Một số quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật

22/02/2019
Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật năm 2006 là văn kiện pháp lí quốc tế đầu tiên về người khuyết tật. Công ước đã đưa ra cách tiếp cận toàn diện nhất đối với việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền được tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông. Công ước ghi nhận quyền của người khuyết tật và với ý nghĩa họ là người nắm quyền chứ không phải họ được đối xử như là đối tượng từ thiện. Trên cơ sở đó, pháp luật Việt Nam đã tiếp cận và ghi nhận quyền tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật.

I. Ý nghĩa của việc ban hành các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật.
Như chúng ta đã biết, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn[1]. Chính vì vậy, người khuyết tật thường gặp phải khó khăn hơn rất nhiều so với những người bình thường khác trong việc tiếp cận các hoạt động xã hội, sử dụng các công trình, dịch vụ công cộng nói chung trong đó có việc tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông nói riêng.
       Công nghệ thông tin và truyền thông đang là lĩnh vực có tốc độ phát triển mạnh mẽ và không ngừng trên toàn thế giới; theo đó, với xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự hội nhập đó. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở nước ta hiện nay cũng có tốc độ phát triển nhanh và ngày càng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và phát triển của nhiều người dân, trong đó có bộ phận người khuyết tật – nhóm chủ thể gặp phải sự khó khăn nhất định trong việc tiếp cận các tiến bộ và ứng dụng trong lĩnh vực này. Việc tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề này, một mặt, giúp người khuyết tật tiếp cận được quyền của mình, đồng thời qua đó góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả trong việc bảo đảm các biện pháp hỗ trợ trên thực tế để người khuyết tật có thể tiếp cận đến công nghệ thông tin và truyền thông, qua đó giúp người khuyết tật nâng cao khả năng tư duy, phát triển, sáng tạo, cải thiện đời sống tinh thần và đảm bảo quyền con người..v..v..
Tại Điều 9 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2006 đã ghi nhận “để người khuyết tật có thể sống tự lập và tham gia đầy đủ vào mọi mặt của đời sống, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận, trên cơ sở bình đẳng với người khác tới môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông, bao gồm các công nghệ và hệ thống thông tin và truyền thông, tiếp cận các trang thiết bị và dịch vụ mở hay cung cấp cho công cộng, cả ở khu vực thành thị và nông thôn…” . Như vậy, để thấy rằng, việc tiếp nhận công nghệ thông tin và truyền thông được ghi nhận là một quyền cơ bản của người khuyết tật trước hết là dưới góc độ pháp luật quốc tế. Hơn nữa, cũng trong công ước này, tại Điều 21 quy định về vấn đề tự do ngôn luận và tự do tiếp cận thông tin, theo đó, các quốc gia thành viên cần thực thi các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng người khuyết tật có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, bao gồm tự do tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin và ý kiến, trên cơ sở bình đẳng với người khác, bằng tất cả các hình thức giao tiếp mà họ lựa chọn, trong đó bao gồm các hình thức như là: cung cấp thông tin đại chúng cho người khuyết tật bằng các hình thức có thể tiếp cận được và các công nghệ phù hợp với những loại khuyết tật khác nhau một cách kịp thời và thu thêm phụ phí, thúc đẩy các tổ chức tư nhân cung cấp dịch vụ công cộng, bao gồm thông qua Internet, cung cấp thông tin và các dịch vụ bằng các hình thức mà người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng được, khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm các nhà cung cấp thông tin qua Internet, làm cho các dịch vụ của họ trở nên có thể tiếp cận được đối với người khuyết tật… Các quy định nêu trên đã chứng minh rằng, pháp luật quốc tế rất chú trọng tới vấn đề tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông để đảm bảo thực hiện các quyền khác của người khuyết tật. Trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận về vấn đề tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông. Việc ghi nhận là cần thiết và có một số ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, giúp người khuyết tật cải thiện đời sống tinh thần, phát triển năng khiếu và khả năng sáng tạo, giúp họ phát huy được vai trò đóng góp cho sự phát triển xã hội, nó là công cụ làm tăng khả năng hồi phục, khắc phục khiếm khuyết ở người khuyết tật bởi như với người chậm phát triển về não, các trò chơi trên máy tính giúp cho sự phát triển trí óc do tác dụng kích thích sự tìm tòi, vận động suy nghĩ…
Thứ hai, giúp người khuyết tật cải thiện mối quan hệ với cộng đồng, giảm thiểu sự cách li, xa lánh của cộng đồng đối với họ.
Thứ ba, đảm bảo cho người khuyết tật hưởng thụ quyền con người và các quyền khác một cách đầy đủ và tham gia mọi lĩnh vực đời sống xã hội một cách bình đẳng.
 Thứ tư, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kì thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
II. Quy định pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay
1. Luật Người khuyết tật năm 2010 ghi nhận việc tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông là một quyền của người khuyết tật
Việc truy cập công nghệ thông tin và truyền thông tạo ra nhiều cơ hội cho mỗi người nói chung, cho người khuyết tật nói riêng. Công nghệ thông tin và truyền thông này giúp con người mở mang tầm nhìn, cập nhật thông tin, phát huy được tiềm năng của mình. Đối với người khuyết tật, công nghệ thông tin có thể giúp họ phát huy được vai trò đóng góp cho sự phát triển xã hội. Người khuyết tật ở một số dạng như khiếm thính, khiếm thị thường gặp khó khăn hơn trong việc học tập và trao đổi thông tin với xã hội bên ngoài, bởi người khiếm thị thông thường chỉ có thể đọc thông tin qua hệ thống chữ nổi, trong khi hầu hết các tài liệu đều không ở dạng này. Tuy nhiên, công nghệ thông tin và truyền thông có thể giúp họ tháo gỡ, khắc phục được những khó khăn này, thậm chí họ có thể tìm được việc làm phù hợp để có thu nhập. Thông qua một số phần mềm chuyên dụng và với sự hỗ trợ của máy tính, người khiếm thính có thể gửi, nhận thông tin qua email, hình ảnh. Việc phát triển các phần mềm như NDC, Via Voice… đã giúp người khiếm thị có thể nghe được các nội dung tài liệu mình cần đọc thông qua máy tính, trong khi các tài liệu được viết bởi những người bình thường. Với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyện dụng, người khiếm thị có thể tham gia các công việc văn phòng, dịch thuật tài liệu; người khiếm thính có thể làm tốt việc nhập dữ liệu hoặc điều hành các Internet shop[2]. Ở các nước phát triển phần lớn đều có những trung tâm thiết kế công cụ hỗ trợ người khuyết tật trong lĩnh vực này. Đa số người khuyết tật có thể tự làm việc, hòa nhập với cộng đồng thông qua công cụ đó từ Internet. Ngoài ra, công nghệ thông tin còn có thể là công cụ làm tăng khả năng hồi phục, khắc phục khiếm khuyết ở người khuyết tật. Với người chậm phát triển về não, các trò chơi trên máy tính giúp cho sự phát triển trí óc do tác dụng kích thích sự tìm tòi, vận động suy nghĩ…
Bên cạnh công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông một mặt phản ánh thông tin cần thiết về người khuyết tật trên mọi lĩnh vực đến cộng đồng, mặt khác cũng cung cấp thông tin từ đời sống cộng đồng đến với người khuyết tật, nếu họ có khả năng tiếp nhận hoặc được hỗ trợ phương tiện tiếp cận thuận tiện. Chất lượng đời sống tinh thần của người khuyết tật qua đó được nâng lên.
          Chính bởi những lí do trên và xuất phát từ ý nghĩa của việc quy định quyền tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông của người khuyết tập, pháp luật Việt Nam đã chính thức ghi nhận quyền này cho người khuyết tật, theo đó, người khuyết tật được đảm bảo thực hiện “quyền tiếp cận công nghệ thông tin phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật”[3], hơn nữa tại Điều 5 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 cũng nhấn mạnh việc Nhà nước có chính sách ưu đãi để tổ chức, cá nhân có hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đối với người khuyết tật. Đặc biệt Luật người khuyết tật năm 2010 đã có một điều luật riêng quy định về vấn đề công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật tại Điều 43. Như vậy, để thấy rằng, bằng việc pháp luật chính thức ghi nhận cho người khuyết tật được bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, điều này tạo cơ sở pháp lí vững chắc nhất cho việc bảo đảm quyền này của người khuyết tật được thực hiện trên thực tế, đồng thời cũng là cơ sở để phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc trợ giúp, hỗ trợ người khuyết tật trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông.
2. Pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong xã hội nhằm hỗ trợ sự tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông của người khuyết tật
Điều 43 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật như sau:
1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật.
          2. Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật.
Đài truyền hình Việt Nam có trách nhiệm thực hiện chương trình phát sóng có phụ đề tiếng Việt và ngôn ngữ kí hiệu dành cho người khuyết tật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
          3. Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, và cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ việc thu thập, biên soạn và xuất bản tài liệu in chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật nhìn, tài liệu đọc dành cho người khuyết tật nghe, nói và người khuyết tật trí tuệ”.
       Như vậy, pháp luật đã ghi nhận quyền tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông cho người khuyết tật. Xuất phát từ vai trò hết sức to lớn của công nghệ thông tin và truyền thông, pháp luật đã xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân hoặc khuyến khích các hoạt động nhằm hỗ trợ sự tiếp cận công nghệ thông tin của người khuyết tật. Theo đó, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật. Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT ngày 14/9/2009 của Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (sau đây gọi là Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT) đã quy định trách nhiệm cụ thể trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông  đối với người khuyết tật cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý Internet; các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, đại lý, phân phối, bán lẻ hệ thống thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, bao gồm cả phần cứng và phần mềm; các cơ quan nhà nước, bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước để thiết kế và xây dựng trang thông tin điện tử; các đài truyền hình được cấp phép hoạt động tại Việt Nam; các tổ chức cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công[4]… Các tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông được quy định áp dụng theo hai hình thức: bắt buộc áp dụng và khuyến nghị áp dụng. Hình thức áp dụng đối với từng tiêu chuẩn được quy định cụ thể trong Danh mục tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư. Cụ thể như sau:
Các quy định bắt buộc áp dụng bao gồm:
- Quy định sắp xếp ký tự số, ký tự chữ và ký hiệu trên máy điện thoại và các thiết bị khác áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị viễn thông.
- Bắt buộc áp dụng tối thiểu phiên bản 1.0 đối với các cơ quan nhà nước, bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công áp dụng cho việc thiết kế và xây dựng trang thông tin điện tử (website): Hướng dẫn khả năng tiếp cận và sử dụng nội dung thông tin của trang thông tin điện tử phiên bản 1.0 và hướng dẫn khả năng tiếp cận và sử dụng nội dung thông tin của trang thông tin điện tử phiên bản 2.0.
Các quy định khuyến nghị áp dụng bao gồm:
- Hướng dẫn chung cho lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin: Thiết kế phù hợp cho tất cả mọi người trong đó có bộ phận người khuyết tật đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; các giản đồ, ký hiệu và hình tượng hỗ trợ người sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ fax; quy trình thiết kế, đánh giá và lựa chọn các ký hiệu, giản đồ, hình tượng và hướng dẫn tiếp cận viễn thông cho người cao tuổi và người khuyết tật.
- Áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, đại lý Internet: Khuyến nghị quan tâm và hỗ trợ khía cạnh con người đối với thiết bị đầu cuối viễn thông công cộng dành cho người khuyết tật, hướng dẫn thiết kế các dịch vụ tương tác, quy định về chất lượng video thoại tốc độ thấp để có thể sử dụng kết hợp với ngôn ngữ ra hiệu và đọc môi và nhận dạng bằng xúc giác trên thẻ viễn thông đồng thời quan tâm xây dựng về điểm truy nhập Internet công cộng, chất lượng truyền dẫn điện thoại - Gắn kết thiết bị trợ thính với máy điện thoại.
- Áp dụng cho việc thiết kế và xây dựng trang thông tin điện tử (website): Hướng dẫn quy trình đánh giá khả năng tiếp cận nội dung thông tin của trang thông tin điện tử.
Thông tư cũng quy định, sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02/11/2009), các đài truyền hình trung ương được cấp phép phủ sóng toàn quốc có trách nhiệm áp dụng công nghệ hỗ trợ người khiếm thính tiếp cận chương trình thời sự chính trị tổng hợp phát hàng ngày tối thiểu trên một kênh và khuyến khích các đài truyền hình thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đài truyền hình có diện phủ sóng khu vực áp dụng công nghệ hỗ trợ người khiếm thính. Đối với quy định về trang thông tin điện tử, trong trường hợp trang thông tin điện tử hiện hành của cơ quan, tổ chức như nêu tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 2 chưa tuân thủ "Danh mục tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông" được ban hành tại Thông tư này, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nâng cấp, hoàn thiện nhằm bảo đảm rằng sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức đó phải tuân thủ các quy định tại Thông tư này và khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác áp dụng các quy định tại Thông tư này đối với trang thông tin điện tử. Trong lĩnh vực truyền thông, cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật để cộng đồng nắm bắt được về bộ phận dân cư đặc biệt này, có thể bao gồm các nội dung sau: quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhâ, gia đình đối với người khuyết tật; nguyên nhân dẫn đến khuyết tật và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; chống kì thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. Thông tin, truyền thông về vấn đề khuyết tật phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, thiết thực, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội[5].
3. Pháp luật quy định các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông của người khuyết tật
Một trong những mối quan tâm lớn của các cấp, các ngành và các giới trong xã hội là đảm bảo cho các quyền của người khuyết tật. Để bảo đảm cho người khuyết tật được thực hiện các quyền cơ bản của mình trên thực tiễn trong đó có vấn đề công nghệ thông tin và truyền thông, Nhà nước ta đã đề ra một số các biện pháp để từ đó đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông trên thực tế:
Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; hỗ trợ việc thu thập, biên soạn và xuất bản tài liệu in chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật nhìn, tài liệu đọc dành cho người khuyết tật nghe, nói và người khuyết tật trí tuệ. Ngoài ra, Luật công nghệ thông tin năm 2006 cũng nhấn mạnh việc Nhà nước có chính sách ưu đãi để tổ chức, cá nhân có hoạt động và ứng dụng phát triển công nghệ thông tin đối với người khuyết tật, ví dụ: có thể được ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư để thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh[6]…Có thể nói rằng, vấn đề tài chính luôn là điều kiện tiên quyết được đặt ra khi muốn thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên quy mô quốc gia. Vì vậy, việc Nhà nước xác định trách nhiệm phân bổ ngân sách hàng năm để thực hiện chính sách về người khuyết tật vừa là trách nhiệm vừa thể hiện sự quan tâm và tạo thuận lợi về tài chính cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong việc hỗ trợ việc tiếp cận quyền của người khuyết tật.
Pháp luật quy định trách nhiệm cho Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông về vấn để khuyết tật cho nhân dân trên địa bàn địa phương; các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về dung lượng, vị trí đăng trên báo in, báo điện tử; về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, truyền thông về vấn đề khuyết tật trên đài phát thanh, đài truyền hình theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông..v..v..
3. Một số nhận xét, đánh giá
3.1. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định cho người khuyết tật quyền tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông tuy nhiên phần lớn các quy định chỉ mang tính khuyến khích, khuyến nghị chứ chưa thực sự có cơ chế, biện pháp hỗ trợ người khuyết tật trên thực tế.
3.2. Trong việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT thì các quy định mang tính chất bắt buộc còn quá khiêm tốn, phần lớn là các quy định mang tính khuyến nghị nên trên thực tế vấn đề công nghệ thông tin và truyền thông của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn.
          3.3. Mặc dù các quy định hiện hành đã phân định trách nhiệm cho các chủ thể khác nhau trong việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, tuy nhiên lại chưa có chế tài xử lí khi các chủ thể đó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm mà mình được giao.
3.4. Như chúng ta đã biết, khuyết tật được thể hiện dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, điều đó rất khó để có thể giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông một cách toàn diện được. Mặc dù đã có các chương trình tin tức thời sự có ngôn ngữ kí hiệu nhưng hiện nay số lượng đó vẫn còn quá ít ỏi, hiệu quả thực tế không cao do thời gian phát sóng, kích cỡ thể hiện hay đối tượng tiếp nhận được còn quá hạn chế..v..v..
Trên cơ sở đó, cần thiết phải đề ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho người khuyết tật như: (i) Triển khai các biện pháp pháp lí và hành chính để nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực thi các quy định về người khuyết tật. Cần nhanh chóng ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ thể có hành vi vi phạm hoặc không thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ bắt buộc đối với người khuyết tật. Tiếp đó là tiến hành các biện pháp giám sát, kiểm tra và xử lí vi phạm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm hoặc không thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ bắt buộc đối với người khuyết tật. Những vụ việc vi phạm pháp luật về người khuyết tật cũng có thể bị khởi kiện tại tòa án hoặc khởi tố điều tra nếu có dấu hiệu phạm tội. Đối với những vụ việc này, Nhà nước có thể xử lí công khai hoặc thông tin rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục và thay đổi nhận thức, thái độ, thay đổi ý thức trách nhiệm đối với người khuyết tật; (ii) Nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật công nghệ thông tin và truyền thông; (iii) Nghiên cứu phát triển và tổ chức sản xuất các công cụ tiện ích hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; (iv) Duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng, trang thông tin điện tử hỗ trợ người khuyết tật; (v) Xây dựng nội dung đào tạo, hướng nghiệp theo các hình thức đào tạo mới cho người khuyết tật dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông…../.
 
 
 
 
     
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
[1] Theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010.
[2] Theo Giáo trình Luật người khuyết tật Việt Nam – Trường Đại học Luật Hà Nội, 2011, trang 239
[3] Theo điểm d khoản 1 Điều 4 Luật người khuyết tật năm 2010.
[4] Theo Điều 2 Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
[5] Theo khoản 2, 3 Điều 13 Luật Người khuyết tật năm 2010.
[6] Theo Điều 5 Luật Công nghệ thông tin năm 2006