Phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm theo Bộ luật hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

06/03/2017
Bỏ qua vấn đề Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đang phải lùi thời gian có hiệu lực do mắc nhiều sai sót kỹ thuật, nghiên cứu những quy định liên quan đến đồng phạm và phân hóa trách nhiệm hình sự (TNHS) trong đồng phạm được quy định trong BLHS năm 2015 có thể thấy, mặc dù đã có nhiều sự sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng những quy định của BLHS năm 2015 về đồng phạm và phân hóa TNHS trong đồng phạm vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Trong thời gian BLHS năm 2015 đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung, tác giả mong muốn được trao đổi và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau về đồng phạm và việc phân hóa TNHS trong đồng phạm.
1. Những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về đồng phạm và phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Thứ nhất, về nội dung điều luật định nghĩa người đồng phạm (Điều 17 BLHS năm 2015): Vẫn còn đơn giản và chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm, cụ thể như sau:
- Dạng người thực hiện tội phạm thông qua người khác mà người này không phải chịu TNHS đã có trong lý luận khoa học và thực tiễn pháp luật hình sự Việt Nam cũng như trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, nhưng chưa chính thức được ghi nhận trong định nghĩa về người thực hành. Trong BLHS cũng chưa ghi nhận thuật ngữ “người đồng thực hiện” trong khi đó đây là loại người đồng phạm xảy ra tương đối phổ biến trong thực tiễn.
- Định nghĩa người tổ chức: Khoản 3 Điều 17 BLHS 2015 liệt kê các dạng người tổ chức, nhưng tên gọi trừu tượng và cũng không được định nghĩa chính thức trong BLHS - chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy. Nhà làm luật đã sử dụng những thuật ngữ không rõ để định nghĩa cho thuật ngữ chưa biết.
- Định nghĩa người xúi giục : Khoản 3 Điều 17 BLHS 2015 liệt kê một số thủ đoạn của người xúi giục có thể thực hiện: Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy. Việc liệt kê như vậy chưa khái quát được các dấu hiệu cơ bản của người xúi giục mà chỉ phản ánh được một số biểu hiện cụ thể.
Thứ hai, về thuật ngữ luật hình sự của chế định đồng phạm và phân hóa TNHS trong đồng phạm:
- Thuật ngữ “người thực hành” cần được sửa đổi thành “người thực hiện”. Bởi vì, thực hành có thể được hiểu theo hai nghĩa: Áp dụng lý thuyết vào thực tế và nghĩa vụ thực hiện. Thuật ngữ “người thực hành” theo BLHS được hiểu theo nghĩa “người thực hiện”. Do đó, việc sửa đổi thuật ngữ “người thực hành” thành “người thực hiện” làm cho thuật ngữ rõ ràng hơn.
- Thuật ngữ “phạm tội có tổ chức” cần được sửa đổi thành “đồng phạm có tổ chức”, bởi vì phạm tội có tổ chức là một trường hợp đặc biệt của hình thức phạm tội là đồng phạm.
Thứ ba, về TNHS của các loại người tham gia thực hiện tội phạm thì hiện chưa có quy định về mức độ TNHS của từng loại người đồng phạm. Theo chúng tôi, cần khẳng định người xúi giục phải chịu TNHS như người thực hiện tội phạm; người giúp sức được giảm nhẹ TNHS hơn người thực hiện tội phạm; người tổ chức chịu trách nhiệm cao hơn người thực hiện tội phạm.
Thứ tư, chưa có điều luật quy định về tổ chức tội phạm cũng như trách nhiệm của người thành lập và tham gia tổ chức tội phạmTrong khi đó, ở Việt Nam, thực tiễn đấu tranh chống tội phạm nói chung và đặc biệt tội phạm do các băng, nhóm tội phạm gây ra ngày càng tăng. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Việt Nam không thể đi ngược với xu hướng chung của thế giới là tăng cường đấu tranh chống tội phạm có tổ chức bằng việc đưa vào BLHS quy định tổ chức tội phạm trong Phần chung, bổ sung tội danh thành lập và tham gia tổ chức tội phạm trong Phần các tội phạm, tại Chương quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Theo đó, người thành lập, người tham gia tổ chức tội phạm phải chịu TNHS về hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS. Ngoài ra, người thành lập, tham gia tổ chức tội phạm còn phải chịu TNHS về tội phạm cụ thể do tổ chức tội phạm đó thực hiện.
Thứ năm, chưa có điều luật quy định về mặt lập pháp hình sự: Các nguyên tắc xác định TNHS trong đồng phạm, bao gồm:
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm: Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng một tội phạm tương ứng của BLHS, chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu TNHS, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm: Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn TNHS thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó; việc miễn TNHS hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ TNHS cho những người đồng phạm khác.
- Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm: việc xác định TNHS đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của người đồng phạm.
Thứ sáu, chưa có điều luật nào trực tiếp quy định về TNHS của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong các giai đoạn thực hiện tội phạm.
Thứ bảy, chưa có điều luật quy định về tự ý nửa chứng chấm dứt việc phạm tội của từng loại người trong đồng phạm.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự về đồng phạm và phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Từ những phân tích, đánh giá trên, chúng tôi cho rằng cần tiếp hoàn thiện chế định đồng phạm và phân hóa TNHS trong đồng phạm với những quy phạm có nội dung như sau:
Điều… Hình thức thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm
1. Người thực hiện tội phạm là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc trực tiếp tham gia vào việc thực hiện tội phạm cùng những người khác hoặc thực hiện tội phạm thông qua người khác mà theo các quy định của Bộ luật này người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp có nhiều người cùng thực hiện, mỗi người thực hiện được gọi là người đồng thực hiện và phải chịu trách nhiệm hình sự như là người thực hiện tội phạm.
2. Người xúi giục phạm tội là người cố ý thúc đẩy người khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm do cố ý. Người xúi giục phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự như người thực hiện tội phạm.
3. Người giúp sức phạm tội là người cố ý tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho người khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm do cố ý. Người giúp sức phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn so với người thực hiện tội phạm.
4. Người tổ chức phạm tội là người tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm do cố ý. Người tổ chức phạm tội chịu trách nhiệm tăng nặng hơn nguời thực hiện tội phạm.
Điều … Đồng phạm
1. Đồng phạm là hình thức phạm tội có hai người trở lên cố ý cùng tham gia thực hiện tội phạm với vai trò là người thực hiện, người xúi giục, người giúp sức hoặc người tổ chức.
2. Đồng phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ của những người cùng tham gia thực hiện tội phạm.
Điều … Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
1. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm: Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng một tội phạm tương ứng của BLHS, chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.
2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm: Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác. Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó. Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người đồng phạm khác.
3. Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm: việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của người đồng phạm.
Điều … Đồng phạm hoàn thành
1. Hành vi thực hiện tội phạm hoàn thành khi trong hành vi do người thực hiện tội phạm thực hiện có đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật tương ứng tại Phần các tội phạm Bộ luật này.
2. Hành vi xúi giục phạm tội hoàn thành khi hành vi của người xúi giục phạm tội kích động, dụ dỗ, thúc đẩy được việc tham gia thực hiện một tội phạm cụ thể của một người đồng phạm cụ thể.
3. Hành vi giúp sức phạm tội hoàn thành khi hành vi của người giúp sức phạm tội tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần đã được sử dụng để tham gia thực hiện một tội phạm cụ thể.
4. Hành vi tổ chức phạm tội hoàn thành khi hành vi của người tổ chức phạm tội tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác có hành vi tham gia thực hiện tội phạm trên thực tế.
Điều … Đồng phạm chuẩn bị phạm tội
1. Đối với trường hợp cùng thực hiện, hành vi thực hiện tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là khi tội phạm chung bị dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị.
2. Hành vi chuẩn bị xúi giục thực hiện tội phạm là hành vi của người xúi giục tạo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tham gia thực hiện tội phạm được dễ dàng hơn nhưng chưa thực hiện hành vi xúi giục hoặc người xúi giục chấp nhận đề nghị của người khác sẽ thúc đẩy một hoặc một số người nhất định thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tội phạm cụ thể.
3. Hành vi chuẩn bị giúp sức thực hiện tội phạm là hành vi của người giúp sức tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo các điều kiện về vật chất và tinh thần khác cho việc thực hiện tội phạm chung được dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng chưa thực hiện hành vi tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho việc tham gia thực hiện tội phạm chung hoặc người giúp sức chấp nhận đề nghị của người khác sẽ tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho việc thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tội phạm cụ thể.
4. Hành vi chuẩn bị tổ chức thực hiện tội phạm là hành vi của người tổ chức thực hiện tội phạm tạo điều kiện cần thiết cho việc tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác tham gia thực hiện tội phạm cụ thể nhưng chưa có hành vi tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác tham gia thực hiện tội phạm cụ thể hoặc người tổ chức thực hiện tội phạm chấp nhận đề nghị của người khác sẽ thành lập hoặc điều khiển cho một hoặc một số người nhất định thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tội phạm cụ thể.
5. Người thực hiện tội phạm, người xúi giục phạm tội, người giúp sức phạm tội, người tổ chức phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm có tổ chức. Trong các vụ án có đồng phạm khác, chỉ có người thực hiện tội phạm và người tổ chức phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều … Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tự dừng việc phạm tội trong đồng phạm
1. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ tự dừng việc phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tuy không có gì ngăn cản.
2. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ tự dừng việc phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và có hành động tích cực làm mất tác dụng của hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức việc phạm tội trước đó của mình.
Những hành động tích cực của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm tuy không làm mất tác dụng của hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức việc phạm tội trước đó của mình thì vẫn có thể được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Điều …Tổ chức tội phạm
1. Tổ chức tội phạm là nhóm gồm từ ba người trở lên có sự liên kết tương đối chặt chẽ, bền vững giữa các thành viên, được hình thành có tính chất lâu dài nhằm mục đích thực hiện các tội phạm.
2. Người thành lập, nguời tham gia tổ chức tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm theo quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật này. Người thành lập còn phải chịu trách nhiệm hình sự là người tổ chức về các tội phạm cụ thể mà tổ chức tội phạm thực hiện. Người tham gia còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm cụ thể mà tổ chức tội phạm đã thực hiện và họ cũng là người thực hiện hoặc tham gia thực hiện.
Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII đã quyết nghị: “...Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, …. từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành,…”. Thiết nghĩ, cùng với việc khắc phục những sai sót về kỹ thuật dẫn đến phải lùi thời gian có hiệu lực của BLHS năm 2015, nhiều vấn đề khác cần sửa đổi, bổ sung, trong đó có chế định đồng phạm và phân hóa TNHS trong đồng phạm, cũng cần được nghiên cứu, chuẩn bị và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ./.
     Th.S Nguyễn Văn Đổng