“Độc lập tư pháp” là điều kiện tiên quyết để Tòa án nhân dân thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ công lý”

30/11/2015
 

1. Khái niệm “bảo vệ công lý”

Khoản 2 Điều 3 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 công nhận các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cùng nguyên tắc bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các quy định về phân công lao động quyền lực này đã mang lại cho Tòa án nhân dân một vị thế và diện mạo mới. Theo đó, Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp quốc gia, tiến hành các hoạt động xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án trở thành biểu tượng của công lý, là nơi nhân dân gửi gắm niềm tin rằng bất kỳ vi phạm pháp luật nào cũng bị xử lý nghiêm minh, bất kỳ quyền hoặc lợi ích hợp pháp nào của con người, của công dân bị xâm phạm đều được bảo vệ theo đúng pháp luật, khách quan, không thiên vị trên cơ sở sự thật khách quan.

Từ năm 1950, tiếp thu những di sản lý luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin và học thuyết tập quyền XHCN của Liên Xô với nội dung hạt nhân là toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ thực sự trên tất các các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, quyền lực nhà nước là thống nhất và được tập trung ở cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân (Xô viết tối cao hay Quốc hội). Việc tập trung quyền lực nhà nước vào cơ quan đại diện của nhân dân đã làm cho quyền lực bảo đảm tính thống nhất của nó. Các cơ quan khác của nhà nước, bao gồm cả Tòa án nhân dân, chỉ là cơ quan phái sinh do cơ quan quyền lực cao nhất thành lập và phải chịu sự kiểm tra, giám sát tối cao của cơ quan quyền lực. Ở đây không có sự phân chia quyền lực cũng như không có sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực. Tính chịu trách nhiệm và luôn bị giám sát bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và nhân dân chính là cơ sở để đảm bảo cho quyền lực nhà nước không bị tha hoá. Trong thực tế, thống nhất quyền lực chính là sự tập trung quyền lực về Quốc hội và tập quyền XHCN với nhận thức như trên đã được xem là nền tảng lý luận cho việc tổ chức chính quyền Việt Nam từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp năm 1980.

Tại Báo cáo về dự thảo Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước Quốc hội khóa I kỳ họp thứ 11 ngày 18/12/1959 khẳng định, vấn đề cơ bản của Hiến pháp là “tính chất nhà nước, là nội dung giai cấp của chính quyền, chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai?”. Từ tính chất giai cấp nêu trên, ở nước ta, Tòa án nhân dân luôn được xác định là thiết chế thực hiện quyền chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân, là công cụ trấn áp, trừng trị bọn tay sai đế quốc và bọn phản cách mạng để bảo vệ chủ quyền tự do, độc lập dân tộc, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất Tổ quốc. Theo đó, vai trò và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân mới được nhấn mạnh từ khía cạnh là cơ quan xét xử chứ chưa thực sự chú trọng ở khía cạnh là cành quyền lực tư pháp và là cơ quan bảo vệ công lý. Các cơ quan Tòa án nhân dân còn mang nặng đặc điểm của một thiết chế thời kỳ chiến tranh, bao cấp, chưa nghiêng hẳn về bảo vệ công lý của nhân dân. Truyền thống này được duy trì và thể hiện trung thành tại các Điều 63-69 Hiến pháp năm 1946, Điều 97-108 Hiến pháp năm 1959, Điều 127-141 Hiến pháp năm 1980 và Điều 126-140 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong giai đoạn này hệ thống tòa án ở nước ta về cơ bản mới chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chế nhà nước và ở mức độ nhất định là bảo vệ các quyền với lợi ích hợp pháp của công dân trước sự xâm hại của công dân và các chủ thể phi nhà nước khác.

Như vậy, trong một thời gian dài trước đây, Tòa án nhân dân chỉ được quan niệm là cơ quan áp dụng pháp luật để trừng trị các hành vi vi phạm pháp luật của người dân theo hướng “còn nặng về mặt cưỡng chế và trừng phạt mà nhẹ về bảo đảm quyền lợi chính đáng của quần chúng”. Trong tâm lý e dè, nghi ngại và sợ hãi đó, người dân không nhìn thấy ở pháp luật và tòa án là nơi nương tựa có khả năng giúp đỡ, bảo vệ mình. Việc đến tòa chỉ là “vô phúc” bởi “chờ được vạ thì má đã sưng”. Với vị thế mới, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và nhiệm vụ hàng đầu là “bảo vệ công lý”, Tòa án nhân dân đã vượt ra khỏi vai trò của một cơ quan xét xử thuần túy để trở thành một bộ máy hữu hiệu, một lá chắn vững chắc, một công cụ đắc lực, tin cậy để người dân chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm từ phía các cơ quan công quyền và công chức nhà nước. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất nhất giữa một cơ quan xét xử thuần túy và một cơ quan bảo vệ công lý.

Có thể nói, trong hệ thống cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp), tòa án được coi là “thành trì cuối cùng” trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người. Khi bất công xảy đến, người dân thường cầu viện đến Tòa án như là một “cứu cánh cuối cùng”. Biểu hiện của công lý chính là sự công bằng, khách quan, vô tư và tình người. Tòa án là nơi để người yếu thế, thiệt thòi tin tưởng tìm thấy chân lý và lẽ phải. Chính vì vậy, “Tòa án không được quyền từ chối xét xử” là nguyên tắc kinh điển được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự của nhiều nước trên thế giới. Điều 4 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp buộc tòa án không được từ chối xét xử bằng quy định “Thẩm phán nào từ chối xét xử, với lý do luật không quy định, quy định không rõ hoặc không đầy đủ, thì có thể bị truy tố về tội từ chối xét xử”. Tương tự, Điều thứ 4 Dân luật Bắc và Dân luật Trung kỳ nhấn mạnh đến sự quan trọng của tục lệ, án lệ và học lý: “Nếu không có tục lệ, thì thẩm phán sẽ xử theo lẽ phải và công lý, dựa theo phong tục, thói quen và ý riêng của các người đương sự. Thẩm phán sẽ giải quyết theo học lý và án lệ”. Học lý ở đây được hiểu là các công trình của thẩm phán, các học thuyết, các lời phê bình chú thích của các luật gia.

Tại Việt Nam, tiếp thu có lựa chọn những tư tưởng này, ngay tại Điều thứ 80 Sắc lệnh số 13 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 24-1-1946, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của Nhà nước cách mạng nhân dân đã khẳng định “Các thẩm phán không thể lấy cớ gì, trừ trường hợp cáo tị và hồi tị, mà từ chối không xét xử một việc nào”.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định trong công tác tư pháp, tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Nghị quyết cũng yêu cầu: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm”. Bàn về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhận định “Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể...”. Với thiên chức thiết lập công lý đó, theo ông, Tòa án cần “hướng đến giải quyết được hầu hết mọi tranh chấp xuất hiện trong đời sống xã hội”. Với những lập luận nêu trên, quyết tâm chính trị về xây dựng một xã hội dựa trên nền tảng công lý, trật tự, ổn định đang củng cố và mang lại niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đến nay, Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã thừa nhận và quy định việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 (Áp dụng tập quán) và Điều 6 (Áp dụng tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng) của Bộ luật này được áp dụng”.

2. Tư pháp độc lập là điều kiện tiên quyết của hoạt động bảo vệ công lý

Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giữ chủ quyền đại diện cho công lý, có nhiệm vụ đứng ra làm trọng tài, đưa ra những phán quyết đúng sai giữa các tư nhân và đặc biệt là giữa tư nhân với cơ quan công quyền. Để có thể đảm nhận được nhiệm vụ “bảo vệ công lý”, tòa án phải giữ một vị trí, tư thế độc lập, một cương vị đứng ngoài cuộc trong một mức độ nào đó. Do đó, nguyên tắc tư pháp độc lập là nguyên tắc mang tính cốt lõi để tòa án thực thi công lý.

Đối với một cơ quan tư pháp độc lập thì mọi thực thể xã hội có yếu tố con người vật chất đều là đối tượng điều chỉnh của nó, đó là cá thể công dân và các quan hệ của họ, là các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, và là bản thân nhà nước với các cơ quan cũng như con người cụ thể trong bộ máy này. Theo Montesquieu, “công lý không thể có được trong một xã hội mà cơ quan tư pháp phải phục tùng sự chuyên quyền, lạm quyền của bộ máy quyền lực nhà nước”. Khác với chế độ quân chủ, trong nhà nước dân chủ không một lĩnh vực nào của cuộc sống bị loại trừ ra khỏi vòng xét xử của tòa án. Chính vì vậy, ông mạnh mẽ khẳng định “Tòa án không thể là công cụ trong tay chủ thể quyền lực khi chính chủ thể đó không là đối tượng của cơ quan tư pháp”.

Có thể nói, tư pháp được quan niệm là ý tưởng cao đẹp về một nền công lý và việc giải quyết các tranh chấp trong xã hội đúng với pháp luật, hợp lẽ công bằng, đồng thời, nó cũng là biểu hiện giá trị niềm tin của nhân dân vào pháp luật. Để mang lại niềm tin đó, tòa án phải độc lập thì mới có khả năng phán xét mọi tranh chấp của xã hội, từ những tranh chấp giữa các cá nhân cho đến hành vi vi phạm của cơ quan công quyền. Tính độc lập của tòa án không phải là mục đích tự thân mà là phương tiện để đạt mục đích của mình là bảo vệ công lý. “Tòa án phải chứng tỏ được tính độc lập và mong muốn bảo vệ quyền công dân tới mức mà cả các nhà chính trị lẫn dân chúng đều tự cảm thấy là phải tuân theo phán xét”.

Chân lý khách quan phải được xác định thông qua hoạt động xét xử của tòa án. Muốn vậy Tòa án khi xét xử cần phải độc lập, khách quan, vô tư, trong sáng, tôn trọng sự thật thì mới bảo vệ được công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ của nhà nước. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp, phải là một cơ quan độc lập với vị trí trọng tài và phán xét trong tranh chấp giữa người dân với các cơ quan công quyền khi đưa ra trước tòa. Có thể nói, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, chỉ có độc lập trong tư pháp mới giúp Tòa án nhân dân có đủ ý chí và quyết tâm bảo vệ công lý.

Tính độc lập của tòa án phải gắn liền với thực thi quyền tư pháp, cho phép các vị thẩm phán, để bảo vệ công lý, có thể đưa ra những phán quyết đi ngược lại quyền lợi của các ngành khác của chính quyền. Trong trường hợp này, để có tiếng nói vô tư, không thiên vị, không sợ hãi khi thực thi quyền lực thì Tòa án phải độc lập, các lĩnh vực hoạt động của ngành phải được bảo vệ trước mọi ảnh hưởng của các cơ quan khác, bất kể công khai hay bí mật. Tính độc lập của Tòa án chính là chỗ dựa khơi nguồn cho lòng dũng cảm cần thiết để phụng sự các giá trị của nhà nước pháp quyền, đồng thời mang lại cho người dân niềm tin lớn lao và vững chắc hơn vào Tòa án trong quá trình bảo vệ công lý. Tại nhiều quốc gia, một Hội đồng tư pháp quốc gia được thành lập để đảm bảo sự khách quan, tránh sự can thiệp vào mọi phía, mọi khâu, từ quá trình lựa chọn thẩm phán, nguyên tắc đạo đức cho đến phòng chống tham nhũng, đảm bảo thu nhập, bảo vệ an ninh...

Tại Việt Nam, trong quá trình xây dựng Nhà nước cách mạng nhân dân, các cuộc tranh luận về tư pháp độc lập đã xuất hiện từ rất sớm, đặc biệt là trong giai đoạn đấu tranh tư tưởng đưa lý luận Mác-Lênin, kinh nghiệm xây dựng chính quyền nhân dân của Liên Xô vào thực tiễn Việt Nam, thay thế tư duy pháp lý tư sản  được xác lập trong giai đoạn đầu của Nhà nước cách mạng, đặc biệt là những quy định tại Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 và Hiến pháp năm 1946 nhằm đảm bảo sự độc lập, không lệ thuộc của Tòa án vào các cơ quan quyền lực khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Pháp, các cuộc tranh luận về tư pháp độc lập đã xảy ra, điển hình là cuộc tranh luận giữa nhà lý luận maxist Quang Đạm và Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh. Tại thời điểm đó, nhà lý luận Quang Đạm đã thúc giục tư pháp xây dựng lý luận tư pháp mới, hoàn toàn Việt Nam theo hướng phải đoàn kết, hợp nhất với Nhà nước, từ bỏ tư tưởng “độc lập” siêu hình, bởi trạng thái độc lập có xu hướng chuyển thành trạng thái đối lập, qua đó, tập trung lực lượng phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân.

Phản bác lại lập luận nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh khẳng định sự thiết yếu của “độc lập tư pháp”. Trước tiên, ông phê bình hai xu hướng, thứ nhất là sự tin tưởng một cách tuyệt đối rằng có một thứ luật pháp và một thứ công lý chung cho mọi người không bao giờ thay đổi và ở trên hết mọi tầng lớp đấu tranh, thứ hai là pháp luật và công lý hoàn toàn thiên vị về giai cấp thống trị bởi trong sự sống hàng ngày không chỉ có cuộc đấu tranh giai cấp  mà còn có những xung đột nhỏ khác. Theo ông, độc lập không phải là tự ý mà độc lập là nâng cao năng lực của Tòa án trong việc bảo vệ việc thực thi các đạo luật của Quốc hội: “Luật pháp là những thể lệ do cơ quan chính trị như Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Tòa án chỉ là những cơ quan áp dụng các luật ấy. Nếu pháp luật cấm bãi công, cấm lập nghiệp đoàn thì Tòa án sẽ trừng trị những kẻ làm reo, vào nghiệp đoàn. Một khi luật pháp cho phép bãi công, biểu tình, lập nghiệp đoàn thì dù ai kiện những người bãi công, đi mit tinh, vào nghiệp đoàn đi nữa, Tòa án cũng tha bổng, không sợ ai uy hiếp hay để ai mua chuộc”.

Việc phân công như vậy nhằm giúp cho việc thực hiện các công việc của chính quyền được đúng đắn, chặt chẽ: “ Công tác tư pháp và công việc hành chính giao cho hai cơ quan khác nhau, và cấm cơ quan nọ không được len vào cơ quan kia là một điều kiện bảo đảm cho người công dân khỏi bị nhà cầm quyền ức hiếp, trong bất cứ chính thể dân chủ nào”. Ông khẳng định “hễ hai công việc ấy giao cho một cơ quan là có sự lạm dụng, lợi cho kẻ cầm quyền và hại cho người dân”. Các trường hợp quan tòa không được độc lập vì đã chịu mệnh lệnh ngầm của cơ quan hành chính hay chính trị thì “Tòa án đã bị một sức mạnh biến thành cái máy đàn áp”. Vì lý do này mà thực dân Pháp trước kia không chịu để tư pháp biệt lập với hành chính mà lại tập trung hai quyền ấy vào tay các viên công sứ người Pháp “không lúc nào chịu phân quyền hành chính và tư pháp để cho tư pháp độc lập”. Theo ông, việc phân quyền là hoàn toàn có lợi cho người dân bởi “chính nhờ cách phân quyền ấy mà đã nhiều lần người công dân bị một cơ quan áp bức đã có thể cầu cứu ở một cơ quan khác”. Kháng chiến hành chính và tư pháp đều phụng sự quyền lợi của nhân dân, tuy thế, vẫn cần phân quyền giữa hai bên thì mới bảo đảm được cho người dân lẻ loi khỏi bị đè nén.

Tuy nhiên, đến năm 1950, các phê phán tập trung vào các Tòa án Tư pháp theo Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-46 và coi đây là mô hình có tính cách tư sản, tính cách nhân dân rất lu mờ, chưa thực sự là một công cụ mới hướng hẳn về quyền lợi của nhân dân. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, bộ máy này đang ngày càng bộc lộ tính cách “thoái hóa” và xa rời nhân dân của nó, Tòa án không còn là một bộ phận khăng khít của nhân dân, của chính quyền nhân dân và “vô hình biến thành một trở ngại cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân”.

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sự phân công rành mạch các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và yêu cầu độc lập tư pháp lại tiếp tục được nhấn mạnh như một yêu cầu tiên quyết cho chất lượng, hiệu quả bảo vệ công lý. Độc lập tư pháp không chỉ độc lập về mặt thiết chế, tổ chức của tòa án mà còn là sự độc lập của cá nhân thẩm phán. Không có sự độc lập của Tòa án thì sẽ không có công lý và không có được niềm tin của nhân dân vào công lý. Trong chế độ chúng ta, đó là niềm tin vào công lý XHCN và chế độ XHCN./.

  Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Chánh Văn phòng Tổng cục THADS