Một số suy nghĩ về quyền xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng

01/06/2017
Trên diễn đàn Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua đã có nhiều ý kiến về các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm... được đề cập trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trước yêu cầu xử lý nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng, giải quyết nhanh bài toán phát mại tài sản, mà thực tế đang gặp nhiều rào cản, vướng mắc, chúng tôi xin có một số ý kiến về vấn đề nêu trên như sau:
1. Quy định hiện hành chưa thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hợp pháp, chưa đáp ứng được “kỳ vọng” của thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm
1.1. Xét ở góc độ hợp đồng, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm với thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất và tuân thủ yếu tố khách quan, trung thực, thiện chí. Xét ở góc độ nghiên cứu thì xử lý tài sản bảo đảm là một trong những “trụ cột” của pháp luật về giao dịch bảo đảm[1]. Trong khi đó, để có thể thực hiện được các thỏa thuận hợp pháp về xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế lại phụ thuộc nhiều vào thiện chí, tự nguyện của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản), từ giao tài sản bảo đảm để xử lý, xác định phương thức xử lý tài sản bảo đảm, giá bán tài sản bảo đảm đến thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua, người trúng đấu giá tài sản bảo đảm... Hệ quả tất yếu của tình trạng nêu trên là việc xử lý tài sản bảo đảm và khả năng hiện thực hóa các thỏa thuận hợp pháp trở nên “bấp bênh”.
Trước thực tế chủ sở hữu tài sản bảo đảm (bên bảo đảm) không hợp tác, con đường tố tụng (khởi kiện tại Tòa án) để yêu cầu được xử lý được tài sản và thu hồi nợ trở thành lựa chọn gần như là tất yếu của bên nhận bảo đảm[2], mặc dù trong nhiều vụ việc cụ thể vẫn không chắc chắn xử lý được tài sản bảo đảm, ngay cả khi bản án của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Xét ở góc độ kinh tế thì việc xử lý tài sản bảo đảm theo con đường tố tụng mất quá nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên nhận bảo đảm, làm phát sinh thêm chi phí xã hội, cũng như tạo “gánh nặng” cho nền kinh tế và cho chính nguồn lực ngân sách nhà nước.
1.2. Đánh giá khách quan cho thấy, các quy định về quyền thu giữ, quyền xử lý tài sản bảo đảm… hiện đang bị ràng buộc và hạn chế bởi các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khuôn khổ pháp lý hiện hành thực sự vẫn chưa đáp ứng được “kỳ vọng” của hoạt động xử lý tài sản bảo đảm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay[3]. Đây cũng là đánh giá chung của nhiều thể chế tài chính quốc tế đối với khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay có bảo đảm ở Việt Nam[4]. Do đó, giải pháp nghiên cứu, sửa đổi cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đã nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, các nhà khoa học, cũng như các nhà hoạt động thực tiễn, cụ thể như: Theo TS Trần Du Lịch (Chuyên gia kinh tế, tài chính) thì “Điều kiện tiên quyết để giải quyết được căn bản về nợ xấu là tháo gỡ những rào cản trong xử lý tài sản bảo đảm, đồng thời hình thành thị trường mua bán nợ. Để làm được điều này, cần có một đạo luật để giải quyết tất cả những rào cản đang tồn tại trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm thì mới xử lý được căn bản vấn đề nợ xấu”[5]. Cũng về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - luật, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) thì “toàn bộ chế độ pháp lý hiện hành về bảo đảm nghĩa vụ có những khuyết tật kỹ thuật cơ bản, nếu được đánh giá theo các tiêu chí được thiết lập trong các hệ thống pháp luật tiên tiến. Trong hoàn cảnh bức bách giữa một khung pháp lý bất cập, chủ nợ và cả người mắc nợ vẫn cần phải biết mình có quyền và có nghĩa vụ làm gì để giải quyết đến nơi đến chốn câu chuyện đòi nợ gai góc” và ở góc độ của một người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, ông Dương Thanh Minh (Giám đốc Công ty xử lý nợ của Ngân hàng Bắc Á) cho rằng “các quy định hiện hành không đề cao quyền chủ động này của TCTD, chưa có các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm quyền chủ động và đơn phương của TCTD khi xử lý tài sản bảo đảm nên hầu hết vụ việc nếu không thực hiện được theo thoả thuận (trong giai đoạn xử lý) đều phải khởi kiện, gây tốn kém về thời gian, chi phí, hiệu quả xử lý không cao (ví dụ, tài sản bị tẩu tán, thời gian kéo dài nên giảm sút giá trị,…), nhiều vụ việc giá trị thu hồi vốn không đáng kể, thậm chí mất vốn”.
2. Kiến nghị, đề xuất
Trong bối cảnh hiện nay, để tháo nút thắt về xử lý nợ xấu, pháp luật cần bảo vệ hài hòa lợi ích của các bên trong hợp đồng bảo đảm (bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm) và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế với quy trình xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm cả quyền thu giữ tài sản; quy trình khởi kiện…) thực sự nhanh chóng, hiệu quả, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất sau đây:  
2.1. Tiếp cận vấn đề xử lý tài sản bảo đảm ở góc độ kinh tế thị trường, từ đó cho phép bên nhận bảo đảm thực thi ngay các quyền xác lập trên tài sản bảo đảm đã được thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng, cũng như giúp bên nhận bảo đảm có khả năng tự mình xử lý khối tài sản bảo đảm và thu hồi “lợi ích bảo đảm” trên cơ sở thứ tự ưu tiên thanh toán được xác lập dựa trên thứ tự đăng ký quyền phát sinh từ việc nhận tài sản bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm).
2.2. Tạo lập hành lang pháp lý thúc đẩy việc bên nhận bảo đảm được quyền tiếp cận tài sản bảo đảm để xử lý nhanh chóng, hợp pháp. Theo đó, bên nhận bảo đảm có quyền tự mình thu hồi tài sản bảo đảm dựa trên nguyên lý “không vi phạm điều cầm, trái đạo đức xã hội”. Thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm cho thấy, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xử lý như hiện nay thì thời gian xử lý tài sản bảo đảm sẽ kéo dài, các thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm không được thực hiện nghiêm túc. Xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng, việc đề xuất giải pháp bên nhận bảo đảm được quyền thu giữ tài sản bảo đảm nhằm khắc phục bất cập nêu trên, đồng thời đây cũng là giải pháp phù hợp với nguyên tắc trong giao dịch bảo đảm (quyền của chủ nợ có bảo đảm). Dĩ nhiên, pháp luật cần quy định cụ thể về các điều kiện, trình tự phải đáp ứng trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm để loại bỏ nguy cơ phát sinh các tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy về mặt xã hội.  
2.3. Nghiên cứu áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm vì kinh nghiệm cho thấy “có 56 nước áp dụng quy trình tố tụng giản lược này, nhờ đó thời gian để tiến hành xử lý tài sản thế chấp ở những nước này ít hơn 50% so với những nước dùng các biện pháp xét xử khác”[6]. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế thi hành án dân sự hiệu quả, đảm bảo thực thi kết quả xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian sớm nhất với chi phí thấp nhất, từ đó tạo cơ sở cho bên nhận bảo đảm được thực hiện ngay các quyền hợp pháp của đối với tài sản bảo đảm như: Quyền nhận chính tài sản bảo đảm, quyền bán tài sản bảo đảm mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu nếu vi phạm thỏa thuận đã được giao kết.
2.4. Kết quả xử lý tài sản bảo đảm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản), bên nhận bảo đảm (bên hưởng lợi từ việc xử lý tài sản bảo đảm) và các chủ thể khác có lợi ích liên quan (cơ quan nhà nước, người mua, người nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm ngay tình)..., trong khi quá trình xử lý tài sản bảo đảm rất dễ xảy ra tranh chấp giữa các bên liên quan đến tài sản bảo đảm, do vậy về lâu dài cần thiết lập một hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm thực sự đồng bộ, tiệm cận với nguyên lý của pháp luật hợp đồng và giá trị lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường./.
Hồ Quang Huy
 
[1] IFC: Khuyến nghị của Nhóm Ngân hàng thế giới cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ).
[2] Dĩ nhiên sẽ vẫn có những lựa chọn khác ngoài con đường Tòa án, ví dụ như vụ VPBank AMC thu giữ tài sản bảo đảm là Phòng 1401 Tòa nhà 17T2, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. 
[3] Theo số liệu báo cáo thì “việc bán tài sản bảo đảm bao gồm phát mại, thi hành án để thu hồi nợ của VAMC chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%” (nguồn: VAMC đang quá sức/Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2017)
[4] WB và IMF: Báo cáo đánh giá khu vực tài chính Việt Nam tháng 6/2014 (trang 11).
[5] TS Trần Du Lịch: Cần giải quyết căn cơ trong xử lý nợ xấu/ Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2017.
[6]Theo ấn phẩm Môi trường kinh doanh năm 2006 do Ngân hàng thế giới và Công ty Tài chính quốc tế đồng xuất bản