Những biểu tượng sống mãi trong nền văn hóa Tư pháp

10/11/2014
 

Được thành lập từ ngày 28/8/1945, Bộ Tư pháp đã trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Trên con đường vinh quang nhưng cũng đầy gian nan và thăng trầm ấy, ngành Tư pháp đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong quá trình phát triển ấy, ngành Tư pháp đã hình thành và bồi đắp một nền văn hóa với bản sắc, cốt cách và triết lý riêng, đó là một nền tư pháp chân chính, nhân văn, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Và cũng cần nhấn mạnh rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã truyền nguồn cảm hứng lớn lao để ngành Tư pháp định hình những giá trị căn cốt đó.

1. “Nền Tư pháp vì công lý’’. Truyện thần thoại Hy Lạp, một trong những hình thái văn học sớm nhất (ra đời khoảng từ năm 2000 - 1100 TCN), đã khắc họa hình ảnh nữ thần công lý Thésmis một tay cầm cân, một tay cầm thanh kiếm, mắt bịt một băng vải để chứng tỏ sự vô tư, không thiên vị, đem lại sự ổn định và phát triển hài hòa của thế gian. Người ta cho rằng đó là hình ảnh xa xưa nhất thể hiện lý tưởng về công lý, thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy, chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, lẽ công bằng, sự chính trực, nghiêm minh, không thiên vị và một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù loà”, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Có lẽ, biểu tượng công lý này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Nguyễn Ái Quốc trong hành trình Người bôn ba tìm tòi, khảo nghiệm con đường cứu nước. Tại “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã lên án nền công lý thuộc địa cũng qua hình ảnh nữ thần công lý Themis, nhưng đó là một nữ thần bạo tàn, hung hãn bởi chiếc cân trên tay bà, tượng trưng cho lương tri, lẽ phải, lẽ công bằng, lòng nhân ái đã “tan chảy”, không còn là điểm tựa cho những quyết định vô tư và thanh kiếm cô độc chỉ còn lại là biểu tượng sự bạo quyền, tàn ác, vô nhân tính:  

“Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”.

Người ta thường nói kiếm là tượng trưng của quyền lực, quyền uy. Tôi lại không cho rằng hoàn toàn là vậy. Trong tâm thức thuần Việt, gươm kiếm thường tượng trưng cho chiến tranh, binh lửa, can qua, loạn lạc. Ước vọng về một cuộc sống an lạc, thái bình, thịnh trị, dùng văn trị thay võ trị cũng đã được thể hiện rất rõ qua câu truyện “Sự tích Hồ Gươm” trong sách giáo khoa. Truyền thuyết kể rằng sau khi đánh thắng giặc Minh, binh lửa loạn lạc đã qua, vua Lê Thái Tổ đã đến hồ Tả Vọng để “trả gươm cầm bút”, thể hiện khát vọng mãnh liệt của dân tộc ta về một nền hòa bình, thịnh trị. Có lẽ Hà Nội được mệnh danh là Thành phố vì hòa bình cũng vì lẽ đó.

Phần nội dung này của biểu trưng ngành Tư pháp hiện đang sử dụng thể hiện khá hài hòa những lý lẽ nêu trên. Biểu trưng bao gồm là chiếc cân và thanh kiếm nhưng thanh kiếm không “tuốt trần” như để uy hiếp mà là thanh kiếm để trong bao, tượng trưng cho quyền uy một cách khá mềm dẻo. Trong biểu trưng này, thanh kiếm không “độc hành” mà đi cùng và dựa vào lý lẽ, lẽ phải, lẽ công bằng, đó là chiếc cân, vì vậy nó toát lên một vẻ yên bình và lòng tin vào chính nghĩa. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nền hành chính của đất nước ta đang chuyển từ một nền hành chính cai trị sang một nền hành chính phục vụ, gần dân, thân dân, vì vậy, cách thể hiện uy quyền như vậy là khá khéo léo và có thể chấp nhận được. 

Cũng có một số ý kiến cho rằng chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý về mặt tổ chức đối với tòa án nhân dân địa phương đã được chuyển về Tòa án nhân dân tối cao từ nhiều năm trước đây. Đến nay, theo Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3 Điều 102) thì Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, vì vậy, các biểu trưng về công lý, cân và kiếm là không còn thực sự phù hợp với bản chất của công tác tư pháp. Tôi cho rằng quyết tâm chính trị về xây dựng một xã hội dựa trên nền tảng công lý, trật tự, ổn định là một quyết tâm đúng đắn, nó sẽ góp phần củng cố và mang lại niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ công lý, điều đó không có nghĩa là các nhánh quyền lực khác như Quốc hội hay Chính phủ không liên quan đến việc thiết lập và bảo vệ công lý. Các học thuyết về công lý cho rằng công lý là một “phẩm hạnh cao quý của mỗi cộng đồng xã hội”, giúp “mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng” và bảo vệ công lý chính là “bảo vệ các quyền cơ bản của con người”. Như vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp phải có nhiệm vụ vun trồng, thúc đẩy những giá trị của công lý nói chung trong toàn xã hội. 

2. “Tư pháp nhân văn, tư pháp vì nhân dân” là một giá trị văn hóa, một biểu tượng đáng tự hào và trân trọng của ngành Tư pháp. Có thể nói, nền Tư pháp đầy ắp tinh thần cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân đã trở thành bản sắc, căn cốt riêng của mỗi cán bộ tư pháp.

Cuối năm 1946, thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều cơ quan khác của Trung ương Đảng và Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Cuối năm 1948, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe viết bài “Tư pháp kháng chiến” thúc giục cán bộ tư pháp hòa mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, mở mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp. Ông thúc giúc mỗi cán bộ tư pháp phải xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, có khi phải hi sinh tính mệnh. Tư pháp kháng chiến cũng đòi hỏi phải “sửa sang những bộ luật hiện hành để luật pháp của nước Việt Nam dân chủ phải thực sự bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân, quét sạch những di tích bóc lột của chủ nghĩa thực dân, bảo đảm cho người thợ Việt Nam một địa vị xứng đáng…”.

Tiếp theo, năm 1950, cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây thực sự là cuộc cải cách để xây dựng một nền tư pháp vì nhân dân. Những quy định mới về loại bỏ không khoan nhượng mọi hình thức người bóc lột người, bảo đảm tự do tiến bộ cho nhân dân được ban hành. Những quyền dân sự chỉ được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó “đúng với quyền lợi của nhân dân”. Bên cạnh những công việc phục vụ dân sinh truyền thống, do tàn tích của chế độ phong kiến thực dân trước đó, đặc biệt là “óc sính kiện, nạn thày cô sui nguyên dục bị”, ngành Tư pháp đã xây dựng Đề án hòa giải, tích cực tổ chức công tác hòa giải, dàn xếp được một số khá lớn những vụ xích mích trong nhân dân. Ngành nhận định: Việc hòa giải nếu có kết quả, sẽ làm tăng thêm tình thân ái, đoàn kết góp phần vào việc củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, làm cho chính quyền của nhân dân thêm vững vàng, kháng chiến mau thắng lợi và kiến quốc sớm thành công.

Cũng vì lẽ nhân văn, tại Bài nói chuyện năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn ngành Tư pháp phải xây dựng và trau dồi một tình thương, một lẽ sống, một lý tưởng trong sáng, nhân văn, vì nhân dân. Người căn dặn: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Đây chính là điểm tựa vững chắc để ngành Tư pháp xây dựng một nền Tư pháp nhân văn, vì nhân dân.

3. “Tư pháp đổi mới để tiến lên” là một biểu tượng đáng tự hào của ngành Tư pháp trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Chỉ một vài năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới (1986), tiến trình dân chủ hóa đã được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu, tính công khai, dân chủ, ý thức về pháp quyền, công lý, công bằng xã hội đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong toàn xã hội. Với tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xí nghiệp, hợp tác xã của mình và yêu cầu nhà nước phải quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, một số quan điểm về nhà nước và pháp luật truyền thống đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ của thời kỳ kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp đã không còn thực sự phù hợp, từ đó đã tạo ra một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, gò bó, thiếu tính linh hoạt và không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới.

Trước yêu cầu cấp bách đó, tại Diễn văn tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987, đồng chí Nguyễn Văn Linh-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đổi mới:

“Đại hội Đảng lần thứ VI đã phân tích kỹ tình hình này và đề ra nhiệm vụ quản lý đất nước bằng pháp luật. Đại hội yêu cầu mọi người, mọi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải sống và làm việc theo pháp luật. Muốn quản lý xã hội bằng pháp luật, phải quan tâm xây dựng pháp luật, từng bước bổ sung và hoàn chỉnh nó để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật”.

Có thể nói, đổi mới tư duy kinh tế đã đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải khẩn trương, tích cực, quyết liệt và kiên trì đổi mới tư duy pháp lý nhằm góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trọng tâm của đổi mới tư duy pháp lý trong thời kỳ đầu của giai đoạn đổi mới chính là yêu cầu nâng cao vai trò điều chỉnh xã hội của pháp luật, pháp luật phải là một “phương tiện hùng mạnh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, là công cụ đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ XHCN. Pháp luật cần phải được quan niệm lại, theo đó, nó không chỉ thuần tuý tồn tại với ý nghĩa là một sức mạnh cưỡng chế mà còn phải là một công cụ giáo dục tích cực nhằm khắc phục những tàn dư tư tưởng, những thành kiến coi thường pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác trong cán bộ và nhân dân. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã tích cực đóng góp một phần quan trọng vào nhiệm vụ hoàn thiện, tổ chức thi hành thể chế pháp luật,  đáp ứng kịp thời yêu cầu công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, “đổi mới để đi lên” đã và đang là một biểu tượng tự hào của ngành Tư pháp./.

 

 

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp