Tội gây rối trật tự phiên tòa theo quy định của BLHS 2015

30/03/2021
1. Nhằm bảo đảm cho việc xét xử được trang nghiêm, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự cho Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa tạo điều kiện cho việc xét xử, BLHS 2015 có quy định về “Nội quy phiên tòa” bao gồm những nguyên tắc xử sự có tính chất bắt buộc với các chủ thể phải tuân theo khi tham gia tố tụng tại phiên tòa, cụ thể, tại Điều 256 BLHS có quy định: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Tuy nhiên, trên thực tế ở các phiên tòa nói chung và phiên tòa hình sự nói riêng hiện nay, việc tuân thủ nội quy phiên tòa của người tham gia còn có nhiều hạn chế, vẫn còn xảy ra tình trạng gây mất trật tự tại phiên tòa, cá biệt có nhiều trường hợp có hành vi Gây rối trật tự phiên tòa, xúc phạm, hành hung Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa, phiên họp. Việc xử lý các hành vi trên mặc dù pháp luật có quy định, tuy nhiên còn có nhiều hạn chế do các quy định còn tản mác ở các văn bản khác nhau và còn chưa đầy đủ, chế tài xử lý và hình phạt còn nhẹ, các mẫu văn bản xử phạt còn chưa thường xuyên được cập nhật đầy đủ kịp thời, do nhận thức của một số Hội đồng xét xử, Thẩm phán còn giản đơn …đã phần nào làm giảm đi tính chủ động của Thẩm phán trong việc điều hành phiên tòa phiên họp, đồng thời làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung.
- Việc xử lý người vi phạm nội quy phiên tòa: Tại Điều 467 BLTTHS có quy định: “1. Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. 2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa. 3. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự. 4. Quy định tại Điều này cũng được  dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án”.
Tại Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ Công an ban hành quy định thực hiện bảo vệ phiên tòa của lực lượng công an nhân dân và Thông tư số 117/2020/TT-BCA ngày 05/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2016. Theo đó, lực lượng công an có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy mời của tòa án, các giấy tờ khác có liên quan. Không cho người tham gia phiên tòa mang đồ vật cấm vào phòng xử án, nếu phát hiện vật cấm phải thu giữ ngay và báo cáo Chủ tọa phiên tòa. Trong phòng xử án, nếu xảy ra người có hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa mà Chủ tọa phiên tòa chưa phát hiện thì cán bộ, chiến sĩ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm ngăn chặn, trường hợp nghiêm trọng phải kịp thời báo cáo Chủ tọa phiên tòa. Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp, gây mất trật tự đến phiên tòa thì chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải xử lý tình huống theo phương án đã được phê duyệt, kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm buộc người vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ theo quyết định của Chủ tọa phiên tòa. Khi xảy ra tình huống tụ tập đông người, gây rối trật tự tại khu vực xét xử, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải tuyên truyền, yêu cầu mọi người tự giải tán, chấm dứt hành vi gây rối trật tự, trường hợp sau khi tuyên truyền, yêu cầu những người tụ tập gây rối trật tự không chấp hành thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải triển khai ngay phương án bảo vệ phiên tòa đã được phê duyệt, tập trung lực lượng ngăn chặn hành vi gây rối, cô lập, bắt giữ người chống đối, chủ mưu, cầm đầu gây rối trật tự khi cần thiết. Trong trường hợp vụ việc diễn biến phức tạp, người làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa kiến nghị, đề xuất chủ tọa phiên tòa dừng xét xử để bảo vệ an toàn và đưa bị cáo về khu vực cách ly…
- Về các quy định xử lý hành vi gây rối trật tự phiên tòa nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống, chống bạo lực gia đình thì hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án thì có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể là bị xử phạt mức tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tùy vào tính chất và mức độ của hành vi gây rối.
Tại văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính số 02/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014 Điều 48 quy định Thẩm quyền của Tòa án nhân dân, theo đó Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền:
“a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.
2. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 7.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.
4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này”.
- Về thủ tục xử phạt: được quy định tại Chương III của Luật bao gồm Yêu cầu chấm dứt vi phạm (Điều 55), xử lý không lập biên bản đối với cá nhân phạt tiền đến 250.000 đồng đối với tổ chức là 500.000 đồng và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ (Điều 56, Điều 68). Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự (khoản 3 Điều 467 BLTTHS).
Khi xem xét, nghiên cứu các phiên tòa trên thực tế hiện nay và các quy định của pháp luật thấy rằng, việc xử lý người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa còn phụ thuộc nhiều vào lực lượng Công an bảo vệ phiên tòa và Thư ký phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thường rất ít khi chủ động trong việc xử lý người có hành vi vi phạm mà thường chủ yếu là nhắc nhở mọi người giữ gìn trật tự, tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa như không sử dụng điện thoại, yêu cầu người tham gia phiên tòa không nói chuyện, hút thuốc hoặc buộc rời khỏi phòng xử án trong một số trường hợp, rất ít khi có quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền hay xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự, kể cả trong trường hợp xảy ra hành vi vi phạm nội quy phiên tòa một cách rõ ràng, thậm chí là hành vi gây rối trật tự phiên tòa. Thực tiễn đã xảy ra nhiều phiên tòa (hình sự lẫn dân sự) phải tạm thời ngừng, không thể tuyên án hoặc bị cản trở nghiêm trọng do người tham dự phiên tòa, đặc biệt là người nhà bị cáo, người nhà bị hại, đương sự mắng chửi, thóa mạ, hành hung hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư, người giám định, người phiên dịch, nhân chứng, đập phá tài sản tại phòng xử án.
2. Tội gây rối trật tự phiên tòa theo quy định của BLHS 2015
2.1. Khái niệm, căn cứ pháp lý
Điều 391 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hành vi Gây rối trật tự phiên tòa được hiểu là hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phiên tòa nếu không thuộc trường hợp Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
2.2. Về cấu thành tội phạm
a) Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm hoạt động đứng đắn của cơ quan nhà nước trong hoạt động xét xử. Đối với tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp xâm phạm trực tiếp đến hoạt động tư pháp.
b) Hành vi khách quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau tại phiên tòa, phiên họp:
+ Thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp.
Thóa mạ là thốt ra những lời xúc phạm nặng nề để sỉ nhục người khác, thể hiện qua những lời nói, cử chỉ, hành động đối với Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia phiên tòa. Như vậy, dù là lời nói xúc phạm danh dự của ai nhưng diễn ra tại phiên tòa, phiên họp thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
+ Hành vi đập phá tài sản: người phạm tội này thực hiện các hành vi như đập phá bàn ghế, đập phá cở sở của Tòa án mà chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS 2015.
c) Chủ thể của tội phạm: Thứ nhất, Chủ thể của tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp là người không lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Thứ hai, phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự.
d) Mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, mục đích và động cơ. Các hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản là biểu hiện của lỗi cố ý, dù người phạm tội nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
2.3. Về hình phạt
+ Khung 1 (khoản 1): phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 BLHS (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).
+ Khung 2 (khoản 2): Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu như thuộc trường hợp dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp hoặc hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của BLHS 2015 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác).
3. Vướng mắc, bất cập và đề xuất kiến nghị
Nghiên cứu các quy định về xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa và tội gây rối trật tự phiên tòa tại Điều 391 của BLHS 2015 người viết thấy các quy định hiện hành về xử lý hành vi vi phạm còn thiếu các biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt còn tương đối thấp, chưa đủ tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa, do vậy phần nào đó chưa đảm bảo tính nghiêm túc, nghiêm minh của pháp luật.
Từ những phân tích trên, người viết cho rằng nên cần văn bản hướng dẫn riêng biệt, cụ thể về việc xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, trật tự phiên tòa; tăng mức phạt tiền, xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ; đồng thời sửa đổi bổ sung quy định tại Điều 391 BLHS và Điều 467 BLTTHS theo hướng cụ thể hơn, tăng chế tài xử phạt; ban hành mẫu văn bản xử phạt vi phạm tại chỗ, qua đó giúp cho Hội đồng xét xử nói chung và Thâm phán nói riêng có phương án xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa một cách chủ động hơn, tăng cường quyền hạn cho Thẩm phán, đồng thời, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, cụ thể:
Điều 391 BLHS cần sửa đổi, bổ sung như sau:
* Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp
1. Bất kỳ người tham gia tố tụng hoặc người nào khác tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, vu cáo, đe dọa, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;
b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 467 BLTTHS như sau:
* Điều 467. Xử lý người vi phạm nội quy phiên tòa
1. Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cảnh cáo yêu cầu ngừng vi phạm, quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính không quá 15 ngày. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.
3. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.
4. Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.
Hồ Quân