Điểm mới trong dự thảo Nghị định về quản lý ngoại hối

29/05/2006
Pháp lệnh Ngoại hối sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2006 và vào thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xin ý kiến người dân về dự thảo Nghị định Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này (gọi tắt là dự thảo Nghị định) thông qua website: www.sbv.gov.vn.

Theo dự thảo Nghị định, ngoài việc tự do hóa các giao dịch vãng lai, các giao dịch vốn cũng được dần nới lỏng gồm những quy định cụ thể về quản lý ngoại hối trong đầu tư trực tiếp gián tiếp ra nước ngoài và vào Việt Nam, cũng như một số vấn đề khác như vay nợ nước ngoài, sử dụng đồng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Về cơ bản, các giao dịch vãng lai giữa người cư trú và không cư trú như chuyển tiền một chiều cho mục đích tiêu dùng, thanh toán và chuyển tiền liên quan tới xuất nhập khẩu... sẽ được tự do thực hiện. Điều này có nghĩa là, những đối tượng có nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán và chuyển tiền theo các mục đích trên sẽ không cần phải có giấy phép mua ngoại tệ như trước, mà có thể trực tiếp đến ngân hàng thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ để mua ngoại tệ. Tuy nhiên, theo một thành viên Ban soạn thảo, việc tự do này không có nghĩa bất cứ một người nào cũng có thể đến ngân hàng mua ngoại tệ bao nhiêu tùy thích hoặc tự do chuyển đổi từ đồng nội tệ ra ngoại tệ. Việc mua ngoại tệ tại các ngân hàng phải trên cơ sở nhu cầu hợp lý, người mua khi chứng minh được các nhu cầu ngoại tệ của mình mới được các ngân hàng đáp ứng. Chẳng hạn nếu có nhu cầu ngoại tệ đi du học, chữa bệnh... thì chỉ cần xuất trình các giấy tờ liên quan để chứng minh nhu cầu về số lượng ngoại tệ cần thiết, khi đó các ngân hàng sẽ căn cứ theo khả năng ngoại tệ của mình có trách nhiệm bán đủ số lượng ngoại tệ theo nhu cầu mà không cần phải có giấy phép của chi nhánh NHNN địa phương như trước.

Còn tại thị trường trong nước, dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh nguyên tắc "trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam", những người Việt Nam sống trong nước không có các nhu cầu ngoại tệ chính đáng thì không được sử dụng ngoại tệ trong thanh toán, tuy nhiên, những người có nguồn thu ngoại tệ vẫn được cất trữ, gửi tiết kiệm... như quy định hiện hành.

Về vấn đề quản lý ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, theo dự thảo Nghị định, chỉ có 9 trường hợp được giao dịch, thanh toán bằng ngoại hối như giao dịch với tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ, người cư trú được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản theo các hợp đồng ủy thác xuất khẩu... Về cơ bản, đối tượng được phép sử dụng ngoại tệ lương đối hạn chế, các cơ sở phân phối hàng hóa nhập khẩu cũng không được niêm yết, giao dịch bằng ngoại tệ.

Vấn đề mở tài khoản ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trong nước và mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài được nhiều người quan tâm. Theo dự thảo Nghị định, nếu đối tượng cư trú là các tổ chức kinh tế có chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài sẽ được mở tài khoản tại nước ngoài trên cơ sở được NHNN xem xét, cấp phép. Đối với cá nhân, không có quy định về trường hợp mở tài khoản ngoại tệ tại nước ngoài khi đang ở trong nước. Các cá nhân khi đang ở nước ngoài sẽ được phép mở và sử dụng tài khoản ở nước ngoài theo quy định của nước sở tại, nhưng khi chấm dứt hoặc hết thời hạn ở nước ngoài phải đóng tài khoản và chuyển toàn bộ số dư về nước. Tương tự, đối với việc mở tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước, dự thảo Nghị định cũng chỉ quy định 10 trường hợp các cá nhân được phép như mở để thu ngoại tệ, chuyển khoản từ nước ngoài...

Đối với vấn đề quản lý ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, qua những lần góp ý xây đựng Pháp lệnh Ngoại hối cũng như dự thảo Nghị định cho thấy để thực hiện được nguyên tắc "trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam" thì vấn đề nằm ở khâu thực thi, kiểm tra cũng như các chế tài phạt phải đủ mạnh. Còn nếu không, theo tình trạng hiện nay, quy định tỏ ra rất chặt, nhưng người dân vẫn rất dễ dàng mua được lượng ngoại tệ cần thiết mà không cần phải đến ngân hàng, nhiều doanh nghiệp bán hàng vẫn niêm yết giá bằng ngoại tệ, dùng ngoại tệ làm căn cứ thanh toán.

Dự thảo Nghị định còn quy định nhiều vấn đề quan trọng khác như vay trả nợ nước ngoài. Đây cũng là vấn đề còn một số ý kiến khác nhau về thủ tục triển khai. Theo đó, các tổ chức kinh tế và cá nhân được phép vay nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, nhưng đều phải thực hiện đăng ký khoản vay với NHNN; đối với các tổ chức kinh tế phải được NHNN xác nhận đăng ký khoản vay, còn cá nhân phải được phép của Thống đốc NHNN. Đặc biệt, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể vấn đề quản lý ngoại hối với cả hai hình thức đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp ra nước ngoài, phát hành chứng khoán tại thị trường nước ngoài.

Mặc dù trong quy định về quản lý ngoại hối vẫn chưa thực sự cho phép tự do với các giao dịch vốn, nhưng những quy định này cũng phần nào đáp ứng các nhu cầu mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân trong nước ra kinh doanh và tìm các nguồn vốn cần thiết từ nước ngoài, giúp cho việc lưu thông nguồn vốn trong và ngoài nước ít bị cản trở hơn.

(Theo Đầu tư)