1. Tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật bao gồm việc thực hiện pháp luật phải đạt được các mục tiêu chính sách đề ra; chi phí thực hiện pháp luật phải hợp lý; đảm bảo tôn trọng quyền con người; việc tổ chức thực hiện pháp luật phải phù hợp với hệ thống pháp luật; đảm bảo sự công bằng, nhất quán và nghiêm minh; công khai, minh bạch. Việc đo hiệu lực và hiệu quả THPL phải dựa trên cả yếu tố định tính và định lượng.
Nếu xét đến tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật thì hiện nay, hoạt động thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên các phương diện hoạt động chính là: (1) Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật; kiểm tra, xử lý văn bản; (2) Ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp thực hiện, trong đó có hoạt động thông tin, phổ biến tuyên truyền pháp luật; (3) Tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật; (4) Đảm bảo các điều kiện thi hành như nguồn lực, tài chính, tổ chức bộ máy, cán bộ; (5) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng đã đưa ra những tiêu chí để đánh giá tình hình thi hành pháp luật như sau:
Nghị định 59/2012/NĐ-CP: Tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật:
Điều 8. Nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết.
2. Tính thống nhất, đồng bộ của văn bản.
3. Tính khả thi của văn bản.
Điều 9. Nội dung xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật
1. Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật.
2. Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật.
3. Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.
Điều 10. Nội dung xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật
1. Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.
2. Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.
3. Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. |
Để hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BTP quy định chi tiết thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP, tuy nhiên, những tiêu chí trên vẫn được trích dẫn vào Thông tư mà chưa có sự cụ thể hóa chi tiết hơn.
Thực tiễn theo dõi thi hành pháp luật trong những năm qua cho thấy, về cơ bản các nhóm tiêu chí mà Nghị định 59/2012/NĐ-CP đưa ra vẫn còn chung chung, có một số tiêu chí, việc đánh giá trên thực tế vẫn còn cảm tính, chưa thực sự thuyết phục, thể hiện trên một số điểm cơ bản sau:
(i) Tiêu chí về đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật: Đối với nhóm tiêu chí này, hiện nay việc đánh giá chủ yếu dựa trên đánh giá định lượng về số lượng văn bản đã ban hành, chậm ban hành, chưa ban hành. Như vậy, ở nhóm tiêu chí này, việc đánh giá mới chỉ dừng lại ở tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản. Việc đánh giá tình hình thực thi, tính khả thi của văn bản chưa được chú trọng trên thực tế. Trong khi đó, nếu xét về tính hiệu quả của thi hành pháp luật thì những tiêu chí như “việc thi hành pháp luật có đạt được các mục tiêu chính sách đề ra hay không? chi phí thực hiện pháp luật có hợp lý không?” hoàn toàn chưa được xem xét đến. Trong khi,
việc đo hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật phải dựa trên phân tích hiệu quả thực thi trên thực tế, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc ban hành văn bản hay những quy định trên giấy tờ.
(ii) Tiêu chí về đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những hoạt động được các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng các hình thức đa dạng như tập huấn, tuyên truyền qua hội nghị, hội thảo, sử dụng các tài liệu như sách, tờ rơi, tập gấp, tuyên truyền trực tiếp và cả phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp là công việc được tiến hành thường xuyên, hàng năm và có sự phối kết hợp của nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Công thức chung về kết quả của hoạt động này thường là
"đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về .... (lĩnh vực pháp luật được tuyên truyền)". Nhưng trên thực tế, mức độ hiểu biết pháp luật của người dân/doanh nghiệp, thậm chí của ngay cán bộ nhà nước về lĩnh vực đó cũng còn ở con số khiêm tốn. Hơn nữa, số lượng về các vi phạm pháp luật hàng năm còn khá cao (tất nhiên thực tiễn vi phạm pháp luật không thể đổ lỗi hết cho hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan của đối tượng vi phạm, ví dụ như có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm vì mục tiêu lợi nhuận, …).
Bên cạnh đó, việc đánh giá tình hình phổ biến
pháp luật theo Nghị định 59/2012/NĐ-CP trên thực tế mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá số lượng các buổi/đợt phố biến chứ chưa đánh giá được về sự phù hợp hoặc hiệu quả của hoạt động phổ biến pháp luật. Trong khi, hiệu quả công tác phổ biến pháp luật còn có thể được đo lường qua các chỉ số về khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp, chỉ số về mức độ tuân thủ pháp luật của người dân, tình hình vi phạm pháp luật,…
(iii) Tiêu chí về đánh giá tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền: Tiêu chí này chính là đại diện cho việc tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền. Tuy nhiên, cả Nghị định 59/2012/NĐ-CP và Thông tư 14/2014/BTP chưa có những chỉ tiêu cụ thể (chỉ tiêu con) để đánh giá được thế nào là
kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền. Hơn nữa, để đánh giá được hiệu quả của việc tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền thì còn cần thêm nhiều chỉ số khác. Chẳng hạn, thông qua việc thực hiện các thủ tục hành chính và cấp phép trong lĩnh vực xây dựng, các chỉ số về
thời gian, thủ tục, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính của người dân/doanh nghiệp qua khảo sát/điều tra xã hội học có thể cho phép rút ra bình luận
hiệu quả làm việc của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này là cao hay chưa cao.
2. Đề xuất bổ sung một số tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật
Khi xã hội ngày càng quan tâm hơn tới hiệu quả hoạt động, thì cần thiết phải có các công cụ theo dõi, đánh giá kết quả một cách phù hợp. Các công cụ theo dõi, đánh giá kết quả phải tạo động lực giúp đánh giá hiệu quả và tác động của hoạt động quản lý nhà nước trong một lĩnh vực cụ thể, qua đó góp phần điều chỉnh các chính sách trong tương lai. Tuy nhiên, không có một chỉ số duy nhất nào có thể phản ánh được một lĩnh vực phức tạp như thi hành pháp luật. Để đánh giá tình hình thi hành pháp luật cần một bộ công cụ với các hệ thống chỉ số đo lường nhiều khía cạnh khác nhau từ hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đến hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước được thể hiện dưới dạng hình đa giác có lẽ có giá trị hơn so với một chỉ số đơn nhất. Một số tiêu chí cơ bản cần được xem xét trong quá trình xây dựng bộ công cụ đánh giá tình hình thi hành pháp luật có thể kể đến như:
(i) Tiêu chí đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu chính sách đề ra.
Tiêu chí này được chấm điểm dựa trên các đánh giá đạt được các mục tiêu chính sách đề ra (mục tiêu 1, mục tiêu 2, ...) và không đạt được các mục tiêu chính sách đề ra trong việc thi hành pháp luật. Việc chấm điểm có thể chi tiết theo hướng tính tỷ lệ đạt được mục tiêu chính sách, ví dụ: đạt được 100% mục tiêu chính sách, đạt được 75%, ...
(ii) Tiêu chí đánh giá tính hợp lý của chi phí thực hiện pháp luật (các chi phí, lợi ích thực tế của việc thực thi pháp luật).
(iii) Tiêu chí về đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật. Tiêu chí này cần được đánh giá dựa trên sự kết hợp, tính toán các chỉ số thành phần như chỉ số về khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp; chỉ số về mức độ tuân thủ pháp luật của người dân/chỉ số về tình hình vi phạm pháp luật; ...
(iv) Tiêu chí về đánh giá tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền. Tiêu chí này cần được đánh giá dựa trên sự kết hợp, tính toán các chỉ số thành phần như:
- Chỉ số về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của người dân/doanh nghiệp.
-
Chỉ số đánh giá về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
-
Chỉ số đánh giá về các chi phí thực hiện các thủ tục hành chính của người dân/doanh nghiệp.
- Chỉ số đánh giá việc phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước (chẳng hạn, thông qua thanh kiểm tra phát hiện vi phạm của cán bô/công chức thì việc xử lý có kịp thời không? Bao nhiêu % vi phạm được phát hiện và tỷ lệ xử lý, ...).
(v) Tiêu chí đánh giá việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tiêu chí này có thể đánh giá dựa trên cơ sở tính toán tỷ lệ số vấn đề phát hiện qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được xử lý và tính kịp thời của việc xử lý.
Chu Thị Hoa