Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015

02/03/2017
Thời hiệu khởi kiện là một vấn đề pháp lý rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực từ dân sự, hình sự cho đến hành chính. Thời hiệu khởi kiện thậm chí có thể được xem là một trong những điều kiện được xem xét đầu tiên để đánh giá một chủ thể có hay không có quyền khởi kiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về vấn đề thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định cụ thể tại Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì “thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc mất quyền khởi kiện”.
Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: (1) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; (2) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; (3) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyêt khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày. 
Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau: (1) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; (2) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.
Trên cơ sở so sánh các quy định hiện thời của pháp luật liên quan về thời hiệu khởi kiện trong đó có thời hiệu khởi kiện hành vi hành chính về đất đai theo Luật Đất đai, Luật TTHC quy định rõ thời hiệu khởi kiện theo từng nội dung khởi kiện của đương sự. Theo đó, đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Đối với khiếu kiện về các quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì thời hiệu khởi kiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Đối với khiếu kiện về kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri thì thời hạn khởi kiện kéo dài từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc từ ngày kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri cho đến trước ngày bầu cử 5 ngày.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện các vụ án hành chính được tính căn cứ vào nội dung khởi kiện. Ngoài ra, trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính.
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Như vậy có thể hiểu rằng, một chủ thể chỉ có quyền khởi kiện trong khoảng thời gian mà thời hiệu đó đặt ra, cá nhân sẽ đương nhiên mất quyền khởi kiện nếu quá thời hiệu đó.
Về cơ bản, thời hiệu khởi kiện đối với một vụ án hành chính được chia làm hai trường hợp:
Thứ nhất, áp dụng đối với những chủ thể thực hiện khởi kiện vụ án hành chính một cách trực tiếp mà trước đó không sử dụng thủ tục khiếu nại hành chính. Trường hợp khởi kiện trong trường hợp này được xác định là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; từ ngày kết thúc nhận được kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không đươc giải quyết đối với danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày.
Thứ hai, áp dụng đối với những chủ thể trước khi khởi kiện vụ án hành chính đã tiến hành khiếu nại hành chính. Theo đó, thời hiệu trong trường hợp này được tính như sau: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời cho người khiếu nại hoặc không giải quyết
Chẳng hạn như, ngày 01/8/2015, Bà A nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện B. Đến ngày 10/8/2015, bà A làm đơn khiếu nại đến UBND huyện B về quyết định thu hồi đất này, tuy nhiên UBND huyện B không giải quyết khiếu nai. Trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định thu hồi đất này sẽ tính từ thời điểm hết thời hạn giải quyết khiếu nại (10/8/2015) và thời điểm kết thúc thời hiệu khởi kiện sẽ là 10/8/2016 (thời hiệu 01 năm).
Hoặc trường hợp ông H là người thành lập doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, nhưng khi hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ông H vẫn không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là kể từ ngày hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Do vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyêt hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó; Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải

Tài liệu tham khảo
 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015