Luật Quản lý thuế: Tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp và chống thất thu thuế

02/06/2006
Luật Quản lý thuế: Tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp và chống thất thu thuế
Hôm nay 2/6 tại Hội trường Ba Đình, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận những nội dung của Dự thảo Luật quản lý thuế: qui định về chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, về miễn giảm thuế, trách nhiệm giám sát của các cơ quan chức năng...

 Quản lý thuế là công việc liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, từ năm 2004, khi thực hiện cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế, vai trò của người nộp thuế đã được đề cao hơn. Theo đó, người nộp thuế tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, cơ quan quản lý thuế tập trung vào thực hiện các chức năng tuyên truyền, hỗ trợ kiểm tra, giám sát người nộp thuế. Trong khi đó, nội dung quản lý thuế lại được quy định rải rác ở nhiều luật thuế nên đã gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế trong việc tuân thủ các quy định về quản lý thuế.

Việc ban hành Luật quản lý thuế áp dụng chung cho các loại thuế sẽ khắc phục được tình trạng trên và không phải sửa đổi nhiều luật thuế. Từ đó sẽ tách bạch được nội dung quy định về quản lý thuế ra khỏi các luật thuế hiện hành. Các luật thuế sau này tập trung vào các nội dung quy định về chính sách thuế...Hiện nay, tình trạng thất thu thuế, nợ đọng thuế còn diễn ra ở nhiều sắc thuế, nhiều địa phương. Ngoài các nguyên nhân về nhận thức của người nộp thuế, còn có nguyên nhân là chưa có quy định cụ thể về các công cụ giám sát, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về thuế; phương pháp quản lý thuế còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế. Đó là người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế; cơ quan thuế thực hiện các chức năng quản lý thuế mà trong đó chủ yếu là cung cấp các dịch vụ công (tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế), giám sát tuân thủ pháp luật thuế thông qua việc kiểm tra, thanh tra, điều tra thuế và cưỡng chế thi hành pháp luật thuế.

Đại biểu Tào Hữu Phùng đoàn Hà Tây cho rằng, trong thực hiện các chính sách thuế chúng ta còn nhiều bất cập như trốn thuế, tồn đọng thuế, nợ đọng thuế, tình trạng chây ì không nộp thuế... Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, nhưng trong đó đáng chú ý là do chúng ta chưa có chế tài xử lý những hành vi trên. Vì vậy ban hành Luật Quản lý thuế là rất cần thiết, nên chăng cũng cần chú ý quy định rõ những trường hợp cấp bách như thiên tai, thảm họa ... cần phải giảm thuế cho những đối tượng bị thiệt hại nặng nề. Trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc đã có qui định chặt chẽ trong các luật của Mặt trận Tổ quốc, vì vậy không cần đưa vào trong luật này ...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đoàn An Giang đề nghị không nên dùng ngân sách để thưởng cho cán bộ nhân viên ngành thuế... Đại biểu Phạm Quang Dự đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị, bán dầu thô là nguồn thu lớn của ngân sách và để quản lý thuế tốt, cần qui định rõ thành điều luật về việc thu thuế đối với bán dầu thô và tỷ lệ được để lại cho ngành dầu khí để tái đầu tư khai thác... Một số đại biểu cho rằng, hiện nay ngành thuế chỉ tập trung vào những doanh nghiệp, cơ sở lớn, làm ăn có hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp này luôn phải tiếp các đoàn giám sát, kiểm tra..., gây khó khăn cho việc kinh doanh, còn những đơn vị nhỏ lẻ thì ít quan tâm hơn, có khi là khoán thuế, như vậy là không công bằng. Đề nghị cần xem xét qui định cụ thể về vấn đề này trong luật...

Đại biểu Lê Quốc Dung đoàn Thái Bình phản ánh, có nhiều nơi thu thuế chưa được công bằng, đề nghị Ban soan thảo cần xem xét qui định để Luật Quản lý thuế có thể điều chỉnh một cách công bằng đối với mọi đối tượng nộp thuế...

Qua các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu để bổ sung, hoàn chỉnh để Luật Quản lý thuế sẽ có những qui định cụ thể và chặt chẽ hơn, tạo sự công bằng trong nộp thuế của các doanh nghiệp, chống thất thu thuế, tăng ngân sách Nhà nước...

(Theo website Đảng Cộng sản)