Vấn đề quyền con người trong chính sách về sở hữu trí tuệ

19/10/2017

 
Hiện nay trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về “quyền con người”. Mỗi định nghĩa được tiếp cận từ một góc độ nhất định, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Tại Việt Nam, định nghĩa về “quyền con người” đã được một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu đưa ra. Các khái niệm này cũng không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên, về cơ bản, “quyền con người” được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Thuật ngữ “human rights” trong pháp luật quốc tế được dịch sang tiếng Việt là “quyền con người” (theo tiếng thuần Việt) hay “nhân quyền” (theo tiếng Hán Việt). Do đó, xét về mặt ngôn ngữ học, quyền con người và nhân quyền là hai từ đồng nghĩa.
Quyền sở hữu, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ ghi nhận quyền lực đầy đủ và tuyệt đối của con người đối với những thành quả được tạo ra từ lao động và sáng tại của con người. Quyền sở hữu trí tuệ và quyền con người là hai hệ thống khác biệt và tương đối độc lập, tuy nhiên ở một mức độ nhất định, hai hệ thống này lại có những mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một trong những công cụ quan trọng hàng đầu trong việc ghi nhận, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người cũng như quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện là pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến mối quan hệ giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với bảo vệ quyền con người; các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ với quyền con người; qua đó đánh giá thực tiễn vấn đề quyền con người trong chính sách về sở hữu trí tuệ và đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người trong thời gian tới.
          1. Mối quan hệ giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với bảo vệ quyền con người
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệvà bảo vệ quyền con người được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cách thức bảo vệ các quyền cơ bản của con người một cách hiệu quả. Điều này được thể hiện qua hai phương diện, cụ thể: (i) việc pháp luật thừa nhận quyền sở hữu cho tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền này bằng cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật sở hữu trí tuệ công nhận chủ thể sáng tạo là chủ sở hữu đối với các sản phẩm sáng tạo của mình, từ đó cho phép chủ sở hữu tài sản trí tuệ được thực hiện đầy đủ quyền năng sở hữu của mình, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ là cách thức bảo đảm cho quyền sở hữu của con người được thực thi một cách hiệu quả và đầy đủ nhất; (ii) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cách thức để bảo vệ một trong những quyền cơ bản của con người “quyền được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ hoạt động sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật của chính mình”. Pháp luật sở hữu trí tuệ góp phần đảm bảo thực hiện trên thực tế: quyền được tự do nghiên cứu, sáng tạo và quyền được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả bên cạnh việc mang lại lợi ích và quyền lợi cho chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu quyền, còn có ý nghĩa rất lớn đối với toàn xã hội, đó là thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nghiên cứu diễn ra tích cực hơn.
Thứ hai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng làm phát sinh những thách thức nhất định đối với việc bảo vệ quyền con người. Việc thừa nhận và bảo hộ các quyền mang tính độc quyền cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng độc quyền từ các chủ thể này. Ngoài ra, bảo hộ quá mức các quyền mang tính độc quyền đối với tác phẩm cũng có những tác động tiêu cực nhất định đến quyền tiếp cận các tri thức của nhân loại, các lợi ích của tiến bộ của khoa học. Nếu không có những giải pháp thích hợp thì điều này có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập và nghiên cứu do khó khăn về tham khảo các nguồn tài liệu, tiếp cận tri thức của nhân loại, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, nơi mà nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động giáo dục còn chưa cao.
2. Pháp luật về bảo đảm quyền con người thông qua chế định về quyền sở hữu trí tuệ
Tư tưởng về quyền con người đã được hình thành từ thời tiền sử, tuy nhiên, được thừa nhận trên bình diện quốc tế thì quyền con người được thể hiện rõ nhất lần đầu tiên là trong tuyên bố sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền con người năm 1948 và sau đó là Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966 (ICESCR), v.v. Đến Tuyên bố năm 1986 của các quốc gia thành viên của Liên minh Berne về bảo vệ tác phẩm văn học và nghệ thuật đã chính thức khẳng định quyền tác giả được xác lập trên cơ sở quyền con người và công lý. Bên cạnh đó, khi bình luận về Điều 15(1) Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966, Ủy ban các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hợp quốc khẳng định, quyền được bảo hộ các lợi ích tinh thần và vật chất phát sinh từ hoạt động trí tuệ là một quyền con người, phát sinh từ giá trị và nhân phẩm của con người nói chung. Do đó, có thể thấy, quyền sở hữu trí tuệ là một tất yếu không thể thiếu của quyền con người.
Ở Việt Nam, ý tưởng về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà trước tiên là quyền tác giả đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946[1]. Năm 1986 đánh dấu một mốc mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng khi Chính phủ ban hành Nghị định số 142/CP, văn bản riêng biệt đầu tiên để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả. Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chính thức bắt đầu có dấu ấn khi Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự năm 1995[2]. Đặc biệt, từ vàonăm 2007 khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khiQuốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hoạt động này trở nên sôi động với tất cả các dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ, bao gồm: bản quyền tác giả và các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới...Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ năm 1997; Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 1999; Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000. Năm 2004, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Thụy Sĩ năm 1886 và Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước Roma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Italia năm 1961.Theo cam kết tại các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sỹ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ, Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).
Đánh giá về chính sách về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, một số đối tác quan trọng trong kinh tế, đầu tư, thương mại trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam là EU, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Mỹ và Úc đều có chung nhận định rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng vấn đề thực thi là một điểm yếu cần phải khắc phục.
3. Đánh giá các quy định về sở hữu trí tuệ
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khá hoàn chỉnh. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2009 điều chỉnh hầu hết tất cả các đối tượng: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh, quyền tác giả và quyền liên quan, giống cây trồng, đáp ứng các điều kiện của hiệp định TRIPS, khi Việt Nam gia nhập WTO.
Tuy nhiên, còn một số các quy định của pháp luật còn chưa thực sự phù hợp với các cam kết quốc tế và gần đây nhất có thể kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP), cụ thể:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ liệt kê các trường hợp chủ sở hữu sáng chế không được phép ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế, trong đó cho phép sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thủ hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm. Tuy nhiên, việc liệt kê như vậy chưa làm rõ ba yêu cầu về giới hạn quyền đối với sáng chế theo Điều 30 Hiệp định TRIPS[3].
Thứ hai,về các giới hạn và ngoại lệ trong bảo hộ quyền tác giả
Điều 18.66 TPP nhấn mạnh các bên phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng thích hợp, “bao gồm cả những giới hạn và ngoại lệ trong môi trường số, xem xét cẩn trọng các mục đích hợp pháp như: Phê bình, bình luận, đưa tin, giảng dạy, học tập, nghiên cứu, và các mục đích tương tự khác”. So với các trường hợp giới hạn quyền tác giả quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệvà các trường hợp giới hạn quyền liên quan quy định tại Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ, có thể thấy pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay chỉ cho phép sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức “tự sao chép một bản” nhằm mục đích “nghiên cứu khoa học của cá nhân”; “để giảng dạy” mà không đề cập tới trường hợp sao chép nhằm mục đích “học tập”.Quy định này có thể hiểu là pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam không thừa nhận sao chép nhằm mục đích học tập thuộc trường hợp giới hạn quyền tác giả. Cách tiếp cận này có cơ sở với giả thiết nếu học sinh, sinh viên được tự do sao chép mỗi người một bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu… để phục vụ cho việc học tập thì sách in sẽ không bán được (do việcsao chụp tác phẩm chắc chắn sẽ rẻ hơn mua sách in) và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu tác phẩm trong việc khai thác tác phẩm.
Tuy nhiên, nếu cấm tuyệt đối việc sao chép tác phẩm với mục đích học tập sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của công chúng trong việc tiếp cận tri thức nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển với thu nhập bình quân của người dân còn thấp. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay cũng chưa đề cập tới vấn đề khối lượng sao chép được phép (sao chép toàn bộ hay chỉ một phần tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình[4]).
Ngoài ra, Điều 18.66 TPP dành quyền chủ động cho các thành viên trong việc quy định những giới hạn và ngoại lệ cho trường hợp sử dụng tác phẩm với những mục đích hợp pháp, phi thương mại, bao gồm cả trường hợp sử dụng với mục đích học tập. Vì vậy, để phù hợp với quy định của Hiệp định TPP cũng như cân bằng trong bảo vệ quyền lợi của tác giả cũng như công chúng trong việc tiếp cận tác phẩm, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cần bổ sung trường hợp giới hạn quyền tác giả liên quan đến việc sử dụng tác phẩm với mục đích học tập, trong đó quy định cụ thể khối lượng cho phép của việc sao chép hay trích dẫn tác phẩm. Đồng thời, đối với việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số, pháp luật Việt Nam cũng cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về quyền sao chép, giới hạn của quyền sao chép trong môi trường số.
4. Kiến nghị
Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là các quyền về kinh tế, dân sự và văn hóa.Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã góp phần bảo đảm cân bằng hợp lý giữa quyền sở hữu trí tuệ với quyền con người. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định hiện nay cũng như bảo đảm hơn nữa quyền con người trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
          Thứ nhất, tổ chức rà soát, đánh giá, tổng kết việc thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ để qua đó nhận diện những hạn chế, bất cập và tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản có liên quan, theo nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam; đồng thời bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và sẽ là thành viên. Một số nội dung cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trong Luật Sở hứu trí tuệ như mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ quyền mà luật chưa có như mùi hương, nhãn hiệu âm thanh…hoặc sửa đổi các quy định chặt chẽ hơn về sáng chế, thẩm định sáng chế; bảo hộ quyền tác giả, bảo hộ dược phẩm mới… cho phù hợp, v.v.
Thứ ba, sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế, cụ thể chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể sở hữu trí tuệ chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của công dân về quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm các quyền này được thực hiện đầy đủ, phù hợp theo hướng tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến; thông qua việc nâng cao nhận thức này sẽ hạn chế việc vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, tại các tòa án và các cơ quan bảo đảm thực thi sở hữu trí tuệ hiện nay số lượng cán bộ được đào tạo về lĩnh vực sở hữu trí tuệ là không nhiều. Do đó, cần quan tâm, tiếp tục nâng cao vai trò, tăng cường chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ này, bảo đảm yêu cầu hội nhập.  Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa các hội về sở hữu trí tuệ đặc biệt trong việc góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ, vànâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong việc tham gia bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ./.
 
Thịnh Anh
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2009.
  2. Cuốn Hỏi đáp về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2012.
  3. Sách chuyên khảo “Ảnh hưởng của Thương mại tự do đến nhân quyền”, NXB Hồng Đức năm 2016
  4. “Quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận dược phẩm dưới góc độ quyền con người” – PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú và TS. Phan Huy Hồng.
 
[1] Điều thứ 10 (Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, ..); Điều thứ 12 (Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo hộ) và Điều thứ 13 (Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm).
[2] Điều 13 (Quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập từ sáng tạo giá trị tinh thàn là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ), Điều 188 (Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật) và Phần thứ sau của Bộ luật dân sự về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ).
[3] Điều 30 Ngoại lệ đối với các quyền được cấp. Các Thành viên có thể quy định một số ngoại lệ nhất định đối với các độc quyền được cấp trên cơ sở patent với điều kiện là các ngoại lệ đó không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường patent đó và không làm tổn hại một cách bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu patent, và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.
[4] Đã có một số vụ việc phát sinh trên thực tế do quy định này chưa được rõ ràng, ví dụ vụ việc nữ sinh trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mang giáo trình photo vào trường.