Xây dựng Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

15/05/2006
Dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp này, hoàn thiện để QH thông qua vào kỳ họp cuối năm, cần hướng tới việc bảo vệ người lao động, nhưng đồng thời đưa lĩnh vực XKLÐ vào trật tự, kỷ cương

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước ta nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ lao động, tạo điều kiện để lao động nước ta tiếp cận và học hỏi khoa học-công nghệ tiên tiến. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy: xuất khẩu lao động (XKLÐ) là bước đi hợp lý của những quốc gia đang phát triển.

Hoạt động XKLÐ ở nước ta có thể phân định thành hai thời kỳ. Từ năm 1980 đến 1990: Hợp tác lao động với Liên Xô trước đây và các nước XHCN ở Ðông Âu. Từ năm 1991 đến nay: XKLÐ theo cơ chế thị trường, Nhà nước quản lý, các doanh nghiệp XKLÐ trực tiếp ký hợp đồng, tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ðến nay, cả nước có 400 nghìn lao động đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu nhập hằng năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD, cuộc sống của nhiều gia đình được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng, là một lĩnh vực nhạy cảm, XKLÐ đang tồn tại một số vấn đề bức xúc: thị trường thiếu ổn định, hoạt động của doanh nghiệp còn yếu kém; chất lượng lao động (tay nghề, ý thức kỷ luật, ngoại ngữ) chưa cao, nhất là tình trạng lao động bỏ hợp đồng cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn cao;  nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLÐ nhưng vẫn hoạt động lừa đảo, thu tiền trái phép của người lao động... Trong tình hình ấy, việc xây dựng và ban hành Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần siết lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực XKLÐ, phân định rõ quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động và gia đình họ, tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch về mặt pháp lý để đẩy nhanh XKLÐ vì sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động

Bên cạnh cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực XKLÐ là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thì doanh nghiệp XKLÐ, người lao động và gia đình họ là những chủ thể quan trọng hình thành nên mối quan hệ trong XKLÐ. Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh cả về thế và lực, sức cạnh tranh rất yếu, một số doanh nghiệp ra đời theo kiểu phong trào, thậm chí, có hiện tượng một số doanh nghiệp "bán" hoặc cho "thuê" giấy phép, gây bất ổn trên thị trường lao động. Dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là XKLÐ) lần này quy định rõ các tiêu chuẩn và điều kiện để thành lập doanh nghiệp XKLÐ. Dịch vụ XKLÐ là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến người lao động nên dự thảo xây dựng các quy định khá chặt chẽ và chi tiết trong tuyển chọn, đào tạo và quản lý lao động; hoạt động của các chi nhánh; việc thu phí dịch vụ, phí môi giới và tiền ký quỹ của người lao động. Doanh nghiệp XKLÐ vi phạm pháp luật có thể bị đình chỉ hoạt động, bị tước giấy phép; nếu hoạt động không hiệu quả hoặc không bảo đảm điều kiện sẽ bị thu hồi giấy phép.

Lĩnh vực XKLÐ mang tính đặc thù và liên quan trực tiếp con người, cho nên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không nên nhìn vào số lượng, mà phải coi trọng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế cơ quan soạn thảo luật đã đưa ra khá nhiều điều kiện về thủ tục, về tài chính, và một số vấn đề khác, làm hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp XKLÐ. Về mặt nguyên tắc, đặt ra nhiều rào cản như vậy là có thể hiểu được, nhưng cũng cần xem xét có tương thích với chủ trương, chính sách chung của Nhà nước ta hiện nay là thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp XKLÐ cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động thông qua đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động. Doanh nghiệp XKLÐ được quyền yêu cầu người lao động hoặc người bảo lãnh cho người lao động bồi thường thiệt hại, khởi kiện người lao động hoặc người bảo lãnh ra tòa án nếu người lao động vi phạm hợp đồng. Ðối với người lao động, dự thảo Luật quy định về quyền lợi như: Quyền được thông tin về chính sách, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực XKLÐ; được vay vốn, được đào tạo và giáo dục định hướng, được bảo vệ quyền lợi theo hợp đồng lao động... Ðồng thời, nêu rõ các trách nhiệm của người lao động khi làm việc ở nước ngoài: giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tôn trọng phong tục, tập quán nước tiếp nhận lao động; chủ động học nghề, học ngoại ngữ; về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Ðối với lao động tự ý bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ bị xử phạt hành chính, bị buộc về nước, hoặc xử lý hình sự (Nghị định 141/CP của Chính phủ). Nhằm bảo đảm cho người lao động thực hiện đúng hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, dự luật quy định về việc bảo lãnh cho người lao động thực hiện các nghĩa vụ vật chất thay cho người lao động, trong trường hợp người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình gây thiệt hại cho doanh nghiệp XKLÐ.

Gắn XKLРvới bảo vệ quyền lợi của người lao động

Những quy định của dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần bảo đảm hai yêu cầu: Phát triển sự nghiệp XKLÐ và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động. Thực tế hoạt động XKLÐ những năm qua cho thấy các quy định của pháp luật về lĩnh vực XKLÐ còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, các doanh nghiệp XKLÐ rất vất vả trong việc tìm thị trường, chọn đối tác cung ứng lao động, tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng, đưa người lao động ra nước ngoài và quản lý họ, tự xử lý các phát sinh, chịu nhiều tốn kém, nhưng thiếu sự hỗ trợ, quan tâm đúng mức của Nhà nước, sự thông cảm, chia sẻ của người lao động, gia đình và xã hội. Phải nói rằng, tìm được một chỗ làm việc ở nước ngoài, có thu nhập tốt là không dễ, doanh nghiệp XKLÐ phải tự bỏ chi phí "mua" chỗ làm việc và "bán" lại cho người lao động theo quy định của Nhà nước. Nhưng khi có sự cố (vì lĩnh vực XKLÐ gặp khá nhiều rủi ro) thì thiệt hại (vật chất và uy tín) tự doanh nghiệp XKLÐ gánh chịu. Ðó cũng là một điều thiếu công bằng. Thông thường, cách xây dựng luật ở nước ta là giao cho ngành phụ trách lĩnh vực trực tiếp soạn thảo luật của ngành đó quản lý, cho nên dễ sa vào tình trạng ngành khư khư bảo vệ quyền lợi của mình, đẩy cái khó sang ngành khác, hoặc cho đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật. Chúng tôi cho rằng, bên cạnh những vấn đề mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn và điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp XKLÐ; quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi làm việc ở nước ngoài, thì dự thảo luật cần tạo điều kiện để sự nghiệp XKLÐ phát triển, mang lại lợi ích cho đất nước, cho người lao động, gia đình họ và lợi ích của doanh nghiệp. Cần dứt khoát rũ bỏ cơ chế xin-cho trong lĩnh vực XKLÐ. Vì càng đặt ra các quy định phức tạp, thiếu khả thi, dễ nảy sinh phiền hà và tiêu cực.

(Theo Nhân dân)