Quốc hội thảo luận hai dự án: Luật Công chứng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động

08/06/2006
Ngày 7/6, tại hai hội trường Ba Đình và Hội trường 37 Hùng Vương (Hà Nội), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận hai dự án: Luật Công chứng và Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của Bộ luật Lao động.
Phát biểu xây dựng dự án Luật Công chứng, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động công chứng trong thời gian qua, đã bước đầu đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an toàn pháp lý cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Minh bạch hóa trình tự, thủ tục công chứng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhiều sự lựa chọn, bảo đảm chất lượng dịch vụ

Đại biểu Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên)

Cùng với việc đánh giá cao vai trò của công chứng thời gian qua, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế. Đó là sự phân định chưa rõ ràng giữa hoạt động công chứng và chứng thực, tình trạng quá tải về công chứng; thái độ quan liêu, cửa quyền, hách dịch của công chứng viên đối với người yêu cầu công chứng… Do vậy, hầu hết ý kiến đại biểu bầy tỏ sự đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật này là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và minh bạch hóa trình tự, thủ tục công chứng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhiều lựa chọn, bảo đảm chất lượng công chứng…

Xem xét về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, đại biểu Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) nhất trí với quan điểm xã hội hoá công chứng của Đảng và Nhà nước. Dự án Luật xây dựng mô hình công chứng mở, có nghĩa là cho phép công chứng viên được thành lập Văn phòng công chứng với điều kiện công chứng viên sẽ không phải là công chức. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ này và khắc phục được tình trạng quá tải một số Phòng công chứng hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn.

Tán thành với dự án Luật về  phạm vi công chứng của Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, đại biểu Nguyễn Dy Niên (Thanh Hóa) còn nhấn mạnh: Không nên phân biệt phạm vi công chứng giữa Phòng công chứng và Văn Phòng công chứng, vì thực tế không có sự khác biệt về trình độ, năng lực giữa các tổ chức này với nhau, các công chứng viên đều do Bộ Tư pháp bổ nhiệm, có trình độ cử nhân Luật và phải chịu trách nhiệm như nhau trước pháp luật.

Một số nội dung như giá trị pháp lý của văn bản công chứng; về người yêu cầu công chứng; bổ nhiệm công chứng viên; nghĩa vụ và quyền của công chứng viên; đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng… đã được các đại biểu thảo luận kỹ. Đoàn Chủ tịch đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này để Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau.

Đình công trong khuôn khổ pháp luật là yêu cầu chính đáng của người lao động

Liên quan đến đình công và giải quyết đình công được thể hiện rõ trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng đình công không theo trình tự đang xảy ra hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Ngàng (Hải Phòng) đề nghị, đã đến lúc chúng ta cần có những chính sách thiết thực nâng cao cuộc sống công nhân và coi đây là biện pháp chính để hạn chế các cuộc đình công tự phát.

Xem xét việc phân định tranh chấp lao động: Tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các đại biểu nhấn mạnh: đây là vấn đề cốt lõi của dự án Luật, có liên quan đến quyền đình công và nhiều quy định khác.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với dự thảo: Tranh chấp lao động về quyền là tranh chấp về việc thực hiện các quy định trong lao động, trong thỏa ước lao động tập thể, trong nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc trong các quy chế hợp pháp khác. Còn tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp việc xác lập các điều kiện lao động mới, có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Xung quanh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động vẫn còn một số ý kiến khác nhau về Hội đồng hòa giải cơ sở; trình tự hòa giải đối với tranh chấp lao động tập thể; Hội đồng trọng tài… Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ban soạn thảo tiếp chỉnh lý để trình Quốc hội trong kỳ họp sau.

(Theo website Chính phủ)