Thảo luận dự thảo Luật dạy nghề: Ai kiểm định chất lượng dạy?

06/06/2006
Thảo luận dự thảo Luật dạy nghề: Ai kiểm định chất lượng dạy?
Sáng nay (6-6) tại Hội trường Ba Đình, các đại biểu QH thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật dạy nghề. Các vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vai trò của Bộ Lao động, thương binh & xã hội (LĐ, TB&XH) và Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong dạy nghề ra sao? Việc kiểm định chất lượng dạy nghề..., đã được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, thiết thực.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Luật dạy nghề được đưa ra thảo luận trước khi được QH thông qua. Việc ban hành Luật lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết tốt hơn những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn liên quan đến việc đào tạo nghề. Hàng năm ở nước ta, giáo dục đại học, cao đẳng tuyển mới khoảng 250.000 sinh viên (chỉ tính hệ chính quy), trong khi đó số học sinh được tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp và học nghề dài hạn là trên 400.000. Sự mất cân đối này đã kéo dài trong nhiều năm qua mà nguyên nhân chính là số lượng các trường dạy nghề quá ít, hàng năm chỉ tiếp nhận được khoảng 230.000 học sinh (theo số liệu năm 2005). Bên cạnh đó hàng năm, vẫn còn tới 30% - 40% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không được học tiếp (số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề không nhiều) nên không những hạn chế sự phát triển của tuổi trẻ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội. 

"Số lượng các trường dạy nghề hiện quá ít, hàng năm chỉ tiếp nhận được khoảng 230.000 học sinh".

Đóng góp cho các vấn đề cụ thể của dự thảo Luật, về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (đoàn Sơn La) đề nghị tên gọi được của Luật cần được đổi thành Luật giáo dục nghề nghiệp với lý do luật nên điều chỉnh cả dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Cũng vấn đề này, đại biểu Châu Thị Lê (đoàn Bình Thuận) lại nêu ý kiến tên Luật nên được sửa thành Luật đào tạo nghề, vì nếu nói là Luật dạy nghề thì mới chỉ mới nói được một vế là dạy nghề, còn ở đây bao gồm cả quá trình dạy và học. Vì thế gọi là Luật đào tạo nghề sẽ bao quát hơn. Trong khi đó, có đại biểu lại tán thành như tên gọi của dự thảo là Luật dạy nghề, vì coi đây là một chuyên ngành hẹp chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực dạy nghề.

 

 

Về sự bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật trong lĩnh vực dạy nghề, ý kiến của các đại biểu Bùi Sĩ Tiếu (đoàn Thái Bình),  Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát lại từng điều luật để bảo đảm sự thống nhất và không bị trùng lặp với Luật Giáo dục, Bộ luật lao động, như các quy định về chế độ, chính sách, quyền nghĩa vụ của người dạy, người học... Nếu các vấn đề này đã được quy định trong các luật trên thì nên chăng trong Luật dạy nghề chỉ quy định những nội dung đặc thù của lĩnh vực này. Mặt khác, để nâng cao chất lượng dạy nghề, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai Bộ GD-ĐT và LĐ, TB&XH.

 

Về việc kiểm định chất lượng dạy nghề, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là vấn đề nếu làm được tốt sẽ ngày càng nâng cao cho chất lượng dạy nghề. Việc kiểm định chất lượng dạy nghề sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề tổ chức và thực hiện bắt buộc đối với tất cả các cơ sở dạy nghề. Cơ quan kiểm định chất lượng dạy nghề do nhà nước thành lập, có nhiệm vụ thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề và thông báo công khai kết quả để nhân dân biết và giám sát. Tuy nhiên đối lập lại với những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Khanh (đoàn Đồng Nai) lại đề nghị: việc kiểm định chất lượng dạy nghề do cơ sở dạy nghề tự thực hiện, hoặc do tổ chức dạy nghề độc lập thực hiện (không phải do cơ quan kiểm định được nhà nước thành lập). Điều này sẽ tạo ra một kênh đánh giá chất lượng dạy nghề từ phía xã hội một cách độc lập và khách quan hơn.

 

Cũng trong sáng nay, tại Hội trường 37 Hùng Vương, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Ngày mai (7-6), tại hai hội trường, QH tiếp tục thảo luận dự thảo Luật công chứng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động.

(Theo Hà nội mới)