Thảo luận dự thảo Luật Chứng khoán: Cần chọn bước đi cởi mở nhưng thận trọng

26/05/2006
Sáng nay (26-5), QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình bày Tờ trình dự thảo Luật Chứng khoán; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật trên. Các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề: mô hình, địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán; quy định thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho thấy: Sau 5 năm kể từ khi Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương hoạt động (20/7/2000), thị trường chứng khoán (TTCK) đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Một hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK đã được thiết lập, thể chế TTCK đã hình thành và từng bước hoàn thiện. Mặc dù vậy, hoạt động của thị trường còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. TTCK còn nhỏ bé, chưa trở thành một kênh huy động vốn dài hạn có hiệu quả cho đầu tư phát triển. Số lượng các công ty chứng khoán tham gia hoạt động trên thị trường còn ít; chất lượng hoạt động, cung cấp dịch vụ trên TTCK chưa cao, tính minh bạch và hiệu quả còn hạn chế...

Trước bối cảnh đó, nhất là khi điều kiện kinh tế phát triển cao, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển lớn, đòi hỏi phải phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu phát triển quy mô TTCK từ 10 - 15% GDP vào năm 2010 (khoảng 10 - 15 tỷ USD), đồng thời tạo ra khuôn khổ pháp luật nhằm quản lý thị trường hoạt động có hiệu quả và lành mạnh, đáp ứng với điều kiện hội nhập đòi hỏi cần phải hoàn chỉnh thể chế về chứng khoán và TTCK, trong đó quan trọng nhất là chúng ta phải ban hành Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, việc xây dựng Luật lần này cần đảm bảo các nguyên tắc hoạt động của TTCK, đồng thời phù hợp với khuôn khổ pháp luật cũng như tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Luật phải có phạm vi điều chỉnh rộng nhằm tạo ra khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Dự thảo Luật Chứng khoán gồm 11 chương, 136 điều. Nếu được QH thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2007.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật cũng cho rằng: Hoạt động chứng khoán là hoạt động kinh doanh có điều kiện; do vậy, trên cơ sở Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán phải quy định cụ thể các điều kiện để được cấp phép thành lập và hoạt động. Các điều kiện cơ bản phải có là: cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; có vốn pháp định; người hoạt động kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề. Về thủ tục thành lập mới, nội dung giấy phép, nội dung điều lệ.... cần dẫn chiếu Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán chỉ nên quy định những đặc thù riêng của hoạt động chứng khoán.

Về mô hình, địa vị phápcủa cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trong Bộ Tài chính, nhưng Luật cần giao cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước một số chức năng và thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cần thiết và thực quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề nghiệp vụ chứng khoán. Về lâu dài, khi thị trường chứng khoán đã phát triển ổn định sẽ sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường.

Về quy định thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có ý kiến đánh giá đây là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, còn mới, nhiều rủi ro. Từ thực tế khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997, cũng như trên cơ sở đặc thù thể chế của Việt Nam, chúng ta cần chọn bước đi cởi mở nhưng thận trọng. Vì vậy, những vấn đề đã rõ thì quy định ngay trong Luật, những vấn đề chưa rõ, chưa chắc chắn thì nên có quy định theo hướng mở để có cơ sở pháp lý Chính phủ quy định cụ thể mà không phải thay đổi, sửa đổi Luật khi thực tế phát sinh; đối với một số chức năng quản lý nhà nước, các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn thì giao trực tiếp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc giao Bộ Tài chính để phân cấp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện nhằm xử lý linh hoạt các biến động trên thị trường.

Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận dự thảo Luật Chứng khoán tại Hội trường. Ngày mai, QH nghỉ làm việc.

(Theo Hà nội mới)