủ tục đơn giản” của pháp luật dân sự và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng…
Thứ năm, chưa quy định rõ được mô hình tổ chức cũng như phương thức vận hành của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặc dù trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương và các bộ, Sở Công Thương, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện…) và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền, tuy nhiên, trên thực tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 vẫn chưa định vị rõ được vai trò của từng cơ quan, tổ chức, cũng như việc kết nối các cơ quan, tổ chức này để gia tăng hiệu quả hoạt động. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng tại một địa phương hoặc trong một lĩnh vực cụ thể, có vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền và trách nhiệm khiến đôi lúc tạo ra sự chồng chéo hoặc khoảng trống trong việc xử lý.
Thứ sáu, nhiều quy định chỉ phù hợp điều chỉnh các quan hệ kinh doanh - tiêu dùng truyền thống và thiếu những quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ các phương thức kinh doanh tiêu dùng mới.
Có thể nói, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chủ yếu được thiết kế để điều chỉnh các mối quan hệ kinh doanh - tiêu dùng truyền thống mà chưa tính đến các phương thức tiêu dùng mới xuất hiện trong thời gian gần đây như thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các giao dịch trên nền tảng kinh tế số, kinh tế chia sẻ với nhiều bên tham gia… Điều này đặt ra các yêu cầu phải hoàn thiện cả những vấn đề có tính nguyên tắc của pháp luật cũng như các cơ chế xử lý cụ thể. Một ví dụ rõ nét nhất chính là các ứng dụng hoặc các sàn thương mại điện tử của nước ngoài, không hề có hiện diện thương mại, nhưng lại cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng tại Việt Nam. 
2.2. Những khó khăn, tồn tại liên quan đến việc thực thi
Thứ nhất, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thiện, chưa có sự thống nhất[12] trong việc giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các Sở Công Thương, một số UBND cấp huyện chưa phân công nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho đơn vị cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan với tổ chức xã hội còn chưa được chú trọng. Ngoài ra, vấn đề hạn chế về kinh phí và nguồn lực hiện cũng đang diễn ra phổ biến tại phần lớn các cơ quan, địa phương.
Thứ hai, công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả. Nguyên nhân một phần do cộng đồng doanh nghiệp chưa quan tâm tới công tác bảo vệ người tiêu dùng; người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại  khi quyền lợi của mình bị xâm phạm; một số địa phương chưa xây dựng kênh tiếp nhận thông tin, tư vấn giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật; các quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hoàn thiện, chưa được hướng dẫn triển khai cụ thể.
Thứ ba, hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn. Cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển do đặc thù của các tổ chức này không thu phí hội viên và đối tượng phục vụ mở rộng cho cả người dân không phải là hội viên.
Thứ tư, hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố mới trong môi trường kinh doanh, nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến hành vi và quyền lợi của người tiêu dùng, dẫn đến một số cán bộ lúng túng trong quá trình thực thi quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới.
3. Một số vấn đề thực tiễn đang đặt ra cần giải quyết.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được coi là hiến chương của nền kinh tế thị trường và là đạo luật được trao nhiều sứ mệnh quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế thực thi, cần quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra cho lĩnh vực này, cụ thể:
Thứ nhất, vấn đề định vị Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự giao thoa với nhiều lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có mối liên quan chặt chẽ với nhiều pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh… Vì vậy, trong nhiều vấn đề, trong khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực đó thì các luật chuyên ngành sẽ tiếp cận dưới góc độ bảm đảm trật tự quản lý hành chính của lĩnh vực. Ví dụ: khi xem xét vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hóa thì có thể xem xét cả dưới góc độ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hoặc khi giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh thì sẽ đồng thời phải xem xét nhiều quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chưa được xây dựng theo hướng phân định rạch ròi với các quy định pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, đôi khi sẽ làm giảm hiệu quả thực thi hoặc thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.
Thứ hai, bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Bộ luật Dân sự và cả Luật Thương mại nói chung được xây dựng chủ yếu dựa trên các chế định về hợp đồng cũng như nguyên tắc bình đẳng, tự do ý chí. Trong khi đó, trong các giao dịch, người tiêu dùng luôn được coi là bên yếu thế so với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Sự yếu thế này thể hiện sự thua kém ở khả năng tài chính, thông tin, quy mô, các mối quan hệ… và điều này có khả năng ảnh hưởng đến việc đưa ra và thực hiện các quyết định và hành vi tiêu dùng…
Một trong những nhiệm vụ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là cân bằng, bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với các tổ chứ, cá nhân kinh doanh. Một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng đã thể hiện sự bảo vệ này, ví dụ như quy định tại Điều 19 về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Sự kiểm soát này để nhằm đảm bảo loại bỏ những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng khi đó vốn được đưa ra đơn phương bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế, có một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các quy định, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thực hiện các hành vi xâm phạm vào các quyền và lợi ích hợp pháp. Vì vậy, bản thân trong quy định của Luật cũng cần tính toán và có cơ chế bảo vệ thỏa đáng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Thứ ba, xây dựng các cơ chế chính sách đơn giản, hiệu quả để bảo vệ toàn diện quyền lợi người tiêu dùng trong mọi phương thức kinh doanh tiêu dùng, bao gồm cả các phương thức truyền thống và các phương thức mới, hiện đại.
Có thể nói, chưa bao giờ các điều kiện kinh tế xã hội nói chung và các phương thức kinh doanh tiêu dùng nói riêng lại thay đổi nhanh chóng như hiện tại. Vì vậy, các cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được xây dựng để đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch qua các các phương thức truyền thống và cả các phương thức mới.
II. ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TỪ NAY TỚI NĂM 2030 THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thể hiện nhất quán và liên tục, kể cả trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 đã định hướng: “Thể chế hoá các chính sách về công bằng xã hội để bảo đảm mọi công dân được tiếp cận và hưởng thụ các loại dịch vụ công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, xoá đói, giảm nghèo; hoàn thiện pháp luật về ưu đãi xã hội đối với các đối tượng chính sách, về bảo vệ người tiêu dùng; hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm an sinh xã hội...”[13].
Ngày 22 tháng 01 năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong Chỉ thị số 30-CT/TW, Ban Bí thư cũng xác định việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, mà trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng chính là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[14].
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta cũng nêu một loạt chủ trương, đường lối định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành, trong đó có pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:
1. “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”[15].
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống pháp luật chính là tạo hành lang cho các hoạt động kinh tế xã hội vận động, đồng thời phải giám sát và thúc đẩy được quá trình này.
Hiện tại, một trong những định hướng quan trọng của đất nước chính là phát triển kinh tế theo hướng sáng tạo, tận dụng lợi thế của chuyển đổi số, khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.
Vì vậy, để thực hiện tốt vai trò của mình, các hệ thống pháp luật cần xây dựng được các quy định, các cơ chế chính sách để thúc đẩy cho sự sáng tạo, đổi mới của nền kinh tế.
2. “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế…”[16]
Tính từ năm 1986, đất nước đã có 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong suốt quá trình này, một trong những yêu cầu quan trọng đối với các hoạt động hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn là phải phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, bản thân sự vận hành của nền kinh tế thế giới cũng liên tục có sự biến đổi, tùy thuộc vào yêu cầu phát triển của từng giai đoạn hoặc thậm chí trong cùng một giai đoạn cũng có những có những thông lệ, yêu cầu khác nhau ở từng quốc gia và khu vực. Vì vậy, một hệ thống pháp luật tốt là một hệ thống pháp luật cần phải phù hợp một cách linh hoạt với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
3. “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”[17]
- Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Bất kỳ một chính sách, quy định nào mà không được thực thi hoặc thực thi thiếu hiệu quả trong thực tiễn sẽ là các “chính sách bàn giấy” với giá trị hạn chế thậm chí là vô giá trị. Vì vậy một yêu cầu quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật là phải gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Tức là khi xây dựng các quy định nội dung thì cần thiết kế cả cơ chế thực thi cho quy định đó, tránh tình trạng xây dựng những quy định lửng lơ, nửa vời. Đồng thời, trong khi xây dựng và cả sau khi quy định được ban hành, cần tính toán, bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai quy định trong thực tế.
- Xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế.
Các văn bản pháp luật được xây dựng cần có sự thống nhất, đồng bộ, hạn chế sự mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác. Đồng thời, các quy định cũng cần phải có khả năng thực hiện trong thực tiễn cũng như bảo đảm sự công khai, minh bạch và ổn định, tránh tình trạng các văn bản pháp luật có thời gian thi hành quá ngắn đã phải sửa. Quan trọng hơn, không chỉ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và giải quyết các vấn đề trong nước, các quy định pháp luật cũng cần đảm bảo góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.
- Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm.
Mục tiêu tồn tại quan trọng của Nhà nước và pháp luật chính là bảo vệ các quyền, phục vụ những nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Việc hoàn thiện pháp luật, bởi vậy, cũng phải xác định rõ việc lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.
Việc hoàn thiện pháp luật cần được gắn chặt, đáp ứng và phục vụ trực tiếp các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bởi vậy, các quy định pháp luật được xây dựng cần khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong điều kiện mới.
Cũng trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nhiều lần được nhấn mạnh như một yêu cầu của việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, là một yếu tố quan trọng phải tính đến khi phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cụ thể:
- “Thúc đẩy phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm; bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng…”[18].
- “Có chính sách thương mại phù hợp với hội nhập quốc tế; nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia…”[19].
Như vậy, văn kiện Đại hội XIII đã vạch ra phương hướng rất rõ ràng cho việc phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng. Đó là phải thúc đẩy việc phát triển thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh, bền vững và phù hợp với hội nhập quốc tế. Điều này nghĩa là phải xây dựng và thực hiện các chiến lượng, chính sách kinh doanh thương mại phù hợp với sự phát triển của khu vực và thế giới để có thể bắt kịp và tạo ra sự phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, đây không phải là sự tăng trưởng bất chấp mà cần tính đến việc phát triển bền vững, phát triển nhanh nhưng không gây ra các hệ lụy xấu về môi trường và không tạo gánh nặng cản trở sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Về phía các doanh nghiệp, văn kiện Đại hội XIII khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện các chính sách sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo ra sản phẩm dịch vụ chất lượng cao với giá cả phải chăng, để cạnh tranh trực tiếp với các hàng hóa khác trên thị trường và chủ động “chinh phục” người tiêu dùng.
Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định rõ trong quá trình phát triển sẽ có thể có nguy cơ cho các hành vi vi phạm, vì vậy, đã xác định việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải tính đến việc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm cả lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
III. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP LẬP PHÁP VÀ TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT NHẰM HIỆN THỰC HÓA CÁC ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG TỪ NAY TỚI NĂM 2030
Có thể thấy, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu, chỉ đạo rất quyết liệt và rõ ràng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để đưa các yêu cầu, chỉ đạo này vào thực tiễn, cần nhiều giải pháp lập pháp và tổ chức thi hành pháp luật đồng bộ, cụ thể:
1. Giải pháp lập pháp: sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Để triển khai các chỉ đạo, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30-CT/TW và trên cơ sở các yêu cầu, định hướng trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 24 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1427/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Căn cứ các nội dung, nhiệm vụ do Chính phủ giao, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, từ việc hoàn thiện các khái niệm đến hoàn thiện các quy định về nội dung (bảo vệ thông tin người tiêu dùng, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bảo hành, thu hồi hàng hóa có khuyết tật…) và các quy định về việc xác lập và vận hành của các cơ chế thực thi (kiểm soát hợp đồng theo  mẫu, điều kiện giao dịch chung, giải quyết tranh chấp, mô hình cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội…). Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong trường hợp cần thiết, có thể xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với một số văn bản quy phạm pháp luật có tính chuyên ngành để bảo đảm sự phù hợp của các quy định pháp luật và tăng cường việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.  
2. Một số giải pháp tổ chức thi hành
Bên cạnh các giải pháp lập pháp, căn cứ định hướng và yêu cầu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cần xây dựng một hệ thống các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đặc điểm của quan hệ pháp luật cũng như thực tiễn thi hành trong thời gian qua, có thể thấy, các giải pháp này cần do chính các chủ thể chịu sự điều chỉnh của Luật xây dựng và tự mình hoặc phối hợp với các chủ thể khác để triển khai.
2.1. Giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước
Trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Đây chính các chủ thể tham gia chủ yếu vào quá trình xây dựng các quy định pháp luật, tổ chức việc thực thi pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Hiện tại, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Ở các tỉnh, thành phố, nhiệm vụ này được giao cho UBND các tỉnh, thành phố mà cơ quan tham mưu chính là Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, ở cấp độ trung ương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm2010 cũng yêu cầu tất cả các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố, hệ thống UBND các cấp chịu trách nhiệm chủ yếu về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
Trên cơ sở đó, để có thể xây dựng một mô hình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng thống nhất và hiệu quả từ trung ương đến địa phương, có thể xem xét một số giải pháp sau: a) Thành lập Cục Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; b) Thành lập phòng hoặc bộ phận cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; c) Thành lập Trung tâm hòa giải người tiêu dùng thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng; d) Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến đường lối chính sách của Đảng và văn bản pháp quy của các cơ quan hành chính; đ) Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ người tiêu dùng; e) Đẩy mạng ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng; f) Xây dựng hệ thống, công cụ giám sát thị trường và cảnh báo sớm đối với các hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây hại cho người tiêu dùng; g) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; h) Tăng mức chế tài xử phạt hành chính, xem xét áp dụng chế tài hình sự với các hành vi vi phạm nghiêm trọng; và i) Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2.2. Giải pháp từ các tổ chức xã hội
Ở hầu hết các quốc gia, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Bên cạnh việc tạo dựng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cơ chế hỗ trợ từ nhà nước hoặc xã hội, một nhóm giải pháp qua trọng chính là việc khuyến khích để các tổ chức xã hội chủ động tự thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động như: a) Hoàn thiện hệ thống các hội, trong đó tập trung vào việc thống nhất về tên gọi, mục đích, mô hình, phương thức và nội dung hoạt động; b) Chủ động đề xuất việc giao nhiệm vụ của nhà nước cho các hội; c) Chủ động tìm kiếm nguồn lực để bổ sung cho hoạt động; d) Thành lập Trung tâm hòa giải thuộc hội; đ) Tập trung vào các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khảo sát và thực hiện khởi kiện các vụ việc người tiêu dùng.
2.3. Giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp
Hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 nói riêng và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nói chung khi đề cập đến trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng thường đi theo hướng “buộc thực hiện nghĩa vụ nếu không sẽ gánh chịu trách nhiệm pháp lý”. Điều này đúng nhưng chưa toàn diện. Chúng ta cần xây dựng thêm những quy định, những giải pháp để khuyến khích các thương nhân “tự giác” thực hiện trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng.
Từ phía các doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả thực thi và đạt được nhiều hơn nữa các lợi ích trong việc thực thi các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp như:  a) Xây dựng và áp dụng chính sách tuân thủ (compliance policies) đối với pháp luật bảo vệ người tiêu dùng; b) Xây dựng bộ phận chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng; c) Xây dựng và công bố quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; d) Xây dựng, công bố và áp dụng các công cụ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, yêu cầu cũng như hỗ trợ người tiêu dùng; đ) Tham gia các chương trình, hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng do các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội tổ chức; e) Chủ động tổ chức các hoạt động tương tác, các hoạt động tri ân hướng tới người tiêu dùng…
2.4. Giải pháp từ người tiêu dùng
Nhiều ý kiến cho rằng trong quan hệ giữa người tiêu dùng và thương nhân, người tiêu dùng cần chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động bằng việc chủ động thực hiện các quyền của mình cũng như hỗ trợ, giám sát thương nhân thực hiện các trách nhiệm của mình. Để thực hiện được điều này, từ góc độ người tiêu dùng, một số giải pháp sau có thể xem xét:
a) Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh
Từ thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, văn hóa kinh doanh - tiêu dùng Việt Nam đã có những bước chuyển lớn sang một hình thái văn minh hơn. Đối với người kinh doanh, từ trạng thái sản xuất theo kế hoạch, kinh doanh kiểu xin cho sang hình thái kinh doanh phục vụ. Người tiêu dùng từ trạng thái người đi xin đã dần được coi là thượng đế. Dù tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn khá phổ biến nhưng không thể phủ nhận người tiêu dùng cơ bản có nhiều lựa chọn hơn.
Hình thành và thúc đẩy một nền văn hóa tiêu dùng văn minh có ý nghĩa tạo ra những khuôn khổ, chuẩn mực về đạo đức để qua đó khuyến khích người tiêu dùng, các thương nhân và các chủ thể có liên quan khác cùng nhận thức, cùng hành động.
b) Xây dựng cộng đồng  người tiêu dùng thông thái     
Trong một nền văn hóa tiêu dùng văn minh cần có người tiêu dùng thông thái (Smart Consumer). Như một khái niệm đã được một số nhà kinh tế nêu ra: Prosumer. Nếu “Consumer” chỉ là người đơn thuần “tiêu dùng” (Consuming) hàng hóa, dịch vụ thì “Prosumer” (Professional Consumer - người tiêu dùng chuyên nghiệp) là người tiêu dùng chuyên nghiệp, người còn tham gia, thể hiện tiếng nói và ảnh hưởng, tác động của mình đối với quá trình sản xuất, cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của thương nhân. Người tiêu dùng thông thái là người hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ của mình cũng như các thương nhân, đủ năng lực và tri thức để thực hiện những hành vi tiêu dùng thông minh (smart). Smart Consumer (người tiêu dùng thông thái) và Proconssumer (người tiêu dùng chuyên nghiệp) có nghĩa rất gần nhau trong ngữ cảnh này.
c. Khuyến khích người tiêu dùng tham gia các chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Xây dựng các Chương trình riêng cho từng nhóm người tiêu dùng. Đưa giáo dục pháp luật bảo vệ người tiêu dùng vào chương trình học từ cấp phổ thông.
Việc giáo dục, tuyên truyền cho người tiêu dùng không bao giờ là sớm cũng không bao giờ là muộn. Để có thể trở nên thông thái, người tiêu dùng cần được giáo dục, đào tạo, cung câp thông tin thông qua các chương trình tuyên truyền, phổ biến và cả chương trình trong các trường học.
*                                              *
*
Sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong nhiều năm tới. Sau Đại hội, nhiều nhiệm vụ được đặt ra đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để góp phần thực hiện những định hướng cũng như đạt được các mục tiêu, kế hoạch mà các văn kiện của Đại hội đã đề ra.
Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ đã được các cơ quan có liên quan của Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị và ngay lập tức triển khai sau Đại hội. Trong đó, riêng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được thực hiện các bước chuẩn bị, xây dựng và dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua trong năm 2023.
Việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện chủ yếu trên cơ sở rà soát, tổng kết thực tiễn triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 trong hơn 10 năm vừa qua cũng như để đáp ứng các yêu cầu của quá trình phát triển trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc hoàn thiện này được xác định bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật và việc xây dựng và triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Trong quá trình này, các yêu cầu được nêu ra trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như việc hoàn thiện chính sách pháp luật sẽ có ý nghĩa dẫn dắt quan trọng và tạo ra sự định hướng cho các hoạt động có liên quan.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Bộ Công Thương
 
 
[2] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2010: “Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:  1. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; 2. Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; 3. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật; 4. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác.
[4] Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[5] Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[6] Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và các quyết định sửa đổi, bổ sung sau này như Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg ngày 5/9/2018, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015…
[7]Khoản 2, Điều 47 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
[8] Báo cáo số 68/BC/HBVNTDVN ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
[9] Trong số 53 Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh, có 52 Hội là thành viên của Vicopro.
[10] Bộ Công Thương, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2020.
[11] Bộ Công Thương, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2020.
[12] Hiện tại, đa số (50/63) các Sở Công Thương giao chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho Phòng Quản lý thương mại. Một số khác (13/63) giao cho các phòng ban khác như Phòng Xuất nhập khẩu, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra Sở. 
[13] Xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-48-NQ-TW-chien-luoc-xay-dung-va-hoan-thien-he-thong-phap-luat-Viet-Nam-den-nam-2010-dinh-huong-den-nam-2020-54373.aspx
[14] Xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Chi-thi-30-CT-TW-2019-trach-nhiem-quan-ly-cong-tac-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-406208.aspx
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập I, tr. 215.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập I, tr. 226.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia  Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập I, tr. 285.
[18] Đảng Cộng sản  Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập I, tr. 248.
[19] Đảng Cộng sản  Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr. 248.