Cấp phiếu lý lịch tư pháp và ghi nhận việc xóa án tích trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

29/01/2018
Ngày 17/6/2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật lý lịch tư pháp. Theo đó, việc quản lý lý lịch tư pháp nhằm các mục đích đó là: Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng; Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự; Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều 3 Luật lý lịch tư pháp).

Một trong những mục đích của quản lý lý lịch tư pháp đó là “Ghi nhận việc xoá án tích” và nội dung về “xoá án tích” cũng đã được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2009 và nay là Bộ Luật hình sự năm 2017 tại Điều 70. Theo đó,  trường hợp xóa án tích thông qua việc “ghi nhận việc xóa án tích” vào lý lịch tư pháp của người đương nhiên được xóa án tích đã được quy định tại khoản 1 Điều  33 Luật lý lịch tư pháp, cụ thể:
“1. Trường hợp người bị kết án đương nhiên được xoá án tích thì Sở Tư pháp thực hiện việc cập nhật thông tin như sau:
a) Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì ghi “đã được xóa án tích” vào Lý lịch tư pháp của người đó;
b) Khi xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích theo quy định của Bộ luật hình sự thì ghi “đã được xóa án tích” vào Lý lịch tư pháp của người đó”.
Xóa án tích là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự, thể hiện sự thừa nhận về mặt pháp lý người bị kết án không còn mang án tích nữa và vì vậy không phải tiếp tục gánh chịu hậu quả do việc kết án mang lại. Theo đó, Bộ luật hình sự 2015 đã quy định có 3 trường hợp xóa án tích đó là được nhiên xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Trong khuôn khổ bài viết này, xin trao đổi một số vấn đề liên quan đến trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ Luật hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra trong hoàn thiện pháp luật liên quan đến cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tại khoản 4 Điều 70 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về đương nhiên được xóa án tích “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc 3 Điều này”. Với quy định này, trên thực tiễn thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với những trường hợp có án tích và đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích đã gặp những vướng mắc, bất cập. Ví dụ:
Ngày 01/7/2009, anh Nguyễn Văn A đã bị Tòa án nhân dân huyện B tỉnh X xét xử về tội trộm cắp tài sản với mức hình phạt là 18 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng. Ngay sau khi bản án có hiệu lực thi hành, anh A đã thực hiện xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và đến ngày 01/12/2017 không thực hiện hành vi phạm tội mới.
 Ngày 01/12/2017 anh A đến Sở Tư pháp tỉnh X để đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở tư pháp đã thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của anh A trên hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã xây dựng nhưng không có thông tin lý lịch tư pháp của anh A. Đồng thời, đã đề nghị cơ quan Công an tra cứu thông tin lý lịch tư pháp theo quy định và có kết quả trả lời: “có án tích”. 
Trong trường hợp này đã có 2 quan điểm khác nhau liên quan đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Qua điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp của anh Nguyễn Văn A, sau khi có kết quả tra cứu của cơ quan công an về tình trạng “có án tích”, thì Sở Tư pháp tỉnh X sẽ tiếp tục thực hiện quy trình xác minh, thu thập tài liệu để làm cơ sở cấp Phiếu lý lịch tư pháp với nội dung về tình trạng án tích: Không có án tích vì cho rằng anh A đủ điều kiện về đương nhiên được xóa án tích. Và đây là một trong những quy trình liên quan đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Quan điểm thứ hai cho rằng, sau khi có kết quả xác minh của cơ quan công an về tình trạng án tích của anh A, Sở Tư pháp tỉnh X sẽ thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp với nội dung về tình trạng án tích là “Có án tích”. Còn việc Sở Tư pháp thực hiện các thủ tục thu thập Bản án, quá trình thi hành bản án và các thông tin về nhân thân của anh A không nằm trong quy trình về cấp Phiếu lý lịch tư pháp, mà đây là một quy trình riêng về thủ tục trong xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp.
Với quan điểm cá nhân, thấy rằng quan điểm thứ hai sẽ phù hợp với quy định của Luật lý lịch tư pháp và quy định về đương nhiên xóa án tích theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ Luật hình sự. Bởi lẽ:
Thứ nhất, Việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (bao gồm các hoạt động về Lập lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án tích) thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (gọi tắt là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp). Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải thường xuyên thực hiện việc cập nhật các thông tin lý lịch tư pháp theo quy định tại Điều 15 của Luật lý lịch tư pháp của người bị kết án do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định. Khi xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích theo quy định của Bộ luật hình sự thì ghi “đã được xóa án tích” vào Lý lịch tư pháp của người đó trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã được xây dựng. Và khi người bị kết án đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp với nội dung “không có án tích”, nghĩa là chỉ cấp Phiếu lý lịch tư pháp và ghi nhận tình trạng án tích của một người nếu thông tin lý lịch tư pháp đã được cập nhật trong kho dữ liệu lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
Thứ hai, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp là một thủ tục hành chính được quy định trong Luật lý lịch tư pháp với thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, trường hợp phức tạp thì thời hạn không quá 15 ngày. Theo đó, việc tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật lý lịch tư pháp, Chương II Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lý lịch tư pháp. Theo đó, việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01/7/2010 để cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì tùy từng trường hợp sẽ thực hiện tra cứu tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an, Tòa án, tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng. Đối với những trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp mà thông tin lý lịch tư pháp có sau ngày 01/7/2010 thì thực hiện tra cứu tại cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là Sở Tư pháp theo thẩm quyền hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Điều 47 Luật lý lịch tư pháp).
Do đó, việc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để làm cơ sở xác định tình trạng án tích của một người sau khi tiếp nhận đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp và phát hiện tình trạng án tích không phải là một quy trình trong chuỗi quy trình về cấp phiếu lý lịch tư pháp mà đó là quy trình của xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lý lịch tư pháp. Trong trường hợp này nếu xác minh để cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ dẫn đến tình trạng “quá hạn” về giải quyết thủ tục hành chính trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp. 
Tuy nhiên, để đáp ứng thực tiễn, Luật lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lý lịch tư pháp cần có những quy định bổ sung thêm trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với người đã có án tích và đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích nhưng thông tin về án tích của người này chưa được xây dựng trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, từ đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính của cá nhân./.
NGUYỄN HÒA