Dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Đáp ứng yêu cầu bức thiết của tiến trình CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế

26/05/2006
Dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Đáp ứng yêu cầu bức thiết của tiến trình CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế
"Việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế". Đó là một trong những nội dung quan trọng của Tờ trình dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH & CN Hoàng Văn Phong trình bày trong phiên họp toàn thể các đại biểu Quốc hội vào ngày 25/5.

Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn cũng khẳng định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì chuẩn mực trong quan hệ kinh tế, thương mại; thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt trình bày, nêu lên các vấn đề lớn đã được thẩm tra như: Sự cần thiết ban hành Luật, sự tương thích của dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan, sự thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam, tính khả thi của dự án Luật...

Qua thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội hoan nghênh việc xây dựng dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là kịp thời. Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: Nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) mà không nói đến tiêu chuẩn kỹ thuật thì đó là một sơ hở lớn. Không thể tiến lên công nghiệp hóa được nếu chúng ta không có những cơ sở kỹ thuật chắc chắn nhất là trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay thì đây trở thành vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Nhìn vào tiêu chuẩn và quy chuẩn thì người ta có thể biết được trình độ kỹ thuật công nghệ, nó được coi là thước đo trình độ kỹ thuật và công nghệ  của một đất nước. Do vậy chúng ta đề cao vấn đề này chính là để tiến tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Xem xét thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, nên giao cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn quốc gia (trừ 4 lĩnh vực: bí mật an ninh, quốc phòng, môi trường và dược phẩm do Bộ trưởng các Bộ quản lý chuyên ngành tương ứng ban hành). Đại biểu Nguyễn Thị Anh Nhân (thành phố Hà Nội) bổ sung, nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan thống nhất, công bằng thì nên có Hội đồng thẩm định quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức gồm các chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực đó tham gia và các chuyên gia khác nếu cần.

Cho ý kiến về thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa số đại biểu tán thành quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình đặc thù, đặc biệt, riêng có của địa phương.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đánh giá cao 24 ý kiến của các đại biểu tại Hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban Soạn thảo và Đoàn Thư ký và các cơ quan liên quan tiếp thu tổng hợp, chỉnh sửa để trình Quốc hội cho ý kiến một lần nữa vào phiên họp sau.

Ngày 26/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Chứng khoán. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán. Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Chứng khoán.

(Theo website Chính phủ)