Một số đề xuất nghiên cứu, sửa đổi Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

30/01/2018

Để triển khai thi hành Luật TGPL, ngày 12/9/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1355/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL. Kế hoạch đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL đã được ban hành và có hiệu lực đồng thời cùng với Luật TGPL từ ngày 01/01/2018. Để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động TGPL thì việc xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ TGPL thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về TGPL (Thông tư số 05) để triển khai hiệu quả Luật TGPL năm 2017 là cần thiết. Trên cơ sở nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Thông tư số 05 và các nội dung cần được hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế cần bám vào quy định của Luật TGPL và thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, người được TGPL và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho người được TGPL, giảm các thủ tục không cần thiết.
1. Về phạm vi điều chỉnh và cơ cấu
Dự thảo Thông tư nên tiếp tục kế thừa phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 05 và Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/20087, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008, Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/20101 của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, qua rà soát có những vấn đề đã được điều chỉnh tại văn bản khác (như giấy tờ chứng minh người được trợ giúp pháp lý) hoặc nội dung không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (như các hình thức trợ giúp pháp lý khác; hồ sơ trợ giúp pháp lý lưu động, hồ sơ sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...), do đó đề nghị khi xây dựng dự thảo Thông tư không quy định những vấn đề này. Đồng thời, vấn đề về thẩm định, đánh giá chất lượng hiện đang được quy định tại mục 4, phần A Thông tư số 05 và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, do đó cũng có thể nghiên cứu các nội dung đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý để thay thế Thông tư số 02.
2. Một số đề xuất hướng nghiên cứu
a) Về tiếp nhận và thụ lý yêu cầu trợ giúp pháp lý
Thứ nhất, người tiếp nhận, thụ lý yêu cầu trợ giúp pháp lý: Người tiếp nhận đồng thời là người thụ lý yêu cầu trợ giúp pháp lý và điều kiện là người có trình độ cử nhân luật trở lên được người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phân công. Người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp đối với những vướng mắc pháp luật đơn giản. Việc nghiên cứu theo hướng này xuất phát từ thực tiễn người có bằng cử nhân luật đủ kiến thức, trình độ pháp luật cơ bản để có thể xử lý yêu cầu TGPL, đồng thời để tiết kiệm nguồn nhân lực của Trung tâm, nhất là đối với các tỉnh số lượng Trợ giúp viên pháp lý còn ít. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc việc giao cho người không phải là người thực hiện TGPL có thể ảnh hưởng đến uy tín của Trung tâm. Theo quy định của Luật TGPL việc từ chối thụ lý phải bằng văn bản và việc từ chối thụ lý yêu cầu TGPL có thể bị khiếu nại theo quy định của Luật.
Thứ hai, quy trình thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý: việc thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy trình gồm 02 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Người tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và điều kiện thụ lý.
a) Nếu thuộc trường hợp từ chối: người tiếp nhận từ chối và ra thông báo từ chối. Trường hợp băn khoăn về căn cứ từ chối thì người tiếp nhận báo cáo lãnh đạo của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định và ra thông báo từ chối.
b) Thụ lý khi đáp ứng các điều kiện: 1. Đúng đối tượng và có yêu cầu TGPL; 2. Đúng phạm vi, lĩnh vực; 3. Giấy tờ chứng minh vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL và các giấy tờ khác (nếu có).
Bước 2: Việc thụ lý được tính từ khi vào Sổ thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý.
a) Đối với vụ việc tư vấn pháp luật mà người tiếp nhận là người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thực hiện được ngay thì người tiếp nhận lập hồ sơ vụ việc tư vấn và tiến hành thực hiện trợ giúp pháp lý.
b) Đối với vụ việc tư vấn pháp luật mà người tiếp nhận chưa thể thực hiện trợ giúp pháp lý ngay được, vụ việc tham gia tố tụng, vụ việc đại diện ngoài tố tụng thì người tiếp nhận báo cáo lãnh đạo của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, tiếp nhận và thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý
1. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trường hợp phải từ chối thụ lý theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người tiếp nhận thực hiện theo điểm a, bước 1 ở nội dung thứ 2.  Trường hợp đủ điều kiện thụ lý, người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc. Nếu hồ sơ thiếu giấy tờ thì người tiếp nhận yêu cầu bổ sung. Sau khi bổ sung thì người tiếp nhận tiến hành thụ lý. Người tiếp nhận có trách nhiệm sao chụp 01 bản sao từ bản chính hoặc tiếp nhận bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý để lưu giữ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp vì lý do khách quan mà không thể sao chụp từ bản chính thì phải ghi lại ký hiệu, số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp giấy tờ đó vào phần dưới đơn và yêu cầu người có yêu cầu sao chụp gửi sau.
Đối những vướng mắc pháp luật đơn giản, người tiếp nhận không thụ lý, không lập thành hồ sơ vụ việc mà chỉ vào Sổ tiếp nhận và ghi tóm tắt nội dung hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Khi hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý, người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc và phải vào Sổ thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc thụ lý được tính từ thời điểm vào Sổ thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý.
2. Hồ sơ được gửi qua dịch vụ bưu chính, người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ từ cán bộ văn thư sau khi vào Sổ Công văn đến. Kiểm tra hồ sơ theo quy định. Hồ sơ đủ các điều kiện thụ lý, người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc và thông báo cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý biết. Trường hợp hồ sơ thiếu các giấy tờ, tài liệu có liên quan, người tiếp nhận thông báo cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý. Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản hoặc điện thoại. Khi người yêu cầu cung cấp đủ hồ sơ thì người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý. Khi đủ điều kiện thụ lý, người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc theo quy định tại mục 1 nêu trên.
3. Hồ sơ gửi qua fax, hình thức điện tử, người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ theo quy định. Hồ sơ đủ các điều kiện thụ lý, người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc và thông báo cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý biết. Trường hợp hồ sơ thiếu các giấy tờ, tài liệu có liên quan, người tiếp nhận thông báo cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý. Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản hoặc thư điện tử hoặc điện thoại. Khi người yêu cầu trợ giúp pháp lý cung cấp đủ hồ sơ theo quy định hoặc có cơ sở chứng minh vụ việc là có thật thì người tiếp nhận tiến hành thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc thụ lý vụ việc được thực hiện theo quy định tại mục 1 nêu trên.
4. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và thông báo cho Trung tâm theo quy định tại Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (thay thế Thông tư số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013). Người tiếp nhận sau khi nhận được thông báo hoặc yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (đối với án chỉ định) thì phải thụ lý ngay và báo cáo lãnh đạo Trung tâm để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm kiểm tra diện đối tượng, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục về trợ giúp pháp lý và yêu cầu bổ sung các giấy tờ, tài liệu còn thiếu (nếu có). Nếu không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý. Trường hợp, Trung tâm không có đủ nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý thì lãnh đạo Trung tâm báo cáo Sở Tư pháp để phân công tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thực hiện.
5. Hồ sơ được tiếp nhận tại địa điểm khác ngoài trụ sở, người tiếp nhận có trách nhiệm: Đối những vướng mắc pháp luật đơn giản, người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý và ghi lại thông tin để vào Sổ tiếp nhận. Đối với yêu cầu trợ giúp pháp lý, người tiếp nhận tiến hành kiểm tra hồ sơ theo quy định ở nội dung thứ hai. Nếu đủ điều kiện để thụ lý, người tiếp nhận tại địa điểm ngoài trụ sở có trách nhiệm thông báo bằng điện thoại cho người tiếp nhận ở trụ sở để vào Sổ thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý mục 1.
Thứ tư, các trường hợp tiến hành thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý
           Những trường hợp cần tiến hành thụ lý ngay:
+ Sắp hết thời hiện khởi kiện: Dự kiến quy định thời hạn được này là ít hơn hoặc bằng 03 ngày trước khi hết thời hiện khởi kiện thì tiến hành thụ lý ngay.
+ Sắp đến ngày xét xử: Dự kiến quy định thời hạn được này là ít hơn hoặc bằng 07 ngày trước khi đến ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tiến hành thụ lý ngay.     
+ Cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: Thụ lý ngay đối với án chỉ định do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu.
+ Trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do lãnh đạo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.
Trong các trường hợp trên, người tiếp nhận tiến hành thụ lý ngay và đề nghị lãnh đạo của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý và yêu cầu cung cấp bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết trong thời hạn 05 ngày làm việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc nếu họ không cung cấp được giấy tờ chứng minh đối tượng thì tổ chức thực  hiện trợ giúp pháp lý không tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý.
b) Thực hiện trợ giúp pháp lý
Về Tư vấn pháp luật:
Về cơ bản nội dung thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật cần kế thừa quy định Thông tư số 05 và bám sát nội hàm, cách thức, thời hạn thực hiện quy định tại Điều 32 Luật Trợ giúp pháp lý, như sau:
- Việc cử người thực hiện tư vấn pháp luật:
 Hiện nay, Thông tư số 05 không quy định việc cử người thực hiện tư vấn pháp luật mà người tiếp nhận sẽ thực hiện tư vấn pháp luật (có thể là ngay nếu là vụ việc đơn giản hoặc ghi phiếu hẹn để tư vấn sau hoặc trả lời bằng văn bản nếu là vụ việc phức tạp). Để bảo đảm chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật, đồng thời thuận lợi cho quá việc triển khai thực hiện, dự kiến quy định như sau:
+ Trường hợp người tiếp nhận yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn là người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý, nhận thấy đủ năng lực thực hiện vụ việc và được người được trợ giúp pháp lý lựa chọn thì thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.
+ Trường hợp người tiếp nhận yêu cầu không đáp ứng tiêu chuẩn là người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý hoặc nhận thấy không đủ năng lực thực hiện vụ việc hoặc không được người được trợ giúp pháp lý lựa chọn thì báo cáo lãnh đạo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh phân công người thực hiện tư vấn pháp luật.
- Thực hiện vụ việc tư vấn pháp luật như sau:
Sau khi thụ lý vụ việc hoặc khi nhận đủ các giấy tờ, tài liệu thì người tiếp nhận hoặc người được phân công theo quy định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để thực hiện tư vấn pháp luật trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Trợ giúp pháp lý. Đối với trường hợp có yêu cầu thông qua dịch vụ bưu chính, fax, hình thức điện tử, người tiếp nhận hoặc người được phân công theo quy định thực hiện tương ứng với hình thức tiếp nhận yêu cầu hoặc mời người được trợ giúp pháp lý đến trụ sở để thực hiện tư vấn trực tiếp. Kết quả của việc tư vấn pháp luật phải thể hiện bằng Phiếu thực hiện tư vấn pháp luật. Việc tư vấn pháp luật phải được lập thành hồ sơ vụ việc theo quy định.
Qua nghiên cứu cũng thấy rằng chỉ nên đặt vấn đề tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở, còn việc thực hiện tư vấn pháp luật ở trụ sở hay ngoài trụ sở đều phải tuân thủ quy trình chung, do đó không cần thiết quy định việc thực hiện tư vấn pháp luật ngoài trụ sở. Hơn nữa, tư vấn pháp luật theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 được chi trả thù lao nhưng không được thanh toán công tác phí, do đó việc tư vấn pháp luật ngoài trụ sở sẽ được các Trung tâm linh hoạt thực hiện khi kết hợp với các hoạt động khác.
Về Tham gia tố tụng:
Về cơ bản nội dung thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng kế thừa quy định từ Thông tư số 05, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (Nghị định số 07) và bám sát quy định về nội hàm, cách thức, thời hạn tại Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
- Việc cử người tham gia tố tụng: Sau khi thụ lý vụ việc, người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý, người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý (nếu có) hoặc phân công để bào chữa, đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng được gửi cho cơ quan tiến hành tố tụng, người được trợ giúp pháp lý, người được cử.
- Thực hiện vụ việc tham gia tố tụng như sau: Khi tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được cử có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, tài liệu thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với nội dung, phạm vi yêu cầu và tuân thủ pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật tố tụng. Việc tham gia tố tụng phải được lập thành hồ sơ vụ việc theo quy định.
Về Đại diện ngoài tố tụng:
Về cơ bản nội dung thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng kế thừa quy định từ Thông tư số 05, Nghị định số 07 và bám sát quy định về nội hàm, cách thức, thời hạn tại Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
- Việc cử người thực hiện đại diện ngoài tố tụng:
Sau khi thụ lý vụ việc, người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý, người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý (nếu có) hoặc phân công để thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu. Quyết định ghi rõ căn cứ cử người thực hiện đại diện ngoài tố tụng và phạm vi đại diện cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền và gửi cho người được cử, người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Thực hiện vụ việc đại diện ngoài tố tụng như sau: Khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư được cử có trách nhiệm thực hiện vụ việc phù hợp với phạm vi yêu cầu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc thực hiện đại diện ngoài tố tụng phải được lập thành hồ sơ vụ việc theo quy định.
Về các hoạt động khác trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý:
Bám sát quy định tại các Điều 34, Điều 35, Điều 36 Luật Trợ giúp pháp lý và kế thừa những nội dung còn phù hợp của Thông tư số 05, cùng với đề xuất của địa phương, do đó đưa ra một số hoạt động khác trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:
- Cử thêm người thực hiện trợ giúp pháp lý: Kế thừa quy định tại Thông tư số 05 và làm rõ việc cử thêm người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thực hiện qua thụ lý hoặc đang thực hiện vụ việc. Khi xác định vụ việc có nhiều tình tiết khó, phức tạp hoặc do thời gian nghiên cứu, xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ hoặc khó bảo đảm kịp thời để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý đề xuất người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Trưởng Chi nhánh cử hơn 01 người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này sẽ khó khăn cho việc thống kê vụ việc trợ giúp pháp lý, cập nhật vụ việc lên phần mềm quản lý vụ việc và cách tính chỉ tiêu vụ việc tham gia trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý.
- Phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý: Kế thừa Thông tư số 05, khi có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Trợ giúp pháp lý thì người thực hiện trợ giúp pháp lý báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện yêu cầu Trung tâm ở địa phương khác phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý. Tuỳ theo tính chất của vụ việc, văn bản yêu cầu xác minh phải ghi rõ những vấn đề cần xác minh và thời hạn trả lời tuân thủ các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 34 Luật Trợ giúp pháp lý.
- Chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý:
+ Khác với Thông tư số 05 quy định về việc chuyển vụ việc trợ giúp pháp lý, dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý (khi chưa thụ lý vụ việc) quy định tại Điều 35 Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, khi tiếp yêu cầu trợ giúp pháp lý nếu phát hiện yêu cầu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu giới thiệu, hướng dẫn người yêu cầu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý có thẩm quyền hoặc viết Phiếu chuyển kèm theo toàn bộ hồ sơ yêu cầu (nếu có) cho Trung tâm có thẩm quyền và thông báo cho người có yêu cầu biết, liên hệ. Trong trường hợp có tình tiết khó xác định được thẩm quyền của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để xác định và chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý.
+ So với Thông tư số 05, dự thảo Thông tư cần hướng dẫn 01 trường hợp mới được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Trợ giúp pháp lý như sau: Trong trường hợp tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý không đủ nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc chuyển yêu cầu cũng thực hiện như đối với trường hợp trên.
- Kiến nghị về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý: Người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ đề xuất người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện quyền kiến nghị bằng văn bản với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc kiến nghị được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Trợ giúp pháp lý.
- Thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý: Việc thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện trong hai trường hợp:
+ Trường hợp phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý.
+ Trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý quy định khoản 1 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý.
Khi người thực hiện, người được trợ giúp pháp lý có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì phản ánh trực tiếp với người thực hiện trợ giúp pháp lý, người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc làm đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý. Khi nhận được yêu cầu hoặc báo cáo về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp nêu trên, người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ quy định tại Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý để quyết định việc thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và cử người đủ tiêu chuẩn để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Về không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý: Dự kiến hướng dẫn trình tự ba trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc quy định tại Điều 37 Luật trợ giúp pháp lý như sau:
+ Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện và có căn cứ vụ việc thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm a (các trường hợp phải từ chối thụ lý) và điểm b (người được trợ giú pháp lý thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm) khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người phát hiện ra báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý về việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Khi nhận được báo cáo, người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý để quyết định việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
+ Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện và người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý làm đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc phản ánh với người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Khi nhận được yêu cầu rút đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
c) Vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành
Trong quá trình tổng hợp khó khăn, vướng mắc của địa phương, một trong  những vấn đề được đề xuất hướng dẫn là hiểu như thế nào về vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành. Điều này có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, thống kê, báo cáo, tính chỉ tiêu vụ việc và trong việc chi trả thù lao, đánh giá chất lượng vụ việc. Hiện nay, Thông tư số 05 có quy định về vụ việc được coi là hoàn thành, tuy nhiên quá trình thực hiện chưa rõ ràng. Do đó, trên tinh thần kế thừa những nội dung còn phù hợp, dự kiến quy định vụ việc trợ giúp pháp lý được coi là hoàn thành khi đáp ứng điều kiện theo từng hình thức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý hoàn thành hồ sơ vụ việc. Cụ thể:
- Đối với vụ việc tư vấn pháp luật và vụ việc đại diện ngoài tố tụng được coi là vụ việc hoàn thành khi:
Phương án 1: Khi vụ việc được thực hiện theo yêu cầu trợ giúp pháp lý (không phụ thuộc số lượng đơn hay văn bản thể hiện kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý).
Phương án 2: Trong quá trình nghiên cứu cũng có ý kiến, trong các vụ việc kéo dài có thể phân chia theo giai đoạn để phân thành nhiều vụ việc hoàn thành.
Dù theo phương án nào đều không ảnh hưởng đến thù lao của người thực hiện trợ giúp pháp lý, tuy nhiên nếu theo phương án 2 thì khi thống kê sẽ chia nhỏ vụ việc là không hợp lý và không cần thiết.
- Đối với vụ việc tham gia tố tụng được coi là vụ việc hoàn thành khi:
Phương án 1: Khi vụ việc được thực hiện theo yêu cầu trợ giúp pháp lý (có thể là xuyên suốt cho đến hết giai đoạn xét xử).
Cách tính vụ việc hoàn thành này có thể ảnh hưởng đến việc thống kê vụ việc (hiện nay theo Thông tư số 04/2016/TT-Bộ Tư pháp) và cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tại Thông tư số số 05/2017/TT-Bộ Tư pháp ngày 20/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đang quy định theo giai đoạn xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm).
Phương án 2: Khi vụ việc được thực hiện cho đến khi kết thúc theo giai đoạn xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, đối với tất cả hình thức trợ giúp pháp lý đều được coi là hoàn hành nếu thuộc một trong các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc quy định tại điểm c khoản 3 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý đã chết), điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý thực hiện hành vi bị nghiêm cấm) và điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý).
d) Lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Tại khoản 1 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Để thuận tiện cho quá trình thống kê, tổng hợp và phục vụ công tác quản lý, nhiều địa phương cũng đề nghị quy định lĩnh vực trợ giúp pháp lý.  Tại Nghị định số 07 đã quy định 08 lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tuy nhiên, quá trình tổng kết Luật Trợ giúp pháp lý nhiều địa phương đã nêu việc chia thành các lĩnh vực như vậy là quá nhỏ và không cần thiết. Do vậy, vấn đề này dự kiến quy định như sau:
Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong 04 lĩnh vực pháp luật sau đây:
- Lĩnh vực pháp luật hình sự.
- Lĩnh vực pháp luật dân sự.
- Lĩnh vực pháp luật hành chính.
- Lĩnh vực pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Trong quá trình nghiên cứu, cho thấy hiện nay có nhiều luồng quan điểm khác nhau về việc phân chia thành các lĩnh vực pháp luật nói chung, do đó xuất phát từ nhu cầu quản lý, việc chia thành các lĩnh vực pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý bám sát vào 03 lĩnh vực quan trọng nhất là: hình sự, dân sự, hành chính và có quy định "quét" lĩnh vực pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
đ) Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý
Qua nắm bắt thực tế tại các địa phương có khó khăn, vướng mắc như: mã hồ sơ vụ việc hiện nay chưa phân biệt được hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý; đồng thời đề nghị hướng dẫn hồ sơ vụ việc hoàn thành nói chung và bổ sung quy định hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, làm rõ việc sắp xếp các loại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ theo thời gian hay theo trình tự tố tụng; quy định vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ vụ việc; hồ sơ truyền thông trợ giúp pháp lý...
- Để thuận lợi cho công tác thống kê vụ việc trợ giúp pháp lý theo từng hình thức, trên cơ sở kế thừa yếu tố còn phù hợp từ Thông tư số 05, dự kiến quy định mỗi hồ sơ vụ việc cần có một mã số riêng gồm tập hợp các ký hiệu bằng chữ và bằng số tương ứng với hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý, tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, số thứ tự của vụ việc trong Sổ tiếp nhận, thụ lý, năm tiếp nhận. Nếu vụ việc do Chi nhánh thực hiện thì mã hồ sơ có thêm chữ viết tắt của tên Chi nhánh. Để tạo sự thuận lợi, việc lưu trữ, sắp xếp tài liệu theo từng hình thức trợ giúp pháp lý. Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự thời gian thực hiện các hoạt động nghiệp vụ.
Việc lập hồ sơ điện tử của từng vụ việc được thực hiện từ khi tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý đến khi hoàn thành vụ việc trợ giúp pháp lý và được cập nhật thường xuyên theo quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý vào hệ thống quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý. Mỗi hồ sơ điện tử được số hóa theo hình thức hồ sơ quy định như trên. Tuy nhiên, để cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu này cần tính toàn thêm thời gian áp dụng thống nhất, đồng bộ trên cả nước cho tất cả hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Dự kiến hướng dẫn hồ sơ vụ việc theo hướng bám sát quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Trợ giúp pháp lý và bổ sung quy định về hồ sơ vụ việc tố tụng, hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng so với hiện hành tại Thông tư số 05. Cụ thể:
- Hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật bao gồm:
+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
+ Bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
+ Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có);
+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
+ Phiếu thực hiện tư vấn pháp luật;
+ Thông báo về việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);
+ Giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).
- Hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng bao gồm:
+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
+ Bản sao hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
+ Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Bản bào chữa, bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý;
+ Bản sao hoặc bản sao có chứng thực kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án;
+ Văn bản tố tụng khác liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng cấp;
+ Thông báo về việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);
+ Giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).
- Hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng bao gồm:
+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
+ Bản sao hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
+ Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Bản báo cáo về những công việc đã thực hiện và kết quả đạt được trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Thông báo về việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);
+ Giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).
Đối với hồ sơ truyền thông trợ giúp pháp lý, có thể thực hiện theo quy định việc phổ biến, giáo dục pháp luật chung (các mức chi có thể áp dụng theo Thông tư số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở).
e) Chế độ báo cáo, thống kê
Để khắc phục khó khăn trong công tác thống kê hiện nay là chưa có sự thống nhất trong mốc để thống kê giữa Thông tư số 05 và Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/3/2016 quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành tư pháp, trên cơ sở kế thừa và sửa đổi quy định hiện hành, dự kiến quy định về chế độ báo cáo, thống kê thống nhất giữa dự thảo Thông tư này và việc thống kê của ngành, cụ thể như sau:
- Chế độ thống kê: Sở Tư pháp, Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện thống kê số liệu về hoạt động trợ giúp pháp lý (lượt người được trợ giúp pháp lý; vụ việc trợ giúp pháp lý; tổ chức, bộ máy cán bộ) định kỳ 6 tháng và một năm theo quy định của thống kê ngành Tư pháp (bỏ chế độ thống kê theo tháng quy định tại Thông tư số 05).
- Chế độ báo cáo: Trung tâm thực hiện chế độ báo cáo 6 tháng, một năm hoặc báo cáo đột xuất theo chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp (bỏ chế độ báo cáo theo tháng quy định tại Thông tư số 05). Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý báo cáo về tổ chức và hoạt động cho Sở Tư pháp theo định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Báo cáo 6 tháng của Trung tâm trợ giúp pháp lý được gửi về Cục Trợ giúp pháp lý theo thời hạn thống kê của ngành Tư pháp. Báo cáo được gửi theo 02 hình thức: bằng văn bản có chữ ký, đóng dấu của đơn vị hoặc văn bản điện tử dạng ảnh (định dạng PDF) và thư điện tử.
f) Quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Về cơ bản bám sát quy định tại Điều 40 Luật Trợ giúp pháp lý và kế thừa những nội dung còn phù hợp từ Thông tư số 05. Dự kiến quy định trách nhiệm của Cục Trợ giúp pháp lý là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của Sở Tư pháp và thẩm quyền, nội dung, đối tượng kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
-Thanh Trịnh-