Dự thảo luật BHXH: Nên điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

17/05/2006
Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá XI sẽ thảo luận và thông qua Luật BHXH. Đây là một sự kiện quan trọng đối với những người đã, đang, sẽ tham gia và hưởng thụ các chế độ BHXH. Chúng tôi đã trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXHVN - về tuổi nghỉ hưu và một số vấn đề liên quan đến cân đối quỹ BHXH trong dự thảo luật - vốn được dư luận rất quan tâm. Ông cho biết:

 

- Tuổi nghỉ hưu trong những năm qua rất thấp, bình quân là 51,8 tuổi (nam là 54,8 tuổi và nữ là 49,2 tuổi) thấp hơn 6 tuổi so với mức chuẩn tuổi nghỉ hưu. Thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn. Tuổi thọ trung bình của nước ta theo dự báo đến năm 2010 là 71 tuổi, do đó thời gian hưởng BHXH rất dài, bình quân trên 20 năm.

Với mức đóng, mức hưởng như hiện nay thì tổng số tiền đóng trong 30 năm theo thang bảng lương của Nhà nước của 1 người chỉ đủ chi trả lương hưu trong 8 năm (đó là chưa xét đến yếu tố Nhà nước điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu kể từ năm 1995 đến nay tăng gấp 2,91 lần), do đó quỹ BHXH phải bù thêm khoảng 15 năm. Vì vậy, quỹ BHXH sẽ mất cân đối trầm trọng trong thời gian tới.

Xin lấy một ví dụ: Nếu người lao động có mức lương bình quân là 1 triệu đồng/tháng, mà nghỉ hưu sớm 1 tuổi thì quỹ BHXH mất cân đối 10,68 triệu đồng; vì người lao động không những không đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (15% x 12 tháng x 1 triệu đồng = 1,8 triệu đồng) mà còn hưởng ngay lương hưu (74% x 12 tháng x 1 triệu đồng = 8,88 triệu đồng). Vì vậy, từ nay không nên giảm tuổi nghỉ hưu, và từ năm 2010 từng bước điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu mỗi năm 0,5 tuổi (6 tháng) để tuổi nghỉ hưu đối với nam là 65 tuổi, nữ là 60 tuổi vào năm 2020.

* Ông nhận xét thế nào về tình trạng quỹ ốm đau, thai sản thì đang thừa, trong khi quỹ hưu trí và tử tuất lại thiếu?

- Tôi đồng tình phải tăng tỉ lệ đóng góp vào quỹ này (theo dự thảo luật tăng thêm 7%, trong đó 1% chuyển từ quỹ ngắn hạn sang và 3% do chủ sử dụng lao động đóng, người lao động đóng 3%). Tôi cho rằng việc đánh giá quỹ ốm đau, thai sản hiện nay còn thừa, nên chuyển 1% sang quỹ hưu trí và tử tuất là chưa phản ánh đúng tình trạng thực tế.

Tôi đề nghị tăng thêm 10% đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ 2010 mỗi năm người lao động đóng tăng 1%. Như vậy thì quỹ BHXH sẽ có tổng số đóng góp là 25%. Sở dĩ như vậy là do: Nếu đơn vị sử dụng lao động phải tăng tỉ lệ đóng, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế xã hội.

Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, thì ngân sách nhà nước phải tăng chi để cấp cho các đơn vị này đóng BHXH.

Đối với các doanh nghiệp thì chi phí sẽ tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng, sẽ tác động trực tiếp đến nền sản xuất xã hội.

Hai là: Hiện tại người lao động đóng 5%, bằng 1/3 so với tổng số mức đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất (15%), mà chỉ có họ được hưởng thụ toàn bộ khoản đóng góp đó. Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay có cơ cấu đóng góp vào quỹ BHXH là 50-50, nghĩa là chủ sử dụng lao động đóng góp 50%, người lao động đóng góp 50%. Nước ta cũng nên thực hiện như vậy.

* Có nên khống chế mức trần đóng BHXH như dự thảo luật không, thưa ông?

- Tôi cho rằng không nên khống chế mức đóng mà cần thiết khống chế mức hưởng lương hưu hàng tháng bằng 15 lần mức tiền lương tối thiểu, kết hợp với chi bổ sung một phần (khoảng 60%) và trả một lần cho người lao động, khi họ và chủ sử dụng lao động đóng vượt quá mức tiền lương đủ để hưởng trần lương hưu, phần còn lại (khoảng 40%) nhập vào quỹ BHXH.

(Theo Lao động)