Các quy định điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một nội dung quan trọng trong pháp luật cạnh tranh. Dưới góc độ pháp lý, cạnh tranh không lành mạnh được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia định nghĩa khác nhau. Theo Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883 thì bất cứ hành vi cạnh tranh nào trái với hoạt động thực tiễn trung thực, thiện chí trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 10bis - được bổ sung vào Công ước từ năm 1900 và được sửa đổi lần cuối theo văn bản Stockholm năm 1967). Như vậy, tiêu chí đánh giá tính lành mạnh hay không lành mạnh của Công ước về hành vi cạnh tranh là “hoạt động thực tiễn trung thực, thiện chí”.
Đấy là một tiêu chí khó định lượng và có thể thay đổi, có những khác biệt giữa các quốc gia, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, quan niệm, tập quán… Tại Bỉ và Luxembourg, tiêu chí đó là “
thông lệ thương mại trung thực”; tại Tây Ban Nha và Thuỵ Sĩ là "
nguyên tắc ngay tình"; tại Italia là "
tính chuyên nghiệp đúng đắn"; tại Đức, Hy Lạp và Ba Lan là “
đạo đức kinh doanh”.
Luật Cạnh tranh của Mông Cổ quy định, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm tất cả các hành vi xâm hại tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường, xâm hại tới quyền tự do cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp. Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hoà liên bang Đức năm 1909 (sửa đổi lần cuối cùng ngày 23/7/2002) lại quy định:
“Người nào trong giao dịch kinh doanh vì mục đích cạnh tranh mà thực hiện các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, thì có thể bị yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại”. Luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc xác định cạnh tranh không lành mạnh là các hoạt động của doanh nghiệp, của các chủ thể kinh doanh thực hiện trái pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp khác, làm rối loạn trật tự kinh tế - xã hội.
Cạnh tranh là một trong những quy luật kinh tế cơ bản của nền kinh tế thị trường. Đảm bảo cạnh tranh tự do và công bằng thường được coi là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, cạnh tranh bao giờ cũng gây áp lực rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Để duy trì sự tồn tại, mở rộng thị trường, thu nhiều lợi nhuận, từ đó, doanh nghiệp đôi khi sử dụng các phương pháp cạnh tranh không lành mạnh, mà hậu quả của nó gây thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp khác và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Do đó, yêu cầu tất yếu phải có sự điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh nói chung và các quy định về xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp, đồng thời, xử phạt nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy một số quy định của Luật CT năm 2004 với tư cách là luật về nguyên tắc cạnh tranh nhưng lại chưa bao quát hết các chủ thể là đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của Luật và cũng chưa đồng bộ với các luật có liên quan về hành vi cạnh tranh không làn mạnh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số hạn chế của Luật CT hiện hành và đề xuất kiến nghị hoàn thiện khi sửa đổi, bổ sung Luật CT năm 2004 trong thời gian tới.
1. Đặc điểm của cạnh tranh không lành mạnh
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh (Luật CT) năm 2004, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất,
chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các chủ thể kinh doanh trên thương trường.
Điều 2 của Luật CT năm 2004 xác định rõ đối tượng áp dụng của Luật này là các tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau, bao gồm doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cũng như các hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.
Đặc điểm này phản ánh phạm vi đối tượng thực hiện các hành vi cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, xảy ra trong mọi lĩnh vực kinh tế, trên tất cả các khâu, các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Trên thị trường cạnh tranh, hành vi kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là hành vi cạnh tranh trong mối quan hệ tương quan với doanh nghiệp khác. Mặt khác, hoạt động kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi và được thực hiện trên thị trường. Như vậy, hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải là những hành vi được các doanh nghiệp thực hiện trên thị trường, trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh và được thực hiện nhằm mục đích sinh lợi.
Tuy nhiên, quy định của Luật CT hiện hành đã không có sự thống nhất. Như đã trích dẫn ở trên, chủ thể thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam. Nhưng định nghĩa về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chỉ nêu:
“Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp”, nghĩa là đã loại bỏ mất một đối tượng chủ thể của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê bao gồm cả hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội.
Thứ hai, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh.
Đặc điểm này cho thấy bản chất không lành mạnh của hành vi và dựa vào đó để làm cơ sở phân biệt giữa cạnh tranh lành mạnh với cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Trong khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật CT năm 2004 không nêu rõ biểu hiện khách quan của hành vi vì các thủ thuật cạnh tranh được các doanh nghiệp thực hiện trên thực tế rất đa dạng, tinh vi, có thể là những hành vi gây nhầm lẫn, gian dối, gièm pha, gây rối… Nhưng lại trích dẫn một điều luật khác để liệt kê các hành vi được xác định là cạnh tranh không lành mạnh. Trong thực tiễn áp dụng, pháp luật cần phải có những quy định cụ thể để nhận diện từng hành vi.
Để xác định một hành vi cạnh tranh là không lành mạnh, phải căn cứ vào
"các chuẩn mực thông thường về đạo đức trong kinh doanh". Đạo đức kinh doanh là một phạm trù dùng để chỉ những yêu cầu, đòi hỏi còn cao hơn cả những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ pháp lý. Những hành vi như trốn thuế, lừa đảo, làm hàng giả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác bằng cách làm ăn gian dối… không thuộc đối tượng điều chỉnh của đạo đức học kinh doanh, vì đó là những hành vi bất chính thuộc phạm vi kiểm soát và xử lý của pháp luật. Đạo đức kinh doanh là những quy tắc xử sự, những tập quán kinh doanh đã được thừa nhận rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là một căn cứ khó định lượng, đòi hỏi pháp luật phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội, trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Vì vậy, quan niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở mỗi quốc gia có thể khác nhau, liên quan đến các phạm trù kinh tế, xã hội, đạo đức của một xã hội nhất định.
Các nhà doanh nghiệp Mỹ tiếp cận các vấn đề đạo đức dựa trên nền tảng của các lý thuyết duy lợi (utilitarism) và thực dụng (pragmatism). Mục tiêu của đạo đức kinh doanh là chủ yếu tạo dựng hình ảnh uy tín của doanh nghiệp và đạt đến những hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Châu Âu, cách tiếp cận đối với vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường nằm giữa thái độ lý tưởng và thái độ thực dụng, người ta coi đạo đức như là một vấn đề nằm ngay trong bản thân hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cho đến nay, Nhà nước ta đã xóa bỏ nhiều yếu tố của nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, xây dựng được nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường, đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các qui luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong điều kiện đó, các thông lệ, tập quán thương mại quốc tế các doanh nghiệp trong nước chưa có đủ thời gian để tự tạo thành các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, được chấp nhận và thực hiện thống nhất như những quy tắc có tính bắt buộc trên trường quốc tế.
Thứ ba, hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng.
Điều 33 Hiến pháp năm 2013, quy định:
“Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Điều 4 Luật CT năm 2004, quy định:
“Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh”. Tất nhiên, để được Nhà nước bảo hộ, việc cạnh tranh đó phải thực hiện trên nguyên tắc trung thực, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và phải tuân theo các quy định của pháp luật cạnh tranh.
Như vậy, khi một hành vi cạnh tranh được thực hiện nhưng không theo nguyên tắc nói trên, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng, thì hành vi cạnh tranh đó được coi là không lành mạnh. Thiệt hại mà hành vi gây ra có thể là đã có thực và xác định được nhưng cũng có thể là thiệt hại có nguy cơ xảy ra (tiềm năng) nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Theo Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hòa liên bang của Đức, cấm
“các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng đáng kể về cạnh tranh làm tổn hại đến đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng và các chủ thể tham gia thị trường khác”. Luật Cạnh tranh thương mại của Vương quốc Thái Lan cũng có quy định tương tự:
“Thương nhân không được tiến hành các hoạt động cạnh tranh không tự do và không bình đẳng, không được tiến hành các hoạt động gây thiệt hại, cản trở hoặc hạn chế đối với những hoạt động của những thương nhân khác…”.
Đặc điểm này giúp phân biệt giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất hành động của nhóm doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh, hạn chế khả năng hành động độc lập của đối thủ cạnh tranh, làm thay đổi tình trạng và quy luật cạnh tranh trên thị trường. Theo Luật cạnh tranh của Cộng hoà Pháp
“các dạng thoả thuận minh bạch hoặc thoả thuận ngầm có nội dung gây hậu quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường đều bị nghiêm cấm”. Luật Cạnh tranh của Liên minh Châu Âu cũng có quy định:
Mọi thoả thuận giữa các doanh nghiệp, mọi quyết định liên kết giữa các doanh nghiệp và mọi loại thoả thuận khác có khả năng điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên và có đối tượng hoặc hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường chung của liên minh, thì đều bị nghiêm cấm.
Đối với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, không cần phải xác định chính xác đối tượng và mức độ thiệt hại vật chất cụ thể, chỉ cần phân tích bản chất và diễn biến của hành vi để kết luận về những tác động của nó đến tình hình cạnh tranh trên thị trường liên quan.
2. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Theo quy định tại Điều 39 Luật CT năm 2004, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; xâm phạm bí mật kinh doanh; ép buộc trong kinh doanh; gièm pha doanh nghiệp khác; gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; phân biệt đối xử của hiệp hội; bán hàng đa cấp bất chính; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 Luật này.
Dưới góc độ kinh tế, bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp hoặc là hành vi huỷ hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác hoặc là hành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo. Biểu hiện của các hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp bao gồm: Chiếm đoạt các bí mật thương mại mà doanh nghiệp khác đã phải đầu tư nhiều công sức mới có được và nó đã trở thành tài sản của doanh nghiệp đó; hành vi nhái lại nhãn mác, bao bì, kiểu dáng, khẩu hiệu kinh doanh, thương hiệu, tạo sự nhầm lẫn trong khách hàng và gây thiệt hại trực tiếp cho đối thủ cạnh tranh… Ví dụ: Trong lĩnh vực nước giải khát, nhãn hiệu nước khoáng Lavie đã bị một số tên gọi thương mại khác giả mạo như: Laville, Leville, Lavier… Trong lĩnh vực xe máy, nhãn hiệu Wave của hãng Honda được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng đã bị đánh lừa bởi các loại xe với kiểu dáng tương tự của Trung Quốc như Waver, Wake up…
3. Quy định của pháp luật về xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Qua nghiên cứu, người viết thấy rằng, cùng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng nhà làm luật đã quy định xử lý ở hai văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đó là Luật CT năm 2004 và Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), về cơ bản có thể thấy, cách quy định của cả hai văn bản này giống nhau. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh của hai văn bản trên là khác nhau, do đó, có những điểm không tương đồng như sau:
Thứ nhất: Về đối tượng được bảo vệ, pháp luật về quyền SHTT hướng tới bảo hộ các đối tượng mà quyền sở hữu được xác lập một cách rõ ràng, đầy đủ thông qua thủ tục đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ hoặc các tiến trình pháp lý khác do Nhà nước quy định. Còn Luật CT năm 2004 lại bảo hộ các lợi thế cạnh tranh không được bảo hộ thông qua văn bằng bảo hộ. Chẳng hạn, như nhãn hiệu chưa đăng ký hay bí mật kinh doanh.Như vậy, đối tượng được bảo hộ trong Luật CT năm 2004 rộng hơn so với Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ngoài ra, các đối tượng như biểu tượng (logo), bao bì sản phẩm,.. Nếu không được bảo hộ bởi các quy định riêng về SHTT thì có thể tìm thấy cơ sở pháp lý để bảo vệ trong Luật CT năm 2004.
Thứ hai: áp dụng các biện pháp dân sự để bảo vệ khi có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Trách nhiệm dân sự cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về cơ bản không có sự khác biệt đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, theo quy định của Luật CT năm 2004 thì hậu quả pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ bị áp dụng chế tài xử phạt hành chính mà không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có). Đây là điểm khác biệt giữa Luật CT năm 2004 và Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Việc áp dụng các chế tài hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh không giải quyết được việc bù đắp những thiệt hại xảy ra đối với đối thủ bị cạnh tranh và khách hàng. Doanh nghiệp vừa mất thời gian, chi phí khởi kiện và rồi phải tiếp tục thực hiện thêm một vụ kiện về dân sự nữa để được bồi thường thiệt hại. Đây cũng chính là lý do tại sao hiện nay các vụ kiện về cạnh tranh không lành mạnh được áp dụng theo Luật CT năm 2004 chiếm tỉ lệ không nhiều. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 198 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
“Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Điều 117 Luật CT năm 2004 có đề cập đến khả năng bồi thường khi bị thiệt hại:
“Tổ chức, cá nhân có hành vi, vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba: yếu tố lỗi, theo Luật CT năm 2004 khi một hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra thì hành vi này xuất phát từ lỗi cố ý. Điều 40 Luật CT năm 2004 cũng đã chỉ rõ hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn phải “
nhằm mục đích cạnh tranh”. Do đó, yếu tố lỗi là dấu hiệu quan trọng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật CT năm 2004. Trong khi đó, với lĩnh vực SHTT, yếu tố lỗi không được xem là yếu tố quan trọng trong cấu thành hành vi vi phạm. Một khi các đối tượng của quyền SHTT được đăng ký hay hình thành theo đúng các quy định của pháp luật thì các chủ thể khác được suy đoán là đã biết đến quyền của chủ sở hữu. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, việc sử dụng chỉ dẫn trùng nhau (tên thương mại) nhưng không xuất phát từ việc cố ý. Do đó, sẽ chỉ cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyềnSHTT theo Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi mà hành vi đó không được sự cho phép của chủ sở hữu.
4. Căn cứ xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Thứ nhất, phải có hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Hành vi cạnh tranh có bản chất là hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh, hủy hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp hoặc là hành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo.
Thứ hai, phải có thiệt hại trong cạnh tranh không lành mạnh. Thiệt hại là một đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và là điểm phân biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Việc xác định thiệt hại là một yêu cầu bắt buộc và cần thiết để bên bị hại có căn cứ đòi bồi thường và cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại. Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại là mối quan hệ trực tiếp, không phải là sự suy diễn chủ quan. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi diễn ra trước, thiệt hại trực tiếp do hành vi đó gây ra xảy ra sau. Bên thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý và các chế tài tương ứng khi gây ra thiệt hại nhất định cho đối thủ cạnh tranh, mà nguyên nhân trực tiếp là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của mình.
Thứ tư, phải có lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh. Lỗi là trạng thái tâm lý của người có hành vi vi phạm, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Hành vi cạnh tranh bị coi là có lỗi và không lành mạnh là hành vi vi phạm các tập quán nghề nghiệp, phá vỡ quan hệ bình đẳng, công bằng trong quan hệ cạnh tranh trên thị trường.
5. Các hình thức xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Các hình thức xử phạt hành chính: Theo Điều 3 Nghị định 71/2014/NĐ-CP thì đối với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. (Điều 5 Nghị định 71/2014/ NĐ-CP). Mục 4 Chương II Nghị định 71/2014/NĐ-CP có quy định từng mức phạt cụ thể đối với từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ Điều 28 đến Điều 36 nhằm hướng dẫn chi tiết mức phạt đối với các hành vi vi phạm cụ thể.
Các hình thức xử phạt bổ sung: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 71/2004/ NĐ-CP, theo đó khi hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra những tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên có quyền thì phải bồi thường thiệt hại nhằm khôi phục, đền bù nhằm bù đắp những tổn thất đó. Khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì dẫn chiếu đến pháp luật dân sự, cụ thể là áp dụng theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Chương XX BLDS năm 2015, từ Điều 584 đến Điều 608).
Bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính và dân sự, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 158 BLHS); tội lừa dối khách hàng (Điều 162 BLHS); tội quảng cáo gian dối (Điều 168 BLHS). Các tội danh này thường có hình phạt là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn. Quy định này của pháp luật đã phần nào thể hiện tính răn đe mạnh mẽ của Nhà nước.
6. Một vài kiến nghị hoàn thiện
Thực trạng pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến hiệu lực của các quy phạm pháp luật và hiệu quả thi hành. Các quy định điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chế tài xử lý vi phạm vẫn thiếu đồng bộ và chưa được pháp điển hoá trong một văn bản pháp luật. Hệ thống văn bản dưới luật quy định về vấn đề này còn nhiều, khi áp dụng luật thường phải dẫn chiếu đến các quy định hướng dẫn thi hành. Hiện tượng vi phạm pháp luật cạnh tranh vẫn diễn ra phổ biến, chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Ý
thức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết để tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau và biểu hiện ở nhiều dạng hành vi khác nhau trong quan hệ kinh doanh, thương mại diễn ra trên thị trường.
Để phát huy được hiệu quả trong việc điều chỉnh các hành vi cạnh tranh trên thương trường, ngăn chặn hiện tượng vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, trước hết các quy định làm cơ sở pháp lý cần thiết phải đầy đủ, đồng bộ và thống nhất; các chế tài phải được thiết lập một cách có hệ thống và đủ sức răn đe. Tác giả đề xuất một vài kiến nghị sau:
Một là, Luật CT năm 2004 cần được sửa đổi, bổ sung để mở rộng chủ thể áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 2 Luật CT hiện hành quy định đối tượng áp dụng của Luật này bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, đối tượng áp dụng của Luật đã không kể đến các đối tượng như các văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; các loại hình bán kinh doanh khác như các xưởng in, nhà xuất bản, tạp chí, báo (không được coi là doanh nghiệp)… Vậy nếu các chủ thể đó thực hiện hành vi thoả mãn các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng không thoả mãn yếu tố chủ thể được quy định là đối tượng áp dụng của Luật CT năm 2004 thì phải xử lý theo quy định của văn bản pháp luật khác. Điều đó không đảm bảo cho mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xử lý một cách thống nhất.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng còn có thuận lợi trong việc áp dụng các chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới dạng xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Khi đó, người lao động trong doanh nghiệp có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh cũng sẽ bị áp dụng các chế tài đó.
Hai là, bổ sung, sửa đổi một số quy định đảm bảo tính toàn diện, thống nhất của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh để có cơ sở cho việc xử lý hành vi vi phạm.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật CT. Tuy nhiên, các quy định đó chủ yếu tập trung quy định về hạn chế cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh. Còn nhiều vấn để chưa được cụ thể hoá, giải thích và hướng dẫn thực thi. Để đảm bảo thống nhất việc áp dụng pháp luật trong khu vực và quốc tế đối với việc điều chỉnh quan hệ cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, theo tác giả, cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau:
+ Bổ sung các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; làm rõ các dấu hiệu nhận diện đối với biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh.
Ngay cả khi những hành vi này được thực hiện vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh thì việc xử lý và áp dụng chế tài đối với chủ thể thực hiện cũng gặp khó khăn, vì Luật CT năm 2004 chưa quy định những hành vi này. Trong khi đó, Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định việc cạnh tranh vi phạm nhãn hiệu hàng hoá thuộc nhóm hành vi vi phạm chỉ dẫn thương mại, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cách hiểu của Luật CT năm 2004 có phần hẹp hơn so với Luật SHTT hiện hành, trong khi Luật CT là luật nguyên tắc, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHTT phải được xử lý theo Luật CT. Nhưng Luật CT lại không quy định việc sử dụng sai lệch nhãn hiệu hàng hoá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, quy định của pháp luật hiện hành chưa có sự thống nhất về vấn đề nhãn hiệu hàng hoá, cần được bổ sung vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn trong Luật CT hiện hành.
Hơn nữa, theo quy định của Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp sẽ bị xử lý theo các chế tài hành chính hoặc hình sự. Thực tiễn lại cho thấy, hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp diễn ra khá phổ biến và cần thiết phải có sự điều chỉnh của Luật CT. Như vậy, sẽ giảm được tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế biểu hiện dưới dạng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, khi chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Mặc dù Luật CT hiện hành có quy định về hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh nhưng lại không có những quy định dấu hiệu nhận diện về các đối tượng này. Do đó, chắc chắn sẽ có những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật điều chỉnh và các chế tài xử lý. Vì thế, cần phải có những quy định hướng dẫn trong các văn bản dưới luật để thi hành.
+Cần có văn bản hướng dẫn, quy định các dấu hiệu nhận diện hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác để phân biệt và xác định ranh giới với quyền tự do ngôn luận.
Việc đưa ra một thông tin có nội dung như thế nào đó sẽ liên quan đến quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25. Do đó, để có cơ sở áp dụng chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh biểu hiện dưới dạng nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác thì cần thiết phải có những quy định cụ thể, rõ ràng về dấu hiệu nhận dạng. Tuy, Điều 43 của Luật CT năm 2004 đã đưa ra dấu hiệu về hình thức, đó là tính
“không trung thực” của thông tin. Từ đó có thể hiểu ngược lại rằng những thông tin
“trung thực” dù có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp sẽ không bị coi là hành vi gièm pha doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là suy luận, cần thiết phải có quy định rõ ràng về vấn đề này.
+ Bổ sung quy định về hành vi bán hàng hoá hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá) vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, hành vi bán hàng hoá hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ được tiếp cận điều chỉnh dưới góc độ pháp luật chống hạn chế cạnh tranh (Khoản 1, Điều 13 Luật Cạnh tranh). Tuy nhiên, nếu hành vi đó được thực hiện vì mục đích gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là đối thủ đối thủ cạnh tranh trong một thị trường hàng hoá, dịch vụ thì vẫn được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
+ Bổ sung hành vi quảng cáo quấy rầy vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 45 Luật CT hiện hành quy định hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh bằng cách liệt kê các hành vi quảng cáo cấm doanh nghiệp thực hiện. Nhưng tại điều luật này, không có quy định về hình thức quảng cáo có tính quấy rầy. Người tiêu dùng là đối tượng để các doanh nghiệp hướng đến khai thác và sẽ thuộc về doanh nghiệp nào có phương pháp để lôi kéo. Tuy nhiên, những phương pháp đó chỉ được thừa nhận nếu lành mạnh. Những phương pháp mà doanh nghiệp thực hiện nhằm có được khách hàng một cách không lành mạnh đã gián tiếp tước đi quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận và lựa chọn các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Quảng cáo quấy rầy khách hàng là một hiện tượng phổ biến hiện nay, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định nào điều chỉnh hành vi đó. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định nhằm ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ba là, hành vi bán hàng đa cấp nên quy định tại Luật Thương mại, sẽ phù hợp hơn quy định tại Luật CT.
Bán hàng đa cấp là một hành vi thương mại đặc thù. Các quy định chống bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nhằm bảo vệ những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, tránh khỏi sự lừa đảo của các doanh nghiệp kinh doanh dưới dạng này. Quan hệ đó không phải là quan hệ cạnh tranh hay tiêu dùng thông thường mà là quan hệ hợp đồng vì mục tiêu lợi nhuận, rất gần với hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng đại lý mà Luật Thương mại điều chỉnh.
Bốn là, phân định rõ ràng cơ chế xử lý vi phạm bằng các chế tài được quy định trong Luật CT với cơ chế xử lý vi phạm của các văn bản pháp luật khác.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được điều chỉnh không chỉ bởi Luật CT, mà còn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác. Do đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị xử lý bởi các chế tài hành chính nhưng theo nhiều hình thức khác nhau. Để tránh chồng chéo, đảm bảo tính quy phạm, thống nhất trong quá trình xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên quy về thủ tục xử lý mà Luật CT quy định hoặc cần thiết phải có những quy định rõ ràng phân định ranh giới về cơ chế và thủ tục xử lý giữa Luật CT với các văn bản pháp luật có liên quan.
Qua nghiên cứu cho thấy, khác với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam có thể vừa áp dụng các chế tài hành chính thông qua quyết định của cơ quan quản lý chuyên trách, vừa có thể áp dụng chế tài bồi thường dân sự theo cơ chế khởi kiện tại Toà án. Từ đó, có thể xảy ra nhiều trường hợp: Trước hết, chủ thể bị xâm hại tiến hành khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của chủ thể khác, sau đó khởi kiện ra Toà án để đòi bồi thường thiệt hại; hoặc vừa khiếu nại lên cơ quan quản lý cạnh tranh, vừa khởi kiện ra Toà án; hoặc chỉ khởi kiện ra Toà án để đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy, để đơn giản hoá thủ tục và phạm vi giải quyết các vụ kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế thực hiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý. Mặt khác, quy định rõ chức năng, thẩm quyền áp dụng chế tài của các cơ quan quản lý cạnh tranh với các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Năm là, hoàn thiện chế tài về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Luật CT năm 2004 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và điều chỉnh chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính. Hậu quả pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dưới giác độ của Luật CT. Vấn đề bồi thường dân sự đã không được quy định cụ thể mà dẫn chiếu đến pháp luật dân sự. Việc khởi kiện ra Toà án về hành vi cạnh tranh không lành mạnh để đòi bồi thường dân sự sẽ được áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo BLDS năm 2015. Như vậy, phải cần đến hai giai đoạn tố tụng tách biệt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Có nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn, giải thích để việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể thực hiện dễ dàng trong thực tế:
+ Xác định rõ chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Về nguyên tắc, người bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là người có quyền khởi kiện và thông thường là các doanh nghiệp cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bị thiệt hại là người tiêu dùng, nhưng họ không được khởi kiện mang tính tập thể, bởi theo khoản 7 Điều 8 Luật Bào vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ quy định:
“Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”. Quy định này được, người tiêu dùng với tư cách cá nhân được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện… khi quyền lợi của mình bị xâm hại. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, cơ chế khởi kiện tập thể của nguời tiêu dùng đã phát huy hiệu quả, pháp luật Việt Nam cũng nên thừa nhận cơ chế này. Đồng thời, tăng tính chuyên nghiệp của các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh.
+Về mức bồi thường thiệt hại và xác định mức bồi thường thiệt hại.
Việc xác định mức thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là vấn đề hết sức phức tạp. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản đã đơn giản hoá vấn đề này bằng cách đưa ra quy định, lợi nhuận thu được của chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ đương nhiên thuộc về chủ thể bị cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật Việt Nam cũng nên nghiên cứu học tập kinh nghiệm này.
Sáu là, Luật CT cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng chú ý đến mối liên hệ giữa Luật chống cạnh tranh không lành mạnh và các đạo luật chuyên ngành khác.
Nhiều quốc gia trên thế giới có nền kinh tế thị trường phát triển đã xây dựng các đạo luật hoàn chỉnh điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó bao gồm cả các quy định về hành chính, dân sự và hình sự, như Luật Cạnh tranh của Canada, Luật về độc quyền và thương mại lành mạnh của Hàn Quốc… Cách tiếp cận đó cho thấy, mối liên hệ giữa pháp luật cạnh tranh và các luật chuyên ngành khác liên quan đến việc điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện trong phạm vi của một đạo luật. Sự kết hợp giữa các chế tài hành chính, hình sự và dân sự được pháp điển hoá trong cùng một văn bản luật đã tạo được sự thống nhất trong quá trình áp dụng, không cần phải dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật có liên quan, tránh được tình trạng chồng chéo quy định của các lĩnh vực pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh một vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội.
Đối với Việt Nam, việc xây dựng một đạo luật bao gồm tất các loại chế tài như đã đề cập ở trên là khó thực hiện, vì các quan hệ kinh tế trong thị trường của chúng ta phát triển vẫn chưa ổn định, quan hệ cạnh tranh vẫn là vấn đề còn tương đối mới mẽ với thị trường Việt Nam. Sự dẫn chiếu đến các quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành vẫn là sự phù hợp đối với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Nhưng trong quá trình hoàn thiện và áp dụng Luật CT, cần chú ý đến mối quan hệ giữa Luật CT và các văn bản
pháp luật chuyên ngành.
Bảy là, chế tài phạt tiền còn nhiều bất cập.
Tuy đã được sửa đổi trong Nghị định 71/2014/NĐ-CP nhưng quy định khung tiền phạt thường nhanh chóng lạc hậu theo thời gian và không mang nhiều tính răn đe với các đối tượng vi phạm bởi có thể thấy, trên thực tế, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều hơn số tiền phạt họ phải gánh chịu. Bên cạnh đó, còn tồn tại sự không thống nhất mức phạt giữa các quy định pháp luật đối với cùng hành vi vi phạm. Ví dụ, liên quan đến hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật về chất lượng hàng hóa đã đăng kí (có thể nhằm cạnh tranh không lành mạnh) có 2 văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính với chủ thể có hành vi vi phạm, đó là:
+ Hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng bị xử lý theo Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP với mức phạt tiền 80.000.000 đến 140.000.000 đồng.
+ Hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị xử phạt theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng.
Sự khác biệt về mức tiền phạt có thể tạo nên sự thiếu công bằng khi áp dụng các văn bản pháp luật khác nhau để xử lý cùng một hành vi có mức độ như nhau, do đó, cần phải có được sự thống nhất giữa các lĩnh vực pháp luật khác nhau khi xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
ThS.LS Lê Văn Sua