Quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm quyền sử hữu trí tuệ - bất cập và kiến nghị

24/03/2016
Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa  XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2009 (viết tắt Luật SHTT); Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này, Các Chương I, III, IV, VII, VIII, IX và Chương X của Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó có tranh chấp về tác quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi đạo Luật này có hiệu lực thi đến nay, tình hình xử lý các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng của cơ quan thực thi quyền SHTT còn nhiều bất cập; giải quyết các tranh chấp về SHTT tại Tòa án chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của xã hội.
Về vấn đề thực thi quyền SHTT, đại diện của các cơ quan nhà quản lý nhà nước về SHTT, cho rằng, họ đã nỗ lực đẩy mạnh công tác thực thi quyền SHTT, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT, của người sử dụng và của xã hội, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý hành vi các xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các quy định có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện, biện pháp hành chính được áp dụng là chủ yếu, biện pháp dân sự rất ít được áp dụng.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả ngày một gia tăng. Một là, hành vi xâm phạm quyền tác giả luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai là, trong quá trình hội nhập, nhiều người tiêu dùng ưa lựa chọn những sản phẩm giả “như thật” mà lại có giá bán thấp, sự hạn chế về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn thấp của người tiêu dùng cũng là nguyên nhân khiên cho không ít chủ thể thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, sao chụp, mô phỏng, giành giật thị truờng. Ba là, phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa chủ động đăng ký bảo hộ quyền tác giả để dễ dàng bảo vệ lợi ích của mình. Bốn là, các quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung, còn nhiều điểm bất cập, việc tổ chức các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa có hiệu quả, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được thực thi tốt. Năm là,  mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành quá thấp, không đủ sức răn đe, tỷ lệ phạt cảnh cáo quá lớn... nên số tái phạm cao, thậm chí các vụ tái phạm còn tăng lên về quy mô
Điều 9[1] Luật SHTT khẳng định, tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa quy định này, Điều 198 Luật SHTT quy định, chủ thể quyền SHTT có quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
“a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202[2] của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”
Như vậy, theo pháp luật hiện hành, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, chủ thể quyền SHTT có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.
Thứ nhất, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính 
Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 211[3] của Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả phải tuân theo quy định của Luật SHTT và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nói chung, các nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể nói riêng. 
Ưu điểm của biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, mà mọi người ai cũng có thề nhận thấy trong điều kiện hiện nay. Một là, nhanh chóng và chi phí thấp. Trong trường hợp nếu chủ thể quyền hướng tới mục đích chấm dứt nhanh hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là giải pháp tốt. Hai là, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, nhận thức về quyền SHTT còn hạn chế. Trong trường hợp nếu thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT không lớn, hoặc tổng thiệt hại có thể là lớn nhưng hành vi xâm phạm được thực hiện bởi nhiều hộ kinh doanh cá thể hoặc các doanh nghiệp nhỏ thì nếu khởi kiện dân sự, mức bồi thường sẽ không cao, nhiều khi không đủ bù đáp các chi phí tham gia tranh tụng, hoặc/và việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án cũng không dễ dàng. 
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan chủ yếu được xử lý bằng con đường hành chính. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Điều này đã dẫn đến tình trạng “hành chính hoá” các quan hệ dân sự. Một số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tuy thuộc lĩnh vực dân sự, lẽ ra cần được giải quyết theo thủ tục dân sự tại toà án nhưng lại được xử lý bằng biện pháp hành chính cho đơn giản và đỡ tốn kém. Tuy nhiên, tố tụng tư pháp tại tòa án vẫn là một kênh riêng để giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam.
 Các biện pháp hành chính được áp dụng nhằm xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm và xử phạt hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong những trường hợp được pháp luật quy định, có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Mỗi hành vi xâm phạm quyền SHTT, người thực hiện hành vi bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung , như: i) Tịch thu hàng hoá giả mạo về SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về SHTT; ii) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi xâm phạm quyền SHTT gồm cơ quan Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an và Ủy ban nhân dân các cấp. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, như: Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả không có chức năng thực thi quyền SHTT như sự nhầm lẫn của một số doanh nghiệp trên thực tế.  
  Có thể thấy, hiện nay việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT thường bằng biện pháp hành chính. Điều này có thể giải thích bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trước hết là xuất phát từ tâm lý của chủ thể quyền SHTT không muốn tham gia tranh tụng tại tòa án và tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào tòa án. Điều này cũng xuất phát từ những ưu điểm và hạn chế của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự và bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam hiện nay. Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính trực tiếp hướng tới mục đích đảm bảo sự quản lý của nhà nước về SHTT, chấm dứt sự xâm phạm quyền SHTT, răn đe và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong tương lai chứ không hướng đến mục đích bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền SHTT. Các khoản tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, chủ thể quyền SHTT không được hưởng. So với biện pháp dân sự, thiệt hại của chủ thể quyền SHTT không được đền bù thỏa đáng. Do đó, nếu chủ thể có quyền hướng tới việc đòi bồi thường thiệt hại thì biện pháp hành chính sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu này. Mặt khác, vai trò của các cơ quan hành chính có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT không thể thay thế vai trò của các cơ quan tư pháp, do đó, tính răn đe trong việc xử lý hành chính thường là không đủ mạnh và không giải quyết được tận gốc vấn đề tranh chấp.
Hơn nữa, trong nhiều năm trở lại đây tình hình vi phạm quyền tác giả hết sức công nhiên, thách thức dư luận gây tổn hại không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của tác giả, có chiều hướng gia tăng. Nhất là vài ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc một kênh YouTube của Đài Truyền hình Việt Nam bị tạm ngừng hoạt động vì bị khiếu nại vi phạm bản quyền. Nhiều chương trình âm nhạc, các live show được đầu tư bài bản, công phu với giá mỗi vé hàng triệu đồng, tiền thu lao được trả cho ca sĩ hàng trăm triệu đồng, nhưng trái lại nhạc sĩ nhiều khi không có lấy một đồng hoặc nếu có cũng chỉ hết sức tượng trưng. Hoặc cũng không ít trường hợp có sự tranh chấp về cách tính toán số tiền tác quyền phải trả giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với Ban Tổ chức live show. Sở dĩ có việc này là do phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể để tạo sự thống nhất chung về nhận thức. Cụ thể, cơ sở mà phía VCPMC làm căn cứ để tính tiền phải trả cho chế độ nhuận bút là Nghị định 61/2002/NĐ-CP. Trong khi đó, cơ sở pháp lý để ban hành nghị định này là Chương I Phần thứ sáu của Bộ luật Dân sự năm 1995 về quyền tác giả và Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong BLDS năm 1995, mà thực tế cả hai văn bản này đều đã hết hiệu lực thi hành từ rất lâu. Nhưng từ khi BLDS năm 2005 và Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành cho đến nay vẫn chưa có một văn bản dưới luật nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn việc chi trả tiền nhuận bút! Hiện nay, Nghị định 21/2015/ND-CP, mà theo đó đối tượng áp dụng của nghị định này là tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước. Do vậy, vấn đề quy định tiền nhuận bút đối với việc khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc không bằng nguồn kinh phí nhà nước hiện vẫn đang bỏ ngỏ, điều này dễ dẫn đến sự tùy tiện trong chi trả chế độ nhuận bút và đương nhiên cũng dễ phát sinh tranh chấp trong thực tế[4].
Theo quy định thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính được trao cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau, trên thực tế các cơ quan này chưa có sự kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng nên còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo về thẩm quyền. Mặt khác, đội ngũ cán bộ thực thi quyền SHTT, vừa ít về số lượng, vừa chưa được đào tạo chuyên sâu về SHTT để có thể sẵn sàng giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở mức độ tinh vi, phức tạp. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp cán bộ thực thi quyền SHTT thiếu trách nhiệm, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp, “bảo kê, tiếp tay” cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Một bất cập khác, do những hạn chế trong quy định về phân định giữa hàng hóa được bảo hộ và hàng hóa vi phạm quyền SHTT nên việc xử lý rơi vào bế tắc. Cụ thể: Cuối tháng 5-2009, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A - Chi cục QLTT TPHCM tiến hành kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình (số 334 Bắc Hải, phường 6 quận Tân Bình) và một cửa hàng nằm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện đang trữ, kinh doanh mặt hàng thuốc tân dược nhãn hiệu “PARACETAMOL và Hình” do Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình sản xuất có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “PANADOL và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty Smithkline Beecham P.L.C do Cục SHTT cấp. Do đó, phía Công ty Smithkline Beecham P.L.C đề nghị cơ quan chức năng can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, làm việc với QLTT, phía Công ty Dược phẩm Quảng Bình cũng xuất trình giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp và giấy phép lưu hành sản phẩm “PARACETAMOL” 500mg của Cục Quản lý dược. Do vậy,  Đội QLTT – 3A không xử lý Công ty Dược phẩm Quảng Bình vì không đủ yếu tố quy kết hành vi vi phạm. Đồng thời, dừng ngay các biện pháp ngăn chặn đảm bảo xử phạt, giải tỏa niêm phong, hoàn trả số hàng hóa do lực lượng QLTT tạm giữ cho chi nhánh Công ty Dược phẩm Quảng Bình để hai bên tiến hành thỏa thuận dân sự[5]. Trong trường hợp này, rất khó phân biệt doanh nghiệp nào vi phạm quyền SHTT. Nguyên nhân là do Cục Bản quyền tác giả và Cục SHTT có thẩm quyền ngang nhau, nhưng khi cấp quyền SHTT (về hình thức nhãn hiệu, hình ảnh trên bao bì) không có sự thống nhất nên đã tạo ra thực tế trên (hai sản phẩm có hình thức giống hệt nhau).       
Thứ hai: Giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan  tại Tòa án
Xét về bản chất, quyền SHTT là quyền dân sự. Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT trước hết và trực tiếp phải nhằm mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể quyền, khuyến khích hoạt động sáng tạo và bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của người sử dụng, của xã hội, của nhà nước. Vì vậy, xét về lâu dài, giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bởi lẽ, những tranh chấp liên quan đến quyền SHTT thường xảy ra giữa các cá nhân, tổ chức cho nên việc xử lý các tranh chấp đó bằng con đường dân sự là hoàn toàn hợp lý. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể áp dụng những biện pháp như: i) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; (ii) Buộc xin lỗi cải chính công khai; iii) Buộc bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần; iv) Buộc tiêu hủy hàng hóa phương tiện vi phạm. Ngoài ra, chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện vụ án dân sự về quyền SHTT. Như vậy, thông qua việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, chủ thể quyền SHTT không chỉ yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền mà còn buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi đó gây ra, bao gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần, nếu có. Tuy nhiên, thực tế việc chủ thể có quyền SHTT yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình rất ít được vận dụng, vì mấy lý do sau:
Một là, thời gian giải quyết kéo dài
Theo quy định tại Điều 179 của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự là 4 tháng, đối với các vụ án kinh doanh - thương mại là 2 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án dân sự và 1 tháng đối với vụ án kinh doanh thương mại. Thời gian giải quyết kéo dài là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc các chủ thể quyền SHTT e ngại trong việc khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước các hành vi xâm phạm. Thay vào đó, họ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyển xử lý hành chính đối với các hành vi xâm phạm để đảm bảo việc chấm dứt kịp thời, nhanh chóng các hành vi xâm phạm đó.
Hai là, thiếu các biện pháp khẩn cấp tạm thời hữu hiệu đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Giống như quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án của chủ thể quyền SHTT là một trong những ưu điểm của biện pháp dân sự so với các biện pháp hình sự và hành chính, tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các hành vi vi phạm quyền SHTTcòn chưa thực sự hữu hiệu.
Trong số 12 biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102[6] BLTTDS, trong quan hệ tranh chấp về quyền SHTT, chủ thể quyền SHTT chỉ có thể yêu cầu Tòa án áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây: kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ; cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
Điều 207 Luật SHTTquy định bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, bao gồm: Thu giữ; Kê biên; Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.
Như vậy có thể thấy các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật hiện hành có thể áp dụng trong các vụ án tranh chấp về quyền SHTT là tương đối ít, đặc biệt là các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong BLTTDS chưa được cụ thể hóa đối với các tranh chấp về quyền SHTT, còn mang tính chung chung. Điều này đã gây không ít khó khăn cho chủ thể quyền SHTT trong việc yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Như vậy, với thời gian giải quyết kéo dài cộng với việc các hành vi xâm phạm chưa được ngăn chặn một cách kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến việc các chủ thể quyền SHTT e ngại việc khởi kiện ra Tòa án để xử lý bằng biện pháp dân sự mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính.
Ba là, năng lực giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng được yêu cầu
Pháp luật về bảo hộ quyền SHTT là lĩnh vực pháp luật còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù trong thời gian qua ngành Tòa án cũng đã có sự quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật SHTT cho đội ngũ cán bộ Thẩm phán, song do tính phức tạp và đa dạng của các tranh chấp về quyền SHTT nên một số Thẩm phán vẫn gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT, (đặc biệt là các vụ án tranh chấp về quyền tác giả, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp …). Vì vậy, trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT thì kết quả trưng cầu giám định hoặc kết luận các yếu tố vi phạm của cơ quan có thẩm quyền về việc có hay không có hành vi xâm phạm quyền quyền SHTT có giá trị quan trọng để Tòa án dùng làm căn cứ giải quyết các vụ án về SHTT được chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.
Bên cạnh đó, việc nhìn nhận, đánh giá về các hành vi xâm phạm quyền SHTT của các cơ quan chức năng nhiều khi không thống nhất được quan điểm. Cũng chính vì sự thiếu thống nhất về quan điểm giữa các cơ quan chức năng trong lĩnh vực SHTT này đã dẫn tới nhiều trường hợp, sau khi có phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm đối với vụ án rồi nhưng các bên đương sự vẫn viện dẫn các ý kiến đối lập với loại ý kiến được tham khảo để ra phán quyết để tiếp tục khiếu nại, yêu cầu xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, gây ra khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.
Bốn là, khó khăn trong việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra
Luật SHTT quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT (Điều 204) và căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 205), tuy nhiên, do tính chất đặc thù của loại tài sản quyền SHTT nên nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Các căn cứ để xác định thiệt hại về vật chất, như: Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại hoặc các thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng theo quy định của Luật SHTT trên thực tế là rất khó để xác định một cách chính xác và đầy đủ. Do vậy, khi giải quyết những vấn đề này Tòa án đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại để có được phán quyết chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.
Thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi (tội phạm) xâm phạm quyền tác giả
Theo Điều 212 Luật SHTT năm 2005, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), có một số điều quy định về các tội phạm có liên quan.
Theo quy định tại Điều 131 BLHS về Tội xâm phạm quyền tác giả, mà theo đó, các hành vi sau đây nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm: 1) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; 2) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; 3) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; 4) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại theo theo tác giả vẫn chưa có hành vi vi phạm quyền tác giả nào bị truy tố và xét xử theo quy định của BLHS.
Kiến nghị
Thứ nhất, nghiên cứu ban hành quy trình thủ tục giải quyết tại toà án cần đơn giản hơn và ít mất thời gian hơn, tránh gây tốn kém vật chất, công sức của người theo đuổi vụ kiện. Một số quy định của pháp luật về SHTT cần cụ thể, rõ ràng hơn, như quy định chi tiết hướng dẫn về cách tính mức bồi thường thiệt hại trong các vụ xâm phạm, tranh chấp về SHTT. Sớm thiết lập cơ quan đầu mối phối hợp trong phòng chống, xử lí có hiệu quả các hành vi xâm phạm tác quyền, trong đó Cục bản quyền tác giả và Ngành tòa án giữ vai trò phối hợp quan trọng. Tăng cường quyền hạn của cơ quan thanh tra chuyên ngành trong xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả,
Thứ hai, hàng hóa, sản phẩm vi phạm SHTT được làm rất tinh xảo, mắt thường rất khó phân biệt, mà chỉ có doanh nghiệp, nhà sản xuất chính hãng mới có khả năng nhận biết sản phẩm nào là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT. Vì vậy, pháp luật cần quy định theo hướng tạo điều kiện “thông thoáng” hơn cho doanh nghiệp hợp tác cung cấp dữ liệu thông tin liên quan đến hàng hóa dịch vụ của các chủ thể quyền trong nước cũng như nước ngoài cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, tạo điều kiện doanh nghiệp có sản phẩm đã đăng ký quyền SHTT mạnh dạn tố cáo những doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình. Bởi trên thực tế, rất ít doanh nghiệp tự đứng ra tố cáo các doanh nghiệp xâm phạm quyền SHTT với cơ quan chức năng do sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Mặt khác, về quản lý nhà nước cần tách bạch, thống nhất việc cấp phép-hình thức nhãn hiệu, hình ảnh trên bao bì - giữa các ngành nhằm thống nhất quyền SHTT tập trung về một đầu mối.
Thứ ba, căn cứ vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật SHTT, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản quy định việc chi trả chế độ nhuận bút đối với quyến tác giả, quyền liên quan một số lĩnh vực  trong đó có âm nhạc, đối với trường hợp khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc không bằng nguồn ngân sách nhà nước, nhằm bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan với lợi ích xã hội, tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận khai thác, sử dụng những sản phẩm tri thức
Thứ tư, tài sản quyền tác giả và quyền liên quan là loại tài sản đặc thù, khác biệt với các tài sản sở hữu công nghiệp của SHTT, trong đó đặc biệt khác về cơ chế xác lập, thực thi bảo hộ…. Do vậy, về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng và ban hành riêng biệt Luật quyền tác giả, quyền liên quan.  Bởi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ở đủ mọi thể loại, từ văn học, âm nhạc, điện ảnh cho tới các chương trình truyền hình... Đối với các trang mạng xã hội, chia sẻ video như YouTube hay Facebook, thì vấn đề bản quyền càng nhức nhối vì xử lý theo cơ chế chịu trách nhiệm chưa toàn phần. Với lợi nhuận lớn thu được từ hoạt động vi phạm  quyền tác giả, quyền liên quan, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động kinh doanh trái phép này. Chủ sở hữu của những trang web này cũng sẵn sàng bỏ địa chỉ website, tài khoản đang sử dụng nếu bị thanh tra, kiểm tra để thay bằng một trang mới và tiếp tục các hình thức vi phạm bản quyền.
Th.S Lê Văn Sua -  Tòa án quân sự Khu vực 1 – QK9 
 
[1] Điều 9. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
[2] Điều 202. Các biện pháp dân sự
Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
4. Buộc bồi thường thiệt hại;
5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
 
[3] Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”
 
[4] http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/ca-hai-show-dien-dong-dao-van-chua-chiu-tra-tien-tac-quyen-96227.html
[5]http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/xu-ly-hang-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-gio-cao-danh-khe/881.html
[6] Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 102 BLTTDS gồm:
 “1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”.