1. Khái niệm
Trong lịch sử pháp luật thế giới, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (BTTHNHĐ) là một trong những chế định được hình thành sớm nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng. Trải qua các thời kỳ lịch sử và ở những quốc gia khác nhau, quy định về người phải bồi thường, cách thức bồi thường, thiệt hại phải bồi thường cũng như mức bồi thường…có sự khác biệt. Vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm giai cấp, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia khác nhau.
BTTHNHĐ còn gọi là trách nhiệm dân sự (TNDS) do gây thiệt hại. Việc áp dụng trách nhiệm này trong các thời kỳ lịch sử loài người nói chung và pháp luật, luật tục La Mã nói riêng theo hướng: từ sự trả thù cá nhân nhằm vào nhân thân của người gây ra thiệt hại do người thiệt hại và những người thân của họ áp dụng. Phương thức này được chuyển dần sang hình thức nộp phạt cho người bị thiệt hại, do người bị thiệt hại quy định (cưỡng chế cá nhân) đến phạt tiền bồi thường thiệt hại do các pháp quan hay mặt nhà nước quy định được áp dụng theo trình tự tố tụng. Mức độ và cách thức bồi thường cũng được quy định rất khác nhau từ phương thức “máu trả máu, nước mắt trả nước mắt” đến hình thức phạt tiền theo một tiêu chí chung do pháp luật quy định.
Các bộ luật cổ của Việt Nam cũng quy định về TNDS theo hình thức tương tự nhưng không quy định riêng về TNDS. Trong các quy định của luật cổ, quy định về hình phạt của hình sự và phạt mang tính chất dân sự theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại như một khoản bồi thường. Mức độ bồi thường còn tùy thuộc vào nhân thân người bị thiệt hại. Theo Điều 299 Bộ luật Hồng Đức thì tiền đền mạng được ấn định tùy theo phẩm trật của người bị chết như sau: nhất phẩm, tong nhất phẩm được đền 15.000 quan; nhị phẩm, tong nhị phẩm 9.000 quan; tam phẩm, tong tam phẩm 7.000 quan; tứ phẩm, tòng tứ phẩm 5.000 quan, ngũ phẩm, tòng ngũ phẩm 2.000 quan; lục phẩm, tòng lục phẩm 1.000 quan; thất phẩm, tòng thất phẩm 500 quan; bát phẩm đến cửu phẩm 300 quan, thứ nhân trở xuống 150 quan.
Trong trường hợp đánh người gây thương tích thì người phạm tội ngoài hình phạt bị đánh roi thì còn phải bồi thường cho nạn nhân theo mức đã được quy định trong Điều 466 Bộ luật Hồng Đức như sau:
“Sưng phù thì phải đền tiền thương tổn 3 tiền, chảy máu thì phải 1 quan, gãy một ngón tay, một răng thì đền 10 quan, đâm chém bị thương thì 15 quan. Đọa thai chưa thành hình thì 30 quan, đã thành hình thì 50 quan, gãy một chân một tay, mù một mắt thì 50 quan, đứt lưỡi và hỏng âm, dương vật thì đền 100 quan. Về người quyền quý phải xử khác”.
Riêng trong Bộ luật Gia Long, tiền bồi thường không được đề cập. Trong Bộ luật Gia Long chỉ có Điều 201 quy định về tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân trong trường hợp phạm tội giết người, phạm nhân bị phạm tội chiếu theo điều luật cố ý đả thương nhân chí tử nhưng cho chuộc tội. Tiền chuộc tội thì giao cho gia đình nạn nhân để lo việc chôn cất. Nếu nạn nhân bị phạt tội giảo thì số tiền chuộc là 12 lạng bạc, đối với người điên giết người thì số tiền này cũng như vậy.
Nếu kẻ giết người được ân xá, y phải trả cho gia đình nạn nhân 20 lạng bạc. Nếu nghèo túng thì chỉ phải trả nửa số tiền ấy. Đối với trường hợp gây thương tích, Điều 271 Bộ luật Gia Long cũng quy định tỉ mỉ các hình phạt tùy theo thương tích từ nhẹ đến nặng nhưng đó là những chế tài về hình sự mà không đề cập bồi thường như trong Điều 466 Bộ luật Hồng Đức. Điều 271 Bộ luật Gia Long dự liệu bồi thường trong các trường hợp nặng nhất như hỏng mắt, gãy chân tay, làm hỏng bộ phận trong cơ thể…thì ngoài hình phạt lưu 300 lí, 100 trượng thì ½ tài sản kẻ phạm tội còn phải bồi thường cho nạn nhân những thiệt hại mà họ đã gây ra. Vì mang tính chất hình phạt nên số tiền bồi thường được ấn định gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Do sự phát triển của xã hội, các chế định pháp luật cũng dần thay đổi và hoàn thiện, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) không còn được coi là hình phạt mà là nghĩa vụ, bổn phận của người bị thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại nhằm phục hồi tình trạng tài sản của người bị thiệt hại.
BTTHNHĐ là một chế định quan trọng trong Luật Dân sự. Theo quy định tại Điều 275 BLDS năm 2015 thì một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba BLDS “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Sự kiện gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTHNHĐ. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nhà làm luật trong trường hợp này đã đồng nghĩa trách nhiệm BTTHNHĐ với nghĩa vụ phát sinh do hành vi trái pháp luật. Điều 584 BLDS đã xác định sự đồng nghĩa này bằng quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…”. Trách nhiệm BTTH làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải BTTH tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng với khái niệm nghĩa vụ được quy định tại Điều 274 BLDS:
“Nghĩa vụ là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật,chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Nghĩa vụ BTTH là một loại quan hệ dân sự, trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
Trong quan hệ nghĩa vụ này, chủ thể tham gia có thể là cá nhân, pháp nhân. Chủ thể bị thiệt hại (người có quyền) và chủ thể gây thiệt hại (người có nghĩa vụ) là các bên tham gia vào các quan hệ đó. Bên có quyền cũng như bên có nghĩa vụ có thể có một hoặc nhiều người tham gia. Nghĩa vụ hoặc quyền của họ có thể là liên đới, riêng rẽ hoặc theo phần tùy điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng bị xâm hại.
Khách thể của quan hệ nghĩa vụ này luôn thể hiện dưới dạng “
hành động” phải thực hiện hành vi
“bồi thường” cho người bị thiệt hại. Cơ sở phát sinh nghĩa vụ BTTH là sự kiện
“gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” cho các chủ thể khác. Trách nhiệm BTTH thể hiện trong nghĩa vụ BTTH được gọi là trách nhiệm BTTHNHĐ, để phân biệt với trách nhiệm theo hợp đồng. Cơ sở của trách nhiệm BTTH do pháp luật quy định xuất phát từ nguyên tắc chung của Hiến pháp (các quy định từ Điều 14 đến Điều 21 Hiến pháp năm 2013) và các nguyên tắc được quy định trong BLDS năm 2015 (Điều 3). Khoản 4 Điều 3 BLDS năm 2015 quy định
: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Nguyên tắc được quy định trong điều luật này buộc các chủ thể
“không được xâm phạm”, bởi vậy nếu
“xâm phạm” sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế với mục đích khắc phục những hậu quả về tài sản cũng như nhân thân do hành vi thiệt hại tạo ra.
TNDS nói chung và trách nhiệm BTTH nói riêng mang đặc tính của TNDS. Đó là trách nhiệm tài sản nhằm khôi phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, việc khôi phục tình trạng tài sản bằng biện pháp BTTH của người gây ra thiệt hại không phải bao giờ cũng mang lại hậu quả như mong muốn. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, người gây ra thiệt hại không thể bồi thường và người bị thiệt hại không thế “phục hồi lại tình trạng tài sản ban đầu” như trước khi bị thiệt hại. Bởi vậy, cần có các cơ sở và các hình thức khác để khắc phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại (các loại hình bảo hiểm đang đi theo hướng này và ngày càng đóng vai trò quan trọng, có hiệu quả nhằm phục hồi, hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại do các hành vi trái pháp luật gây ra).
Trách nhiệm BTTH không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những bất lợi về tài sản của người gây ra thiệt hại để bù đắp những thiệt hại mà họ đã gây ra cho các chủ thể khác, đặc biệt với các hành vi phạm tội với động cơ vụ lợi. Vì vậy, trong pháp luật dân sự không thể coi trách nhiệm BTTHNHĐ là việc áp dụng một biện pháp hình sự hay hình phạt phụ. Điều 46 Bộ luật Hình sự quy định BTTH mà một trong những biện pháp tư pháp mà không quy định nó trong danh mục hình phạt chính hay phụ (1).
Trách nhiệm BTTHNHĐ khác với trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm BTTHNHĐ được áp dụng với mọi cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Trong đó, hình thức lỗi (yếu tố lỗi) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhiều tội phạm không cần có dấu hiệu thiệt hại vật chất. Tòa án không thể tuyên phạt một chủ thể nào đó về một hành vi mà Luật Hình sự không quy định đó là tội phạm. Trách nhiệm BTTHNHĐ dựa trên cơ sở thiệt hại đã xảy ra, lỗi chỉ là cơ sở của trách nhiệm chứ không phải là thước đo để xác định mức độ trách nhiệm. Việc xem xét đến mức độ lỗi được đặt ra trong trường hợp thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây ra thiệt hại. Mặt khác, lỗi là yếu tố cấu thành TNDS nhưng ngoại trừ trường hợp cố ý, còn tất cả trường hợp khác chỉ cần người gây ra thiệt hại nhận thức được hành vi của họ trái với những quy tắc xử sự chung, có thể bị mọi người lên án là trái đạo đức đều bị coi là có lỗi. Do đó, trong Luật Dân sự quy định một nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm BTTHNHĐ mà không quy định những hành vi nào là có lỗi và phải chịu chế tài. Nếu người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại cho cá nhân hoặc các tổ chức thì họ phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra.
Trách nhiệm BTTHNHĐ khác với trách nhiệm BTTH trong hợp đồng. Trách nhiệm BTTH trong hợp đồng là THDS phát sinh do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng. Đặc điểm của loại trách nhiệm này là giữa hai bên (bên chịu trách nhiệm và bên bị thiệt hại) có quan hệ hợp đồng và phải do hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã gây ra. Trong trường hợp các bên có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại về tính mạng, sức khỏe dù hai bên có quan hệ hợp đồng hay không có quan hệ hợp đồng, trong thực tiễn xét xử đều áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là áp dụng tương tự pháp luật, vì trong các quy định chung về nghĩa vụ không có các quy định cụ thể về cách tính thiệt hại.
Qua những phân tích trên, tác giả cũng đưa ra khái niệm về trách nhiệm BTTHNHĐ như sau:
“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự phát sinh khi một người có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra”
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Thứ nhất, căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do hành vi của con người gây ra.
Khoản 1 Điều 584 BLDS quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Theo quy định tại khoản 1, thì chỉ cần có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH đã có thể phát sinh, bất kể hành vi đó là trái pháp luật hay không trái pháp luật. Mặc dù vậy, căn cứ trên quan điểm lập pháp trong các văn bản pháp luật trước đó, có thể nhận thấy trách nhiệm BTTH phát sinh khi có các điều kiện cơ bản như: có thiệt hại xảy ra; có hành vi gây thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra; có lỗi của người thực hiện hành vi gây thiệt hại. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần phải có đầy đủ 4 điều kiện này thì trách nhiệm BTTH mới phát sinh, mà có những trường hợp trách nhiệm BTTH phát sinh ngay cả khi không có yếu tố lỗi (ví dụ trách nhiệm BTTH do làm ô nhiễm môi trường).
Thứ hai, căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra.
Khoản 3 Điều 584 BLDS quy định:
“Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm BTTH, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Đây là lần đầu tiên, căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra được tách biệt rạch ròi với trách nhiệm BTTH do hành vi gây ra. Theo quy định tại khoản 3 Điều này, khi tài sản gây thiệt hại mà không thuộc các trường hợp loại trừ thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể xảy ra trên thực tế, khi giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, cơ quan có thẩm quyền cũng phải xác định các điều kiện cụ thể làm phát sinh trách nhiệm BTTH như: có thiệt hại xảy ra; có sự kiện tài sản gây ra thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của tài sản và thiệt hại xảy ra. Trong trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra, không nên coi lỗi là một trong các điều kiện phát sinh trách nhiệm, bởi về mặt lý luận, lỗi chỉ gắn với hành vi có ý thức của con người (hoạt động của tài sản không phải là hành vi có ý thức), nhưng điều này cũng không thể khẳng định khi tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu, người chiếm hữu không có lỗi, nhưng lỗi của họ chỉ là lỗi trong việc quản lý tài sản, nếu họ có lỗi trong việc sử dụng tài sản gây ra thiệt hại thì đó phải là hành vi gây ra thiệt hại chứ không phải tài sản gây thiệt hại (như hành vi phóng nhanh vượt ẩu gây ra tai nạn).
Thứ ba, căn cứ loại trừ trách nhiệm BTTH được áp dụng chung cho cả hành vi gây thiệt hại và tài sản gây thiệt hại. Đây là cơ sở để xác định người chịu trách nhiệm BTTH có được loại trừ trách nhiệm hay không. Trách nhiệm chứng minh các căn cứ loại trừ này thuộc về người phải BTTH.
3. Bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể
Khi một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, thỏa mãn các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật thì về nguyên tắc, chúng ta sẽ áp dụng trách nhiệm BTTH theo các nguyên tắc chung. Tuy nhiên, trách nhiệm BTTHNHĐ rất đa dạng, tính đa dạng này có thể thể hiện ở chủ thể gây thiệt hại, đối tượng bị thiệt hại, hoàn cảnh gây thiệt hại…nên BLDS có quy định về trách nhiệm BTTH trong một số trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, BTTH trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Xuất phát từ nguyên tắc được quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015:
“Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4). Do đó, mọi hành vi gây thiệt hại cho các đối tượng được pháp luật bảo vệ đều không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, để khuyến khích các cá nhân tự bảo vệ, chủ động ngăn chặn các hành vi trái pháp luật làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, pháp luật coi việc chống trả các hành vi xâm phạm đến các đối tượng nên trên trong chừng mực nhất định là phòng vệ chính đáng. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chế định phòng vệ chính đáng được đề cập chủ yếu trong pháp luật hình sự. Phòng vệ chính đáng trong pháp luật dân sự được tiếp thu trên cơ sở lý luận và thực tiễn theo pháp luật hình sự.
Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Nếu một người có hành vi chống trả lại hành vi gây thiệt hại của người khác và hành vi chống trả lại này được coi là phòng vệ chính đáng thì hành vi chống trả đó không bị coi là hành vi trái pháp luật, do đó, người thực hiện hành vi chống trả không phải BTTH. Chính vì vậy, Điều 594 BLDS năm 2015 quy định: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại; Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Cũng giống như trường hợp thiệt hại xảy ra do thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải BTTH. Bởi vì, hành vi gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải là hành vi trái pháp luật, người thực hiện hành vi không bị coi là có lỗi. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, trách nhiệm BTTH trong tình thế cấp thiết cũng có những điểm khác biệt so với trách nhiệm BTTH trong phòng vệ chính đáng, cụ thể:
Một là, đối với thiệt hại xảy ra trong giới hạn của phòng vệ chính đáng, người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường. Song đối với thiệt hại xảy ra trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người bị thiệt hại vẫn được bồi thường. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm BTTH không phải là người gây thiệt hại mà là người gây ra tình thế cấp thiết;
Hai là, người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Người gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết chỉ phải bồi thường phần thiệt hại vượt quá yêu cầu.
Ba là, trong tình thế cấp thiết, việc xác định thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là hậu quả của hành vi, tức là thiệt hại xảy ra lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Trong phòng vệ chính đáng, việc xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thường dựa vào tính chất, mức độ của hành vi gây thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH thì hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật, do đó người thực hiện hành vi này không bị coi là có lỗi. Để xác định một hành vi gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng thì phải đáp ứng các điều kiện: (1) Có hành vi trái pháp luật, xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm tới lợi ích của chính bản thân người phòng vệ chính đáng; (2) Hành vi trái pháp luật của người khác đang gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho đối tượng bị xâm hại. Nếu thiệt hại đã xảy ra mà người bị thiệt hại mới có hành vi chống trả và gây thiệt hại ngược trở lại thì không thể coi là phòng vệ chính đáng; (3) Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại (trước tiên là tính mạng, sức khỏe; trong những trường hợp nhất định có thể là tài sản của người có hành vi xâm phạm); (4) Hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại, nếu không cần thiết hoặc không tương xứng thì người gây thiệt hại vẫn phải BTTH.
Thứ hai, BTTH trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Theo quy định tại Điều 595 BLDS thì:
“1. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại; 2. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
BLDS không đưa ra khái niệm tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, Điều 23 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vì gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm; 2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Khoản 1 Điều 614 BLDS năm 2005 quy định: “Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Nhưng BLDS năm 2015 đã bỏ quy định này, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu nếu như người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu TNHS thì dưới góc độ pháp luật dân sự, họ cũng không phải bồi thường. Chỉ coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Một là, có một nguy cơ thực tế đe dọa cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, tình thế cấp thiết chỉ là “nguy cơ” đe dọa gây thiệt hại nhưng thiệt hại chưa xảy ra. Do đó, bản thân người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải cân nhắc, tính toán về nguy cơ này. Nguy cơ gây thiệt hại với đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ có thể xuất phát từ hành vi trái pháp luật của con người, tác động của thiên nhiên (bão, lũ lụt, hỏa hoạn…), súc vật tấn công..
Hai là, nguy cơ phải có thực, tức là phải đang bắt đầu, đang diễn ra và chưa kết thúc. Nếu nguy cơ không có thực, đã xảy ra rồi thì không thể tồn tại tình thế cấp thiết.
Ba là, nguy cơ đe dọa lợi ích được pháp luật bảo vệ, điều đó có nghĩa là những lợi ích này phải hợp pháp. Đối với các lợi ích không hợp pháp thì không thể viện dẫn gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Bốn là, việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại có nguy cơ xảy ra. Trong khi có một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ, với các yếu tố khách quan và chủ quan thì bản thân người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho một đối tượng khác.
Năm là, thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải là thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Khi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, bản thân người gây thiệt hại phải cân nhắc, tính toán giữa một bên là hậu quả có thể xảy ra cho đối tượng được pháp luật bảo vệ khi có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại với thiệt hại mà mình sẽ gây ra trong tình thế cấp thiết. Do đó, chỉ coi là thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu thiệt hại xảy ra là nhỏ hơn so với thiệt hại cần ngăn ngừa.
Trên thực tế, có những trường hợp một người gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết thỏa mãn đầy đủ bốn điều kiện trên đây, tuy nhiên điều kiện thứ năm lại không được thỏa mãn, tức là thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Trong trường hợp người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết nhưng có sự sai lầm trong việc đánh giá giữa hậu quả của nguy cơ đe dọa với thiệt hại sẽ xảy ra, do đó họ gây ra một thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì trách nhiệm BTTH được giải quyết như thế nào? Khoản 1 Điều 595 BLDS quy định:
“1. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại; 2. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Người gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết đã có sự sai lầm trong việc đánh giá mức độ gây thiệt hại của “nguy cơ đe dọa” nên họ đã gây thiệt hại vượt quá so với yêu cầu của tình thế cấp thiết. Lỗi của người gây thiệt hại được xác định là lỗi đối với phần vượt quá nên họ chỉ phải bồi thường thiệt hại đối với phần vượt quá mà thôi.
Nguyên tắc chung là không buộc người gây thiệt hại trong trong tình thế cấp thiết phải BTTH. Trường hợp họ gây thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì họ phải bồi thường vượt quá.
Khoản 2 Điều 595 BLDS quy định
: “Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Theo quy định này, người gây ra tình thế cấp thiết sẽ phải BTTH cho người bị thiệt hại. Mặc dù bản thân người này không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên họ là người đã tạo ra “nguy cơ đe dọa gây thiệt hại” cho các lợi ích đó, do vậy họ phải là người chịu trách nhiệm bồi thường.
Pháp luật dân sự chỉ quy định người gây ra tình thế cấp thiết phải BTTH do tình thế cấp thiết gây ra (họ không phải bồi thường phần vượt quá vì phần này người gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết sẽ phải là người bồi thường), tuy nhiên nếu “nguy cơ đe dọa gây thiệt hại” – tức là tình thế cấp thiết không phải do con người gây ra (do thiên nhiên mang lại) thì trách nhiệm BTTH đối với thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết không đặt ra mà phải coi là rủi ro mà bản thân người bị thiệt hại phải gánh chịu.
Thứ ba, BTTH do người dùng chất kích thích gây ra
Pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng buộc con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, pháp luật cũng không buộc một người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi họ gây thiệt hại. Điều này không đồng nghĩa với việc trong mọi trường hợp pháp luật đều miễn trách nhiệm cho người thực hiện hành vi gây thiệt hại, Nếu người gây thiệt hại tự đặt mình vào tình trạng không nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành vi đó. Đây chính là trường hợp người dùng chất kích thích (rượu, bia…) gây thiệt hại.
Điều 596 BLDS quy định:
“1.Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường; 2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Mặc dù người uống rượu hoặc dùng chất kích thích khác gây thiệt hại trong tình trạng không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, tức là tại thời điểm đó họ không có nhận thức về hành vi và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện. Tuy nhiên, trước khi uống rượu hoặc dùng các chất kích thích, bản thân họ có nhận thức về việc sử dụng chất kích thích cũng như hậu quả của việc sử dụng chất kích thích, nên bản thân họ bị coi là cói lỗi đã để mình rơi vào tình trạng không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Do đó, việc buộc người dùng chất kích thích gây thiệt hại phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp với căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH được quy định tại khoản 1 Điều 585 BLDS.
Nếu một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người cố ý được đề cập trong trường hợp này phải cố ý cả về ý chí và hành vi, tức là bản thân họ mong muốn người khác sử dụng chất kích thích và và sử dụng mọi cách thức để có thể đưa chất kích thích vào cơ thể người khác, làm cho người đó không thể phản kháng. Ví dụ, A và B khống chế và đổ rượu vào miệng C cho đến khi C say, nếu C gây thiệt hại cho D thì A và B phải BTTH cho D. Bên cạnh đó, nếu một người sử dụng một điểm mạnh nào đó (địa vị xã hội, vị trí công tác, quan hệ bất bình đẳng) để buộc người khác uống rượu hoặc dùng chất kích thích khác sẽ không coi là cố ý như quy định tại khoản 2 Điều luật này. Ví dụ, vì là sếp của B nên A đã buộc B phải uống rượu cho đến khi say, A đe dọa B nếu không uống say sẽ bị đuổi việc nên B đã uống say và gây thiệt hại cho C. Trường hợp này, B phải bồi thường cho C, bởi vì B vẫn có sự tự do về mặt ý chí tại thời điểm sử dụng chất kích thích, tức là khi bị A ép buộc, B hoàn toàn có quyền và có thể từ chối sử dụng rượu.
Thứ tư, BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Trong thế giới tự nhiên, có những vật luôn tiềm ẩn trong nó khả năng gây thiệt hại cho thế giới vật chất xung quanh mà bản thân con người rất khó kiểm soát. Tự bản thân nguồn nguy hiểm cao độ luôn tạo ra mối nguy hiểm cho những người xung quanh, mặc dù chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối khả năng gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ. BLDS đã quy định trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ là một “loại TNDS nâng cao”.
Điều 601 BLDS năm 2015 đã đưa ra khái niệm về nguồn nguy hiểm cao độ
: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản, cụ thể:
Một là, trách nhiệm của chủ sở hữu: chủ sở hữu là người được thực hiện các quyền năng đối với tài sản, trong đó có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Theo lẽ công bằng, khi tài sản mang lại lợi ích, chủ sở hữu được hưởng, thì khi tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp. Như vậy, trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ xuất phát từ việc chủ sở hữu được hưởng lợi ích mà tài sản mang lại, bất kể trong việc quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu có lỗi hay không có lỗi (1);
Chủ sở hữu có thể phải chịu trách nhiệm BTTH ngay cả khi không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng tài sản. Đó là các trường hợp: chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng để phục vụ cho lợi ích của chính mình (công ty chịu trách nhiệm bồi thường do xe ô tô mà nhân viên lái gây ra tai nạn); chủ sở hữu cho người khác thuê, cho mượn nhưng có thỏa thuận với người về việc chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại; chủ sở hữu có lỗi để cho nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (2).
Hai là, trách nhiệm của người được giao chiếm hữu, sử dụng: Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể là người được giao thông qua một giao dịch dân sự, hoặc có thể thông qua một quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyết định của người sử dụng lao động…Vấn đề đặt ra là người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo căn cứ nào thì phải BTTH khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì ở đây cả BLDS năm 2005 và 2015 đều không quy định cụ thể, nhưng Nghị quyết số 03/2006 thì lại có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo Nghị quyết số 03/2006, điểm đ, tiểu mục 2 mục III: người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải là người được giao thông qua một giao dịch. Các nhà làm luật đã đồng nhất quan điểm với hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006, theo đó, chỉ những người được giao thông qua giao dịch như người thuê, người mượn…mới phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng phải BTTH ngay cả khi không có lỗi trong việc chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.
Ba là, trách nhiệm BTTH của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ: Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không thông qua việc được chuyển giao và không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và cơ sở xác định trách nhiệm của họ luôn xuất phát từ sự vi phạm, ngay cả khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại mà họ quản lý nghiêm ngặt thì họ vẫn bị coi là vi phạm, bởi vì sự vi phạm này xảy ra ngay khi họ chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ của người khác.
Thứ năm, BTTH do súc vật gây ra
Khi súc vật gây thiệt hại, trách nhiệm BTTH có thể thuộc về chủ sở hữu, về người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật, về người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật cũng như người thứ ba có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại (Điều 603 BLDS).
Một là, chủ sở hữu súc vật phải chịu trách nhiệm BTTH trong các trường hợp: (1) Trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật mà súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường, bất kể chủ chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý súc vật hay không, bởi vì chủ sở hữu súc vật là người được thực hiện các quyền năng đối với súc vật, trong đó có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức mà súc vật mang lại. Do đó, theo lẽ công bằng thì khi súc vật gây ra thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp. Như vậy trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu súc vật cũng xuất phát từ việc chủ sở hữu được quyền khai thác công dụng và hưởng lợi ích mà súc vật mang lại. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế xảy ra đối với người bị thiệt hại, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu với người bị thiệt hại có thỏa thuận khác về mức bồi thường;
(2) Trong trường hợp súc vật gây thiệt hại khi không thuộc sự quản lý của chủ sở hữu thì chủ sở hữu vẫn phải BTTH khi: (i) súc vật gây thiệt hại khi súc vật đang do người được chủ sở hữu, sử dụng (người thuê, người mượn súc vật, người trông giữ súc vật theo hợp đồng với chủ sở hữu). Trong trường hợp này, về nguyên tắc thì trách nhiệm bồi thường thuộc về người được giao quản lý, sử dụng súc vật, tuy nhiên nếu có thỏa thuận thì trách nhiệm bồi thường lại thuộc về chủ sở hữu; (ii) theo quy định tại khoản 2 Điều 603, nếu việc súc vật gây thiệt hại do sự tác động của người thứ ba mà chủ sở hữu cũng có lỗi thì chủ sở hữu súc vật và người thứ bag phải liên đới trong trong việc bồi thường cho người bị thiệt hại; (iii) súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại. Trường hợp này, trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu phát sinh khi chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý súc vật. Chính vì chủ sở hữu quản lý không tốt nên súc vật mới bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và gây ra thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này không xuất phát từ việc chủ sở hữu được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức do súc vật mang lại mà phát sinh từ sự vi phạm nghĩa vụ quản lý tài sản của chủ sở hữu;
(3) Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Có thể thấy, quy định này hướng tới việc giải quyết vấn đề: (i) Chủ thể BTTH chỉ có thể là chủ sở hữu; (ii) Vấn đề BTTH được áp dụng theo tập quán ở địa phương.
Hai là, trách nhiệm của người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật: Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trong quy định này được hiểu là những người được chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua giao dịch, chẳng hạn như người thuê, người mượn súc vật, người trông giữ súc vật…Theo đó, họ có quyền chiếm hữu, sử dụng súc vật để phục vụ cho các nhu cầu của mình (lấy sức kéo, sữa, thực phẩm…), hoặc họ sẽ được hưởng một khoản tiền công từ việc quản lý gia súc thay cho chủ sở hữu, hoặc họ sẽ là người có quyền quản lý, giám sát hoạt động của súc vật mà chủ sở hữu chuyển giao. Do đó, khi súc vật gây thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm BTTH. Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.
Ba là, trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật: Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật được hiểu là những người chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác mà không dựa trên cơ sở các quy định pháp luật về chiếm hữu, cũng như về sử dụng. Ngay khi họ thực hiện hành vi chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác thì đã bị coi là trái pháp luật và đương nhiên trách nhiệm dân sự của họ đã phát sinh từ thời điểm thực hiện hành vi, kể cả súc vật chưa gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, nếu súc vật chưa gây ra thiệt hại thì trách nhiệm của họ với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không phải là trách nhiệm bồi thường, mà có thể là trách nhiệm hoàn trả súc vật và hoa lợi, lợi tức. Trong trường hợp súc vật gây thiệt hại cho người thứ ba thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường, thậm chí họ có thể quản lý chặt chẽ súc vật đó. Trách nhiệm BTTH không phải là trách nhiệm với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật mà với người bị thiệt hại. Hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, nhưng hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật có thể bị coi là đã tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để súc vật gây ra thiệt hại. Do đó, cơ sở chịu trách nhiệm BTTH của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật chính là hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật mà họ đã thực hiện.
Bốn là, trách nhiệm bồi thường của người thứ ba: Người thứ ba được nhắc đến trong quy định này không phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật, cũng không phải là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật. Tại thời điểm súc vật gây thiệt hại, người thứ ba không được xác định là người đang quản lý, sử dụng súc vật mà họ là người thực hiện hành vi tác động, kích động súc vật khiến cho súc vật gây thiệt hại. Trong trường hợp này, súc vật không tự nhiên gây ra thiệt hại mà do có tác động của người thứ ba dẫn đến súc vật gây thiệt hại, nên việc súc vật gây ra thiệt hại là hoàn toàn bị động. Chúng không chủ động tấn công người và tài sản mà chỉ đơn giản là đang thực hiện một hành động tự vệ hoặc chạy trốn khỏi sự tác động của người thứ ba được coi là nguyên nhân dẫn đến việc súc vật gây thiệt hại cho người khác. Thực chất, đây là BTTH do hành vi của người thứ ba tác động đến súc vật gây ra, chứ không chỉ đơn thuần là do súc vật tự gây ra. Do đó, cơ sở của trách nhiệm BTTH của người thứ ba chính là hành vi trái pháp luật mà họ thực hiện.
Như vậy, BTTHNHĐ là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể, bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Xem, Bộ luật Hồng Đức;
2. Xem, Bộ luật Gia Long;
3. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2005;
4. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2015;
5. Xem, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
6. Xem, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, năm 2017;
7. Xem, PGS. TS Nguyễn Văn Cừ - PGS. TS Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, NXB Công an nhân dân, năm 2017.