Một số kiến nghị về việc thực hiện công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực

23/12/2020
Theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hết hiệu lực được thực hiện trong 03 trường hợp, cụ thể:
- Trường hợp thứ nhất, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, tại khoản 4, khoản 5 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, quy định:
4. Cơ quan đã ban hành các văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực có trách nhiệm:
a) Công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật trước ngày các văn bản đó hết hiệu lực;
b) Quy định việc bãi bỏ các văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực tại điều khoản thi hành của văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản quy định chi tiết.
5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:
a) Lập, công bố theo thẩm quyền hoặc trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại khoản 2 Điều này do mình ban hành và do Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản để thay thế văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này”.
Qua nghiên cứu và thực tiễn thực hiện quy định này nhận thấy, tại khoản 4, khoản 5 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP hiện nay quy định chưa thống nhất về trách nhiệm công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Cụ thể, đối với trường hợp văn bản quy định chi tiết thi hành là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan có trách nhiệm công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực là Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh (theo khoản 4 Điều 38) hay Thường trực HĐND cấp tỉnh (theo khoản 5 Điều 38).
Bên cạnh đó, việc lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực là một vấn đề rất khó thực hiện trong thực tiễn hiện nay. Bởi lẽ, có một số trường hợp văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên có nội dung giao địa phương quy định chi tiết, tuy nhiên quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL giữa cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc cơ quan tham mưu xây dựng, ban hành văn bản QPPL với cơ quan được giao nhiệm vụ, quyền hạn quy định chi tiết điều, khoản, điểm tại văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên lại chưa có sự phối hợp, thông tin kịp thời; Hoặc trường hợp văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn (theo đó văn bản có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành); Hoặc một số trường hợp văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên sau khi được thông qua, ban hành nhưng lại chậm công bố;… Từ đó dẫn đến việc tiếp cận được văn bản QPPL do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành có nội dung giao quy định chi tiết, việc lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực còn có những tồn tại, khó khăn.
- Trường hợp thứ hai, công bố danh mục văn bản hết hiệu lực định kỳ hàng năm
+ Tại khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, quy định:
1. Định kỳ hằng năm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc trách nhiệm rà soát của mình, bao gồm cả văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 38 của Nghị định này.
2. Văn bản công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực là quyết định hành chính, phải được đăng Công báo và đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan rà soát (nếu có) hoặc niêm yết tại các địa điểm quy định tại Điều 98 của Nghị định này.
5. Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực được lập theo Mẫu số 03, 04 Phụ lục IV kèm theo Nghị định này.
+ Tại điểm a khoản 3 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản, quy định: “Ủy ban nhân dân thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do mình và Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân kiến nghị Hội đồng nhân dân xử lý kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản của Hội đng nhân dân;”.
Như vậy, trường hợp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực định kỳ hàng năm, bao gồm công bố danh mục văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành hết hiệu lực đều thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đồng thời, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết, cụ thể về hình thức văn bản công bố danh mục văn bản hết hiệu lực và biểu mẫu của Danh mục văn bản hết hiệu lực đối với trường hợp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực định kỳ hàng năm.
- Trường hợp thứ ba, công bố danh mục văn bản hết hiệu lực theo kết quả hệ thống hóa văn bản. Theo đó, tại khoản 4, khoản 6 và khoản 7 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, quy định:
4. Lập các danh mục văn bản:
a) Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, gồm cả văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần và văn bản chưa có hiệu lực tính đến thời điểm hệ thống hóa; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới;
b) Các danh mục văn bản được lập theo Mẫu số 03, 04, 05 và 06 Phụ lục IV kèm theo Nghị định này.
6. Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp công bố kết quả hệ thống hóa văn bản;
b) Kết quả hệ thống hóa văn bản gồm các danh mục văn bn và Tập hệ thống hóa văn bản quy định tại khoản 4 và 5 Điều này;
c) Hình thức văn bản công bố kết quả hệ thống hóa văn bản là quyết định hành chính;
d) Kết quả hệ thống hóa văn bản phải được công bố chậm nhất là 30 ngày đối với văn bản của trung ương, 60 ngày đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp kể từ thời điểm hệ thống hóa.
7. Kết quả hệ thống hóa văn bản phải được đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan hệ thống hóa văn bản (nếu có). Trường hợp cần thiết, cơ quan hệ thống hóa văn bản phát hành Tập hệ thống hóa văn bản bằng hình thức văn bn giấy.
Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực ở trung ương và cấp tỉnh phải được đăng Công báo. Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực ở cấp huyện và cấp xã phải được niêm yết tại trụ sở cơ quan rà soát.
Trường hợp sau khi công bố, phát hiện các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực có sai sót thì tiến hành rà soát lại và đính chính.
Như vậy, tương tự như trường hợp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực định kỳ hàng năm, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực theo kết quả hệ thống hóa văn bản bao gồm công bố danh mục văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành hết hiệu lực đều thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; hình thức văn bản công bố danh mục văn bản hết hiệu lực và biểu mẫu của Danh mục văn bản hết hiệu lực. Ngoài ra, việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực theo kết quả hệ thống hóa văn bản còn phải tuân thủ quy định về thời hạn công bố kết quả hệ thống hóa và trường hợp sau khi công bố, phát hiện danh mục văn bản hết hiệu lực có sai sót thì tiến hành rà soát lại và đính chính.
Từ những nội dung nêu trên, có thể thấy rằng Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định khá chi tiết, cụ thể việc công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực trong các trường hợp, tuy nhiên để thực hiện việc công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực trong các trường hợp hiệu quả, thống nhất, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, cần phải xác định và quy định thống nhất về trách nhiệm công bố danh mục văn bản hết hiệu lực trong các trường hợp; Hình thức của văn bản công bố cũng như biểu mẫu danh mục văn bản hết hiệu lực trong các trường hợp; Thời hạn thực hiện việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực trong các trường hợp; Và việc xử lý đối với trường hợp sau khi công bố mà phát hiện có sai sót.
Hai là, cơ quan ban hành văn bản QPPL có nội dung giao quy định chi tiết hoặc cơ quan tham mưu việc ban hành văn bản QPPL có nội dung giao quy định chi tiết cần phải xác định cụ thể, đầy đủ nội dung giao quy định chi tiết và kịp thời thông báo, đề nghị cơ quan được giao nhiệm vụ, quyền hạn quy định chi tiết điều, khoản, điểm tại văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện trách nhiệm lập, công bố mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Ba là, quy định cụ thể trình tự, thủ tục và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc lập, công bố danh mục văn bản hết hiệu lực trong các trường hợp.
Bốn là, đánh giá hiệu quả, trách nhiệm thực hiện việc  lập, công bố danh mục văn bản hết hiệu lực trong các trường hợp trong thời gian qua, để có sự điều chỉnh quy định pháp luật cho phù hợp. Chẳng hạn như: Đã thực hiện công bố danh mục văn bản hết hiệu lực định kỳ hàng năm thì có cần thiết phải công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không; Hoặc đã công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thì năm cuối cùng của kỳ hệ thống hóa có cần thiết phải công danh mục văn bản hết hiệu lực định kỳ hàng năm của năm đó hay không;…
                      Lương Thảo./.