Tại cuộc hội thảo , Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã công bố báo cáo: "Sáu năm thi hành Luật Doanh nghiệp: Những vấn đề nổi bật và bài học kinh nghiệm". Trên cơ sở phân tích các vấn đề thường được bàn luận nhiều trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp là cơ quan đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh và phương thức thực hiện luật - vai trò của Tổ Công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp, bản báo cáo đã đúc kết một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp 2005 trong thời gian tới.
Theo Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô Nguyễn Đình Cung, người trình bày bản báo cáo của CIEM, trong 6 năm qua, cùng với các chính sách đổi mới khác, Luật Doanh nghiệp đã mang lại những thay đổi quan trọng tại Việt Nam. Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong số đó cần phải kể đến là công dân được quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đây được coi là một tác động tích cực và nổi trội nhất của Luật Doanh nghiệp 1999. Đặc biệt, Luật đã khuyến khích và cổ vũ được tinh thần kinh doanh, củng cố được lòng tin của các nhà đầu tư và kinh doanh vào đường lối đổi mới và chính sách của Nhà nước; góp phần giải phóng sức sản xuất, huy động và phát huy được nội lực vào xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội...
Về hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD), CIEM - GTZ cho rằng, từ các quy định và thực tế cho thấy hệ thống ĐKKD chưa được quy định và hình thành một cách rõ ràng và có tổ chức, chưa thành một hệ thống cơ quan độc lập. Công việc của các Phòng ĐKKD thì quá tải so với hạn chế về biên chế và thiếu, lạc hậu về phương tiện làm việc, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Trong khi đó, mặc dù các cải cách về giấy phép kinh doanh mang lại những kết quả đáng ghi nhận, song ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng, hệ thống giấy phép hiện hành đang có một bất cập lớn với đặc trưng 6 không " không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi và không tiên liệu". Điều này thể hiện ở việc một làn sóng về giấy phép kinh doanh mới đang xuất hiện và có nguy cơ làm tổn hại tiêu cực tới môi trường kinh doanh.
Từ thực tế sáu năm thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, các đại biểu tham dự hội thảo đã nhất trí với một số bài học kinh nghiệm cho thời gian tới khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực. Trước tiên, Luật Doanh nghiệp không phải là chính sách ưu đãi, bao cấp và bảo hộ, mà là "cởi trói", trao quyền cho người dân, theo đúng quy định và phù hợp với yêu cầu của người dân. Ngoài ra, đây là một hình mẫu về các thức soạn thảo, thi hành, nội dung phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, về quyết tâm của chính phủ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tính đồng bộ giữa quyền tự do, tự chủ kinh doanh và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường là đặc biệt quan trọng; việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật là rất cần thiết, song việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi cũng phải đi cùng với các điều kiện trợ giúp doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa vô cùng quan trọng nữa mà Việt Nam rút ra sau 6 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp là năng lực bộ máy nhà nước vẫn là khâu yêu nhất, nhiều "sức ỳ" và chậm thay đổi. Nhất trí với kết luận này, bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, bổ sung thêm: "Luật Doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được tốt và tốt đến đâu phụ thuộc vào ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo. Trong thời gian tới đây, khi Việt Nam thi hành Luật Doanh nghiệp mới và hoàn toàn hội nhập với nền kinh tế quốc tế, tôi cho rằng ý chí chính trị đó còn được đòi hỏi ở tầm cao hơn vì sự phát triển của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp"./.
Số lượng giấy phép kinh doanh ở Việt Nam gia tăng tương đối nhanh, từ 194 năm 2002 lên 246 năm 2003 và 298 vào cuối năm 2004. Như vậy, trung bình, mỗi tuần sản sinh ra được một giấy phép mới. Đó là chưa kể đến hàng trăm loại giấy phép được trá hình dưới các hình thức như "chấp thuận", "thông qua" và không có tên gọi cụ thể của các cơ quan nhà nước có liên quan. |
(Thủy Thu - Báo Pháp luật Việt Nam)