Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Không phân biệt người Việt Nam hay nước ngoài

15/05/2006
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn chỉnh để có thể trình Quốc hội thông qua, ban hành vào năm 2007. So với thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện đang áp dụng, dự thảo Luật Thuế TNCN được xem là có nhiều bước thay đổi căn bản.

Tạo thói quen... nộp thuế

Đánh giá sau hơn 10 năm thực hiện chính sách thuế đối với thu nhập cao của cá nhân và hộ gia đình, Bộ Tài chính cho rằng, một trong những kết quả lớn nhất mà chính sách này đạt được là đã tạo lập được thói quen người dân có thu nhập là phải nộp thuế. Những tổ chức chi trả thu nhập cũng có thói quen khấu trừ thuế và cơ quan thuế cũng đã thực hiện kiểm soát thu thuế thu nhập của từng cá nhân.

Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn rất nhiều hạn chế: Quy định người nộp thuế là "công dân Việt Nam...", nhưng trên thực tế, khi "công dân Việt Nam" đi công tác, lao động ở nước ngoài thì cơ quan thuế không cách gì quản được thu nhập của họ. Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập vừa cao, vừa bình quân nên chưa bảo đảm công bằng. Cụ thể, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập hiện hành đối với người Việt Nam là 5 triệu đồng/tháng, người nước ngoài là 8 triệu đồng/tháng. Mức khởi điểm chịu thuế này cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người (năm 2004 ước khoảng 745.000 đồng/người/tháng) hoặc thu nhập bình quân đầu người (năm 2004 ước khoảng 489.000 đồng/tháng) và cao hơn mức chiết trừ gia cảnh của nhiều nước.

Luật Thuế thu nhập cao hiện hành phân biệt rõ công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Vì thế, người Việt Nam chỉ cần có thu nhập tới 40 triệu đồng/tháng là đã phải chịu mức thuế cao nhất (40%), trong khi người nước ngoài phải đến 80 triệu đồng mới phải chịu mức thuế này...

Không thể "một mình một chợ"

Ngày 12-5, một quan chức của Bộ Tài chính thừa nhận: Chúng ta đang tiến hành hội nhập, vì thế phải theo chuẩn mực chung, không thể cứ "một mình một chợ"! Sư thống nhất này sẽ làm cho Luật Thuế TNCN tiến bộ hơn và không bị vướng khi thực hiện, nhất là đối với người nước ngoài - đối tượng đóng góp lớn cho tổng thu thuế thu nhập ở Việt Nam. Theo dự thảo Luật Thuế TNCN mới, tất cả các khoản góp phần tạo nên thu nhập của cá nhân đều được đưa vào tính thuế thu nhập cá nhân (thu từ chuyển quyền bất động sản, tiến công, tiền lương, thu từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, thừa kế, quà biếu...) thay vì mỗi khoản thu lại phải điều tiết theo một loại thuế riêng như hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo cũng tính đến chi phí tạo nên thu nhập, vì thế, đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được khấu trừ 5% trong tổng thu nhập trước khi tính thuế. Một số ngành nghề đặc biệt sẽ có mức khấu trừ cao hơn, nhưng không quá 10%. Ngoài ra, người nộp thuế còn có thể được khấu trừ chi phí đóng bảo hiểm, chi phí thừa kế.

Thay vì cào bằng một mức thuế cho người có cùng thu nhập như hiện nay, dự thảo luật thuế mới cũng tính đến mức chiết trừ gia cảnh cho các đối tượng nộp thuế. Theo đó, cá nhân người nộp thuế sẽ được trừ 1 triệu đồng/tháng, những người ăn theo (con cái, bố mẹ già...) được khấu trừ 500.000 đồng/tháng, trừ chi phí chung cho gia đình: 300.000 đồng/tháng. Mỗi người con đang đi học sẽ được trừ tiếp 300.000 đồng/tháng trước khi tính thuế thu nhập cho bố hoặc mẹ. Khoản thu nhập còn lại sẽ được tính thuế theo lũy tiến với mức thuế khởi điểm là 5% (thay vì 10% như hiện nay). Tuy nhiên, mức khởi điểm chịu thuế chắc chắn sẽ giảm xuống dưới 5 triệu đồng.

Nhiều ý kiến đang đề xuất mức khởi điểm nộp thuế đối với người có gia đình (vợ hoặc chồng, con) vào khoảng 3,5 triệu đồng. Đối với người độc thân mức khởi điểm chịu thuế sẽ còn thấp nữa (có thể dưới 2 triệu đồng). Vì thế, diện nộp thuế chắc chắn sẽ được mở rộng. Tuy nhiên, mức thuế cao nhất cũng sẽ được giảm từ 40% như hiện nay xuống còn 35% để phù hợp với các nước trong khu vực (Malaysia 28%, Thái-lan 37%...).

Việc thực hiện chính sách thuế mới sau khi được Quốc hội thông qua sẽ phải theo lộ trình. Một số khoản thu nhập hiện thời chưa tính thuế (trợ cấp, thu từ lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu...) sẽ thực hiện chính sách miễn có thời hạn và tạm miễn.

(Theo Lao động)