Quốc hội thảo luận hai dự án Luật: Luật Thể dục, thể thao và Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

06/06/2006
Tiếp tục chương trình xây dựng luật, ngày 5/6, Quốc hội thảo luận hai dự án Luật: Luật Thể dục, thể thao và Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Việc ban hành Luật Thể dục, thể thao nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn, hoàn chỉnh hơn, có khả năng điều chỉnh những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, góp phần đổi mới cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy tiềm năng của thể dục thể thao, tạo ra bước phát triển cho thể dục thể thao nước nhà, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, góp phần tích cự vào việc cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe, thể lực và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam…". Đó là nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật Thể dục, thể thao.

Xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển thể dục, thể thao

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thể dục, thể thao, nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ những chính sách của Nhà nước đầu tư tập trung vào thể dục, thể thao, thể thao thành tích cao. Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đề nghị: cùng với việc có chiến lược phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước chúng ta cần phải xây dựng và thực hiện cho được chính sách trọng tâm, trọng điểm không thể nêu một cách dàn trải.  

Thể hiện quan điểm của Nhà nước thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao nhằm huy động các nguồn lực của mọi tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở thể thao giải trí, thể dục chữa bệnh, kinh doanh dịch vụ thể thao, tài trợ cho các hoạt động thể thao được các đại biểu rất đồng tình. Đại biểu Trần Ngọc Đường (Kiên giang): Cần thể hiện đường lối xã hội hóa trong thể dục, thể thao theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng khi đọc dự án Luật thì đường lối, hay quan điểm, tư tưởng xã hội hóa thể dục, thể thao như thế nào, tôi thấy chưa rõ, chỉ có một số chính sách về đất đai, quy định kêu gọi tổ chức và người không phải là Nhà nước tham gia.

Có đại biểu cho rằng, luật pháp chưa quy định rõ những chế độ ưu đãi và sự tôn vinh xứng đáng của xã hội dành cho những vận động viên đã thi đấu hết mình đem lại quang vinh cho Tổ quốc. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) đề nghị: Chúng ta phải có chính sách bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng để những "ngôi sao" thể thao phải là những hình ảnh tốt, những hình ảnh đáng yêu chứ không phải những hình ảnh cá cược, làm giàu bất chính như vẫn thường gặp; sau thời gian cống hiến lâu dài cho thể thao phải có chính sách thỏa đáng, như những người đem lại vinh quang cho đất nước và được sống một cuộc sống đầy đủ tương ứng với sự cống hiến của người đó.

Phát biểu kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh hoan nghênh các địa biểu đã đóng góp những ý kiến rất cụ thể, xác đáng và thiết thực. Đoàn Chủ toạ và Đoàn Thư ký sẽ chỉ đạo cho các cơ quan chỉnh sửa để thông qua trong kỳ họp lần sau.  

 Tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Thảo luận dự án Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng: Để phát triển, quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời tạo hành lang pháp lý, công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì việc ban hành Luật này là cần thiết... Đại biểu Hồ Thị Hồng Nhung (Bến Tre) đồng ý dự án Luật là Chính phủ quy định cụ thể các loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và lộ trình hội nhập quốc tế.

 Xem xét điều kiện cấp Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Trần Hồng Việt (Cần Thơ) chưa đồng tình với dự án Luật,  cần xem xét lại, đề nghị Chính phủ quy định vấn đề này để có sự thống nhất tập trung vào Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý và kiểm tra.

 Về yếu tố bảo lãnh cho người lao động như ở Điều 47, Điều 48, đại biểu Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) đề nghị nên bỏ, vì người lao động trên 18 tuổi theo luật có đủ quyền và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Đã nghèo thì phải đi lao động ở nước ngoài, nhưng phải tìm người đủ năng lực hành vi dân sự, giao kết hợp đồng bảo lãnh, có khả năng về kinh tế để đảm bảo các hành vi cho người lao động, như vậy đã làm phức tạp hóa vấn đề, mà khó khả thi, nặng về hình thức, vô hình chung khuyến khích một số người có tiền, ăn chặn tiền của người lao động thông qua cam kết và người bảo lãnh, đồng thời làm giảm trách nhiệm trong việc tuyển chọn, đào tạo của doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Xung quanh dự thảo Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo  cần đánh giá lại tình hình xuất khẩu lao động, rà soạt lại nội dung để bổ sung, hoạn thiện dự án Luật phù hợp hơn, bảo đảm tính khả thi, nhằm đưa sự nghiệp xuất khẩu lao động vào nề nếp, phát triển ổn định, vững chắc.


 

(Theo website Chính phủ)