* Những yêu cầu của nhà đầu tư (phải làm gì, được quyền làm gì, trách nhiệm như thế nào) khi bắt đầu triển khai dự án được thể hiện trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư (gọi tắt là Dự thảo Nghị định), thưa ông?
- Đó là nguyên tắc mà Ban soạn thảo đặt ra khi xây dựng Dự thảo Nghị định. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng được xây dựng theo nguyên tắc các quy định chuyên ngành sẽ không được nhắc lại trong văn bản này trừ khi các nội dung đó chưa được các văn bản quy phạm chuyên ngành hướng dẫn.
Chính vì vậy, nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định là tập trung thể hiện rõ, cụ thể hơn những vấn đề về hội nhập, như liên quan đến trợ cấp, thực hiện cam kết xoá bỏ rào cản trong đầu tư để nhà đầu tư biết rõ những gì được phép làm, những gì bị cấm. Đặc biệt, danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, lĩnh vực hạn chế đầu tư, các thủ tục hành chính... sẽ được cập nhật theo những kết quả mới nhất trong các cuộc đàm phán của Việt Nam với quốc tế.
Về thủ tục đầu tư, Dự thảo Nghị định quy định rất cụ thể “đường đi” để nhà đầu tư với mỗi dự án cụ thể sẽ tự căn cứ và xác định được một cách rõ ràng những thủ tục cần phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Nguyên tắc trong xây dựng thủ tục đầu tư là đơn giản, rõ ràng và theo những mẫu thống nhất dành cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
* Một thực tế là, khá nhiều văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư bắt đầu không còn phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam mới ký kết?
- Đúng vậy. Chúng tôi đã có những khuyến cáo về tình trạng này để có sự rà soát, xem xét lại các văn bản hiện hành nhằm phát hiện những mâu thuẫn, không phù hợp để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Không phải mọi vấn đề đều được quy định tại Dự thảo Nghị định.
Chẳng hạn, Dự thảo Nghị định sẽ đưa ra những tiêu chí thống nhất làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hay hạn chế đầu tư nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đây là cơ sở để các quy định về ưu đãi thuế, đất đai làm căn cứ đưa ra mức thuế cụ thể. Với cách làm này, mục tiêu khuyến khích đầu tư là chính sách của Nhà nước phụ thuộc vào các chiến lược phát triển vùng, lĩnh vực, ngành... nằm trong tổng thể chiến lược chung được thực hiện, tránh tình trạng cùng một nội dung ưu đãi nhưng lại có những danh mục khác nhau như hiện nay.
* Về phân cấp quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư, Dự thảo Nghị định có điểm gì mới?
- Sẽ phân cấp các dự án từ 800 tỷ đồng trở xuống cho các địa phương. Các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng được đề nghị xem là một cấp hành chính và cũng được phân cấp tương tự. Một số dự án có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, tới chính sách chung... sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Các lĩnh vực khác được quy định tại các luật chuyên ngành, như bảo hiểm, tài chính... vẫn tiếp tục thực hiện theo các văn bản đã có.
Một điểm mới nữa là Dự thảo Nghị định đang đề nghị xác định vai trò cụ thể các bộ có liên quan trong hoạt động quản lý đầu tư, đặc biệt trong khâu giám sát, thanh tra đầu tư. Hiện có quan điểm sai lầm là cơ quan cấp chứng nhận đầu tư là cơ quan quản lý xuyên suốt quá trình hoạt động đầu tư. Cần phải làm rõ rằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ là khâu “khai sinh” ra một dự án, còn hoạt động của dự án này sau khi hoàn thành, phải tuân thủ các quy định của chuyên ngành.
(Theo Đầu tư)