Một số nội dung cơ bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù trong các Hiệp định Tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với một số nước trên thế giới

24/01/2015
 

1. Khát quát chung về vấn đề chuyển giao người bị kết án trong các Hiệp định tương trợ tư pháp

Nhằm thể hiện chính sách nhân đạo trong tố tụng hình sự cũng như tạo điều kiện cho người đang chấp hành hình phạt tù có cơ hội được chấp hành hình phạt tại chính đất nước mà mình mang quốc tịch, hay tại chính quê hương của mình, gần gia đình với những điều kiện sống thuận lợi về văn hóa, tập quán, lối sống, ngôn ngữ, thậm chí là cả khí hậu, hỗ trợ cho người bị phạt tù có điều kiện thuận lợi cải tạo tốt nhất để sau khi mãn hạn tù có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống đời thường lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái hòa nhập cộng đồng thành công, giảm thiểu nguy cơ tái phạm, trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì vậy, vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù trong hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được đặt ra.

Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là việc một quốc gia thực hiện chuyển giao người nước ngoài phạm tội đã bị toà án của quốc gia đó kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật về nước mà người bị kết án là công dân hoặc một nước khác đồng ý tiếp nhận để tiếp tục thi hành bản án trên cơ sở sự đồng ý tự nguyện của người bị kết án hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Trên phương diện quốc tế, vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù đã được các nước quan tâm từ khá sớm. Hiệp định đầu tiên quy định về chuyển giao người bị kết án được ký kết năm 1951, đó là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý giữa 2 quốc gia của Trung Đông là Li Băng và Xyri, dần dần các Hiệp định về chuyển giao người kết án được ký kết giữa các quốc gia thuộc Hội đồng liên đoàn Arập (1952), 12 trong tổng số 14 quốc gia ở Tây Phi (1961) và một số quốc gia Châu Âu (1962)[1]. Cộng đồng các nước châu Âu đã ký kết Công ước châu Âu năm 1983 về chuyển giao người bị kết án, Công ước được xây dựng bởi một ủy bản của Hội đồng Châu Âu về các vấn đề tội phạm, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/1985 và hiện nay có khoảng hơn 61 quốc gia thành viên, trong đó có một số nước ngoài EU như Hoa kỳ, Hàn Quốc, Canada, Úc…tham gia.

Đối với Việt Nam, hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao người bị kết án phạt tù vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ xét trên cả lý luận và thực tiễn pháp lý[2], thậm chí vẫn còn thực trạng chưa hiểu rõ về chuyển giao người bị kết án phạt tù, vẫn còn tồn tại sự nhầm lẫn giữa vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù với vấn đề dẫn độ tội phạm[3]. Văn bản pháp lý đầu tiên có liên quan đến việc chuyển giao người bị kết án của Việt Nam, đó là Bản ghi nhớ về việc nhận trở về Việt Nam những công dân Việt Nam đã có lệnh trục xuất khỏi Canada có hiệu lực pháp luật, được Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ Canada ngày 4 tháng 10 năm 1995. Hiện nay, chuyển giao người bị kết án phạt tù đã được ghi nhận trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, đặc biệt vấn đề này được quy định rất cụ thể trong các Hiệp định tương trợ tư pháp về chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt nam đã ký kết với một số nước trên thế giới, việc ký kết này có ý nghĩa rất to lớn là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước về chuyển giao người bị kết án phạt tù theo các nguyên tắc, thủ tục chặt chẽ, mang tính nhân đạo sâu sắc.

Tính đến tháng 8/2012, Việt Nam đã ký kết 4 Hiệp định chuyển giao người bị kết án và 2 Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước có quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù[4]. Cụ thể bao gồm: Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len về chuyển giao người bị kết án phạt tù, ký kết ngày 12/9/2008, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 13/7/2009; Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtrây-lia về chuyển giao người bị kết án phạt tù, ký kết ngày 30/10/2008, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2008; Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân quốc về chuyển giao người bị kết án phạt tù, ký kết ngày 29/5/2009, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 30/8/2010; Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự, ký kết ngày 30/3/2010, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 19/7/2010[5]; Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam với Hung-ga-ri, ký kết ngày 18/1/1985 và đang có hiệu lực (vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù (hình phạt tước tự do) được quy định tại Chương III, từ điều 79 đến điều 95); Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam với Ba Lan, ký kết ngày 22/3/1993, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 18/1/1995 (vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù được quy định tại Chương IV, từ điều 79 đến Điều 85).

Với việc Việt Nam ký kết Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, cũng như các Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hình sự có quy định về vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam ký kết với các nước nói trên có ý nghĩa chính trị, pháp lý, ngoại giao quan trọng, nhằm tăng cường cơ sở pháp lý hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước, góp phần thúc đẩy và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa Việt Nam với các nước ký kết. Đồng thời, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa hai nước.

2. Những nội dung chính của vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù trong các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt nam đã ký kết với một số nước trên thế giới.

Các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, cũng như các Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hình sự có quy định về vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam ký kết với một số quốc gia trên thế giới được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, cũng như phù hợp với hệ thống pháp luật, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam, xu hướng quốc tế hóa trong hợp tác quốc tế chuyển giao người bị kết án, đặc biệt là Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Hầu hết các Hiệp định về chuyển giao phạm nhân quốc tế hiện nay cũng như các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, các Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hình sự có quy định về vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam ký kết với một số quốc gia trên thế giới có liên quan đến 06 vấn đề lớn sau: (i) yêu cầu và điều kiện của chuyển giao người bị kết án; (ii) Phương pháp tiến hành chuyển giao người bị kết án; (iii) yêu cầu về sự đồng ý của người bị kết án; (iv) quyền tài phán đối với trường hợp chống lại việc kết tội và kết án liên quan đến chuyển giao người bị kết án; (v) các điều kiện về thực hiện các bản án được chuyển giao và (vi) các vấn đề hành chính. Tuy nhiên, trong phạm vi bài nghiên cứu, chúng tôi chỉ tập trung vào những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của vấn đề chuyển giao người bị kết án.

a. Về điều kiện chuyển giao

Các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hai Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hình sự mà Việt Nam ký kết với Hunggari và Ba Lan đều quy định về điều kiện chuyển giao người bị kết án phạt tù, bao gồm các điều kiện cụ thể sau:

Thứ nhất, hành động hoặc không hành động của người bị kết án đã bị áp dụng hình phạt cũng cấu thành tội phạm theo pháp luật của Bên nhận[6]. Hay nói cách khác, điều kiện đầu tiên trong việc chuyển giao người bị kết án phạt tù đó chính là điều kiện “phạm tội kép”, có nghĩa là hành vi làm căn cứ cho việc kết tội và kết án một đối tượng cũng đồng thời phải là hành vi phạm tội theo pháp luật của nước tiếp nhận (hoặc nước quản lý), nếu như hành vi phạm tội này xảy ra trong phạm vi lãnh thổ của nước tiếp nhận. Việc yêu cầu điều kiện “phạm tội kép” được xây dựng trên cơ sở cho rằng các nước thi hành luật không được thi hành bản án của nước ngoài đối với một tội phạm mà sự việc xảy ra này không được coi là tội phạm nếu theo luật của nước thi hành, bởi vì, nếu hành động như vậy, sẽ vi phạm các giá trị văn hóa, pháp lý của nước thi hành[7]. Tuy nhiên, điều này trong các Hiệp định cũng không cứng nhắc và chặt chẽ, bởi lẽ hầu hết các Hiệp định còn quy định điều kiện này không nhất thiết đòi hỏi tội phạm đó phải được quy định trong pháp luật của hai bên là như nhau đối với những vấn đề không ảnh hưởng đến bản chất của tội phạm đó, thậm chí trong Hiệp định chuyển giao người bị kết án giữa Việt nam và Ô-xtrây-lia, điều kiện này không phải là bắt buộc mà điều kiện này có thể được miễn trong trường hợp đặc biệt nếu cả hai bên đồng ý và trong phạm vi pháp luật cho phép.

Thứ hai, người bị kết án phải là công dân của Bên nhận. Đây là điều kiện bắt buộc trong tất cả các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án, và hoàn toàn cần thiết, bởi lẽ chính việc quy định của điều kiện này sẽ đảm bảo được mục đích đặt ra của việc chuyển giao người bị kết án. Trong Hiệp định chuyển giao người bị kết án giữa Việt nam và Thái Lan, còn quy định cụ thể người bị kết án được chuyển giao không phải là công dân của Nước chuyển giao[8] hay trong Hiệp định chuyển giao người bị kết án giữa Việt nam và Ô-xtrây-lia còn quy định cụ thể hơn: Khi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bên nhận thì người đó phải là công dân Việt Nam; Khi Ô-xtrây-lia là bên nhận thì người kết án phạt tù bao gồm hai đối tượng đó là người có quốc tịch Ô-xtrây-lia và Người được phép chuyển đến, nhập cảnh là lưu lại không thời hạn tại Ô-xtrây-lia theo quy định của pháp luật Ô-xtrây-lia và có mối quan hệ cộng đồng với một bang hoặc lãnh thổ của Ô-xtrây-lia.

Thứ ba, việc chuyển giao phải được sự đồng ý của người bị kết án hoặc sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người bị kết án nếu một trong hai bên nhận hoặc bên chuyển giao thấy cần thiết khi xem xét các điều kiện về độ tuổi, tình trạng thể chất hoặc tinh thần của người bị kết án. Đây là điều kiện bắt buộc của việc chuyển giao người bị kết án và được quy định trong tất cả các Hiệp định, bởi lẽ, điều kiện này xuất phát từ chính bản chất của người bị kết án đó là vấn đề nhân đạo và xuất phát từ chính từ chính lợi ích của người bị kết án. Bên cạnh đó, điều kiện này chính là một tiêu chí quan trọng để chúng ta có thể phân biệt sự khác nhau giữa chuyển giao người bị kết án với dẫn độ tội phạm, đối với dẫn độ đó là một yêu cầu pháp lý xuất phát từ quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của một quốc gia, đòi hỏi điều kiện bắt buộc phải đưa người phạm tội về nước truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đối với người đã kết án để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của bản án đã được tuyên, do đó việc dẫn độ là bắt buộc và không phụ thuộc vào sự tự nguyện của người bị dẫn độ (trong đó có người đã bị kết án) là đồng ý hay không đồng ý đối với việc dẫn độ[9]. Sự đồng ý của người bị kết án là điều kiện bắt buộc trong việc chuyển giao đối với người bị kết án, liên quan đến quyền lợi ích trực tiếp của người bị kết án và nó thể hiện bản chất pháp lý đặc thù của hoạt động này, chính vì vậy sự đồng ý này của người bị kết án được hầu hết các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với Hàn Quốc, với Anh và Bắc Ailen, với Ô-xtrây-lia quy định rất chặt chẽ thành một điều luật riêng rẽ nhằm đảm bảo chính xác sự đồng ý của người bị kết án. Theo đó Bên chuyển giao phải đảm bảo rằng người bị kết án phạt tù đồng ý với việc chuyển giao một cách tự nguyện và với nhận thức đầy đủ về những hệ quả pháp lý của việc chuyển giao, thủ tục thể hiện sự đồng ý do pháp luật Bên chuyển giao quy định. Nếu Bên nhận mong muốn, trước khi chuyển giao, Bên chuyển giao phải tạo điều kiện cho Bên nhận xác minh sự đồng ý của người bị kết án về việc chuyển giao người bị kết án là tự nguyện với sự hiểu biết đầy đủ về hệ quả pháp lý của việc chuyển giao người bị kết án này thông qua một quan chức do Bên nhận chỉ định.

Thứ tư, bên chuyển giao và Bên nhận đều đồng ý của việc chuyển giao người bị kết án. Điều kiện này cũng được quy định trong tất cả các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án mà Việt Nam ký kết với các nước trên thế giới, điều này là cơ sở rất quan trọng cho việc đạt được mục đích của việc chuyển giao của người bị kết án, đặc biệt điều kiện này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn tất các thủ tục cho việc chuyển giao người bị kết án phạt tù từ Nước chuyển giao cho Nước nhận.

Thứ năm, tại thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyển giao thời gian chấp hành hình phạt của người bị kết án còn ít nhất là một năm. Đây là điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án phải chấp hành tại Nước chuyển giao, khi nào thời hạn chấp hành hình phạt của người bị kết án còn ít nhất một năm mới xem xét việc chuyển giao người bị kết án, không có sự phân biệt người bị kết án phạm tội gì, thuộc loại tội phạm nào, mức hình phạt tù. Dưới một góc độ nào đó điều kiện này cũng chính nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật Nước chuyển giao. Đồng thời, việc quy định thời hạn nói trên cũng nhằm bảo đảm thời gian tiếp tục chấp hành án phạt tù tại Việt Nam vẫn có ý nghĩa giáo dục, cải tạo người đó, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, điều kiện về thời gian chấp hành hình phạt còn lại của người bị kết án phải chấp hành trong một số Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với một số nước cũng không quá cứng nhắc, đã có sự linh hoạt, điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc chuyển giao người bị kết án từ Nước chuyển giao sang Nước nhận, cụ thể: trong Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với Anh – Bắc Ailen thì ngoài quy định về điều kiện trên thì Hiệp định còn quy định trong trường hợp đặc biệt các Bên có thể đồng ý về việc chuyển giao khi thời gian còn lại mà người kết án phải chấp hành hình phạt ít hơn một năm, hoặc trong Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với Hàn Quốc cũng quy định trong trường hợp đặc biệt, các Bên có thể đồng ý chuyển giao khi thời hạn còn lại mà người bị kết án phải chấp hành hình phạt ít hơn khoảng thời gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Hiệp định[10], thậm chí theo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với Ô-xtrây-lia điều kiện này có thể được miễn theo thỏa thuận của các Bên.

Thứ sáu, phán quyết đối với người bị kết án phải là phán quyết cuối cùng và không còn một thủ tục tố tụng nào đối với tội phạm đó đang chờ được tiến hành trong phạm vi thẩm quyền được xét xử của Bên chuyển giao. Có nghĩa rằng, tại nước chuyển giao (nước kết án), bản án đối với người bị kết án phạt tù (đối tương chuyển giao) phải là phán quyết cuối cùng, tức là không còn ai kháng cáo, kháng nghị lại bản án đó, để có thể ra mở ra một thủ tục tố tụng mới. Thậm chí, về điều kiện này trên thế giới, có một số Hiệp định về chuyển giao người bị kết án như giữa Mêhicô và Bôlivia đã có quy định, nếu có một đồng bị cáo tức là người mà phạm nhân đó bị buộc tội và bị kết án cùng, kháng cáo, phạm nhân sẽ không đủ điều kiện để được chuyển giao chừng nào đơn kháng cáo này chưa được giải quyết. Đây là điều kiện bảo đảm cho việc ổn định của bản án đối với người bị kết án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao người bị kết án, cũng như là cơ sở cho việc xác định một số điều kiện khác của việc chuyển giao người như bị kết án như điều kiện về thời hạn còn lại của thời gian chấp hành hình phạt của người bị kết án…

Bên cạnh những điều kiện chung nhất nêu trên, trong một số Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam ký kết với một số nước trên còn quy định thêm một số điều kiện khác, cụ thể: trong Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với Thái Lan còn quy định điều kiện cụ thể về hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án là hình phạt tù, giam giữ hoặc các hình thức tước quyền tự do khác, đặc biệt, trong Hiệp định này bên cạnh việc quy định về các điều kiện bắt buộc cho việc chuyển giao người bị kết án phạt tù còn quy định các trường hợp từ chối chuyển giao, theo đó một yêu cầu chuyển giao người bị kết án sẽ bị từ chối theo Hiệp định này khi thuộc một trong ba trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, Người đó bị kết án về một tội phạm theo pháp luật của Nước chuyển giao về xâm phạm an ninh quốc gia; chống lại người đứng đầu nhà nước hoặc thành viên của gia đình người đứng đầu nhà nước hoặc xâm phạm pháp luật về bảo vệ quốc bảo.

Trường hợp thứ hai, Phán quyết đối với người bị kết án không phải là phán quyết cuối cùng và vẫn còn thủ tục tố tụng khác liên quan đến người phạm tội hoặc tội phạm khác đang chờ được tiến hành tại Nước chuyển giao.

Trường hợp thứ ba, Việc chuyển giao người bị kết án có thể phương hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hoặc các lợi ích quan trọng khác của một Bên ký kết.

b. Về thủ tục chuyển giao

Thủ tục chuyển giao người bị kết án phạt tù là một trong những nội dung rất quan trọng trong các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án mà Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới. Mặc dù, còn tồn tại sự khác nhau nhất định về kỹ thuật quy định thủ tục chuyển giao người bị kết án, nhưng thủ tục này được quy định trong các Hiệp định rất cụ thể, chi tiết, đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiến hành các thủ tục cần thiết khi chuyển giao người bị kết án, có thể khát quát bao gồm các thủ tục cụ thể sau:

Thứ nhất, thông báo về quyền được chuyển giao cho người bị kết án.

Tất cả các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án mà Việt Nam đã ký kết đều quy định về thủ tục này, theo đó kể từ khi Hiệp định về chuyển giao người bị kết án được ký kết và có hiệu lực pháp luật các Bên (bên Nhận và Bên Chuyển giao) sẽ phải có nghĩa vụ thông báo cho người bị kết án về quyền được chuyển giao theo Hiệp định mà hai bên đã ký kết. Đây là thủ tục đầu tiên của quá trình chuyển giao người bị kết án, thủ tục này có ý nghĩa tạo điều kiện cho người bị kết án biết về quyền được chuyển giao của mình.

Thứ hai, đưa ra yêu cầu chuyển giao người bị kết án

Trên cơ sở thông báo của các Bên về quyền được chuyển giao, người bị kết án phạt tù mong muốn được chuyển giao có thể đề đạt nguyện vọng về việc chuyển giao với bất kỳ Bên nào (có thế là Bên Nhận hoặc là Bên Chuyển giao), một Bên nhận được nguyện vọng về việc được chuyển giao của người bị kết án sẽ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bên còn lại biết về nguyện vọng này. Khi nhận được nguyện vọng về việc chuyển giao người bị kết án phạt tù và đồng ý về việc chuyển giao thì yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù có thể do Bên Nhận hoặc Bên Chuyển giao[11] đưa ra và yêu cầu chuyển giao này phải được lập thành văn bản, và bao gồm những nội dung cơ bản sau: (i) Họ tên, ngày tháng năm sinh và nơi sinh của người bị kết án phạt tù; (ii) Quốc tịch hoặc tình trạng cư trú hiện nay của người bị kết án phạt tù; (iii) Nơi ở hiện tại của người bị kết án và địa chỉ thường trú của người bị kết án phạt tù (nếu có). Nếu một trong hai Bên không đồng ý với việc chuyển giao thì thông báo ngay bằng văn bản cho Bên kia biết.

Khi có yêu cầu chuyển giao từ Bên Nhận và Bên Chuyển giao đồng ý về việc chuyển giao hoặc yêu cầu chuyển giao cho chính Bên Chuyển giao đưa ra thì Bên Chuyển giao phải cung cung cấp cho Bên nhận những thông tin cơ bản sau: (i) Mô tả tình tiết sự kiện làm cơ sở cho việc kết án và tuyên hình phạt; (ii) Thời hạn của hình phạt, ngày chấm dứt hình phạt (nếu có), thời gian đã chấp hành hình phạt của người bị kết án và bất kỳ sự miễn, giảm hình phạt nó mà người bị kết án có được vì những việc đã làm, do có thái độ cải tạo tốt, do đã giam giữ trước khi xét xử hoặc vì lý do khác; (iii) Một bản sao phán quyết (hoặc giấy chứng nhận) hoặc trích lục hồ sơ bản án và thông tin về luật đã được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù và (vi) Các thông tin bổ sung khác do Bên Nhận yêu cầu;

Ngoài ra, trong Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len còn quy định Nếu Bên chuyển giao đồng ý với việc chuyển giao thì thông báo ngay cho Bên nhận biết với những thông tin sau đây: (i) Một bản tuyên bố về sự đồng ý chuyển giao của người bị kết án và (ii) Văn bản khẳng định sự đồng ý chuyển giao của Bên chuyển giao.

Khi có yêu cầu từ Bên Chuyển giao và Bên Nhận đồng ý về việc chuyển giao người bị kết án hoặc yêu cầu chuyển giao cho Bên Nhận đưa ra thì Bên Nhận phải cung cấp cho Bên Chuyển giao những thông tin cơ bản sau: (i) Một bản báo cáo khẳng định người bị kết án là công dân của Bên Nhận phù hợp với quy định của Hiệp định; (ii) Một bản sao pháp luật hiện hành của Bên Nhận quy định rằng hành vi (dưới dạng hành động hoặc không hành động) của người bị kết án đã bị tuyên hình phạt tại Bên Chuyển giao cấu thành tội phạm theo pháp luật của Bên Nhận, hoặc có thể cấu thành tội phạm nếu thực hiện trên lãnh thổ của Bên Nhận; (iii) Một bản mô tả cách thức về việc tiếp tục thi hành hình phạt đối với người bị kết án phạt tù và (iv) Các thông tin bổ sung khác do Bên Chuyển giao yêu cầu.

Thứ ba, tiến hành chuyển giao người bị kết án

Khi các Bên đều đồng ý với việc chuyển giao thì sẽ chuẩn bị cho việc chuyển giao người bị kết án. Cơ quan có thẩm quyền của Bên chuyển giao sẽ bàn giao người bị kết án cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận vào thời gian và địa điểm trên lãnh thổ của Bên chuyển giao theo sự thỏa thuận của hai Bên.

Bên cạnh đó, trong thủ tục chuyển giao người bị kết án tất cả các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án mà Việt Nam ký kết với các nước đều quy định: Nếu một trong các Bên chuyển giao người bị kết án đến hoặc từ một nước thứ ba, Bên kia phải cùng hợp tác cho việc quá cảnh người bị kết án qua lãnh thổ của mình được nhanh chóng, thuận tiện. Bên dự định thực hiện việc chuyển giao phải thông báo trước cho Bên kia về việc quá cảnh đó. Mỗi Bên cũng có thể từ chối việc quá cảnh.

c. Vấn đề tiếp tục thi hành hình phạt

Các quy định về vấn đề tiếp tục thi hành hình phạt là một trong những nội dung quan trọng nhất trong các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án mà Việt Nam đã ký kết, tuy nhiên đây cũng chính là quy định phức tạp nhất của Hiệp định loại này[12], bởi do có sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật của Bên Nhận và hệ thống pháp luật của Bên Chuyển giao về hệ thống hình phạt, loại hình phạt, mức hình phạt áp dụng đối với người bị kết án, dẫn đến việc phải quy định những nội dung để xử lý những khó khăn về mặt pháp lý do sự khác biệt trên, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục thi hành bản án phạt tù sau khi việc chuyển giao được hoàn tất.

Cũng giống như kỹ thuật quy định về thủ tục chuyển giao người bị kết án, kỹ thuật quy định về vấn đề tiếp tục thi hành án còn tồn tại một số điểm khác nhau nhất định, nhưng đều thống nhất ở một số nội dung sau:

- Bên Nhận sẽ tiếp tục thi hành hình phạt mà Bên Chuyển giao đã tuyên đối với người bị kết án tương tự như hình phạt đó được tuyên tại Bên nhận.

- Việc tiếp tục thi hành hình phạt sau khi chuyển giao được điều chỉnh theo pháp luật và thủ tục của Bên nhận, bao gồm cả pháp luật về các điều kiện thi hành hình phạt tù giam giữ hoặc các biện pháp tước tự do khác, cũng như các quy định về giảm thời hạn phạt tù, thời hạn giam giữ hoặc thời hạn áp dụng các biện pháp tước tự do khác do tạm tha, trả tự do có điều kiện, giảm án hoặc bằng hình thức khác. Đây là nội dung được quy định trong tất cả các Hiệp định chuyển giao người kết án mà Việt Nam đã ký kết, đó là một quy định hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thi hành án đối với người kết án tại Bên Nhận, bên mà người bị kết án mang quốc tịch.

Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt không phù hợp với pháp luật của Bên nhận thì Bên đó có thể chuyển đổi hình phạt cho phù hợp với hình phạt quy định đối với tội phạm tương tự theo pháp luật nước mình. Khi chuyển đổi hình phạt, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận sẽ phải căn cứ vào các sự kiện của vụ án đã được thể hiện trong các ý kiến, bản luận tội, phán quyết hoặc hình phạt đã được tuyên ở Bên chuyển giao. Tuy nhiên, sự chuyển đổi hình phạt này bị giới hạn nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người bị kết án, đây là quy định thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật của các Bên, theo đó hình phạt được chuyển đổi không được nặng (nghiêm khắc) hơn so với hình phạt đã được tuyên tại Bên chuyển giao về tính chất và thời hạn. Bên cạnh đó, khi chuyển đổi hình phạt, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận không được chuyển đổi hình phạt tước tự do thành hình phạt tiền[13].

- Bên nhận điều chỉnh hoặc chấm dứt việc thi hành hình phạt ngay sau khi được thông báo về quyết định ân xá của Bên chuyển giao đối với người bị kết án hoặc về bất kỳ quyết định hay biện pháp nào của Bên chuyển giao dẫn đến việc hủy bỏ hoặc giảm hình phạt.

- Nếu Bên chuyển giao yêu cầu, Bên nhận sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến việc thi hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: (i) Người bị kết án được trả tự do (được tạm tha) có điều kiện; (ii) Việc thi hành hình phạt đã kết thúc; (iii) Người bị kết án bỏ trốn khỏi nơi giam giữ trước khi thi hành hình phạt kết thúc và (iv) Bên Chuyển giao yêu cầu một bản báo cáo.

Ngoài những điểm chung nêu trên, trong một số Hiệp định còn quy định thêm một số vấn đề khác có liên quan, cụ thể trong Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thái Lan về Chuyển giao người bị kết án phạt tù, trong thủ tục thi hành hình phạt còn quy định Khi thi hành hình phạt tước tự do, Nước nhận sẽ không được kéo dài thời hạn đã được Tòa án Nước chuyển giao tuyên. Thời hạn thi hành hình phạt này phải tương đương với hình phạt do Nước chuyển giao tuyên. Nước nhận bị giới hạn trong bản chất pháp lý của hình phạt do Nước chuyển giao quyết định. Nước chuyển giao sẽ được thông báo cùng với yêu cầu chuyển giao nếu theo quy định của Nước nhận, cơ quan có thẩm quyền của Nước này phải ra quyết định hoặc bản án về việc tiếp tục thi hành hình phạt do Tòa án Nước chuyển giao tuyên. Trong trường hợp thời gian thi hành hình phạt do Tòa án Nước nhận áp dụng ít hơn thời hạn còn lại mà người phạm tội phải chấp hành, Nước chuyển giao có quyền từ chối yêu cầu chuyển giao[14]. Hoặc Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp vương quốc Anh - Bắc Ai Len về Chuyển giao người bị kết án phạt tù còn quy định thêm một trường hợp mà Bên nhận sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến việc thi hành hình phạt đó là trường hợp người bị kết án không thể chấp hành hình phạt vì bất cứ lý do gì[15].

Ngoài các vấn đề cơ bản nêu trên, trong hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam ký kết với một số quốc gia nói trên còn quy định các vấn đề khác liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù vấn đề quá cảnh người bị kết án, bảo lưu thẩm quyền xét xử (quyền tài phán), ngôn ngữ, chi phí liên quan đến việc chuyển giao người bị kết án phạt tù… Nhìn chung, các quy định trên có sự khác nhau nhất định về cách thức quy định, tuy nhiên về nội dung đều có những điểm chung nhất, tạo ra sự thống nhất trong việc thực hiện chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam tham gia với tư cách là một trong hai bên kí kết.

Trên đây là một số nội dung cơ bản về vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù trong các Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, cũng như các Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hình sự có quy định về vấn đề chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam ký kết với một số quốc gia trên thế giới, các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc việc chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam với nước ký kết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả và thuận lợi hoạt động hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự nói chung và thi hành hình phạt tù nói riêng, đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, bổ sung vào hệ thống pháp luật tố tụng hình sự quy định về việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án hình sự của Tòa án nước ngoài, trong đó có bản án hình sự về hình phạt tù. Mặt khác, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đàm phán, ký kết  những thỏa thuận hoặc Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù với các quốc gia khác, trước hết là với các quốc gia láng giềng, quốc gia trong khu vực và quốc gia có quan hệ truyền thống, tạo cơ sở pháp lí cho việc chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa hai quốc gia, tránh các trường hợp từ chối chuyển giao người bị kết án đáng tiếc. Đặc biệt, chú trọng đến việc kí kết những thoả thuận và hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù đối với các quốc gia trong khu vực châu Á và các quốc gia ASEAN./.

   Th.s Ngô Thanh Xuyên - Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp

 


[1] Xem thêm PGS.TS Nguyễn Xuân Yêm (2000), Dẫn độ tội phạm, tương trợ pháp lý về hình sự và chuyển giao phạm nhân quốc tế trong chống tội phạm (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, trang 217 - 222

[2] PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh (2007), Hợp tác quốc tế trong chuyển giao người bị kết án phạt tù, Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 (tháng 5/2007), trang 16.

[3] Xem thêm PGS.TS Trần Đình Nhã (2006), Vấn đề chuyển giao người bị kết án trong quan hệ giữa nước ta với các nước, Tạp chí nhà nước và pháp luật số 9/2006, trang 78.

[4] Http://lanhsuvietnam.gov.vn/Lists/BaiViet/B%C3%A0i%20vi%E1%BA%BFt/DispForm.aspx?List=dc7c7d75-6a32-4215-afeb-47d4bee70eee&ID=414

[5] Ngoài ra, nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga do Tổng thống Vladimir Putin dẫn đầu ngày 12/11/2013, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Chính phủ, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thượng tướng, TS Lê Quý Vương Thứ trưởng Bộ Công an và ngài M.A. Tra-ni-kốp Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã ký chính thức Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về chuyển giao người bị kết án phạt tù (Hiệp định)

[6] Theo Điều 1 về giải thích từ ngữ của các Hiệp định trên thì Bên nhận (Nước nhận) là Bên (Nước) mà người bị kết án có thể hoặc đã được chuyển giao đến.

[7] PGS.TS Nguyễn Xuân Yêm (2000), Dẫn độ tội phạm, tương trợ pháp lý về hình sự và chuyển giao phạm nhân quốc tế trong chống tội phạm (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, trang 223

[8] Theo Điều 1 về giải thích từ ngữ của các Hiệp định trên thì Nước chuyển giao (Bên chuyển giao) là Nước (bên) ký kết mà từ đó người bị kết án  có thể hoặc đã được chuyển giao.

[9] Xem thêm Nguyễn Viết Sách (2006), Bàn về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án, Tạp chí Kiểm sát – số 4 (2/2006), trang 48.

[10] Điểm c khoản 1 Điều 5 Hiệp định về chuyển giao người bị kết án giữa Việt Nam với Hàn Quốc quy định: Tại thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyên giao, thời gian chấp hành hình phạt của người bị kết án còn ít nhất một năm, hoặc người bị kết án đang chấp hành hình phạt không xác định thời hạn hoặc tù chung thân.

[11] Trên thực tế, yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù thường do Bên nhận (bên người bị kết án mang quốc tịch) đưa ra.

[12] PGS.TS Trần Đình Nhã (2006), Vấn đề chuyển giao người bị kết án trong quan hệ giữa nước ta với các nước, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 9/2006, trang 79

[13] Đoạn 3 Điều 9 Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp vương quốc Anh - Bắc AiLen về Chuyển giao người bị kết án phạt tù, Đoạn 3 Điều 8 Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc về Chuyển giao người bị kết án phạt tù

[14] Khoản 2, khoản 3 Điều 8 Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan về Chuyển giao người bị kết án phạt tù.

[15] Điềm c, khoản 5, Điều 9 Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp vương quốc Anh - Bắc Ai Len về Chuyển giao người bị kết án phạt tù.