Xác định di sản thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam

18/01/2019

1. Khái niệm di sản thừa kế
Khái niệm di sản thừa kế chưa được văn bản pháp luật nào đưa ra cụ thể mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê di sản gồm những tài sản nào. Khái niệm này đã được một số nhà khoa học đưa ra khi nghiên cứu pháp luật về thừa kế trên cơ sở một số phương diện:[1]
- Xét trên phương diện đạo đức - xã hội: Di sản thừa kế là của cải, vật chất (tài sản), là phương diện thực hiện bổn phận tiếp theo của người chết nhằm gây dựng và chăm lo cho tương lai đối với những người hưởng thừa kế.
- Xét trên phương diện kinh tế: Di sản thừa kế là của cải vật chất (tài sản) của người chết để lại cho những người khác còn sống để dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng.
- Xét trên phương diện khoa học luật dân sự: Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện.
Điều 612 BLDS 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Theo đó, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
2. Xác định di sản thừa kế
Mục đích cuối cùng của người thừa kế là xác định một cách chính xác nhất khối di sản thừa kế của người chết để lại, xác định chính xác phần di sản mà họ được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do vậy, đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn các tranh chấp thừa kế.
Qua các giai đoạn khác nhau, pháp luật cũng có những cách xác định di sản thừa kế khác nhau, tùy thuộc vào việc xác định chế độ sở hữu, luật hóa trong cách xác định tài sản, chế độ tài sản trong hôn nhân.
BLDS 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và một số văn bản pháp luật liên quan xác định di sản của người chết bao gồm các loại tài sản sau:
2.1. Di sản thừa kế là tài sản riêng của người chết
Tài sản riêng của cá nhân là những tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng và giá trị. Tài sản riêng của cá nhân có thể được hình thành từ các nguồn như thu nhập từ lao động sản xuất, kinh doanh, được tặng cho riêng, được thừa kế riêng, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, thu nhập khác… Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu vật chất cho cuộc sống, sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật. Khi cá nhân chết đi, tài sản thuộc sở hữu riêng là bộ phận của di sản thừa kế.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng có thể được hình thành từ những nguồn sau:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn.
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đã chia là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.
- Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (Nghị định số 126/2014/NĐ-CP), thì tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật bao gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo văn bản thỏa thuận được xác lập trước khi kết hôn.
2.2. Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung với chủ thể khác
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán[2]. Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung với chủ thể khác, bao gồm các loại sau:
a) Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng
Luật Hôn nhân và gia đình xác định thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân, trong đó vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung[3].
Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản chung của vợ chồng được xác định theo văn bản thỏa thuận được xác lập trước khi kết hôn.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân khi vợ chồng đã thực hiện việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định.
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản hình thành trong trường hợp vợ, chồng tự nguyện nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.
- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, tài sản chung của vợ chồng là thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:
- Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
- Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Khi một bên chết trước thì về nguyên tắc, toàn bộ tài sản chung sẽ được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu riêng của người còn sống, một nửa thuộc về di sản thừa kế của người đã chết.
b) Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với chủ thể khác
Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác[4].
Sở hữu chung theo phần thường là việc góp vốn thông qua các hình thức khác nhau để mua sắm tài sản, sản xuất, kinh doanh chung hoặc các nhu cầu chung khác. Để xác định phần di sản của người đã chết trong khối tài sản chung cần phải thông qua việc định giá tài sản chung đó.
Lưu ý, nếu nguồn gốc hình thành nên phần tài sản thuộc khối tài sản chung là tài sản thuộc sở hữu riêng của người chết thì toàn bộ phần tài sản đó thuộc di sản thừa kế của người đã chết (hoa lợi, lợi tức được xác định như đối với các trường hợp đã nêu trên). Trường hợp tài sản đó có nguồn gốc trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng thì về nguyên tắc phải chia đôi, một nửa số tài sản đó sẽ thuộc di sản thừa kế của người đã chết./.
ThS. Nguyễn Văn Huy
 

 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
2. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (đồng chủ biên, 2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
3. PGS.TS. Trần Thị Huệ (2012), Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
4. ThS. Nguyễn Văn Huy (2017), Thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
5. Tưởng Duy Lượng (2017), Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
6. PGS.TS. Phùng Trung Tập (2016), Chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
7. PGS.TS. Phùng Trung Tập (2016), Luật Dân sự Việt Nam - Bình giải và áp dụng: Luật Thừa kế (sách chuyên khảo), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
8. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết - TS. Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
 
 
 
[1] TS. Trần Thị Huệ (2012), Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 72.
[2] Điều 207, Điều 208 BLDS 2015.
[3] Điều 213 BLDS 2015.
[4] Điều 209 BLDS 2015.