Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị

22/03/2021
Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị
1. Giới thiệu Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH)[1]
1.1 Thành lập:
Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) tổ chức phiên họp đầu tiên vào năm 1893 dưới sáng kiến của Tobias Michael Carel Asser (người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1911). Hội nghị đã trở thành tổ chức liên chính phủ hoạt động thường xuyên từ năm 1955 khi Quy chế của Hội nghị có hiệu lực.
Hiện nay, Hội nghị có 88 thành viên (87 quốc gia và 01 tổ chức hội nhập kinh tế khu vực - Liên minh châu Âu) đại diện cho tất cả các châu lục. Một số nước ASEAN đã trở thành thành viên của Hội nghị như Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Singapore ,Việt Nam và Thái Lan. Nhiều quốc gia không phải là thành viên của Hội nghị cũng trở thành các quốc gia thành viên của các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị (68 quốc gia- trong khu vực Đông Nam Á có cả Brunei và Campuchia). Vì vậy, công việc của Hội nghị có ảnh hưởng đến 155 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong các ngày từ 19-23/5/2014, Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế đã nhóm họp tại La Hay – Hà Lan về thực thi Công ước 1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Công ước năm 1970 về Thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại và Công ước năm 1980 về Tiếp cận công lý. Phiên họp đã diễn ra sau bốn ngày thảo luận mang tính xây dựng giữa khoảng 130 chuyên gia đến từ 53 quốc gia và các tổ chức quốc tế liên Chính phủ và phi Chính phủ. Đại diện của Bộ Tư pháp – cơ quan quốc gia của Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam là bà Phạm Hồ Hương (Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế) và đại diện Tòa án nhân dân tối cao, ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng phòng Nghiên cứu pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Viện Khoa học xét xử).
Hội nghị có mục tiêu hài hòa hóa các hệ thống pháp luật khác nhau, phát triển và cung cấp các văn kiện pháp lý quốc tế đáp ứng các nhu cầu của thế giới. Với khẩu hiệu xây dựng cầu nối giữa các hệ thống pháp luật, Hội nghị hoạt động vì sự thống nhất dần dần các quy tắc về tư pháp quốc tế để giải quyết sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật được áp dụng trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm cả việc tìm ra các cách tiếp cận được quốc tế thừa nhận với các vấn đề như thẩm quyền của tòa án, pháp luật áp dụng, công nhận và thi hành các phán quyết. Qua thời gian, Hội nghị đã trở thành trung tâm của hoạt động hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực luật tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại. Mục tiêu cao nhất của HCCH là phục vụ một thế giới trong đó mỗi người bao gồm cả cá nhân và tổ chức có thể được hưởng mức độ chắc chắn và an toàn về mặt pháp lý cao nhất.
1.2. Hoạt động:
HCCH hoạt động trên cơ sở Quy chế (Statute), Quy tắc hoạt động (Rules of procedure), Quy định về ngân sách (Financial Regulations) và được định hướng bởi Kế hoạch chiến lược (Strategic Plan) và Khuôn khổ chiến lược cho các hoạt động hỗ trợ sau gia nhập các Công ước của Hội nghị (Stategic Framework for Post- Convention Assistance). Đến nay, Quy chế của Hội nghị vẫn giữ nguyên, các văn bản còn lại phục vụ quản trị của tổ chức đã được cập nhật, HCCH còn bổ sung thêm một số văn bản như:
- Quy chế nhân sự
- Khuôn khổ để thiết lập văn phòng khu vực
- Thủ tục chỉ định tổng thư ký (hiện đang chuẩn bị trình phiên họp của Hội đồng các vấn đề chung và chính sách năm 2021).
Ngoài ra, các thực tiễn hoạt động (usages) (phù hợp với Quy chế và các quy định của tổ chức được Phiên toàn thể, Hội đồng các vấn đề chung và chính sách hoặc Hội đồng đại diện ngoại giao thông qua) cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động của HCCH (Điều 12).[2]
Các nước thành viên điều hành hoạt động của Hội nghị. Về nguyên tắc, Hội nghị nhóm họp theo kỳ 4 năm: Phiên toàn thể (Phiên ngoại giao thông thường) để đàm phán và thông qua các Công ước và quyết định về các hoạt động tiếp theo[3]. Các hoạt động quan trọng trong năm của Hội nghị do Hội đồng các vấn đề chung và chính sách (gồm đại diện các quốc gia thành viên) quyết định. Hội đồng thường họp một lần vào tháng 3 hàng năm.
 Dự thảo các Công ước được chuẩn bị bởi Ủy ban đặc biệt hoặc nhóm công tác được nhóm họp nhiều lần trong một năm, thường tại La Hay, Hà Lan[4] và tại các quốc gia thành viên khác. Ủy ban đặc biệt còn được tổ chức để xem xét lại hoạt động của các Công ước đã được thông qua và đưa ra các khuyến nghị với mục tiêu cải thiện hiệu quả và củng cố việc thực thi và giải thích thống nhất các Công ước này. Hội đồng các vấn đề chung và chính sách và Ủy ban đặc biệt hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận (consensus) (Điều 8 Quy chế). Thời gian gần đây, quy tắc hoạt động của Hội nghị quy định rõ ràng hơn về thủ tục bỏ phiếu tại các phiên họp trong trường hợp ngoại lệ đặc biệt không thể đạt được sự đồng thuận và thủ tục đưa ra quyết định khi không tổ chức các phiên họp.
Trong thời gian các cơ quan quan trọng của Hội nghị không họp, các hoạt động hàng ngày của Hội nghị được hỗ trợ và điều phối bởi nhóm thư ký đa quốc gia - Ban Thường trực (Ban Thư ký), đứng đầu là Tổng thư ký - có trụ sở tại La Hay, Hà Lan. Ban Thư ký chuẩn bị cho các phiên họp toàn thể và Ủy ban đặc biệt và tiến hành các hoạt động nghiên cứu cơ bản cần thiết cho bất kỳ chủ đề nào do Hội nghị đưa ra. Ban Thư ký cũng tham gia vào một loạt các hoạt động khác nhau để hỗ trợ cho việc thực thi và vận hành hiệu quả các Công ước như các hoạt động đào tạo trao đổi (tiếp nhận thực tập sinh và công chức biệt phái từ các quốc gia thành viên), tham gia các hội thảo, hội nghị, tọa đàm và xuất bản các ấn phẩm về Hội nghị, các Công ước của Hội nghị và tư pháp quốc tế. Đồng thời Ban Thư ký còn thực hiện cập nhật các thông tin về Hội nghị trong các tuyển tập Công ước, các Sổ tay thực thi, các báo cáo giải thích ở cả dạng bản giấy và bản điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu về bắt cóc trẻ em (ICADAT) và cơ sở dữ liệu thống kê điện tử về các yêu cầu trả lại và tiếp cận trẻ (INCASTAT).
Ngoài trụ sở chính tại Hà Lan, Ban Thư ký còn tổ chức các Văn phòng khu vực: Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Hồng Kông, Trung Quốc và Văn phòng khu vực châu Mỹ La tinh và Caribê tại Buenos Aires, Ác-hen-ti-na. Các văn phòng khu vực có vai trò giúp đỡ các nước trong khu vực tham gia vào Hội nghị và các Công ước của Hội nghị, thực thi Công ước, nâng cao hiệu quả của các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị đồng thời tăng cường mức độ đáp ứng của Hội nghị với nhu cầu của các nước trong khu vực.
Ban Thư ký duy trì liên lạc trực tiếp với các nước thành viên thông qua các Cơ quan quốc gia và Cơ quan liên lạc được chỉ định. Ban Thư ký cũng phát triển liên hệ với các chuyên gia và đại diện của các nước thành viên, với Cơ quan Trung ương của các quốc gia được chỉ định trong khuôn khổ các Công ước cũng như với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, với giới học thuật và những người làm thực tiễn. Ban thư ký cũng trả lời các yêu cầu về thông tin của những người sử dụng các Công ước của Hội nghị.
Ngân sách cho hoạt động của Hội nghị có từ nguồn niên liễm của các nước thành viên (theo năm tài chính từ ngày 1/7 năm trước đến 30/6 năm kế tiếp) và các khoản đóng góp tự nguyện từ các thành viên, tổ chức, cá nhân khác. Ngân sách được thông qua mỗi năm bởi Hội đồng đại diện ngoại giao của quốc gia thành viên.
2. Các Công ước của Hội nghị
Khoảng giữa 1893 và 1904, Hội nghị đã thông qua 7 Công ước quốc tế, sau đó đều đã được thay thế bởi các văn kiện hiện đại hơn.
Giữa 1951 đến nay, Hội nghị đã thông qua 39 Công ước quốc tế. Ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ theo dõi, xem xét việc áp dụng các Công ước của Hội nghị. Các Công ước này tập trung vào 3 lĩnh vực: Bảo vệ trẻ em, quan hệ gia đình và tài sản (Ví dụ như: Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế năm 1980 - Công ước Bắt cóc trẻ em, Công ước về bảo vệ trẻ em và hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế năm 1993 - Công ước Nuôi con nuôi, Công ước về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác về trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em năm 1996, Công ước về thu hồi quốc tế với các khoản cấp dưỡng trẻ em và các hình thức cấp dưỡng gia đình khác năm 2007 và Nghị định thư năm 2007 về pháp luật áp dụng đối với nghĩa vụ cấp dưỡng); Hợp tác pháp luật và tố tụng (Công ước Miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài - Công ước Apostille năm 1961, Công ước Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại 1965 - Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1970 - Công ước Thu thập chứng cứ, Công ước Tiếp cận công lý quốc tế năm 1980, Công ước Thỏa thuận lựa chọn tòa án năm 2005), Công ước về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 2019 (Công ước phán quyết năm 2019); Pháp luật thương mại và tài chính (Công ước về pháp luật áp dụng đối với tín thác và việc công nhận năm 1985, Công ước về pháp luật áp dụng đối với một số quyền nhất định phát sinh từ chứng khoán được lưu giữ tại tổ chức trung gian năm 2006).
 Ngay cả khi các Công ước của HCCH chưa được phê chuẩn thì chúng cũng có ảnh hưởng nhất định đến các hệ thống pháp luật tại các quốc gia thành viên và không phải thành viên của Hội nghị. Các điều ước còn tạo nguồn tham khảo cho những nỗ lực thống nhất tư pháp quốc tế ở cấp độ khu vực như trong Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) hoặc Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù vậy, các Công ước của Hội nghị thành công nhất của HCCH chủ yếu giải quyết các vấn đề về hợp tác pháp luật, gia đình và trẻ em: (i) Miễn hợp pháp hóa lãnh sự (Apostille) (ii) Tống đạt giấy tờ (iii)Thu thập chứng cứ ở nước ngoài (iv) Tiếp cận công lý (v) Các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (vi) Nuôi con nuôi quốc tế (vii) Xung đột pháp luật liên quan đến hình thức của di chúc (viii) Nghĩa vụ cấp dưỡng (ix) Công nhận ly hôn.
Hội nghị mới bắt đầu phát triển thêm các văn kiện luật mềm khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực tiễn (chẳng hạn Bộ quy tắc về pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế).
Ngoài ra, Hội nghị còn bàn về những phát triển mới của tư pháp quốc tế và tiến hành các nghiên cứu khả thi về các vấn đề, cụ thể là: các hình thức hòa giải xuyên quốc gia trong lĩnh vực gia đình, tiếp cận nội dung của pháp luật nước ngoài, và các vấn đề tư pháp quốc tế liên quan đến các cặp đôi không kết hôn, các lệnh bảo vệ xuyên quốc gia, tiếp cận công lý với khách du lịch, tư pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ …Các nghiên cứu và hoạt động được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp và tránh chồng lấn với hoạt động do các tổ chức quốc tế khác (như Viện nhất thể hóa luật tư UNIDROIT, Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế UNCITRAL, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Tổ chức du lịch thế giới UNWTO…) đang tiến hành. Trong những năm gần đây, Hội nghị quan tâm hơn đến ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký cũng như trong áp dụng các Công ước của Hội nghị, bao gồm: dự án e-APP (cấp dấu Apostille điện tử), tống đạt điện tử các văn bản tố tụng…
Lợi thế lớn nhất của HCCH là mạng lưới toàn cầu chấp nhận sự đa dạng của các hệ thống pháp luật và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, sự mở rộng của tổ chức cũng mang lại những thách thức như khó đạt được sự đồng thuận khi ra quyết định, những xung đột chia rẽ chính trị có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng các Công ước của Hội nghị cũng như những hoạt động chung của Hội nghị, gánh nặng tài chính gia tăng do các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên đang và kém phát triển cần nhiều kinh phí hơn…Sau 125 năm hoạt động, mặc dù đã có kế hoạch chiến lược cho giai đoạn 2019-2022, Hội nghị vẫn tiếp tục xem xét về định hướng lâu dài của mình trong giai đoạn tiếp theo: vừa tiếp tục hoạt động xây dựng các điều ước quốc tế, vừa mở rộng hoạt động soạn thảo các luật mềm (hướng dẫn, luật mẫu, quy tắc…) để hoạt động hiệu quả hơn trong một thế giới ngày càng kết nối nhờ công nghệ và giao thông thuận tiện.
3. Các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH[5]
Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/9/2012, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký và chính thức trình Thư của Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế
Ngày 10/4/2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế sau khi được mời là quan sát viên tham dự một số Phiên họp Hội đồng chung và chính sách của Hội nghị. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, chuẩn bị lâu dài từ những năm 2007- 2008.
Sau khi gia nhập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/08/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam. Để thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành các quyết định nội bộ để thực hiện Quyết định nêu trên (Quyết định 951/QĐ-BTP ngày 21/5/2015 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 124/QĐ-TANDTC ngày 15/11/2013).
Các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị La Hay sẽ được trình bày theo từng nhóm trên cơ sở các Quyết định nêu trên:
3.1. Nâng cao nhận thức về tư pháp quốc tế Hội nghị La Hay và các Công ước của Hội nghị:
3.1.1 Kết quả đạt được
Các thông tin về những hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH được đăng tải trên trang thông tin Pháp luật quốc tế của Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp[6].
Từ trước khi trở thành thành viên của Hội nghị tới nay, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức để giới thiệu về Hội nghị và các Công ước của Hội nghị đặc biệt tập trung vào các Công ước mà Việt Nam nghiên cứu khả năng gia nhập. Các hội thảo, tọa đàm đều có sự tham gia của thành viên Ban Thư ký Hội nghị, Văn phòng Hội nghị La Hay khu vực châu Á Thái Bình Dương, chuyên gia đến từ các nước thành viên tích cực của Hội nghị (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Thụy sĩ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc).  Những hội thảo, toạ đàm đặt nền móng đầu tiên cho nhiệm vụ này là Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại năm 2008 với nội dung quan trọng là tìm hiểu về Hội nghị La Hay và 02 công ước của Hội nghị về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công nước ngoài (Công ước Apostille) và tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt); Toạ đàm về Công ước Apostille và Công ước tống đạt tháng 3 năm 2012; Toạ đàm với Tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế tháng 11 năm 2013 về thực thi quyền nghĩa vụ của cơ quan quốc gia trong quan hệ với Hội nghị và các nước thành viên …. Cho đến nay trung bình Việt Nam tổ chức từ 2-3 tọa đàm, hội thảo/ năm.
Để thực thi Công ước Tống đạt sau khi Việt Nam gia nhập năm 2016, 2 lớp tập huấn cho các đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tương trợ tư pháp về dân sự tại các tòa án và cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã được tổ chức trong năm 2017. Cũng trong năm này, Sổ tay tương trợ tư pháp về dân sự đã được Bộ Tư pháp hoàn thiện và đăng tải trên trang Thông tin Tương trợ tư pháp.
Tiếp tục thực thi Công ước Nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã cập nhật và hoàn thiện thêm nội dung cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ, dịch và phát hành sách hướng dẫn số 1 thực hiện tốt Công ước và tổ chức các lớp tập huấn.
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban đặc biệt triển khai thực hiện Công ước La hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em
- Về hoạt động nghiên cứu khoa học: Bộ Tư pháp đang tiến hành Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2017-2021 “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế và trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế” trong đó mỗi năm thực hiện 01 đề tài nghiên cứu về một Công ước của Hội nghị mà Việt Nam dự kiến tham gia và nghiên cứu các vấn đề tư pháp quốc tế hiện đại khác[7].
Bên cạnh đó, tạp chí Dân chủ và pháp luật đã xuất bản một số Số chuyên đề  trong đó có các bài viết giới thiệu về các Công ước của HCCH như “Hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự trước bối cảnh hội nhập” (năm 2017), “Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi giữ và đưa trẻ em đi trái phép” (2018), “Tương trợ tư pháp về dân sự trong điều kiện hội nhập” (2020).
- Về giáo trình giảng dạy: Trường đại học Luật Hà Nội đã biên soạn mới giáo trình về tư pháp quốc tế với những nội dung cập nhật.
3.1.2 Hạn chế
Mặc dù sau khi tham gia Hội nghị, Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quốc gia của Việt Nam trong quan hệ với Hội nghị và các nước thành viên đã có nhiêu nỗ lực để tuyên truyền, phổ biến về Hội nghị cũng như nâng cao nhận thức về một số Công ước của Hội nghị nhưng vẫn còn một số hạn chế như:
- Các Hội thảo, tọa đàm mới ở diện hẹp, một phần vì kinh phí hạn chế, một phần vì những vấn đề được bàn đến tương đối chuyên sâu trong lĩnh vực tư pháp quốc tế (ví dụ các vấn đề liên quan đến tống đạt giấy tờ, miễn hợp pháp hoá giấy tờ công…) nên chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học triển khai còn chậm. Công tác nghiên cứu khoa học thường đi sau và chưa hỗ trợ đáng kể cho Bộ Tư pháp trong thực thi nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia của Hội nghị.
3.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực tư pháp quốc tế
3.2.1 Kết quả đạt được
- Bộ Tư pháp đã cử một cán bộ đầu mối chuyên trách làm nhiệm vụ điều phối hoạt động của Cơ quan quốc gia và quản lý hộp thư chính thức haguevietnam@moj.gov.vn. Hoạt động của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan trung ương trong Công ước Tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ được thực hiện tương đối hiệu quả, thông qua việc giải quyết các hồ sơ ủy thác tư pháp đến và đi, duy trì liên lạc với các nước thành viên các Công ước này qua hộp thư điện tử mlavietnam@moj.gov.vn.
- Hàng năm, đội ngũ công chức cán bộ của các Bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao) và một số giảng viên của các trường đại học như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương… cũng được cử tham dự các Phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị để nắm bắt các thông tin cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp và áp dụng các quy định về tư pháp quốc tế. Đại diện của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan cũng tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế (Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Một số công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong mối liên hệ với ASEAN”  năm 2016 và Hội nghị châu Á trao đổi kinh nghiệm giữa các nước gốc trong lĩnh vực nuôi con nuôi năm 2017 do Việt Nam chủ trì, Tuần lễ châu Á Thái Bình Dương hàng năm do Văn phòng  khu vực châu Á- Thái Bình Dương của HCCH tổ chức), có bài trình bày giới thiệu về tư pháp quốc tế của Việt Nam và các hoạt động trong khuôn khổ HCCH.
- Hàng năm các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ, luật sư cũng được tổ chức ở các cơ quan của Bộ Tư pháp và trường đại học Luật Hà Nội (mặc dù không chuyên sâu riêng về tư pháp quốc tế) như đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, tiếng Anh pháp lý, tọa đàm về hội nhập quốc tế…
- Sau khi trở thành thành viên Công ước Tống đạt, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 lớp tập huấn thực thi Công ước này cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện hoạt động tống đạt giấy tờ tại cơ quan toà án và thi hành án địa phương. Đồng thời xây dựng và phổ biến Sổ tay thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự trong đó có hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện tống đạt giấy tờ theo Công ước. Sau khi trở thành thành viên Công ước Thu thập chứng cứ, Bộ Tư pháp đã có văn bản thông báo về hiệu lực của Công ước giữa Việt Nam và các quốc gia chấp nhận việc gia nhập của Việt Nam và đang chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn, cập nhật Sổ tay thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
3.2.2 Hạn chế
Giống như hoạt động tuyên truyền, hoạt động kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo nâng cao năng lực cũng gặp những khó khăn về nguồn lực.
Trong bối cảnh tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39 -NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng, việc tăng số lượng công chức, viên chức nhà nước cho các nhiệm vụ liên quan đến tư pháp quốc tế là khó khả thi. Việc chỉ có một cán bộ đầu mối thực hiện các nhiệm vụ của Hội nghị dẫn đến tình trạng thông tin có lúc chưa được cập nhật  kịp thời, hoạt động điều phối và nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên một trong những nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1440/QĐ-TTg là cử cán bộ trẻ đi thực tập, làm việc tại Hội nghị chưa thể triển khai được.
3.3. Phát huy vai trò thành viên tích cực
3.3.1 Kết quả đạt được
Từ khi chính thức trở thành thành viên của Hội nghị, Việt Nam đã cử người tham gia các phiên họp của Hội nghị đặc biệt là phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách, các phiên họp của Ủy ban đặc biệt về các Công ước về bảo vệ trẻ em, về Dự án phán quyết, về Công ước Tống đạt và Thu thập chứng cứ…
Ngày 4/3/2020, tại Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế diễn ra tại La Hay (Hà Lan), đại diện Việt Nam, bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đã nộp Văn kiện gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Convention on the taking of evidence abroad in civil or commercial matters) (Công ước Thu thập chứng cứ).
Việt Nam cũng có ý kiến đồng ý về việc gia nhập của các nước thành viên mới, gồm Singapore và Azerbaijan, Tuynidi, Moldova, Armenia, Dominica, Ả Rập Xê út, Andorra, Kazakhstan, Honduras, Uzbekistan, Namibia, Nicaragua, Mông Cổ, Thái Lan.
Việt Nam cũng có ý kiến với các văn kiện của Hội nghị thông qua: trả lời các bảng câu hỏi về Sơ thảo Công ước về tiếp cận công lý với khách du lịch quốc tế, dự thảo về nơi thường trú trong phạm vi Công ước nuôi con nuôi, Công ước Apostille…, góp ý các tài liệu của Hội nghị trực tiếp tại phiên họp và thông qua văn bản như góp ý về Sổ tay WIPO- HCCH dành cho thẩm phán về các vấn đề tư pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ… Khi nhận được các văn kiện của Hội nghị (thường qua địa chỉ thư điện tử chính thức haguevietnam@moj.gov.vn), Bộ Tư pháp sẽ xác định các Bộ ngành có liên quan và gửi văn bản lấy ý kiến sau đó tổng hợp và gửi cho Hội nghị.
Hiện nay, Hội nghị đang tiến hành một số dự án như sau: tiếp nối dự án Phán quyết - kết quả là Công ước về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 2019, HCCH đang triển khai dự án mới về Thẩm quyền nhằm hoàn thiện quy định điều chỉnh các lĩnh vực thuộc phạm vi tư pháp quốc tế. Dự án Tiếp cận công lý đối với khách du lịch được Bra- xin tài trợ kinh phí đang nghiên cứu việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trực tuyến ODR giữa khách du lịch và bên cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, HCCH vẫn tiếp tục theo đuổi dự án Quan hệ cha mẹ con/ Mang thai hộ để xây dựng một hoặc một số văn kiện trong lĩnh vực tư pháp quốc tế về vấn đề này. Bộ Tư pháp hiện đang theo dõi các dự án lập pháp của HCCH và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để góp ý văn bản khi được yêu cầu.
Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa Hội nghị La Hay với các nước trong khu vực thông qua: Sáng kiến tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN năm 2015 đề xuất các nước tham gia Công ước Apostille của Hội nghị, diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Một số công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong mối liên hệ với ASEAN” năm 2016; trao đổi kinh nghiệm giữa các nước gốc trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Hội nghị châu Á năm 2017 có sự tham gia của Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin, Hàn Quốc, Trung Quốc).
3.3.2 Hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù đã có nhiều cố gắng kể từ sau khi tham gia Hội nghị nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự tham gia của Việt Nam còn ở mức độ hạn chế, thường chỉ dừng lại ở việc góp ý về những vấn đề chưa rõ trong các văn bản, báo cáo về các văn kiện, điều ước mới của Hội nghị mà chưa cử được đại diện tham gia các nhóm chuyên gia, nhóm công tác soạn thảo; các hoạt động nghiên cứu chủ yếu vẫn do Bộ Tư pháp tiến hành, chưa thu hút đông đảo sự tham gia của giới học thuật và những người làm thực tiễn. Thực tế này xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, số lượng chuyên gia về tư pháp quốc tế của Việt Nam không nhiều, đa phần là những người giảng dạy đại học và làm công tác nghiên cứu mà ít có những người hoạt động thực tiễn như thẩm phán, luật sư. Do đó khi lấy ý kiến chuyên gia, hoặc lựa chọn chuyên gia để tham dự các nhóm công tác của Hội nghị, Bộ Tư pháp khó tìm được người có hiểu biết chuyên sâu, đáp ứng trình độ về chuyên môn và ngoại ngữ phù hợp và nếu lựa chọn được thì cũng không có kinh phí cho chuyên gia tham dự Hội nghị.
Thứ hai, tuy các hoạt đông nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế nói chung đã được đẩy mạnh hơn từ sau khi Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi năm 2015 hướng đến việc xây dựng Luật riêng về tư pháp quốc tế nhưng số liệu thống kê từ thực tiễn về số lượng các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, những vướng mắc khó khăn trong thực tiễn còn rất nghèo nàn (không phải số liệu thống kê chính thức từ các cơ quan liên quan), chưa thể sử dụng làm căn cứ thực tiễn cho các đề xuất pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.
Thứ ba, sự phối hợp của các Bộ ngành còn chưa chặt chẽ và nhận thức của các Bộ ngành về vấn đề tư pháp quốc tế chưa cao. Điều này thể hiện ở việc khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức có liên quan về các văn kiện của Hội nghị, nhiều ý kiến Bộ Tư pháp nhận được trả lời khá chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thông tin về vướng mắc trong thực tiễn, chưa có tính phản biện, chưa kể đến việc thời hạn trả lời không đảm bảo.
Hơn nữa, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID, đại diện của Việt Nam chỉ có thể tham dự trực tiếp phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị. Đây cũng là năm kỷ niệm của nhiều Công ước trong khuôn khổ HCCH nhưng  đại diện của Việt Nam chỉ có thể tham gia một số hoạt động dưới hình thức trực tuyến (như chương trình Cầu nối HCCH: kỷ niệm 50 năm Công ước thu thập chứng cứ).
3.4 Đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất gia nhập và thực thi các Công ước trong khuôn khổ Hội nghị
Ngày 16/3/2016, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam tham dự Phiên họp Hội đồng Các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế tại Hà Lan - bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp- đã chính thức đệ trình Văn kiện Việt Nam xin gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ)
Trước khi gia nhập Hội nghị, Việt Nam mới tham gia Công ước về nuôi con nuôi. Do việc tham gia các Công ước không bắt buộc phải là thành viên của Hội nghị nên từ  năm 2008, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu một số Công ước như Công ước Apostille; Công ước Tống đạt. Sau khi gia nhập Hội nghị, hoạt động này tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh và thực hiện bài bản, có lộ trình, cụ thể:
- Năm 2013: nghiên cứu khả năng tham gia Công ước Tống đạt và chính thức nộp đơn gia nhập tháng 4/2016 (Công ước có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 1/10/2016);
- Năm 2014- 2015: rà soát các Công ước trong khuôn khổ HCCH và đề xuất danh mục 6 Công ước để nghiên cứu sâu hơn và đề xuất lộ trình gia nhập[8].
- Năm 2015: nghiên cứu khả năng tham gia Công ước Bắt cóc trẻ em. Chính phủ đã phê duyệt đề án nghiên cứu của Bộ Tư pháp và để chuẩn bị cho việc tham gia Công ước trong thời gian gần nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước giai đoạn 2018-2021.
- Năm 2016: nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước Thu thập chứng cứ, chính thức nộp đơn gia nhập tháng 3/2020 (Công ước có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 3/5/2020).
Ngoài 03 Công ước nêu trên do Bộ Tư pháp chủ trì, Bộ Ngoại giao còn tiến hành nghiên cứu Công ước Apostille từ năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay, còn nhiều vướng mắc từ quy định pháp luật đến thực tiễn hoạt động hợp pháp hoá giấy tờ tại Việt Nam mà Bộ Ngoại giao chưa đề xuất cụ thể về lộ trình gia nhập Công ước này với Chính phủ.
4. Đánh giá và kiến nghị
Như vậy, có thể thấy các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH ngày càng tích cực hơn, đạt được nhiều thành tựu, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động được thực hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do khó khăn cả về nguồn lực con người và tài chính. Do tính chất của tư pháp quốc tế điều chỉnh gián tiếp với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên các chủ thể có liên quan chưa dành sự quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực này. Để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực tư pháp quốc tế mà Bộ Tư pháp nói chung và Vụ Pháp luật quốc tế nói riêng xác định là trọng tâm hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ HCCH nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình hội nhập của đất nước, Bộ Tư pháp rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác thực chất hơn nữa từ các Bộ ngành liên quan, giới học thuật và cả các nhà hoạt động thực tiễn trong việc:
- Thông tin cho Bộ Tư pháp về các vụ việc, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và kiến nghị giải pháp liên quan đến tư pháp quốc tế. Những thông tin đầu vào này không chỉ hữu ích cho việc xây dựng đạo luật về tư pháp quốc tế của Việt Nam mà còn là cơ sở để đề xuất các hoạt động của Hội nghị La Hay đáp ứng các nhu cầu của thực tiễn;
- Quan tâm, nghiên cứu, phản hồi kịp thời các văn bản của Bộ Tư pháp về lĩnh vực tư pháp quốc tế;
- Đề xuất, giới thiệu chuyên gia, giới thiệu kết quả nghiên cứu của đơn vị trong lĩnh vực tư pháp quốc tế cho Bộ Tư pháp.
Mọi thông tin đề xuất xin gửi về Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp (Địa chỉ: 58- 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; email: haguevietnam@moj.gov.vn, điện thoại: 024 62739445).
Hoàng Ngọc Bích[9]
 
 
[1] Các thông tin về HCCH có sẵn trên trang thông tin điện tử https://www.hcch.net/en/home
[2] Ví dụ: cách thức tổ chức phiên ngoại giao vẫn phụ thuộc nhiều vào thực tiễn hoạt động của tổ chức
[3] Tuy nhiên trong những năm gần đây các phiên ngoại giao toàn thể để xây dựng các Công ước của Hội nghị không được tiến hành thường xuyên. Phiên ngoại giao gần nhất năm 2019 là phiên thứ 22 thông qua Công ước về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại cách phiên liền trước tới 12 năm. Hội nghị đang nỗ lực để khôi phục lại chu kỳ 4 năm của các phiên ngoại giao nhằm cải thiện hoạt động lập pháp của mình.
[4] Trong hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động của HCCH phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến
[5] Báo cáo số 73/BC-BTP ngày 08/4/2016, Báo cáo 104/BC-BTP ngày 05/4/2017, Báo cáo 07/BC-BTP ngày 05/01/2018 về việc thực hiện Quyết định số 1440/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/8/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam trong năm các năm 2016, 2017 và 2018
[6] http://moj.gov.vn/tttp/Pages/home.aspx
[7] (i) Công ước về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1970; (ii) Công ước về tiếp cận công lý quốc tế năm 1980; (iii) Công ước về quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em năm 1996; (iv) Công ước về công nhận và thi hành các quyết định liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng năm 1973; (v) Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em năm 1980; và (vi) Công ước về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức định đoạt tài sản bằng di chúc năm 1961
[8] (i) Công ước về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 1970; (ii) Công ước về tiếp cận quốc tế công lý năm 1980; (iii) Công ước về thẩm quyền,  pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em năm 1996; (iv) Công ước về công nhận và thi hành các quyết định liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng năm 1973; (v) Công ước về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế năm 1980; và (vi) Công ước về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức định đoạt tài sản bằng di chúc năm 1961
[9] Chuyên viên Vụ Pháp luật quốc tế- Bộ Tư pháp.
Tác giả trân trọng gửi lời cảm ơn đến bà Trần Thị Minh Hà- Trưởng phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, và bà Phạm Hồ Hương- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế vì những thông tin và góp ý với bài viết này.