Hoàn thiện quy định về giữ bí mật, cung cấp thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng

09/03/2017
Nghị định 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng (Nghị định 70) được ban hành ngày 21/11/2000 và có hiệu lực ngày 06/12/2000, hướng dẫn Điều 17 và Điều 104 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 1997. Nghị định bao gồm 3 Chương, 11 Điều, quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản của khách hàng.
Sau gần 16 năm thi hành, Nghị định 70 tạo cơ sở pháp lý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản của khách hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần gia tăng niềm tin của khách hàng đối với TCTD, thúc đẩy hoạt động của TCTD an toàn, hiệu quả. Nhằm triển khai Nghị định 70,  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2001/TT-NHNN ngày 04/4/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 70 (Thông tư 02) và Quyết định số 1004/2001/QĐ-NHNN ngày 08/8/2001sửa đổi tiết a điểm 2.2 Mục II Thông tư 02. Nghị định 70 và các văn bản hướng dẫn Nghị định 70 đã tạo hành lang pháp lý cũng như hướng dẫn các nội dung cần thiết về việc giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin, bí mật thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các TCTD, quy định rõ hình thức, thẩm quyền, các hồ sơ, tài liệu kèm theo khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, hướng dẫn việc xử lý các vi phạm tiết lộ các thông tin ra ngoài, cung cấp thông tin không đúng đối tượng hoặc không tuân thủ đúng các quy định và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạo khung pháp lý minh bạch cho hoạt động của các TCTD, nâng cao trách nhiệm cho cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, nghĩa vụ của TCTD giữ bí mật thông tin khách hàng theo quy định của Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay còn chưa đầy đủ, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và các cơ quan chức năng đã gặp khó khăn, vướng mắc khi yêu cầu cung cấp và cung cấp thông tin khách hàng liên quan đến một số quy định tại Nghị định 70 và Thông tư 02. Tình hình này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết tổng kết việc thi hành, đánh giá lại các quy định của Nghị định 70 để có phương án ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 70.
Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích những vướng mắc, bất cập của Nghị định 70 và các văn bản hướng dẫn qua thực tiễn thi hành, từ đó đề xuất hướng hoàn thiện như sau:
I. NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP CỦA NGHỊ ĐỊNH 70
1. Vướng mắc về phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Khoản 2 Điều 14 Luật các TCTD năm 2010 quy định: “TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài”.
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 70 về phạm vi áp dụng quy định: “Nghị định này quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp các thông tin có liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng gửi tại các TCTD, tại các tổ chức không phải là TCTD có hoạt động ngân hàng (gọi chung trong Nghị định này là tổ chức) theo quy định của Luật Các TCTD”.
Như vậy, phạm vi bảo mật thông tin của Nghị định 70 đang hẹp hơn, chưa bao quát đầy đủ phạm vi theo quy định của Luật các TCTD năm 2010. Theo đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định 70 quy định phạm vi điều chỉnh thông tin khách hàng chỉ bao gồm tiền gửi và tài sản gửi trong khi phạm vi quy định tại Luật các TCTD năm 2010 bao gồm tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng, khách hàng cũng có nhu cầu được giữ bí mật thông tin mà họ cung cấp cho TCTD hay thông tin mà TCTD thu thập được. Ví dụ: hồ sơ pháp lý, hồ sơ vay vốn, hồ sơ kinh tế, hồ sơ bảo đảm tiền vay, các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp; thông tin về tình hình tín dụng, bảo lãnh, tài sản thế chấp của khách hàng hay các thông tin tài liệu liên quan đến quy trình, quy định nội bộ của ngân hàng... Đây là những thông tin có mức độ quan trọng không kém các thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng, nếu sử dụng không đúng mục đích có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng cũng như TCTD.
2. Vướng mắc về cơ quan có thẩm quyền yêu cầu TCTD cung cấp thông tin khách hàng
Khoản 4 Điều 5 Nghị định 70[1] quy định về cá nhân, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng, bao gồm: khách hàng, Tổng Giám đốc tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 70 có hiệu lực đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành liên quan đến thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài như: Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật các TCTD năm 2010, Luật thanh tra năm 2010, Luật kiểm toán Nhà nước năm 2015, Luật quản lý thuế năm 2006, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012,… Trên thực tế, một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác cũng có nhu cầu được cung cấp thông tin[2] như:
- Cơ quan hải quan (Tổng Cục hải quan, Cục hải quan, Chi Cục hải quan);
- Cơ quan quản lý thuế (Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế) để phục vụ công tác cưỡng chế thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 11 Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BTC-NHNN;
- Cục thi hành án dân sự (chấp hành viên, Văn phòng Thừa phát lại), người được thi hành án theo quy định tại:
+ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Khoản 4 Điều 20 Luật thi hành án dân sự năm 2008.
+ Điểm đ khoản 1 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014.
- Cục Quản lý cạnh tranh, Cục chống cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 05/02/2013 của Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh.
- Cơ quan điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ quan khác của Công an; Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định tại:
+ Khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
+ Khoản 3 Điều 10 và điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
+ Khoản 1 Điều 34, Điều 88, khoản 2 Điều 236, khoản 2 Điều 252 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Một số cá nhân, cơ quan khác theo khoản 1 Điều 7 Luật phá sản năm 2014;
- Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, văn phòng luật sư…
- Việc cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng theo quy định của Đạo luật Tuân thủ thuế tài khoản nước ngoài (FATCA).
Ngoài ra, Nghị định 70 chưa quy định điều chỉnh đối với trường hợp khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc chết, do vậy, khách hàng không được bảo vệ quyền lợi khi phát sinh các rủi ro nội tại từ phía khách hàng.
Vì vậy, việc liệt kê các cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền được quyền yêu cầu TCTD cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng như quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 70/2000/NĐ-CP là chưa đầy đủ và chưa phù hợp với quy định hiện hành.
          3. Vướng mắc về việc cung cấp thông tin giữa các TCTD trong nước; TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài khác
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 70 thì các TCTD được phép cung cấp cho nhau về các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 14 Luật các TCTD năm 2010 quy định: “TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”. Do đó, quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 70 không còn phù hợp với quy định của Luật các TCTD năm 2010.
4. Vướng mắc liên quan đến việc cung cấp thông tin phải được lập thành “Biên bản cung cấp thông tin”
Khoản 2 Điều 7 Nghị định 70 quy định việc cung cấp thông tin phải được lập thành “Biên bản cung cấp thông tin”.
Quy định này có nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi, gây khó khăn cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và các cơ quan chức năng của Bộ Công an trong việc yêu cầu và cung cấp thông tin, làm chậm trễ việc phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Ví dụ: trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền gửi yêu cầu cung cấp thông tin qua đường công văn (tài liệu được cung cấp qua đơn vị chuyển phát nhanh, thư đảm bảo qua bưu điện) và không cử cán bộ đến trụ sở để nhận tài liệu; trường hợp mặc dù TCTD đã lập Biên bản cung cấp thông tin và đề nghị bên yêu cầu cung cấp thông tin ký và gửi lại Biên bản nhưng không nhận lại được Biên bản (hoặc chậm nhận được Biên bản) dẫn đến việc cung cấp thông tin không thể diễn ra hoặc diễn ra chậm so với thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin ban đầu.
5. Vướng mắc liên quan đến yêu cầu về tài liệu chứng minh lý do cung cấp thông tin đối với các tổ chức
Thông tư 02/2001/TT-NHNN ngày 04/04/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Nghị định 70 cũng có bất cập liên quan tới yêu cầu về tài liệu chứng minh lý do yêu cầu cung cấp thông tin. Cụ thể: điểm d khoản 2.2 Điều 2 Thông tư 02 quy định văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải có đầy đủ các nội dung, trong đó có “Các tài liệu có liên quan đến việc đang tiến hành thanh tra, điều tra (như Quyết định thanh tra; Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; các tài liệu chứng minh việc thanh tra, điều tra có liên quan trực tiếp đến khách hàng)”.
Quy định này đã gây vướng mắc cho TCTD và cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin vì trên thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan chức năng không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc đang tiến hành thanh tra, điều tra, những vụ việc vẫn đang trong giai đoạn thu thập thông tin, chứng cứ để phục vụ công tác xác minh thông tin, lập chuyên án và chưa đến giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can… nên chưa có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo đó, nội dung văn bản yêu cầu cung cấp thông tin chưa thể hiện rõ phạm vi và mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin mà chỉ ghi chung chung là phục vụ điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội hoặc xác minh đơn thư hay chỉ là giấy giới thiệu cán bộ đến làm việc và trực tiếp yêu cầu cung cấp thông tin. Do vậy, TCTD gặp khó khăn trong việc cân nhắc đưa ra quyết định cung cấp hoặc từ chối cung cấp cho cơ quan yêu cầu cung cấp thông tin các tài liệu này.
6. Vướng mắc về việc TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin ra nước ngoài
Hiện nay, các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang dựa trên quy định tại Nghị định 70 để cung cấp thông tin cho hội sở chính và các chi nhánh khác của ngân hàng mẹ tại nước ngoài. Việc các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng cho ngân hàng mẹ/chi nhánh khác của ngân hàng tại nước ngoài là hoạt động cần thiết, đảm bảo việc ngân hàng mẹ có thể kiểm soát được hoạt động của các chi nhánh trên khắp thế giới. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quy định rõ tại Nghị định 70 về đối tượng được cung cấp như:
- Ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh của ngân hàng mẹ ở nước khác: nhằm thực hiện nghiệp vụ giao dịch, quản lý tín dụng, rủi ro toàn hệ thống và trong trường hợp phát hiện các giao dịch nghi ngờ liên quan đến rửa tiền (phục vụ cho hoạt động nội bộ).
- Ngân hàng nước ngoài là ngân hàng đại lý của ngân hàng: trong trường hợp phát hiện các giao dịch nghi ngờ liên quan đến rửa tiền.
          7. Vướng mắc liên quan đến căn cứ ban hành
Khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực: “4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở xây dựng, ban hành Nghị định 70 đã hết hiệu lực như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật các TCTD năm 1997; Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 1991…
Đồng thời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong những năm qua có nhiều thay đổi, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến việc giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng như: Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật các TCTD năm 2010, Luật thanh tra năm 2010, Luật kiểm toán Nhà nước năm 2015, Luật quản lý thuế năm 2006, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012,…
II. KIẾN NGHỊ
1. Mục đích
Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 70 nhằm đạt được những mục đích cơ bản sau đây:
1.1. Bảo vệ lợi ích của khách hàng
- Việc mở rộng phạm vi thông tin khách hàng đối với tài khoản và các giao dịch của khách hàng tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với khách hàng, đảm bảo bí mật toàn bộ thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
- Việc mở rộng đối với tất cả các trường hợp tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin quy định tại Luật và Pháp lệnh có liên quan (người đại diện theo pháp luật, người giám hộ hoặc người thừa kế của khách hàng được quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng trong trường hợp khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc chết) giúp xem xét và xử lý các rủi ro nội tại của khách hàng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng được bảo vệ một cách toàn diện.
1.2. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài trong việc cung cấp thông tin khách hàng
- Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với thông tin khách hàng bao gồm thông tin về tài khoản và giao dịch của khách hàng tạo điều kiện cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có cơ sở pháp lý để cung cấp thông tin khách hàng khi các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng liên quan đến hồ sơ vay vốn, hồ sơ kinh tế, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp; thông tin về tình hình tín dụng, bảo lãnh, tài sản thế chấp của khách hàng;…
- Việc không yêu cầu lập thành Biên bản giao nhận thông tin khách hàng đối với trường hợp cung cấp thông tin khách hàng gián tiếp (cung cấp thông tin khách hàng thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính; cung cấp thông tin khách hàng qua phương tiện điện tử) giúp đảm bảo hiệu quả việc cung cấp thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên, trong đó có TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
1.3. Xử lý khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp tài liệu chứng minh lý do cung cấp thông tin khách hàng
Việc không yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cung cấp tài liệu chứng minh lý do cung cấp thông tin khách hàng (quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; bản án, quyết định thi hành án;…) nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trinh sát (thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác xác minh) đối với các đối tượng nghi vấn, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…
1.4. Đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thẩm quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin,… theo quy định tại Nghị định 70 được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định tại Luật các TCTD 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Kiến nghị cụ thể
Nhằm giải quyết những bất cập tồn tại của Nghị định 70 và các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài trong việc đảm bảo bí mật và cung cấp thông tin khách hàng, góp phần tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Bộ Công an, tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng được bảo vệ một cách triệt để nhất, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau:
2.1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Kiến nghị sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 70 theo hướng tham chiếu quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật các TCTD năm 2010, theo đó, bổ sung thêm “tài khoản”, “các giao dịch của khách hàng” vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 70.
2.2. Thẩm quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng
Nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với yêu cầu thực tế, tháo gỡ khó khăn cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc yêu cầu cung cấp và cung cấp thông tin khách hàng, kiến nghị mở rộng đối với tất cả các trường hợp tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin quy định tại Luật và Pháp lệnh có liên quan. Trong đó, cần liệt kê cụ thể các trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin giúp thuận lợi cho việc tra cứu và áp dụng văn bản. Bao gồm:
 - Người đại diện theo pháp luật, người giám hộ hoặc người thừa kế của khách hàng trong trường hợp khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, chết;
- Người được thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự;
- Cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, cưỡng chế thuế thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác xác minh. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị nghiệp vụ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng;
- Các tổ chức quốc tế mà Chính phủ Việt Nam hoặc Ngân hàng Nhà nước có cam kết cung cấp thông tin, Chính phủ các nước theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và không tiết lộ cho bên thứ ba;
- Tổ chức, cá nhân khác có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Luật và Pháp lệnh.
2.3. Việc cung cấp thông tin giữa các TCTD trong nước; TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài khác
Kiến nghị bỏ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 70 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, xử lý bất cập của Nghị định 70 về quy định cho phép TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài khác và giải quyết được vấn đề mâu thuẫn với Luật các TCTD.
2.4. Về Biên bản cung cấp thông khi giao nhận thông tin khách hàng
Kiến nghị sửa đổi theo hướng chỉ quy định việc lập Biên bản cung cấp thông tin đối với trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp (tổ chức, cá nhân cử người trực tiếp đến nhận thông tin khách hàng), cụ thể: đối với trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp thì việc giao nhận thông tin khách hàng phải được lập thành Biên bản, có chữ ký của người có thẩm quyền theo phân cấp của TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và cá nhân, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin hoặc người được cá nhân, tổ chức ủy quyền trực tiếp nhận thông tin khách hàng. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Đối với trường hợp cung cấp thông tin gián tiếp (qua tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính) và cung cấp thông tin thông qua phương tiện điện tử, do đã có bằng chứng về việc giao nhận thông tin nên không quy định phải lập thành Biên bản cung cấp thông tin. Quy định này giúp giảm thủ tục cho tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo điều kiện cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng kịp thời hạn yêu cầu.
2.5. Về quy định cung cấp tài liệu chứng minh lý do yêu cầu cung cấp thông tin
Nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ ở giai đoạn tiền tố tụng như: thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác xác minh, lập chuyên án, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các sai phạm liên quan đến tổ chức, cá nhân và tháo gỡ vướng mắc cho TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 02/2001/TT-NHNN theo hướng phân tách quy định yêu cầu tài liệu chứng minh lý do yêu cầu cung cấp thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng: (i) đối với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an khi thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ công tác xác minh, lập chuyên án; (ii) đối với các cơ quan nhà nước khác. Cụ thể:
-  Đối với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an khi thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ công tác xác minh, lập chuyên án: không yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh lý do yêu cầu cung cấp thông tin. Tuy nhiên, để tránh lạm quyền, kiến nghị quy định giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị nghiệp vụ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, đồng thời quy định rõ văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phải do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp và Cục trưởng, Phó Cục trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ quốc phòng; Giám đốc, Phó Giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký;
- Đối với các cơ quan nhà nước khác: yêu cầu tài liệu chứng minh lý do cung cấp thông tin.
2.6. Việc TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin ra nước ngoài, lưu giữ thông tin ở nước ngoài 
Việc các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng cho ngân hàng mẹ/chi nhánh khác của ngân hàng tại nước ngoài là hoạt động cần thiết, đảm bảo việc ngân hàng mẹ có thể kiểm soát được hoạt động của các chi nhánh trên khắp thế giới. Do vậy, kiến nghị bổ sung quy định để làm rõ việc chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (i) được cung cấp thông tin cho ngân hàng mẹ/chi nhánh khác của ngân hàng; (ii) được lưu trữ thông tin tại máy chủ của ngân hàng mẹ đặt tại nước ngoài. 
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 22/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/02/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện TCTD nước ngoài tại Việt Nam: "Cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước nguyên xứ, ngân hàng mẹ, Ngân hàng nước ngoài được thanh tra, kiểm tra hoạt động của chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam". Do vậy, kiến nghị bổ sung quy định cho phép các TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được cung cấp thông tin cho cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước ngoài.
Các kiến nghị này giúp TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài giảm thiểu thủ tục khi cần báo cáo cho ngân hàng mẹ, đảm bảo việc ngân hàng mẹ có thể kiểm soát được hoạt động của các chi nhánh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến nghị này cũng giúp các TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin cho cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước ngoài mà không cần phải xin phép. Như vậy, về tổng thể, kiến nghị này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động nội bộ của TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.                                                                                                                                                                                                                                                                           
2.7. Về căn cứ ban hành Nghị định
Kiến nghị thay thế các văn bản là căn cứ ban hành của Nghị định 70 đã hết hiệu lực thi hành như: Luật tổ chức Chính phủ năm 1992; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật các TCTD năm 1997; Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 1991 bằng các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010; Luật các TCTD năm 2010; Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000.
                                                                                       An Nhiên
 
[1] Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, văn bản yêu cầu tổ chức cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do những người có thẩm quyền sau đây ký:
a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thẩm phán Toà án nhân dân thực hiện theo quy định tại các văn bản do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự, Chánh án, Phó Chánh án Toà án quân sự, Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu trở lên;
c) Cục trưởng, Phó Cục trưởng các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Giám đốc, Phó Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp Bộ, cơ quan điều tra của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân Việt Nam cấp quân khu trở lên;
d) Chấp hành viên hoặc Thủ trưởng các cơ quan thi hành án các cấp được giao thi hành các bản án theo quyết định của Toà án các cấp;
đ) Tổng Thanh tra Nhà nước, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra thuộc các tổ chức thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra được thành lập theo quy định của pháp luật về thanh tra, xét giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên”.
[2] Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.